Truyền thông trước một thế giới chia rẽ

CẦM PHAN 17/04/2017 20:04 GMT+7

TTCT - Những biến cố dồn dập trong hai tuần đầu tháng 4 diễn ra khắp nơi đúng vào lúc chúng tôi đang có mặt ở Hàn Quốc tham dự Hội nghị các nhà báo thế giới (WJC 2017) để nói về vai trò của truyền thông trong kiến tạo và gìn giữ hòa bình, trong một thế giới đang ngày càng chia rẽ.

Các nhà báo tham dự Hội nghị các nhà báo thế giới (WJC 2017) để nói về vai trò của truyền thông trong kiến tạo và gìn giữ hòa bình

Đó là hai tuần dài với quá nhiều tin tức tiêu cực. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị bắt giam. Tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn căng như dây đàn với các đợt phóng tên lửa của miền Bắc và tuyên bố cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân ở miền Nam của Mỹ.

14 người thiệt mạng trong vụ đánh bom ga tàu điện ngầm ở Saint Petersburg, 4 người khác chết trong vụ khủng bố bằng xe tải ở Stockholm.

Rồi những tin tức về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria có thể đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, tiếp nối bằng 59 quả tên lửa Tomahawk của Mỹ đổ xuống quốc gia Trung Đông này.

“Tôi có cảm giác Thế chiến thứ ba đang tới” - Hani Nadeem, nhà văn người Syria có mặt tại hội thảo cùng hơn 90 nhà báo thuộc 64 quốc gia tề tựu về Seoul, nói với tôi.

Giữa những tin tức về bom đạn, tên lửa và người chết như thế, nói chuyện về hòa bình trở nên vừa cần thiết, lại vừa trớ trêu khó tả.

Cánh nhà báo chúng tôi đã cùng nhìn lại năm 2016 với quá nhiều tổn thương lớn lao và hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu ở hơn 45 quốc gia, nổi bật là Jakarta, Brussels, Ankara và Istanbul, Nice, rồi Berlin...

“Các bạn là những người biết rõ hơn ai hết điều gì đang diễn ra trên khắp thế giới. Giờ là lúc nhìn sâu sắc hơn, cùng nhau, vào những gì đã khởi đầu cho xung đột, đã giúp khủng bố bắt rễ và bò lan, suy nghĩ xem chúng ta có thể làm gì để góp sức mang lại hòa bình” - Ahn Chong Ghee, thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, nói trong phiên khai mạc .

Đoàn nhà báo viếng nghỉa trang Liên hiệp quốc (Ảnh: Cầm Phan)

Hoa anh đào nở giữa những chia rẽ

Chẳng cần là cánh nhà báo tò mò, người thường cũng có thể nhận thấy một Hàn Quốc đang chao đảo qua những gì còn sót lại của các cuộc biểu tình trên đường phố Seoul và tin tức trên trang nhất các tờ báo Hàn Quốc ngày đầu tuần.

Ngày 9-3, Tòa án hiến pháp Hàn Quốc tuyên bố bà Park Geun Hye vi phạm hiến pháp khi chia sẻ bí mật nhà nước với bạn mình, qua đó “làm suy giảm nghiêm trọng tinh thần dân chủ và pháp quyền”.

Trong hàng tháng trời, Seoul chứng kiến cuộc biểu tình ròng rã của cả hai phe ủng hộ và chống đối bà cựu tổng thống. Những cuộc biểu tình không chỉ là sự khác biệt về quan điểm chính trị, mà còn là cho thấy cả sự chia rẽ đẳng cấp, thế hệ và địa vị xã hội trong lòng đất nước.

“Giờ chúng tôi sẽ cần hàn gắn rất nhiều thứ” - Woosuk Kenneth Choi, phó tổng biên tập tờ Chosun Daily, nói với tôi.

Hàn Quốc là nước có dân số già hóa nhanh nhất trong các nước OECD và có tỉ lệ sinh vào loại thấp nhất trên thế giới.

Một cuộc thăm dò của Gallup Hàn Quốc mới đây cho thấy 39% người Hàn Quốc trên 60 tuổi phản đối mạnh mẽ việc buộc tội bà tổng thống, trong khi 92-95% những người thuộc nhóm tuổi 19-39 ủng hộ luận tội bà.

Với những người Hàn Quốc trẻ tuổi tự xác định mình là “tiến bộ”, bà Park đại diện cho một quá khứ chính trị khá xấu xí, cũng như sự chia rẽ về đẳng cấp xã hội mà họ muốn chấm dứt vĩnh viễn, dù tương lai vẫn là bất định.

Leyong Chew Lee, cô gái 26 tuổi mà tôi gặp trên xe buýt, nói cô cũng chưa chắc mình sẽ bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 tới.

Vết nứt trong đời sống xã hội chạy dọc những khác biệt về tư tưởng và toác rộng sau gần nửa năm đầy biến động sẽ còn để lại những vết sẹo xấu xí càng trầm trọng thêm bởi các vấn đề bấy lâu nay như tỉ lệ thất nghiệp cao, năng suất lao động chững lại, căng thẳng leo thang với Bình Nhưỡng và cả những tranh cãi về chuyện ai trả tiền cho lực lượng Mỹ đồn trú.

Nhưng giữa chia rẽ vẫn còn những tín hiệu để lạc quan. Các nhà quan sát khắp thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ khi các cuộc biểu tình ở Hàn Quốc, dù liên quan tới vấn đề nóng bỏng giành và giữ quyền lực, đã diễn ra hết sức ôn hòa.

“Vài vụ xô xát xảy ra nhưng các bạn thấy đấy, vào cái thời mà ai cũng có một thiết bị điện tử để ghi hình và đăng trực tiếp lên mạng, ngay tại chỗ, chúng tôi không thể che giấu thế giới nếu có điều gì tồi tệ xảy ra ở các cuộc biểu tình.

Điều duy nhất giúp người Hàn Quốc biểu tình một cách kiềm chế như vậy là bởi họ hiểu bất cứ hành vi gây hấn nào cũng sẽ phá hoại nỗ lực và mục tiêu của chính họ” - Woosuk Kenneth Choi nói.

Hàn Quốc, không hổ danh “Cộng hòa biểu tình”, đã làm chủ được nghệ thuật huy động và tổ chức quần chúng một cách ôn hòa sau 5 thập niên dài chống lại chế độ độc tài đổ máu không ít, cũng như một quá khứ còn lâu đời hơn và đẫm máu hơn đối mặt với các di sản nặng nề của thời thuộc địa Nhật Bản và chiến tranh Triều Tiên.

Bức ảnh chụp cảnh hai đám đông biểu tình trong trật tự, chia cắt bằng một hàng cây anh đào nở hoa ướt đẫm trên đường phố, thật tiêu biểu cho một xã hội Hàn Quốc còn đầy khác biệt và bất đồng, nhưng cũng cho thấy cách người ta đối mặt những khác biệt đó một cách bình tĩnh và tự trọng đáng khâm phục ra sao.

Ông Choi Ku Sik, hướng dẫn viên tại nghĩa trang tưởng niệm của Liên Hiệp Quốc ở Busan (Hàn Quốc)-Cầm Phan
Ông Choi Ku Sik, hướng dẫn viên tại nghĩa trang tưởng niệm của Liên Hiệp Quốc ở Busan (Hàn Quốc)- Ảnh: Cầm Phan

 Nghĩa trang Liên Hiệp Quốc và cuộc chiến Syria

Thành phố cảng Busan, đô thị lớn thứ hai Hàn Quốc, có một nghĩa trang tưởng niệm những người lính đã tham gia lực lượng của Liên Hiệp Quốc, nơi duy nhất có mộ của lính Liên Hiệp Quốc trên thế giới. 2.300 ngôi mộ, cùng bia đá và quốc kỳ các nước được dựng để tưởng niệm những người lính của 11 quốc gia đã tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950.

Gần 100 nhà báo ngồi yên lặng rất lâu, nhìn màn hình chạy những con số: 348 người Úc, 106 người Bỉ, 516 người Canada, 213 người Colombia, 122 người Ethiopia, 270 người Pháp, 186 người Hi Lạp...

Chúng tôi đặt vòng hoa và cúi đầu tưởng niệm, bước đi giữa những ngôi mộ đá xám dưới làn mưa, nghĩ về điều đã được viết trên một bức tường đá lớn giữa nghĩa trang: “Họ đã hi sinh để giương cao những lý tưởng của Liên Hiệp Quốc”.

Nhưng chiến tranh vẫn cứ là chiến tranh. Bởi thế, vài ngôi mộ của những người vợ lính cũng được đưa vào đây, như một ước nguyện đoàn tụ sau cuối mà chỉ hòa bình mới có thể mang lại.

Ông Choi Ku Sik, hướng dẫn viên, đã đưa chúng tôi đi khắp nghĩa trang, làm công việc này được hơn 10 năm.

Trước đó ông là doanh nhân và trước nữa: “Tôi từng ở Việt Nam từ năm 1969 tới 1971, làm công việc trợ giúp y tế và sơ tán cứu hộ ở thành phố Nha Trang - ông nói khi biết tôi là người Việt Nam - Con rể tôi là người Việt Nam”.

Ông mở điện thoại, chỉ cho tôi xem bức ảnh cặp vợ chồng trẻ trong ngày cưới, cười rạng rỡ bên nhau. Chúng tôi chụp một bức ảnh chung trước tấm bia khắc dòng chữ “Vinh danh hòa bình tự do” và hẹn một ngày tái ngộ tại Việt Nam.

“Chúng ta sẽ có nhiều điều nữa để nói với nhau - ông Choi nói với tôi - Nhưng đó sẽ đều là những chuyện vui, phải không cô?”, chúng tôi cùng cười.

Giữa những u hoài của một nghĩa trang tưởng niệm và dòng hồi ức chung về một chương lịch sử gập ghềnh giữa Việt Nam và Hàn Quốc mấy chục năm về trước, bằng cách nào đó tôi cảm thấy như mình và người bạn già Hàn Quốc mới quen này được kết nối một cách tự nhiên, lần này là trong niềm vui và hi vọng, chứ không còn chia rẽ và đấu tranh. Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế.

“Chúng tôi không hề hỏi nhau, và cũng không nghe ai hỏi chúng tôi là Sunni hay Shi’ite, theo Thiên Chúa hay Hồi giáo. Chúng tôi sống với nhau như mọi cộng đồng hòa hợp khác. Những khác biệt nếu có, chỉ là cách mà người ngoài nhìn vào và tò mò lục vấn. Giờ thì tất cả hoặc bị xếp vào, hoặc phải tự xếp mình vào nhóm nào đó, vì sự an toàn, vì nỗi lo lắng hay hoài nghi, tôi không biết nữa nhưng tất cả đã thành cơn ác mộng trong đời thực” - Hani Hadeem kể với tôi về một Syria mà ông quen thuộc mọi ngóc ngách 25 năm về trước, khi ông còn là một sinh viên đại học háo hức đi khắp nơi khám phá những kho tàng văn hóa nghệ thuật giàu có của tổ quốc mình.

Ông đã phải rời bỏ quê hương, trong khi những người thân của ông vẫn còn kẹt lại và “không biết ngày mai sẽ là một ngày thế nào, những ai còn sống và sống bằng gì”. Chính ông, dẫu ở một đất nước ổn định, cũng đối diện sự “không biết” đậm đặc ấy.

Những tin tức về vụ “tấn công bằng khí hóa học” ngày 4-4 ở Khan Sheikhoun (phía nam tỉnh Idlib, Syria) tràn ngập Facebook, Twitter và các tờ báo mạng ập đến giữa lúc đoàn chúng tôi tới thành phố Pyeongchang của tỉnh Gangwon, nơi sẽ đăng cai Thế vận hội mùa đông 2018, thật trớ trêu, là một sự kiện để thắt chặt thêm tình hữu nghị trên thế giới.

Thế là ngoài chuyện thăm thú những nơi tổ chức, nghe giới thiệu về một kỳ đại hội thể thao mà Hàn Quốc rất lấy làm tự hào, cánh nhà báo không khỏi phải trao đổi về chủ đề đầy chết chóc và nghi kỵ của cuộc chiến ủy nhiệm Syria.

Tranh cãi, đôi khi cực kỳ gay gắt, nổ ra như một tất yếu, không khỏi khiến tôi nhớ lại những câu hỏi trong ngày đầu tiên của hội nghị: “Nhiệm vụ của nhà báo là gì?

Nhà báo sẽ viết dưới sự dẫn dắt nào: sự thật khách quan (nếu có tồn tại một sự thật như thế), sự thật mà anh chủ đích lựa chọn, vì những người yếu thế, vì đất nước mình, để chống lại kẻ mạnh, để kiểm tra năng lực các chính phủ, để trở thành người giám sát, để tìm những câu chuyện hay, hay đơn giản là để cung cấp thông tin?”.

Báo chí và truyền thông luôn là con dao hai lưỡi trong suốt lịch sử của nó. Giờ đây, được trang bị thêm sức mạnh tức thời của mạng xã hội, của công nghệ làm tin tức giả mạo (fake news), của kiểu lý luận về “sự thật thay thế” (alternative facts), giữa một thế giới mà “mọi người đều biết mọi điều đang diễn ra”, chính chúng tôi cũng thấy mình ngày càng bất lực trước các câu hỏi sống còn đó.

Tới tận cùng, như phó tổng biên tập Choi đúc kết, mà tôi hoàn toàn đồng ý, chỉ có thể trông đợi vào nhân tính và lương tri của mỗi nhà báo.■

Bán đảo không bình yên

Chúng tôi rời Hàn Quốc giữa tin quân đội Mỹ vừa hạ lệnh đưa hải đội tàu sân bay Carl Vinson với nhiều khu trục hạm và tuần dương hạm hộ tống áp sát bán đảo Triều Tiên - nơi chưa bao giờ yên tĩnh suốt nửa thế kỷ qua và về lý thuyết, luôn ở trong tình trạng chiến tranh.

Tương lai vẫn bất định, nhưng khi rời thành phố cuối cùng trong lịch trình tại Hàn Quốc - Incheon - Thị trưởng Yoo Jeong Bok đã giải thích cho chúng tôi một từ Hàn Quốc cổ “Haeboolyangsoo”: “Biển tiếp nhận mọi dòng nước để làm biển bao la hơn”. Tâm thế ấy của người Hàn Quốc hẳn sẽ tiếp tục giúp họ vững vàng hơn trước sóng gió.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận