Thua tối thiểu, khoảng cách vẫn mênh mông

HUY ĐĂNG 21/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Nếu là một hai thập niên trước, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã có thể reo hò khi chứng kiến các cầu thủ đội nhà chơi một trận đấu kiên cường, chỉ để thua với tỉ số tối thiểu trước những ông lớn của châu lục như Nhật Bản hay Saudi Arabia.

Nhưng đã qua rất lâu rồi cái thời bóng đá còn là một trò chơi mà các cầu thủ ngôi sao chỉ cần dốc một đường bóng là sút tung lưới đối thủ.

Kẻ mạnh không bung hết sức

Trước Saudi Arabia, các học trò của HLV Park Hang Seo không đến nỗi quá thua thiệt về mặt thống kê. 

Thua một bàn thôi, nhưng còn xa lắm. Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Cả trận, tuyển VN tung ra 5 pha dứt điểm - so với 7 của đối thủ, cầm bóng 38% và thậm chí còn nhỉnh hơn về số lần đá phạt góc (4 so với 3). Nhưng có một chỉ số VN trội hơn đối phương một cách đáng buồn, đó là số thẻ vàng (5 so với 2). 

Các con số phản ánh chính xác diễn biến của trận đấu, khi cứ mỗi lần các cầu thủ Saudi Arabia thi triển kỹ thuật là các hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo của VN đều tìm cách phạm lỗi nhanh nhất có thể. 

Trận đấu bị xé vụn bởi 17 pha phạm lỗi của các cầu thủ chủ nhà. Không ít trong số đó là những pha vào bóng có thể khiến đối phương chấn thương nặng, như cú chuồi khá nguy hiểm của Vũ Văn Thanh nhắm vào hậu vệ Salem Al-Dawsari của Saudi đầu hiệp 2. 

May mắn cho Văn Thanh là anh lại thoát thẻ ở tình huống này. 

VN đá xấu xí, Saudi Arabia cũng chẳng chơi đẹp. Sau khi có bàn mở tỉ số khá may mắn trong hiệp 1, các cầu thủ Tây Á chơi như ru ngủ trong hiệp 2. 

Họ kéo đội hình xuống thấp và cũng sẵn sàng giở mọi tiểu xảo để câu giờ và gây sức ép lên trọng tài. Đó không phải là hình ảnh của một “anh cả” khu vực mà người hâm mộ trông đợi.

Ở trận đấu trước đó, Nhật Bản cũng đá rất kỹ khi làm khách ở Mỹ Đình. Các cầu thủ xứ Phù Tang làm chủ hoàn toàn thế trận, nhưng chủ động sử dụng những pha cài người vụn vặt để kết thúc tình huống tranh chấp thật nhanh mỗi khi VN có bóng (họ thậm chí phạm lỗi nhiều hơn cả VN, 14 so với 13). 

Các ngôi sao tấn công của họ như Minamino Takumi cũng rất hiếm khi cầm bóng đột phá. Phương án tấn công mà các cầu thủ Nhật lẫn Saudi Arabia chọn trước VN chủ yếu vẫn là những đường lên bóng ở cánh rồi tạt vào. 

Đó là một lối đá hạn chế va chạm, tránh rủi ro nhất có thể, để nếu bị mất bóng, đối phương cũng không thể tổ chức phản công nhanh, dẫn đến những cuộc đua tốc độ máu lửa không cần thiết.

Nhưng đó là một thái độ cẩn trọng có thể thông cảm được trong bóng đá thời hiện đại. Chừng hai, ba thập niên trước, sân chơi của đội tuyển quốc gia là nơi mà mọi cầu thủ đều nỗ lực hết sức mình, kể cả chỉ là những trận giao hữu. 

Nhưng khi bóng đá ngày càng nhuốm mùi tiền, cuộc đấu của CLB dần lấn át màu cờ sắc áo quốc gia. Những cầu thủ châu Á tầm cỡ như Son Heung Min hay Minamino nhận mức lương hàng triệu USD/năm ở các CLB Anh, việc họ “dưỡng chân” ở các trận đấu không quá quan trọng trên tuyển là điều dễ hiểu.

“Virus FIFA” (chỉ các chấn thương khi cầu thủ trở về tuyển quốc gia thi đấu) là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi ở châu Âu, đến mức ngày nay, FIFA phải trả phí bồi thường mỗi khi có cầu thủ chấn thương ở các loạt trận quốc tế, cũng như phí “thuê cầu thủ” mỗi lần tổ chức World Cup. 

Nhưng số tiền đó vẫn là quá ít ỏi so với rủi ro cực lớn mỗi khi các đôi chân triệu đô rời những CLB đỉnh cao, vốn có hệ thống y tế, chăm sóc, hồi phục chuyên nghiệp nhất trong làng bóng đá, để đá một trận đôi khi rất “ất ơ” cho đội tuyển quốc gia. 

Nhãn tiền, chỉ trong một tuần qua, Liverpool đã mất 3 ngôi sao vì “virus FIFA”. Đó là cơ hội mà một cầu thủ dự bị như Minamino không muốn đánh mất. Anh cần phải giữ gìn chân cẳng trước VN, một đối thủ mà khả năng có 3 điểm của Nhật Bản đằng nào vẫn là rất cao.

Lựa chọn của kẻ yếu

Nhưng trên hết, các cầu thủ Nhật Bản và Saudi Arabia không dám lên bóng quá nhiều vì lối chơi phòng ngự có phần tiêu cực mà HLV Park Hang Seo lựa chọn hết trận này sang trận khác. 

Đội yếu đá phòng ngự trước đội mạnh là chuyện hiển nhiên. Nhưng trong hoàn cảnh bị dẫn bàn, đã không còn mục tiêu điểm số mà vẫn co cụm phòng ngự, kéo cả những cầu thủ tấn công xuống “dựng xe buýt” trước vòng cấm địa thì chỉ có thể trách ông Park quá bo bo thủ kỹ.

Bóng đá không có tính chất bắc cầu. VN thua Nhật với tỉ số tối thiểu. Úc và Oman cũng chỉ thua Nhật một bàn cách biệt, không có nghĩa là chúng ta ngang cơ với Úc hay Oman. 

Kết quả trong những lần đối đầu trực tiếp đã cho thấy rõ điều đó. Cái cách mà ông Park hạn chế bàn thua trước Nhật và Saudi Arabia trở nên vô nghĩa.

Vài ba thập niên trước, khi bóng đá VN gặp một đối thủ ngoài Đông Nam Á là phải vào lưới nhặt bóng 5, 6 bàn, nên một trận thua tối thiểu như thế này có ý nghĩa an ủi, động viên rất lớn. 

Nhưng bóng đá hiện đại, với các mảng miếng chiến thuật ngày càng chuyên nghiệp cho thấy việc co cụm phòng ngự tiêu cực để hạn chế bàn thua hóa ra chẳng mấy khó khăn.

Ở Nam Mỹ, Venezuela từ lâu cũng đã biết cách cầm hòa Brazil và Argentina. Phòng ngự hạn chế bàn thua càng dễ, chỉ cần “dựng xe buýt 2 tầng”, rồi thi triển thật nhiều những pha phạm lỗi, tiểu xảo là được.

Còn VN? Từ trước giai đoạn vòng loại cuối cùng, các quan chức của VFF đã xác định mục tiêu tham gia đợt vòng loại này với tinh thần cọ xát. Nhưng co mình phòng ngự, chăm chăm hạn chế bàn thua thì liệu cọ xát được gì? Suốt 90 phút gặp Nhật, Tiến Linh hay Công Phượng có được bao nhiêu phen thử sức với hàng hậu vệ đối phương?

Nếu số bàn thua là một chỉ số KPI được đặt ra cho thầy trò ông Park Hang Seo để “tiệm cận trình độ châu lục”, đó là một sự nhầm lẫn rất lớn. ■

Nhật vượt qua Úc

Ở lượt trận thứ 11, Úc gây thất vọng khi bị Trung Quốc cầm hòa 1-1. Kết quả này khiến Úc bị Nhật (thắng Oman 1-0) qua mặt trong cuộc đua ở bảng B. 

Sau 11 lượt đấu, Saudi Arabia gần như cầm chắc tấm vé với 16 điểm, kế đến là Nhật (12 điểm), Úc (11 điểm), Oman (7 điểm), Trung Quốc (5 điểm) và Việt Nam chưa có điểm nào. Dù khó khăn nhưng Trung Quốc vẫn còn khá nhiều hy vọng cạnh tranh.

Trong khi đó, cuộc đua ở bảng A dần trở nên đơn điệu với sự áp đảo của Iran và Hàn Quốc. 

Sau vài trận đầu tiên không như ý, Son Heung Min và các đồng đội đã lấy lại phong độ cao nhất với chuỗi trận thắng ấn tượng - đặc biệt là chiến thắng 3-0 ngay trên sân Iraq mới đây. Hàn Quốc hiện có 14 điểm, kém Iran 2 điểm nhưng vẫn bỏ xa đội hạng 3 là UAE đến 8 điểm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận