Thể thao Việt cần một cuộc cách mạng

HUY THỌ 16/08/2021 03:00 GMT+7

TTCT - Khi nói về việc thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Tokyo, lý do đầu tiên thường được nêu ra là “tiền đâu?”.

 
Nhà nước chỉ nên dừng lại ở việc hỗ trợ các liên đoàn thể thao thực thụ. Ảnh: VNplus

 

Tôi xin thuật lại một cuộc trò chuyện ngắn với ông Phạm Văn Tuấn, nguyên tổng cục phó Tổng cục TDTT, ngay sau lễ bế mạc Olympic Tokyo: Theo ông, ngân sách nhà nước chi cho thể thao nhiều hay ít? Trả lời: “Quá ít”! 

Thưa ông, kinh phí từ ngân sách cho thể thao không nên chỉ tính một khoản chi cho Tổng cục TDTT mà phải tính cả gần 800 trung tâm TDTT quận huyện cùng 63 sở thể thao (nằm chung với văn hóa hoặc cả du lịch) tỉnh thành và hai ngành công an, quân đội (ví dụ tiền nuôi Ánh Viên phần lớn từ quân đội chi, và đó cũng là tiền ngân sách)? 

Trả lời: “Ồ, nếu tính như vậy thì không ít chút nào. Thậm chí phải nói là rất lớn!”.

Cách đây gần 20 năm, một quan chức của TP.HCM có hỏi người viết: “Theo bạn, cần làm gì để vực dậy thể thao?”. 

Câu trả lời của tôi là hãy giải tán bộ máy thể thao cồng kềnh như hiện nay! Nếu đủ dũng cảm để làm cuộc cách mạng như thế, thể thao Việt sẽ thay đổi mạnh mẽ. Đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng đó là hướng đi duy nhất để thay đổi và đưa thể thao VN phát triển.

Nhà nước tốn không ít tiền cho thể thao nhưng dàn trải để nuôi một bộ máy quá ư cồng kềnh. Khi dàn trải thì mỗi HLV, VĐV, cán bộ ngành thể thao chỉ nhận một khoản ít ỏi không đủ nuôi thân, dẫn đến việc nói đến tiền ai cũng ca cẩm.

Chúng ta đã có nhiều bài học cho thấy cứ mạnh dạn giao thể thao cho tư nhân, nó sẽ phát triển mạnh mẽ. Như ở Gia Lai, nếu khi còn ngồi ghế giám đốc Sở TDTT Gia Lai, ông Phạm Văn Tuấn sợ bị kỷ luật mà không giao bóng đá cho bầu Đức thì chắc chắn giờ này phố núi không đình đám trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Tương tự, phong trào chạy bộ bùng phát mạnh mẽ mấy năm gần đây là nhờ ai? Bóng dáng bộ máy thể thao nhà nước trong chuyện này rất mờ nhạt. 

Có người nói vui rằng công lớn nhất của bộ máy thể thao nhà nước trong việc phát triển phong trào chạy bộ là... không cản trở nó! Hay bóng rổ, giải chuyên nghiệp VBA gây tiếng vang cũng là nhờ tư nhân.

Nhà nước nên tinh giản tối đa bộ máy thể thao, để các sân bãi thể thao trong tay nhà nước trở thành các CLB và được điều hành bởi chính những cán bộ, HLV lâu nay sống buồn theo đồng lương ít ỏi từ ngân sách. 

Chắc chắn họ sẽ tạo ra được sức sống mới, trên cơ sở làm nhiều, làm sáng tạo để có hiệu quả thì sẽ thu nhập cao.

Cách làm này từng được thử nghiệm thành công ở quận 3 (TP.HCM) khi giao hồ bơi Kỳ Đồng cho ông Hoàng Đặng Nam hồi thập niên 1990. Tiếc là nó không được nhân rộng.

Chuyện của Nhà nước khi đó chỉ cần tập trung hai việc: (1) tạo ra nhiều sân bãi và các địa điểm công cộng mà người dân có thể vui chơi, tập luyện TDTT; và (2) đẩy mạnh xã hội hóa bằng cách phát huy vai trò của các liên đoàn thể thao; hạn chế tối đa việc các quan chức về hưu “nhảy dù” vào liên đoàn. 

Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí cho liên đoàn trong việc nuôi đội tuyển đỉnh cao làm nhiệm vụ quốc gia.

Song song cuộc cách mạng ở thể thao thì phía giáo dục cũng cần xóa bỏ sự cũ kỹ, nặng nề lý thuyết trong môn giáo dục thể chất, đưa thể thao học đường đi đúng theo nhu cầu của học sinh. Thật ra, đây không phải là những điều mới mẻ, mà chỉ là chép lại mô hình ở các nước tiên tiến mà thôi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận