Sự biến mất của các ông voi

PHƯƠNG QUÝ 01/01/2016 03:12 GMT+7

TTCT - Xung quanh đền Hùng hiện chưa có số liệu về các ông Voi bị biến mất. Kỹ sư địa chất kiêm nhiếp ảnh gia Vương Hồng cũng vừa qua đời năm ngoái, chẳng ai rỗi hơi như ông để trèo cây đếm xem còn mấy ông Voi quanh đền Hùng

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí


Quê tôi ở Phong Châu, Phú Thọ - một vùng đầy ắp truyền thuyết về lịch sử các vua Hùng, trong đó có truyền thuyết về 100 ông Voi quần tụ xung quanh núi Nghĩa Lĩnh.

Một trăm ông Voi này thật ra là những núi đồi to nhỏ có hình dáng một con voi, ở mỗi địa phương có tên gọi khác nhau. Ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh có núi Voi, là ông Voi nằm chầu ngược về hướng bắc, trong truyền thuyết là con voi thứ một trăm không quy phục về đền Hùng và bị công chúa Bầu, con vua Hùng Vương, chém đứt cổ.

Ở xã Phù Lỗ có núi Chò, núi Viện. Sát đền Hùng có núi Vặn... Mỗi ông Voi đều mang trên mình một sự tích gắn liền với thời đại 18 đời vua Hùng dựng nước.

Kỹ sư địa chất kiêm nhà nhiếp ảnh Vương Hồng (Liên hiệp Hội VHNT Phú Thọ) cách đây đúng 15 năm đã cùng đồng sự cất công lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, trèo lên cây cổ thụ dùng ống nhòm để đếm và kiểm tra xem còn đủ 100 ông Voi xung quanh đền Hùng hay không?

Rồi ông hốt hoảng thông báo: “Có ba ông Voi bị biến mất!”. Điều này giống như chuyện cổ tích, sau một đêm mưa to gió lớn bỗng Bụt hiện lên giấu mấy ông Voi vào trong tay áo. Dân làm báo chúng tôi cũng vì tò mò mà đi tìm hiểu cùng nhà địa chất xem sự thể ra sao.

Hóa ra các ông Voi bị con cháu vua Hùng “xẻ thịt”, san ủi làm khu công nghiệp. Nổi tiếng nhất là vụ “làm thịt” ông Voi có tên đồi Mả Quan ở xã Thụy Vân với những cuộc phản đối của dân làng Thụy Vân.

Hình như sau vụ việc trên, người ta bớt đụng đến các ông Voi. Rồi mấy năm nay, thảm họa “làm thịt” Voi tiếp tục. Ông Voi quay đầu ngược bị công chúa Bầu chém đứt cổ nay vẫn còn hai hốc mắt đầy lệ huyết.

Các nhà văn thuộc Chi hội văn học dân gian Phú Thọ đã có nhiều bài viết minh oan cho ông Voi này rằng đang lúc quan quân vui mừng chiến thắng, đất nước an lạc thái bình phải có một ông Voi cảnh giác nằm quay đầu lên biên giới phòng giặc giã, chứ ông có lòng dạ nào?!

Nhưng lịch sử không thể thay đổi được, thế nên bây giờ hai bên đầu ông Voi người ta đang ra sức đục phá. Mang tai bên phải của ông Voi bị xả một miếng lớn để lấy mặt bằng. Vòi voi bị mấy hộ dân múc đất chở đi bán, san nền nhà. Sườn bên trái sát quốc lộ 2 nham nhở vết thương vì những vụ làm nhà xưởng, quán ăn nhậu.
Họ đã chuyển nhượng (bán) cho một ông thầu xây dựng và “úm ba la” ông Voi biến mất, chỉ còn lại một bãi đất rộng hơn 20ha, một công ty may mặc của Hàn Quốc đã về thuê mặt bằng, lập xưởng, tuyển công nhân.Thê thảm nhất có thể nói đến ông Voi có tên núi Bắp Bò ở địa phận tiếp giáp ba xã Phú Nham - Phú Lộc - Gia Thanh. Chỉ trong vòng một năm, ông Voi cõng trên lưng đầy bạch đàn xanh biến mất. Khu đất này thuộc quyền sử dụng 50 năm của mấy hộ dân thuộc khu hành chính số 6 xã Phú Lộc.

Những kẻ xa quê như chúng tôi khi trở về đều ngỡ ngàng trước sự thay đổi quá đột ngột, trong lòng chạnh nhớ nơi chăn trâu kiếm củi thuở ấu thơ, nhớ từng bụi sim chín ngọt, từng cây bứa chua giòn, từng bãi tế cao ngập đầu người thả sức trốn tìm.

Nghe dư luận ba ông Voi nhỏ gần khu Dộc Hồng cũng sắp bị “làm thịt”. Bà con trong xóm và dọc hai bên huyện lộ bàn tán về mức đền bù đất. Họ đang tranh thủ trồng thêm cây ăn quả lâu năm xen kẽ trong vườn. Xây thêm bờ rào bằng gạch đất, nhà ở xây bằng vôi cát, loại nhà tạm và không chắc chắn.

Sao lại thế? Là bà con đón tiền đền bù tài sản hoa màu trên đất. Hóa ra ai cũng tham lam cả, chẳng ai chịu nghĩ tới lịch sử, đến di tích... Xung quanh đền Hùng hiện chưa có số liệu về các ông Voi bị biến mất. Kỹ sư địa chất kiêm nhiếp ảnh gia Vương Hồng cũng vừa qua đời năm ngoái, chẳng ai rỗi hơi như ông để trèo cây đếm xem còn mấy ông Voi quanh đền Hùng.

Những ông Voi trong truyền thuyết biến mất sẽ nói lên điều gì? Có thể lịch sử cũ sẽ lùi lại, biến mất để nhường đường cho một giai đoạn lịch sử mới mà mai sau con cháu chúng ta mới phán xét được. Có muộn quá không?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận