Từ những sân chơi học đường

PHẠM ĐỊNH THI 25/06/2013 03:06 GMT+7

TTCT - Tại vòng chung kết Giải bóng rổ U-17 quốc gia - Cúp Cool Air 2013 quy tụ 17 đội (9 đội nữ) vừa tổ chức ở TP Cần Thơ, điều thú vị là khán giả chứng kiến những cô cậu học trò được ươm mầm từ các CLB bóng rổ nghiệp dư đã chơi ngang ngửa với nhiều VĐV năng khiếu thể thao.

Phóng to
Thầy trò CLB Diên Hồng vượt khó khăn để tham gia giải bóng rổ - Ảnh: Định Thi

Điển hình thành công của niềm đam mê bóng rổ phải kể đến hai “ông bầu” kiêm HLV nghiệp dư đầy tâm huyết: Nguyễn Văn Linh (vốn là kỹ thuật viên của Đài phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi) và Thái Gia Hiệp (chủ tiệm sửa máy may) của CLB bóng rổ Diên Hồng tại Quảng Ngãi. Kể từ lần đầu tham dự giải năm 2010 đến nay, CLB Diên Hồng luôn có huy chương vòng đấu khu vực miền Trung và là đội mạnh tại giải toàn quốc.

Từ con số 0 của phong trào

Xuất thân là VĐV điền kinh và bóng đá, nhưng ông Linh và ông Hiệp rất mê bóng rổ khi thời trai trẻ đã đi qua. Tuy chỉ chơi nghiệp dư trong lúc phong trào bóng rổ tại Quảng Ngãi gần như là con số 0, nhưng niềm đam mê của họ cứ lớn dần cùng năm tháng. Ông Linh tâm sự: “Thời mình quá khó khăn, muốn chơi mà không được. Giờ nếu có thể giúp các con, các cháu có một sân chơi bổ ích cũng là việc nên làm”. Từ trăn trở đó, ông quyết tâm tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên Quảng Ngãi.

Không biết bao nhiêu công sức đã đổ ra để CLB bóng rổ Diên Hồng hình thành vào tháng 8-2006, chỉ với lèo tèo vài học viên là học sinh địa phương. Sân tập là nền ximăng không rộng lắm do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi hỗ trợ. Tiền nong chẳng có, ngoài việc dạy miễn phí, hai HLV còn phải mua vài trái bóng nhựa rẻ tiền cho học trò tập. Học viên nào khá giả thì đóng góp 10.000 đồng/tháng để sắm thêm trang thiết bị, nước uống, lưới rổ... Em nào khó khăn được miễn phí nhiều năm trời.

Mỗi ngày sau giờ làm việc, ông Linh và ông Hiệp lại ra sân từ 17g đến tận 21g. Bản thân hai thầy cũng chỉ là dân nghiệp dư nên trình độ có hạn. Khi truyền dạy hết “bài” cho học trò, họ lại phải lên mạng tự học thêm những kỹ thuật hiện đại để dạy tiếp. Mỗi khi có giải đấu, cả hai luôn đau đầu với bài toán tài chính khi không nhận được bất kỳ nguồn hỗ trợ nào.

Số lượng ngày phép tại cơ quan của ông Linh được ưu tiên toàn bộ cho những chuyến tham gia giải của đội. Bản thân hai “ông bầu” phải kiêm HLV, săn sóc viên (cấp cứu y tế), chạy đôn chạy đáo xin tài trợ mỗi nơi một ít và huy động đóng góp từ các phụ huynh... Ở giải nào cũng vậy, họ đều phải chi tiêu rất tiết kiệm. Vậy mà sau mỗi giải đấu, hai thầy luôn phải bù lỗ 5-10 triệu đồng/người dù kinh tế gia đình chẳng mấy khá giả.

Khó khăn là vậy nhưng các buổi tập của CLB Diên Hồng chưa bao giờ vắng sự hứng khởi. Em Trần Duy Quang, 14 tuổi, cho biết: “Em đã theo CLB Diên Hồng được ba năm và gần như tuần nào cũng tập ít nhất năm buổi. Lúc đầu em đến với bóng rổ vì theo bạn bè, nhưng sau đó được thầy truyền cho niềm đam mê. CLB không chỉ là nơi chơi thể thao, vứt bỏ những căng thẳng học hành mà em còn coi như đại gia đình. Em có rất nhiều huy chương Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh trong màu áo đội tuyển trường”.

Đến nay, CLB Diên Hồng có trên 100 thành viên thường xuyên tham gia tập luyện, nhỏ tuổi nhất là học sinh lớp 3, lớp 4 (khoảng 30 em) cho đến học sinh lớp 12. Khá nhiều trong số này sau đó được Trường Năng khiếu TDTT Quảng Ngãi đặc cách “chiêu sinh” (12 VĐV). Đáng tự hào hơn khi những lứa học viên đầu tiên của CLB Diên Hồng đã trưởng thành và mang “thương hiệu” CLB trải khắp nơi. Hiện nay tại TP.HCM cũng có đội bóng mang tên Diên Hồng (gồm những người con Quảng Ngãi) chơi dạng phong trào và ngày 20-11 hằng năm họ vẫn nhớ và chúc mừng hai người thầy của mình.

Phóng to
Những VĐV học sinh thổi làn gió mát cho Giải bóng rổ U-17 quốc gia - Cúp Cool Air 2013 - Ảnh: Định Thi

Học và chơi đều giỏi

Đội bóng rổ nữ Trường THPT Phan Châu Trinh (trường điểm Đà Nẵng) được biết đến như tấm gương học giỏi và chơi thể thao hay. Với thành phần gồm 100% học sinh khá giỏi, họ thi đấu ngang ngửa, thậm chí trên tay nhiều đội tuyển năng khiếu thể thao của tỉnh khác. Đến nay, đội bóng rổ nữ của trường liên tiếp giành chức vô địch Hội khỏe Phù Đổng TP Đà Nẵng (2008-2012), hạng nhì Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012 và là đương kim á quân giải U-17 quốc gia - Cúp Cool Air 2011.

Thầy Nguyễn Gia Công, cũng là HLV của đội, cho biết: “Bóng rổ là một trong những môn học thể chất có trong chương trình và tổ chức thi đấu tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng. Thế nên chúng tôi luôn trăn trở tìm cách phát triển phong trào tập luyện bóng rổ, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh. Đội bóng rổ của trường được thành lập từ năm 2001”. Trước niềm đam mê của học sinh, ban giám hiệu Trường THPT Phan Châu Trinh luôn hỗ trợ sân tập và bóng cho CLB. Số lượng học sinh tham gia CLB bóng rổ khoảng 60 em, thường xuyên tập ba buổi/tuần.

Vì đối tượng là học sinh của trường nên thầy cô môn thể chất (kiêm HLV) phải linh động cho các em tự chọn giờ tập luyện để tránh giờ học chính quy. Thầy Công nói: “Nhìn các em tập chăm chỉ và đầy đam mê là chúng tôi như quên nỗi nhọc nhằn. Nhiều người đã xúc động khi nghe chúng tôi kể chuyện về những nữ sinh đến trường tập bóng rổ từ 5g sáng, mang theo áo dài để tập xong là thay đồ vào lớp học luôn”.

Ngoài đội nữ, Trường THPT Phan Châu Trinh cũng có đội nam tập hợp nhiều em có tố chất tốt. Tuy nhiên, họ không thể tham dự giải năm nay vì không có kinh phí. Thầy Công cho biết: “Năm sau chúng tôi sẽ cố gắng đưa thêm đội nam tham dự giải. Để làm được điều đó, từ bây giờ chúng tôi phải lo nguồn kinh phí, chủ yếu từ đóng góp của phụ huynh và bản thân các em đã bắt đầu “bỏ ống” tiết kiệm”.

“Những lò đào tạo bóng rổ nghiệp dư cho học sinh - sinh viên phải tự chủ cả về sân tập lẫn kinh phí thi đấu. Đây là điều hết sức khó khăn trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay. Nhưng họ vẫn trụ lại được với bóng rổ bằng niềm đam mê rất lớn của cả thầy lẫn trò. Vượt qua khó khăn để được thi đấu, các em có thể phát huy hết khả năng của mình để chơi ngang ngửa với nhiều VĐV năng khiếu thể thao.

Các đội bóng trẻ chuyên nghiệp của Quân chủng Phòng không không quân, Năng khiếu TDTT Cần Thơ, Năng khiếu TDTT Long An... từng có những trận đấu vã mồ hôi, thậm chí thất bại trước những đội bóng học sinh này. Tôi cho rằng những lò đào tạo nghiệp dư này là tài sản quý của bóng rổ VN và giúp bóng rổ VN phát triển mạnh trong tương lai”.

Ông Bùi Việt Cường
(phó ban truyền thông Giải bóng rổ U-17 quốc gia - Cúp Cool Air 2013)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận