Tìm giới hạn con người dưới lớp băng

HUY ĐĂNG 31/01/2021 00:00 GMT+7

TTCT - Trong thế giới thể thao đỉnh cao, người ta không biết Yekaterina Nekrasova là ai. Nhưng lịch sử loài người sẽ xếp VĐV lặn người Nga ngang hàng với Usain Bolt, Eliud Kipchoge hay Julius Bjornsson.

Yekaterina Nekrasova và nhóm hỗ trợ giúp cô phá kỷ lục thế giới. Ảnh: RT

Bolt chạy 100m nhanh nhất. Kipchoge là người đầu tiên chạy marathon dưới 2 giờ. Bjornsson là người khỏe nhất thế giới. Đó là những cái tên được khắc ghi trong hành trình khám phá giới hạn của con người.

Bơi dưới băng nguy hiểm đến mức nào?

Có vô số những giới hạn như thế mà chúng ta sẽ đọc được trong sách kỷ lục Guinness, các tài liệu y khoa hay bài báo thể thao. Những giới hạn thường được đề cập nhất là về tốc độ, sức mạnh và khả năng chịu đựng. Trong đó, bơi dưới băng là một loại giới hạn lạ lùng về sức chịu đựng của con người.

Không được bơi dưới nước có nhiệt độ dưới 13oC - đó là khuyến cáo mà Hiệp hội Thể thao dưới nước thế giới (FINA) đặt ra. Ít nhất, quy định nói rằng nếu bơi dưới nước có nhiệt độ thấp đến vậy, chúng ta cần phải mặc một bộ đồ lặn bọc kín toàn thân.

Bơi trong nước lạnh tất nhiên khó khăn hơn so với nước có nhiệt độ tương đương cơ thể người (37oC). Cụ thể, những người mắc bệnh tim sẽ gặp nhiều nguy hiểm bởi tim sẽ đập chậm hơn, co thắt mạnh hơn. Hội chứng tăng thông khí phổi cũng sẽ xuất hiện, dẫn đến tình trạng các mạch máu cung cấp máu đến não bị co hẹp đặc biệt nguy hiểm. 

Thêm vào đó, những cử động của cơ thể dưới mặt nước càng lạnh sẽ càng chậm lại, khiến hoạt động làm nóng cơ thể trở nên khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt. Chỉ cần thân nhiệt xuống dưới mức 35oC, hệ thống tim mạch sẽ ngừng hoạt động.

Bảng chỉ dẫn của FINA cho thấy nhiệt độ dưới nước từ 19-26oC là lý tưởng để con người bơi lội và cảm thấy thư thái. Khi nhiệt độ giảm còn khoảng 13-16oC, hầu hết đều cảm thấy rất lạnh và hiệu suất bơi lội giảm hẳn. Dưới 8oC, tất cả đều đối mặt nguy cơ hạ thân nhiệt nếu ngâm mình quá vài phút. Còn khi xuống đến mức 0oC, sự đe dọa tính mạng sẽ là cấp kỳ.

Thậm chí ngay cả khi xuống nước lạnh dưới 0oC rồi trồi lên bờ ngay lập tức, cơ thể con người vẫn đối mặt một hiện tượng nguy hiểm mang tên “hạ nhiệt sau khi làm ấm” (afterdrop). 

Khi chúng ta bơi trong làn nước lạnh, cơ thể sẽ khéo léo cố gắng bảo vệ các cơ quan quan trọng bằng cách giảm lưu lượng máu đến da và các chi. Do đó, phần bên trong cơ thể vẫn ấm trong khi da, tay và chân hạ nhiệt. Quá trình này được gọi là co mạch ngoại vi. 

Ngay sau khi ra khỏi nước, hiện tượng co mạch ngoại vi kết thúc. Máu lạnh từ tay chân và da của bạn quay trở lại làm cho nhiệt độ cơ thể giảm xuống, ngay cả khi bạn mặc quần áo ấm và di chuyển vào môi trường ấm áp. Đây là lý do tại sao bạn thường chỉ bắt đầu rùng mình từ 10-15 phút sau khi rời khỏi nước.

Nói chung, bơi trong nước lạnh 0oC là cực kỳ nguy hiểm, thế nhưng thật kỳ lạ, bơi trong băng lại là một hoạt động khá phổ biến ở nhiều quốc gia phương Tây, nhất là những nơi lạnh lẽo như Bắc Âu và Nga. 

Nekrasova, 40 tuổi, mới đây đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi bơi được quãng đường dài 85m trong hồ Baikal - nơi có nhiệt độ dưới nước vào khoảng 0oC trong dịp năm mới. Thành tích của Nekrasova sẽ sớm được ghi vào sách kỷ lục Guinness, bởi kỷ lục bơi trong làn nước lạnh 0oC hiện thuộc về Dane Stig Severinsen - người từng bơi được 76m ở Greenland vào năm 2013.

Vì sao vẫn có những “dị nhân”?

Tại sao Nekrasova - cũng như rất nhiều những tay bơi nghiệp dư khác - có thể làm được điều này? Có khá nhiều giải đấu bơi trong nước lạnh (từ 5oC trở xuống). Ở mức 5oC, nữ VĐV Jess Campbell còn lập được kỷ lục bơi 1km. Câu trả lời cho năng lực “siêu nhân” của những người này đơn giản là do... quen. 

Khả năng thích ứng của cơ thể tạo ra sức chịu đựng, giảm thiểu tất cả những mối nguy kể trên, điển hình như khả năng vận động trong nước. Những người từng tập bơi qua những vùng nước lạnh có thể “cắn răng” để tăng cường mức vận động mạnh hơn, qua đó duy trì mức thân nhiệt trong một khoảng thời gian ngắn. Việc bơi vài phút vì thế nằm trong tầm tay của họ.

Thêm vào đó, vượt qua nghịch cảnh luôn mang đến những lợi ích lâu dài về sức khỏe. Ram Barkai - người sáng lập Hiệp hội Bơi trong băng quốc tế - từng nói: “Đó là một nghịch lý, nhảy vào băng tạo ra cảm giác như nhảy vào lửa, nó đầy khó khăn và chết chóc, nhưng cũng tiếp thêm sinh lực”. 

Khi thành lập hiệp hội, Barkai đã ngoài 50 tuổi, và ở tuổi 60 ông vẫn tiếp tục chu du qua những vùng đất lạnh giá như Nga và Nam Cực để thỏa mãn thú vui của mình.

Bác sĩ Jonathan D. Packer - giáo sư chỉnh hình tại Đại học Y Maryland, Mỹ - phân tích: “Những người bơi trong nước lạnh có thể sẽ được tăng lượng endorphin, giải phóng các hóa chất tạo cảm giác dễ chịu. Điều này có thể giúp điều trị các rối loạn tâm trạng, endorphin giải phóng sự căng thẳng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe”.

Phương pháp tắm trong nước lạnh cũng thường được các VĐV chuyên nghiệp của nhiều môn thể thao khác nhau sử dụng. Họ thường ngâm mình trong nước đá lạnh khoảng 10 phút. Packer nói nghiên cứu cho thấy điều này có thể làm giảm viêm, thúc đẩy quá trình chữa lành và cải thiện lưu thông.

“Tôi biết nhiều người bơi trong băng đã có một số bằng chứng mang tính cá nhân - rằng việc đó giúp cải thiện khả năng nhận thức của họ, làm tăng năng lượng. Một số người thậm chí còn nói nó kích thích ham muốn tình dục - Packer nói thêm - 

Cũng có một số báo cáo từ những bệnh nhân bị đau mãn tính cho biết họ đã đỡ đau hơn sau khi bắt đầu bơi trong băng. Nói chung rất nhiều lợi ích của việc bơi trong băng chưa được kiểm chứng khoa học, nhưng thực sự đáng xem xét”.

Ngày nay, hiệp hội mà ông Barkai lập ra đã xuất hiện ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, với hàng ngàn người háo hức tham gia vào cuộc truy tìm giới hạn của con người bên dưới lớp băng.■

Hướng đến mục tiêu 100m

Trong thời gian chờ đợi sách Guinness chính thức ghi nhận kỷ lục của mình, Nekrasova cho biết cô đang lên kế hoạch chinh phục cột mốc bơi 100m dưới băng trong năm nay. Địa điểm có thể tiếp tục là hồ Baikal. Khi Nekrasova lập nên kỷ lục vừa qua, nhiệt độ trên mặt nước ở đây hạ đến mức -22 độ C.

“Tôi nghĩ tôi đã có thể bị đóng băng trước khi lặn xuống nước, hoặc mặt nạ của tôi sẽ bị đóng băng. Tôi đứng trong gió và hít thở khoảng một phút. Khi nỗi sợ bắt đầu qua đi, tôi đứng thêm 30 giây để các mạch máu của mình dịu lại. Không còn những lớp băng, không còn những cơn gió, mọi chuyện đều rất thoải mái, và tôi lặn xuống”, Nekrasova kể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận