"Thiên đường" Thái League...

HUY ĐĂNG - SỸ HUYÊN 22/02/2019 02:02 GMT+7

TTCT - Đội tuyển Việt Nam đang là nhà vô địch của Đông Nam Á, nhưng ở cấp độ CLB, Thái Lan vẫn thực sự là “thiên đường” với các cầu thủ trong khu vực.

Phong độ ấn tượng trong màu áo đội tuyển VN đã giúp Đặng Văn Lâm
Phong độ ấn tượng trong màu áo đội tuyển VN đã giúp Đặng Văn Lâm "xuất ngoại".-Ảnh: Nguyên Khôi

 Sau Đặng Văn Lâm và Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu là cái tên tiếp theo của bóng đá VN đang được một đội bóng Thái Lan (Muang Thong) liên hệ. Sau hơn 10 năm, làn sóng “di cư” giữa hai nền bóng đá Thái - Việt lại bắt đầu nhưng giờ đây là theo chiều ngược lại.

Đảo chiều

Những năm đầu thập niên 2000, hàng loạt ngôi sao của Thái Lan đổ xô sang V-League thi đấu, bất chấp việc tuyển Thái Lan lúc đó hoàn toàn áp đảo VN trên đấu trường quốc tế. Có thể kể ra những cái tên lẫy lừng một thời như Kiatisak, Dusit, Tawan, Thong Lao...

Thời điểm đó, V-League nhiều tiền hơn hẳn Thái League nên việc các ngôi sao Thái Lan đặt chân sang nền bóng đá đối thủ kiếm tiền là điều dễ hiểu. Sự đời lạ lùng, hơn một thập niên sau xu thế này lại tái diễn nhưng theo hướng ngược lại.

Vào thời điểm này, VN trội hơn Thái Lan về thành tích của các cấp đội tuyển quốc gia, nhưng V-League lại chẳng có gì để so với Thái League - giải đấu được đánh giá trong nhóm top 10 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á.

Trên bảng xếp hạng các giải vô địch quốc gia của LĐBĐ châu Á (AFC), Thái Lan hiện đang giữ vị trí thứ 8 với số điểm 57,403, kém Trung Quốc, Qatar, Hàn Quốc, UAE, Iran, Nhật Bản và Saudi Arabia. Trong khi đó, VN đứng tận vị trí thứ 19 với số điểm 22,548, kém cả Malaysia (hạng 13) và Philippines (hạng 17). Điểm số của AFC chủ yếu dựa trên thành tích của các CLB quốc gia đó ở đấu trường châu lục, tức thuần yếu tố chuyên môn.

Nếu xét theo giá trị thương mại, sự chênh lệch giữa Thái League và V-League lại càng lớn hơn. Theo định giá của Transfermarkt, tổng giá trị cầu thủ của toàn bộ V-League lúc này chỉ là 4,4 triệu USD (khoảng 102 tỉ đồng), trong khi con số tương tự của Thái League là 64,5 triệu USD (khoảng 1.500 tỉ đồng), tức gấp 15 lần.

Cấu trúc của các CLB Thái Lan cũng vững mạnh hơn nhiều so với những đội bóng V-League. Ở VN, mỗi đội bóng hầu như chỉ gắn với một ông bầu, thậm chí là một ông bầu nắm nhiều đội bóng.

Còn ở Thái League, trên áo đấu của những CLB hàng đầu như Buriram United hay Muang Thong United luôn chi chít tên các nhà tài trợ. Buriram - đội bóng vừa sở hữu Xuân Trường - có cả thảy 19 nhà tài trợ lớn, trong khi Muang Thong của Đặng Văn Lâm cũng có 15 nhà tài trợ.

"Thiên đường" cho cầu thủ Đông Nam Á

Có nhiều lý do để tin tưởng việc chuyển đến Thái League sẽ giúp các ngôi sao của VN thăng tiến trong tương lai. Đầu tiên là cơ hội thi đấu ở AFC Champions League - đấu trường số 1 châu lục ở cấp độ CLB.

Với các đội bóng V-League, những giải đấu tầm châu lục gần như không nằm trong kế hoạch. Thậm chí ở VN cũng chỉ có một số ít đội bóng đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của AFC về sân bãi, lò đào tạo, tài chính... để tham dự những giải này. Suốt 10 năm qua, duy nhất Becamex Bình Dương đủ sức lọt vào vòng bảng AFC Champions League (năm 2015 và 2016), đa phần các CLB VN rời cuộc chơi từ giai đoạn vòng loại.

Trái lại, người Thái đặt kỳ vọng rất lớn ở AFC Champions League. Năm nào họ cũng có đại diện ở vòng bảng giải này và hai mùa gần nhất, lần lượt Muang Thong rồi Buriram đều vào đến vòng 16 đội. Thi đấu ở AFC Champions League đồng nghĩa với việc thường xuyên chạm trán các đội bóng hùng mạnh của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Thái Lan cũng là mảnh đất lành với các cầu thủ nước ngoài. Trước đây, mỗi CLB Thái Lan được phép sử dụng năm ngoại binh, với ít nhất một cầu thủ trong khu vực Đông Nam Á và một cầu thủ khác ở châu Á. Đến mùa giải 2019, ban tổ chức Thái League nới hạn ngạch ngoại binh cho mỗi CLB lên bảy, với điều kiện phải bao gồm ba cầu thủ Đông Nam Á.

Điều này thể hiện xu thế sử dụng cầu thủ trong khu vực của các CLB Thái Lan. Nếu đến Hàn Quốc, Nhật Bản hay các đội bóng châu Âu, cầu thủ VN e ngại về chuyện phải “đánh bóng băng ghế dự bị” thì ở Thái Lan, nỗi lo này đỡ hơn. Mùa giải 2018, các ngôi sao của khu vực như Aung Thu (Myanmar), Michael Falskegaard (Philippines) đều là trụ cột ở những CLB Thái Lan.

Bầu Đức tự tin

Việc “xuất khẩu” Công Phượng, Xuân Trường sang Hàn, Thái không hẳn là tin vui với tất cả mọi người. Nói rõ hơn, không ít fan của Hoàng Anh Gia Lai buồn vì đây là hai gương mặt họ yêu thích nhất, hai cái tên này đã đóng góp rất lớn vào kỳ tích đưa đội bóng này dẫn đầu châu Á về lượng fan trên YouTube!

Xét yếu tố chuyên môn, đừng quên rằng mùa trước phải hết sức chật vật, Hoàng Anh Gia Lai mới về đích ở vị trí thứ 10/14 CLB. Trong đó, Công Phượng góp cho đội nhà 12 bàn thắng.

Có đến khoảng 1/2 tổng số bàn thắng của Công Phượng xuất phát từ những đường chuyền của Xuân Trường. Mất một lúc hai quân bài chủ lực, chắc chắn sức mạnh của Hoàng Anh Gia Lai giảm đi đáng kể. Thậm chí sẽ rơi vào cảnh ngộ của mùa trước là chật vật trụ hạng.

Chúng tôi đã đặt ra những vấn đề đó với Bầu Đức. Vẫn với phong thái đầy tự tin như xưa nay, ông cười nói: “Trước hết, tôi rất cảm ơn những ai đã dành tình cảm, sự lo lắng cho CLB Hoàng Anh Gia Lai khi vắng bóng Xuân Trường, Công Phượng. Nhưng nếu không cho họ xuất ngoại thì cửa nào cho Minh Vương, Phan Thanh Hậu, Châu Ngọc Quang, Triệu Việt Hưng... thi đấu ở V-League? Theo tôi, vô địch V-League bây giờ mới khó chứ trụ hạng thì không có gì phải ngại”.

Cuối cùng, với Bầu Đức, điều quan trọng hơn cả là câu chuyện của đội tuyển VN. Trước sau như một, ước mơ của ông vẫn là giúp đội tuyển ngày càng mạnh hơn để bóng đá VN không còn cảnh rúm ró mỗi khi đụng độ tuyển Thái Lan; không còn cảnh sau mỗi kỳ AFF Cup, SEA Games thì lòng người hâm mộ như bị xát muối. Và muốn đạt được điều đó đôi lúc phải hi sinh cả đội bóng của mình bằng cách cho những cầu thủ giỏi nhất đi du học...■

“Công Phượng không phải để tiếp thị”

Trên tờ Sports Seoul, HLV Jorn Andersen của CLB Incheon United (Hàn Quốc) - đội bóng Công Phượng sẽ chuyển đến khoác áo trong mùa 2019, đã lên tiếng khẳng định chữ ký mới này không phải là một hợp đồng mang tính thương mại.

Sở dĩ HLV người Na Uy phải lên tiếng là vì trước Công Phượng, Xuân Trường từng tới Incheon nhưng gần như không có cơ hội ra sân thi đấu. HLV Andersen cho biết đội ngũ tuyển trạch của Incheon đã để mắt đến Công Phượng khi tuyển VN sang đây tập huấn hồi cuối năm ngoái. Đích thân ông đã xem Công Phượng thi đấu và rất ấn tượng với các kỹ năng tấn công của anh. Tờ Sports Seoul cũng cho biết ban đầu Incheon United để mắt đến Quang Hải, nhưng rồi tiền vệ của Hà Nội lại đặt tham vọng ở châu Âu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận