Sau vụ Charlie Hebdo: “Có gì đó trong chúng ta đã chết"

MINH NHIÊN (trích dịch) 13/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Cuối cùng, hai nhà báo của tuần báo biếm Charlie Hebdo sống sót qua vụ tấn công vào tòa soạn tháng 1-2015, họa sĩ biếm Renald Luzier và nhà văn Patrick Pelloux, đã quyết định rời Charlie Hebdo.

Họa sĩ biếm Renald Luzier (trái) và nhà văn Patrick Pelloux -AP
Họa sĩ biếm Renald Luzier (trái) và nhà văn Patrick Pelloux -AP

Renald Luzier ngưng cộng tác vào đầu tháng 10, trong khi Pelloux ra đi vào đầu năm sau. TTCT giới thiệu một góc nhìn về câu chuyện này từ cuộc trò chuyện của Hãng tin Nga Lenta.ru (1) với họa sĩ, nhà lý thuyết nghệ thuật Nga Anatoli Osmolovsky (A.O.) và nhà sử học, họa sĩ Georgi Litichevski (G.L.).

Khi họa sĩ là những con dê tế thần 

Lenta.ru: Biếm họa của Charlie Hebdo về cậu bé Syria, theo ông, có nên không?

- A.O.: Không đơn giản là nên không, mà là cần thiết! Bởi biếm họa chính trị phải làm điều đó: chỉ ra cho xã hội những mặt xấu xí của nó. Không ai và chẳng khi nào người ta cười khi xem biếm họa chính trị cả, người ta chỉ cười (khi xem) Louis de Funes (2) thôi.

Còn biếm họa chính trị phải làm người ta sợ. Và chính bức tranh của Charlie Hebdo đã làm điều đó.

Nhưng công chúng than phiền là bức tranh làm tổn thương cảm xúc của họ và người thân cậu bé?

- Vậy thì lẽ ra không nên đăng hình cậu bé. Và có thể tốt hơn là ta không nên biết là ở đâu đó người ta đang chết để có thể yên ổn sống trong một thế giới ta cho rằng không có mâu thuẫn và vấn đề...? Đơn giản là trong tình huống này, các họa sĩ biếm bị biến thành những con dê tế thần.

Cần phải khiêu khích cảm xúc... Nghệ thuật chính là để làm điều đó, để nhắc con người rằng họ còn có tâm hồn. Nỗi sợ làm tổn thương cảm xúc của ai đó - dù là tôn giáo, chính trị, đạo đức hay cảm xúc nào khác, tôi cho rằng đó là ý đồ nhằm dẫn tới một chế độ lồng kính thoái hóa, nơi không ai xúc phạm ai và không ai cảm thấy gì.

Việc khiêu khích cảm xúc bằng các phương tiện nghệ thuật phải hiện diện trong một xã hội bình thường hiện đại.

Nhưng có thể chạm được vào người xem bằng nhiều cách khác nhau, bởi bảng sắc độ của cảm xúc rất lớn mà...

- Nhưng xúc cảm ủy mị từ lâu đã được trao cho nghệ thuật salon tung tác. Nghệ thuật salon đó là khi đa số người làm cùng một việc như nhau. Làm việc trong phân khúc này chẳng mấy thú vị, và các họa sĩ nghiêm túc thường không làm những việc này.

Thật tình, việc chọc ngoáy cảm xúc hiện giờ cũng chẳng phải là phân khúc đặc biệt thú vị. Nó chỉ mới vào thập niên 1990 thôi. Nhưng ở đây cần nhận xét là xúc phạm tình cảm của ai đó dù sao cũng là một chiến dịch nguy hiểm. Các nhân viên của tòa soạn Charlie Hebdo đã bị bắn vì thế.

Charlie Hebdo số ra tuần cuối tháng 9 đã đăng thư từ chức của Renald Luzier, tác giả bức biếm họa vẽ cậu bé di dân Syria chết đuối cạnh tấm biển chú hề của McDonald's. Bảo vệ bức biếm họa bị lên án, Luzier giải thích bức tranh nhằm “chế nhạo xã hội tự do đạo đức giả của chúng ta”. Riêng nhà văn Pelloux, trong một trả lời phỏng vấn trước đó cho Web7radio đã cho biết ông quyết định ngưng viết vì “có gì đó đã kết thúc...” và rằng “những ai thoát khỏi vụ thảm sát không phải là những kẻ sống sót thật sự bởi vì một phần trong chúng ta đã chết cùng những vụ tấn công này”
(http://www.ibtimes.com/two-charlie-hebdo-survivors-confirm-departures-satirical-magazines-staff-2115611)

Nếu việc gây sốc đã lạc hậu thì giờ đây những nghệ sĩ nghiêm túc nên đánh vào những cảm xúc nào?

- Vào nỗi sợ, chẳng hạn. Vào lương tâm không trong sạch. Đặc biệt là ở xã hội phương Tây. Bởi bức biếm họa vẽ cậu bé đang làm điều đó. Đây là xu hướng nóng nhất: làm việc với lương tâm tội lỗi...

Với những ai được vây bọc bởi cuộc sống tiện nghi và không muốn biết bên ngoài cuộc sống đó là cả một địa ngục.

Ví dụ họa sĩ Tây Ban Nha Santiago Sierra mới đây đã làm một khối lập phương rất lớn, dường như bằng sắt, trên đó viết mất bao nhiêu giờ để những làm công khác nhau được thuê chế tạo ra nó.

Như một minh chứng về lao động của người khác trong nghệ thuật. Hiện nay ai cũng biết người châu Âu đã tham gia vào việc gây ra bất ổn ở Bắc Phi. Và dòng di dân mới nhất là hậu quả logic của chính sách châu Âu này.

Có ý kiến cho rằng biếm họa này chủ yếu nhắm vào người Pháp với truyền thống châm biếm lâu đời của họ, vì thế đại diện các nền văn hóa khác khó mà diễn giải chính xác.

- Tôi không cho rằng bức biếm họa cụ thể đó khó hiểu với dân nhập cư. Hơn thế nữa, tôi cho rằng bằng cách nào đó, nó là sự cảnh báo cho người nhập cư. Họ không hoàn toàn thấu đáo đang đi về đâu. Bảng quảng cáo McDonald's bên bờ biển là một nhắc nhở ý nhị. Họ đang đi vào thế giới của thức ăn nhanh và những thủ đoạn trơ tráo.

Bởi thế giới tư bản được hình thành từ những cuộc công kích. Cần học cách đối phó lại nó. Bằng cách này, những tác phẩm nghệ thuật dường như xúc phạm tình cảm của ai đó trong nhiều cách lại là sự đào tạo kỹ năng để đừng bị rơi vào những chiến lược tiếp thị và những đòn ma mãnh. Trong số những thứ khác thì đó là một liều chủng ngừa để chống lại những mánh khóe, để phát triển phản xạ và năng lực cho khả năng tự phân tích.

“Đa văn hóa là cây gậy hai đầu”

Lenta.ru: Biếm họa có thể xúc phạm không?

- G.L.: Ai muốn bị xúc phạm thì đều có thể tìm ra cớ để cảm nhận như thế... Nếu họa sĩ phải nghĩ về tất cả những người muốn bị xúc phạm thì ông ta phải bó tay thôi. Từ một phía khác, xem một biếm họa (cũng như bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khác) cũng đòi hỏi một sự chuẩn bị nhất định.

Thử nhớ lại một ví dụ kinh điển của nghề bếp núc đi: ôliu chỉ ngon với người sành ăn. Nên việc một ấn bản đại chúng rơi vào tay của những người khác nhau, trong đó có những độc giả chưa chuẩn bị, là một chuyện khác.

Ghế điện. Tranh của Andy Warhol  -galleryhip.com
Ghế điện. Tranh của Andy Warhol -galleryhip.com

Ở các nước khác nhau có những truyền thống khác nhau, kể cả trong lĩnh vực biếm họa. Nước Nga, nằm giữa Đông và Tây, cho phép mình ít (tự do) hơn châu Âu. Châu Âu đã đạt được một mức độ nhất định của tự do.

Cuối cùng là Pháp - đất nước có truyền thống lâu đời về sự trào phúng: ở đó từng có Rabelais và François Villon (3). Nhưng giờ đất nước này đã trở nên đa văn hóa, và người tiêu dùng những sản phẩm văn hóa của nó đang là những người mới di cư đến. Từ đó xuất hiện phản ứng bất ngờ với biếm họa.

Nhưng điều đó không có nghĩa là nước Pháp phải từ bỏ truyền thống văn hóa của mình và chấm dứt vẽ biếm họa, những bức tranh mà ở đó người ta vẽ không phải mới trăm năm qua.

Liệu người họa sĩ có phải luôn tâm niệm rằng những người dân không chính gốc Pháp có thể không hiểu đúng ý đồ của bức tranh?

- Tôi tin rằng vụ xìcăngđan không phải do người tị nạn thổi lên, mà ai đó muốn lợi dụng tình hình hiện nay. Chuyện bức biếm họa đó đăng trên một tờ tạp chí châu Âu ở một nước châu Âu cũng không phải là không quan trọng.

Đâu có ai ném bức biếm họa này như một sản phẩm tuyên truyền xuống Syria đâu. Còn những di dân tới Pháp phải hiểu trong đầu rằng những truyền thống văn hóa ở đây có khác. Và không chỉ đất nước tiếp nhận (người di dân) phải tính đến những đặc thù dân tộc, mà cả họ (di dân) cũng phải tính đến đặc thù địa phương đó. Đa văn hóa là cây gậy hai đầu.

Biếm họa luôn nằm trong vùng nguy cơ. Bản thân nó là phản ứng sắc bén tức thì cho một tình hình nào đó và nhắm vào khán giả rộng rãi. Mà nhìn chung, toàn bộ lịch sử biếm họa thường gắn với tòa án và sự giận dữ của công chúng.

Vậy nghệ thuật có phải phục tùng đạo đức?

- Đạo đức không thể quyết định đề tài gì nên được nghệ thuật soi sáng. Vô đạo đức là khi cầm bức tranh đập vào đầu khán giả, còn thì có thể mô tả trên tranh những gì ta muốn nói. Nếu ai không thích thì đừng xem tranh. Còn thì không có đề tài cấm.

Vâng, có thể có một số cấm đoán vẽ gì đó, ai đó ở một số nền văn hóa, nhưng những cấm đoán này là ước định và nhắm vào một nhóm người nào đó. Còn nếu chúng ta cứ phải giữ hết tất cả trong đầu thì ta chẳng thể vẽ gì ngoài họa tiết trang trí.

Công lý của người Anh. Biếm họa của họa sĩ Anh Thomas Rowlandson (1756-1827)
Công lý của người Anh. Biếm họa của họa sĩ Anh Thomas Rowlandson (1756-1827)

...Thêm vào đó, bức biếm họa này đúng ra là nhằm phê phán thị hiếu dễ dãi đang thấm đẫm nền văn hóa đại chúng, chứ không phải là biện hộ cho nó. Biếm họa mô tả không phải cậu bé, mà là tấm ảnh những phương tiện truyền thông đăng tải. Trong báo chí có một vấn đề luôn được tranh luận: cái gì có thể đăng và cái gì thì không: cảnh hành hình, bạo lực...

Những bức ảnh này gây ảnh hưởng chấn động đối với khán giả và quan trọng không phải ở cái nó mô tả mà là ở sự say mê của khán giả với chuyện giật gân. Ở đây là sự quyến rũ của cái chết. Bức biếm họa này đã đưa tình hình hiện nay trở lại tầm mức con người, bởi người họa sĩ tận tay vẽ lại tấm ảnh.

Có thể ví công việc này với các công trình của Andy Warhol. Ông vẽ lại nhiều lần những bức ảnh về những trường hợp bất hạnh trên báo, những cuộc hành hình trên ghế điện. Từ việc này mà những tấm ảnh đó mất đi sự hấp dẫn của cái chết. Bởi người tiêu dùng hiện đại không muốn trở nên hấp dẫn bằng những bức tranh như thế. Chính vì vậy người ta không thích họa sĩ biếm và nghệ sĩ hài - họ tước mất của con người niềm khoái lạc bị bỏ bùa! ■

(1): http://lenta.ru/articles/2015/09/18/abuse/.

(2): Louis Germain David de Funes de Galarza (1914-1983): diễn viên, biên kịch và đạo diễn nổi tiếng của Pháp, còn được biết đến như một trong những diễn viên hài hàng đầu điện ảnh thế giới.

(3): François Rabelais (1494-1553) - nhà văn Pháp thời Phục hưng, tác giả của tiểu thuyết trào phúng nổi tiếng “Gargantua và Pantagruel”. François Villon (1431-1463) - nhà thơ lớn thời Trung cổ Pháp, vốn là một tay đạo chích, nổi tiếng với nhiều bài thơ khôi hài nhưng đầy tính triết lý và bi kịch. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận