Tìm lại chính mình!

TẤN PHÚC 05/12/2012 06:12 GMT+7

TTCT - Sau thời gian buông trôi cuộc đời vì gặp tai nạn, Nguyễn Quốc Khánh tìm lại được chính mình bằng thể thao trong niềm hạnh phúc của người thân.

Phóng to
Khánh tập luyện tại CLB bóng bàn - Ảnh: T.P.

Nhà ở ngoại ô TP.HCM, nhưng Khánh sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Cà Mau. Cuộc sống nghèo nhưng Khánh có được sự yêu thương của cha mẹ nên rất ngoan ngoãn và luôn đạt học sinh giỏi trong năm năm tiểu học.

Bất hạnh đeo bám

Biến cố xảy ra với gia đình khiến cha mẹ Khánh mắc nợ, phải theo chân cha mẹ trôi dạt lên TP.HCM kiếm sống. “Lúc mở quán cơm tôi chỉ mới 13 tuổi nhưng làm đủ việc phụ giúp cha mẹ, từ bưng bê, rửa chén, thu tiền, nướng thịt... Cực khổ tôi chịu được, nhưng cái nghèo đeo đẳng khiến cha mẹ thường xuyên hục hặc làm tôi chán nản” - Khánh kể.

Để chạy trốn những trận cãi nhau của cha mẹ, Khánh bỏ học, làm đủ nghề như phụ hồ, phụ quán... và cuối cùng xin vào làm ở một xưởng sản xuất thiết bị giáo dục mỗi ngày từ 8-10 giờ với mức thù lao chỉ đủ trang trải ba bữa cơm.

Nhưng bất hạnh ập đến vào dịp tết 2009, Khánh bị chiếc máy dập với lực nén hơn một tấn dập nát bàn tay phải. Lúc đó Khánh mới 14 tuổi. “Trước khi được đẩy vào phòng phẫu thuật, tôi thấy mẹ khóc. Nửa đêm tỉnh dậy tôi mới biết mình bị cắt mất bàn tay phải. Tôi bị sốc đến muốn ngất đi”.

Cú sốc quá lớn này khiến Khánh thu mình lại, không dám đối diện với ai vì cho rằng mình là kẻ tàn phế. Có những lúc Khánh sống bất cần và bỏ nhà đi bụi khiến người thân phải đi tìm vất vả. Khánh nhớ lại: “Từ khi mất một bàn tay, tôi trở nên dễ bị xúc động và dễ phản ứng vô cớ”.

Trở lại bằng thể thao

Những lời khuyên chân tình của cha mẹ và dượng Hai (nhà văn Võ Đắc Danh) cuối cùng đã khiến Khánh chấp nhận đi học bổ túc tại Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM (quận 3). Nhưng đó lại là bước ngoặt lớn. “Bước vào ngôi trường này, tôi gặp ngay những bạn bị cụt hẳn đôi tay, đôi chân, những người mù vẫn cố gắng học, cố gắng có cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Điều quan trọng là họ vẫn sống vui vẻ và sống tốt. Hình ảnh đó đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi” - Khánh tâm sự.

Từ đó, Khánh bắt đầu tập làm việc bằng tay trái, kể cả viết chữ. Khánh không nề hà làm mọi việc trong nhà, từ sửa chữa điện, đồ dùng... đến cả đẩy xe đất làm vườn. Khánh còn đăng ký theo học ngành quản trị web để có một công việc ổn định cuộc sống sau này. Để không thua sút bạn bè, Khánh dành thời gian tập đánh chữ để bây giờ có thể gõ máy tính với tốc độ không thua bạn bè có hai bàn tay.

Tuy nhiên, chính thể thao mới là động lực kéo Khánh khỏi thế giới cô độc của mình. Lớn lên ở vùng sông nước, Khánh mê bơi từ nhỏ và anh dùng môn thể thao này để giảm cân sau ngày tháng ăn chơi lêu lổng bị tăng cân đến 90kg dù chỉ cao hơn 1,6m. Rồi Khánh đến với bóng bàn khá tình cờ cách đây khoảng ba tháng. Khi đó, các HLV bóng bàn người khuyết tật TP.HCM vào tận Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM tuyển sinh và Khánh đã đăng ký học chỉ vì hoàn toàn miễn phí.

Bóng bàn là môn thể thao đòi hỏi cánh tay sự linh hoạt, tinh tế. Những ngày đầu, Khánh đánh bóng toàn bay ra khỏi bàn vì không thể khống chế lực đánh, bởi lâu nay tay trái chỉ quen dùng sức hơn là sự khéo léo. Phải mất gần một tháng Khánh mới trả được đường giao bóng đầu tiên. Bấy nhiêu thời gian cũng đủ để Khánh yêu bóng bàn và tập luyện chăm chỉ, dù mỗi ngày phải lặn lội qua hai trạm xe buýt để đến CLB bóng bàn cách nhà gần 15km.

Sau gần ba tháng, Khánh mạnh dạn đăng ký tham dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2012. Và kỳ tích đã xuất hiện khi anh đoạt 5 HCV ở cả năm nội dung: đơn nam hạng thương tật TT10, đơn nam mở rộng, đôi nam TT10, đôi nam - nữ TT10 và đồng đội nam TT10.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận