Phú Nhuận yêu thương

HOÀNG MY 29/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT - Nhà ngoại tôi ở Phú Nhuận, cạnh một đường tàu vang tiếng xình xịch suốt đêm ngày. Từ trạm xe buýt hay xe lam nào đó, muốn vào nhà ngoại phải băng qua một con phố nhỏ xuyên chợ Ga.

Minh họa: Lê Đình QuỳNgười sinh sống ở hai bên con đường ấy xưa kia đa số làm nghề nặn tượng cho xóm đạo, nên phía trước nhà và cả ngoài sân trưng bày rất nhiều bức thạch cao lớn nhỏ.

Mãi mãi, trong hình dung của tôi, đường về nhà ngoại luôn xuyên qua hai dãy tượng nhìn xuống con bé gầy nhom ngơ ngác bước. Bất chấp thời gian, nhất định phải là như thế.

Nhớ ngày bé, có những tối khuya mẹ dắt tay tôi và đứa em trai đi bộ dọc theo con đường lạ lùng dễ gợi nhiều tưởng tượng ấy, dưới ánh đèn vàng nhàn nhạt ấm áp nhưng vắng lặng.

Đó là khi chúng tôi mới vừa từ dưới quê đùm túm lên thăm ngoại, hoặc họa hoằn được mẹ dẫn đi ăn vặt. Nỗi sung sướng vì thấy đèn điện ngập ngời, cảm giác mình đã trở về quê ngoại vô cùng quen thuộc, nỗi sờ sợ vu vơ của một đứa trẻ trước những khuôn mặt tượng nhấp nhô như ẩn nấp... đan xen.

Bây giờ, vẫn con đường be bé về nhà ngoại, nhiều người đã bỏ nghề, chỉ còn đâu đó vài ngôi nhà còn giữ lại bên ngoài dăm ba bức tượng. Như thể đấy là cách để luyến lưu về một thời xa xăm.

Mùa hè năm tôi học lớp sáu, ngay đầu con phố dẫn vào nhà ngoại xuất hiện một cửa hiệu nhỏ xíu, bày bán ít đồ lưu niệm trong tủ kính. Đập vào mắt đứa con gái mười hai tuổi khi ấy là một em búp bê nho nhỏ tóc vàng ươm đang ở trong tư thế như hơi quỳ.

Váy áo điệu đàng lộng lẫy khó tả. Tôi mỗi bận ngang qua là không thể cưỡng lại ánh nhìn thèm khát và ao ước. Nhưng hồi ấy, mua cho con món đồ chơi xa xỉ như thế thật quá khả năng lẫn thói quen của một bà mẹ quê...

Tôi, sau này lên đại học, cũng ở nhà ngoại. Em búp bê không chờ được tới ngày tôi lớn hơn, hoặc giả nếu em vẫn xinh đẹp ở đấy thì tôi cũng không còn bé mọn để ẵm bồng nâng niu nữa...

Thế nhưng, tôi sau này bao lần ngang qua đầu phố vẫn theo phản xạ nhìn về nơi từng là hiệu bán đồ lưu niệm, có một cái tủ kính bày hàng lóng lánh... Thương mình và thương cả em búp bê không có duyên với nhau.

Thời sinh viên gắn bó với từng góc phố hàng cây, khi thi thoảng buổi chiều ôm sách vở qua một khu chung cư rợp mát gần đấy học bài, nơi hẹn hò đầu đời cũng chính là cái công viên gần nhà ngoại. Quán chè kem ở một con phố nhiều tiệm sách cũ, mỗi khi có bạn ở quận khác qua chơi tôi mới dám “chơi sang” ghé vào.

Lần này hai đứa ăn ya-ua thì bữa sau mới thử món bột chiên nhiều hấp dẫn, chứ không ai đủ tiền để mà thỏa thích đãi bạn. Bưu điện Phú Nhuận, nơi tôi tháng tháng ngong ngóng nhận thư chuyển tiền của gia đình, thuở ấy vô cùng to đẹp và sầm uất, các chị các cô giao dịch áo dài tha thướt ra vào. Giờ thoáng qua ngã tư, ngó cảnh tàn phai mà chạnh buồn.

Hồi mới lấy chồng, có những hôm đi làm về, tôi theo thói quen vẫn chạy xe qua hướng Phú Nhuận. Gần tới nơi mới giật mình nhớ ra nay mình đã đổi thay một chốn đi về rồi...

Vài đợt đổi chỗ làm, dời chỗ ở, Phú Nhuận càng xa xăm, cùng với lý do bận bịu con cái, công việc khiến tôi ít khi quay lại hướng đó, đường đó, nhà ngoại bên đó.

Rồi một ngày, ngoại mất. Đột ngột. Giữa trưa tôi tất tả chạy từ cơ quan về Phú Nhuận, phải dừng lại mấy lần lau mắt kiếng cho đỡ nhòe nước. Ngay lúc ấy tôi ngỡ ngàng nhận ra, thật ra đường không dài lắm, mà do mình khôn lớn, có xe cộ nhưng lại cứ xa dần, xa dần.

Ngang qua chợ Ga, tôi chợt muốn dừng lại mua cho ngoại trái dưa hấu đỏ, mấy cái bánh đa mè, vài quả bắp nấu, những thứ quà ngoại từng ưa thích. Rồi thắt lòng hiểu ra, mọi thứ bỗng chốc đã thành muộn màng...

Hôm đưa ngoại đi, tôi ngồi trên xe tang, vòng vèo qua mấy nẻo đường quen thuộc. Từng nắm kỷ niệm rưng rưng ùa về, tươi rói. Phú Nhuận thân yêu lắm, gắn liền với bao ký ức ấu thơ vẫn còn nguyên đó, mà cuộc sống thì mỗi ngày mỗi trôi qua, vội vàng, tất bật, ơ hờ... Thấy mình ứa nước mắt mà thương.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận