Truyện ngắn: Tình yêu

NARINE ABGARYAN (NGA) 21/05/2020 16:05 GMT+7

TTCT - Ông lão ngả người dựa vào lưng ghế, đặt tay lên ngực. Càu nhàu. " Làm sao bây giờ, tôi muốn tình âu yếm đàn bà.".

Tranh: Oleg Ildiukov
Tranh: Oleg Ildiukov

Avakants Maro, mân mê cái nút trên áo khoác ngắn, nuốt nước bọt vang cả phòng xử án.

Sau lưng, nép mình trên một chiếc ghế dài ọp ẹp rù rì một đàn chim sẻ bận rộn, hàng xóm của Maro, đó là các mụ Krnants Melanya, Vasilants Katinka và Makarants Sophia. Đôi khi, không ngưng xầm xì, Melanya và Sophia quay sang bị cáo, ném cho ông ta cái nhìn lên án.

Katinka không quay đầu để khỏi gián đoạn việc đan len, nhưng rầu rĩ tặc lưỡi mỗi lần các bà bạn nhìn phê phán. Bị cáo - một ông già cao, râu xám và đôi lông mày bất ngờ đen - cứ mỗi tiếng tặc lưỡi lại giật vai và e hèm. Nghe tiếng e hèm của ông ta, Maro lại nuốt to và giật cái nút áo mạnh hơn.

Người tốc ký, một cô gái trẻ hai mươi tuổi (Maro nheo mắt nhìn cho rõ, cố đoán xem cô ta con cái nhà ai, nhưng rồi bỏ cuộc - bọn trẻ bây giờ chải tóc và trang điểm đậm đến độ cả con mình ta cũng chẳng phân biệt được với đứa khác nữa là), nạp giấy vào máy đánh chữ. Thẩm phán, che mắt, đợi cho cô ta làm xong.

- Tôi xong rồi! - Cô tốc ký lớn tiếng báo cáo. Thẩm phán, nhăn nhó, mở mắt. Mặc dù những cánh cửa sổ mở toang, nhưng trong phòng ngột ngạt không chịu nổi. Tháng Mười dù vẫn hậu hĩ nở hoa và đóng băng sương giá ban mai, nhưng vẫn không làm giảm cái nóng giữa ngày, và vào bữa trưa, mặt trời giội bỏng như thể ngoài cửa sổ không phải đã vào giữa, mà mới chớm thu.

- Bà có thể tiếp tục, nguyên đơn! - thẩm phán cho phép.

Giờ thì Maro đã vân vê cái nút áo khoác bằng cả hai tay.

- Xin lỗi, con trai, nhưng ta quên đang nói đến đâu rồi - bà nhận lỗi.

Cô đánh máy nhanh chóng liếc vào các ghi chú.

- “...đập bằng cái gáo” - cô thì thào nhắc.

Melanya và Sophia quay đầu, Katina tặc lưỡi, bị cáo e hèm.

- Phòng xử im lặng! - thẩm phán cao giọng.

Maro bỏ cái nút áo đã bị rứt đứt vào túi, chụp vào cái nút khác.

- À, vâng. Đập bằng cái gáo. Tráng men. Lên đầu. Tôi thường luộc trứng trong cái gáo ấy, hoặc nấu kê cho lũ gà... Cái gáo tốt, không thể giết người. Trung thành và tin tưởng phục vụ suốt hai mươi năm. Tôi đánh rơi nó nhiều lần, nhưng nó chẳng hề hấn gì. Không móp méo, thậm chí lớp men cũng chẳng bong ra...

- Đừng lạc đề, nguyên đơn...

- À há. Rồi vầy. Ông ta đập cái gáo lên đầu tôi. Hai lần. Rượt tôi chạy ra hàng hiên. Ở đó đào cắt thành múi đang được phơi, xếp trên các mâm. Ông ta chụp một cái mâm rồi phang tôi. Trúng ngay lưng, chỗ này đây - Maro vuốt vào thắt lưng. Thở dài - Làm hỏng hết trái cây phơi...

Thẩm phán chuyển cái nhìn sang bị cáo. Ông ta ngồi, đặt trên đùi đôi tay vặn vẹo vì lao động nông thôn nặng nhọc. Mặc cho tuổi tác đáng kính, vóc dáng ông ta vẫn còn rất ấn tượng: uy nghi, đôi vai và tấm lưng rộng, đôi tay dài và đôi chân chắc. Gương mặt ông ta cởi mở và cách nào đó rất thiện cảm: đôi mắt vàng nhạt theo tuổi tác, những nếp nhăn sâu, cái mũi hơi vẹo nhưng đẹp, những đốm hung vì khói thuốc trên bộ râu bạc.

“Nhìn bề ngoài hay ho, ai biết ông ta có thể làm vậy” - thẩm phán nghĩ. Đánh giá cái nhìn chằm chằm nhưng có vẻ thiện ý như một sự ủng hộ, ông già sống động hẳn, nhún vai, giơ ngón trỏ trong một cử chỉ ngơ ngác, kiểu như, nhìn xem, bà ta đang múa may gì vậy! Thẩm phán vội đưa mắt đi và cau mày.

- Sau đó ông ta thả tôi xuống thang - Maro tiếp.

- Thả là sao?

- Là vầy nè... Nắm cổ áo rồi đá. Vào đây - bà ta muốn chỉ vào đâu đó, nhưng ngượng.

- Dưới thắt lưng - thẩm phán mách nước.

- À há, dưới thắt lưng. Sau đó ông ta rượt tôi khắp sân bằng chổi, cho đến khi tôi tung chạy ra đường.

Rõ ràng là lão già đã hết kiên nhẫn. Ông ta e hèm rõ to rồi đứng hẳn dậy. Đàn chim sẻ ở ghế sau bắt đầu giận dữ nhốn nháo, những ngón tay của cô tốc ký chết lặng trên bàn phím.

- Có nghĩa tôi rượt bà không chỉ bằng chổi, mà còn đánh há! - ông già bổ sung.

Giọng ông ta hóa ra ám khói, rõ là khàn khàn, một số từ ông ta thốt ra gằn giọng, thở giữa những âm tiết.

Thẩm phán thẳng người.

- Bị cáo, chúng tôi chưa cho ông nói!

- Cần gì cho, lúc nào tôi muốn thì tôi nói - lão già bị xúc phạm, giậm tại chỗ đôi bốt đã cũ mòn, phẩy tay rồi ngồi xuống.

- Tiếp tục đi - thẩm phán cho phép nguyên đơn.

Maro bỏ cái nút áo thứ hai vào túi rồi lại mân mê cái thứ ba.

- Riết rồi bà sẽ không còn cái nút áo nào - thẩm phán cười.

- Cái gì? À!!! Không sao, rồi tôi sẽ đính vào. Khi nào lo âu là tôi lại vậy... Vì thế nên tôi đơm nút sơ sài thôi, để khỏi giật rách áo.

- Nhân thể, tôi có giật rách áo mụ chưa? Không thì mụ lại đặt điều tiếp! - ông già khàn khàn quan tâm.

- Bị cáo! - thẩm phán cao giọng.

Lão già phẩy tay: “Đợi chút đi, tôi đang nói chuyện với vợ tôi!”.

- 70 tuổi, mà nói dối như con ngốc chưa lớn! Hứ! - ông ta nhổ lên sàn ván rồi lấy bốt gí vào bãi nước bọt.

Thẩm phán nhảy lên, vội đến nỗi làm đổ ghế.

- Nếu ông không chấm dứt trò quái đản này ngay bây giờ, tôi sẽ phạt ông. Hay sẽ bỏ tù! 15 ngày!

Ông già từ từ rời băng ghế đứng lên, vỗ hai bên hông.

- Bỏ tù vì cái gì? Vì tôi nói chuyện với vợ à?

- Vì bất kính với tòa!

Melanya và Sophia chấm dứt rù rì, Katina bỏ hẳn đồ đan và nhìn quan tòa chòng chọc. Maro kêu ối còn lão già cười khẩy.

- Con trai, mắc gì mà đem chù nhát ta? (Ông ta phát âm “tù” thành “chù”). Con là dân thành phố, mới tới được vài hôm, chưa biết gì về lề lối chúng ta. Ta biết quản ngục Melikanets Tsokal từ tuổi này nè - lão ra sức gập người xuống để vỗ lòng bàn tay vào đầu gối - Cả đời hắn gọi ta là bố Samo. Hắn sẽ chẳng bỏ tù ta, dù trời có nứt ra. Thế nên con liệu chừng. Đừng nói những lời như vậy nữa!

“Hay thật, làm sao ông ta có thể đá vợ, nếu còn không thể cúi người” - thẩm phán nghĩ. Anh ta nới lỏng nút thắt cà vạt, sau đó bực bội kéo nó khỏi cổ và nới cổ áo sơ mi. Dễ thở hẳn.

- Ông ngồi xuống đi - anh ta đề nghị bị cáo.

Lão già buông người xuống ghế, đặt hai tay lên đầu gối, mím môi rồi im bặt.

- Bà muốn ly dị với ông ấy, vì ông ấy đánh bà, có phải không? - quan tòa quay sang Maro.

Lão già lại nhổm dậy.

- Con trai, ta nói thêm một lời rồi sẽ không nói nữa. Được chứ?

- Ông nói đi - thẩm phán thở dài.

- Con nhìn bà ấy đi - ông già ra dấu bằng tay về phía bà vợ - Ốm tong teo, toàn xương, con mèo còn khóc vì vóc dáng thấp bé của mụ ta. Chẳng lẽ bà ta trông giống con lừa? Hay con dê? Hay con heo?

- Bị cáo! - quan tòa trở nên tức giận.

- Hãy nhìn ta, rồi nhìn mụ đi - ông già không hề nao núng - Nếu ta đập cái gáo lên đầu bà ta, bà ta còn sức mà đứng đây à? Con trai, hãy cho phép ta đánh bà ta thử một cái. Nếu bà ta không tắt hơi thì hẵng bỏ tù ta. Ta sẽ nói chuyện với Tsokal.

- Chính xác tôi sẽ bỏ tù ông - thẩm phán không giữ được bình tĩnh.

- Đừng bỏ tù ông ấy! - Maro van nài - Con trai, đừng nghe lão ta, cho chúng ta ly dị là xong.

- Đừng bỏ tù ông ta! - đàn chim sẻ cất giọng.

Sự kiên nhẫn của thẩm phán nổ tung.

- Thôi nào, biến khỏi đây! - anh ta gầm lên - Tất cả cút ra ngoài! Tất cả!!!

Đàn chim sẻ đứng dậy, bậm môi vì bị xúc phạm và luống cuống đổ ra cửa. Nhìn từ sau lưng những bà già trông hệt nhau: những chiếc váy len dài, tối màu, áo khoác lửng và những cái khăn trùm đầu thắt sau gáy bằng cái nút thắt kỳ lạ. “Họ không nóng sao?” - thẩm phán nghĩ.

Theo sau bầy chim sẻ là nguyên đơn và bị đơn. Nguyên đơn giật nốt cái nút cuối cùng của chiếc áo khoác, bị đơn giậm chiếc bốt cũ mòn.

Khi cánh cửa khép lại sau lưng họ, cô tốc ký cũng giận dữ đẩy chiếc máy đánh chữ sang bên và cũng đi đến lối ra. Cái váy ngắn của cô ta cố lắm cũng chỉ chấm đến nửa đùi, những quai dép mỏng quấn quanh mắt cá chân, kiểu tóc thời trang nhấn mạnh chiếc cổ dài... Trước khi bước ra, cô ta quay lại và ném cho quan tòa cái nhìn chỉ trích.

- Tại sao anh làm vậy với họ?

- Tại công việc!

- Anh chẳng hiểu gì về người dân chúng tôi.

Thẩm phán gõ những ngón tay lên bàn. Gật đầu, đồng tình:

- Đúng là không hiểu.

- Nếu vậy thì đừng! - cô tốc ký cắt ngang, không giải thích đừng làm gì, bước ra.

“Mình sẽ bỏ nơi đây” - thẩm phán buồn rầu nghĩ. Quả thật anh ta chẳng hiểu gì những người này. Tại sao họ cần một phiên tòa hòa hoãn, nếu họ coi lão ta không ra gì? Đơn cử như hai bà thím hôm qua, không chia được con gà mái. Họ đến với con gà, vật lộn trong phòng xử, tranh nhau giật con vật xấu số về mình khiến nó kêu quác quác vì sợ, nhưng các bà không cách nào dịu lại... Phải đuổi họ ra. Và hôm nay cũng phải đuổi. Dân tình gì kỳ cục.

Đã đến lúc quan tòa ra về, nhưng anh ta vẫn ngồi đó, chống khuỷu tay lên những tờ giấy đánh máy, nhìn qua cửa sổ. Bất chấp cái nóng gần như mùa hè, bầu trời có màu xanh rất mỏng, như nứt nẻ. Chẳng bao lâu trời sẽ lạnh.

*****

Avakants Maro nâng nắp cái gáo tráng men để chắc rằng hạt kê đã được nấu chín. Rồi đặt sang bên để nó dần nguội. Bà sẽ nghiền nát trứng luộc vào đó, cắt lá tầm ma, lũ gà sẽ có thức ăn. Petanants Samo, vét muỗng dọc đáy đĩa, ăn nốt món hầm.

- Vậy là chuyện tôi đánh bà là nói chơi, phải không? - lão càu nhàu, nhìn vợ cẩn thận nhấc cái gáo tráng men khỏi bếp.

- Chủ yếu là, đập vào đầu, hai lần - Maro mím môi. Ngồi xuống đối diện, bà bắt đầu bóc trứng.

- Còn tôi ném cái mâm nào vào bà? Có phải cái đó, trên kệ không? - ông ta hất đầu về phía cái mâm bằng đồng nặng. Maro kéo cái thớt về phía mình, bắt đầu giận dữ cắt vụn trứng.

- Rồi sau tôi lại còn lấy chổi rượt bà khắp sân. Cho đến khi bà chạy ra đường! - Samo không chịu ngừng.

Maro giận dữ đặt con dao xuống.

- Chứ tôi phải nói gì bây giờ? Rằng ông, lão già ngốc, tám mươi tuổi còn ngóc đầu và làm cái trò quái quỷ hả?

- Tôi làm cái trò gì?

Maro không đáp.

Samo rứt cùi bánh mì, vét đĩa nốt phần hầm còn lại. Ăn với sự thỏa mãn thấy rõ.

- Nữa không? - Maro hỏi.

- Không, no rồi.

Ông lão ngả người dựa vào lưng ghế, đặt tay lên ngực. Càu nhàu.

- Làm sao bây giờ, tôi muốn tình âu yếm đàn bà.

Maro nện dao mạnh hơn lên thớt. Samo nhìn bà, mở rộng khóe môi trong một nụ cười khó thấy.

- Ba năm chẳng ham hố gì, giống đất chết. Vậy mà giờ đây như được hà hơi tiếp sức. Muốn cho bằng được! - lão già cười ha ha.

- Tôi cho ông “muốn cho bằng được” đây! - Maro nổi đóa - Ly dị đi, tìm con mụ nào trẻ hơn mà vật lộn. Tôi đủ rồi! Tôi vật xong rồi.

Samo nặng nề đứng dậy, gạt những mẩu vụn ra khỏi đĩa. Đi ngang vợ, lão véo hông bà. Bà kêu oái, lấy cùi chỏ huých lão ra.

- Đồ già dịch!

- Tôi yêu bà, ngốc à! - Samo nhăn nhở cười và mang cái đĩa đi rửa.■

Phan Xuân Loan  (dịch từ tạp chí văn học nghệ thuật Etazhi)

Nhà văn Narine Abgaryan
Nhà văn Narine Abgaryan

Narine Abgaryan, sinh năm 1971, ở Armenia, tốt nghiệp đại học khoa ngôn ngữ, làm giáo viên tiếng Nga và văn học Nga ở Armenia rồi chuyển về Matxcơva sinh sống từ năm 1993. 

Cô nổi tiếng từ bộ truyện tranh thiếu nhi Tất cả về Manyun năm 2010, mang đến cho cô Giải thưởng văn học quốc gia Nga “Bản thảo của năm” ở hạng mục Ngôn ngữ. 

Tháng 11-2016, cô nhận giải thưởng văn học danh giá Yasnaya Polyana cho tiểu thuyết Từ bầu trời rơi xuống ba quả táo

Narine cũng nhận giải thưởng văn học mang tên Aleksandr Grin vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển văn học Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận