Vào “Quảng trường thời đại đồng nát”

HOÀNG ĐIỆP 04/08/2013 03:08 GMT+7

TTCT - 4g chiều, bên xưởng Mộc - Chắc, chủ đi họp vắng nhưng cửa vẫn mở tơ hơ, mấy người hàng xóm đang ngồi đánh bóng mấy thứ đồ dành cho dân phượt, người khác thì lục lọi trong đống gỗ vụn để tìm những thứ phù hợp với mình.

“Không biết chủ xưởng đi đâu, ở đây ai cần gì thì cứ lấy thôi!” - một người nói.

Một góc “hợp tác xã sáng tạo” trên đường Trần Thánh Tông - Ảnh: Việt Dũng

Thật ra, xưởng gỗ ấy không phải là xưởng mộc bình thường chuyên đóng đồ mộc, mà chủ xưởng là người yêu gỗ và ưa sáng tạo nên sắm máy cưa và các dụng cụ làm mộc để làm ra những đồ vật mà mình yêu thích.

“Ở đây cái gì cũng làm được nhưng không nhận hàng đặt” - chủ xưởng Trần Trung Kiên ở địa chỉ 38 Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cười cười khi nói về vai trò của “xưởng mộc” mà những cư dân cùng xóm đã đặt cho anh.

Xóm nghệ sĩ giữa phố

Xóm hình thành chưa lâu, người có mặt sớm cũng chừng ba tháng, đó là nhiếp ảnh gia Xuân Đông. “Nghe người quen nói có khu nhà kho đang cho thuê có thể làm xưởng được nên tôi đến đây thuê mặt bằng làm văn phòng và phòng chụp. Chỉ trong thời gian ngắn, cư dân trong xóm tăng nhanh không ngừng, hiện có hơn 40 người đang thuê mặt bằng để làm các công việc liên quan đến nghệ thuật và sáng tạo” - Xuân Đông nói.

Và không chỉ nghệ sĩ, rất nhiều bạn trẻ tò mò tìm đến “hợp tác xã sáng tạo” này để được giao lưu và tìm đối tác làm ăn, hoặc chỉ đơn giản để nhìn ngắm các sản phẩm sắp đặt trong mỗi xưởng.

Khu đất này vốn là cơ quan và xưởng sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm II, được chủ đầu tư sau này là Công ty bất động sản Thành Đạt cho những ai có nhu cầu thuê lại. Đây là lô đất đã bị bỏ không khá lâu, gồm năm tòa nhà nhiều tầng nằm trên mặt đường Nguyễn Huy Tự và Trần Thánh Tông. Và không gian nơi đây mang diện mạo khác hẳn kể từ khi các nghệ sĩ gia nhập “hợp tác xã sáng tạo”.

Tại một phòng trưng bày của quán bar Barbetta treo hàng chục giấy khen, bằng khen mà Xí nghiệp Dược phẩm II nhận được từ các cơ quan ban ngành. Đặc biệt, một bằng khen được lồng trong khung kính rất trang trọng, dù các mép của bằng khen bị xước một số chỗ: Huân chương Lao động hạng ba có chữ ký tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Tôi thấy giữ gìn và trưng bày được những bằng khen này rất quý, bởi đây là những bằng khen do Bác Hồ, bác sĩ Trần Duy Hưng, chủ tịch đầu tiên của UBND TP Hà Nội ký tặng” - anh Trần Dũng, một khách hàng vừa ngắm những bằng khen vừa gật gù.

Ở đây, những hàng ăn, quán cà phê hoặc đơn giản như quán trà đều có sự bài trí khác biệt. Điểm chung nhất của những cư dân chính là đi qua cửa 38 Nguyễn Huy Tự.

“Về tinh thần, tôi thấy y như một xóm giữa phố, mọi người quan tâm và hỗ trợ nhau rất tích cực. Đầu tiên là bởi khu đất này vốn bỏ hoang đã lâu. Chúng tôi phải gặp nhau thường xuyên để trao đổi và bàn nhau xin điện, nước, đăng ký gia nhập với chính quyền phường. Chủ nhật vừa rồi (ngày 28-7), chúng tôi đã họp khu và chuẩn bị cho buổi khai trương toàn khu vào tháng 9” - họa sĩ Phương Vũ Mạnh nói.

Họa sĩ Phương Vũ Mạnh vẽ “body painting” trong một buổi diễn tại “hợp tác xã sáng tạo”- Ảnh: Việt Dũng

Không gian sáng tạo mới

Là một trong những cư dân có mặt khá sớm tại số 38 Nguyễn Huy Tự, họa sĩ Mạnh từng mơ ước có được một không gian nghệ thuật tập trung giống như ở nước ngoài mà anh đã chứng kiến. “Tôi đã chứng kiến nơi nghệ sĩ làm việc tập trung như vậy trong những nhà máy bỏ hoang. Họ sẽ thuê nó với giá rẻ để cùng hỗ trợ sáng tạo” - anh tâm sự.

Nhận mặt bằng từ tháng 5, nhưng đến ngày 28-6 họa sĩ Mạnh mới khai trương không gian của mình bằng một buổi trình diễn body art và mong muốn mỗi tháng tổ chức hai buổi trình diễn nghệ thuật đương đại có mời các nghệ sĩ nước ngoài. “Nay tôi mới chỉ tổ chức được mỗi tháng một lần thôi. Dự kiến giữa tháng 8 sẽ có một chương trình nghệ thuật nữa có mặt nhạc sĩ Vũ Nhật Tân và một số nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn giới thiệu những hình thức nghệ thuật mới” - anh cho biết.

Rất quan tâm đến “hợp tác xã sáng tạo” này, chỉ vì chậm chân mà nhạc sĩ Quốc Trung không thuê được mặt bằng để mở một trung tâm âm nhạc. “Tôi rất ủng hộ các bạn của mình hoạt động nghệ thuật ở đây. Không gian này đã tạo ra một môi trường hoàn toàn mới và thu hút những người yêu thích, quan tâm đến nghệ thuật” - anh nói.

Tất bật hoàn thiện không gian 480m2 mặt bằng trên tầng 3 của khu nhà E cho dự án dạy và sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật dành cho cả người lớn lẫn trẻ em, họa sĩ Thẩm Cầm Phương cho biết chị cùng gia đình và các cộng sự đã mất cả tháng trời để dọn dẹp và bài trí, sửa sang lại mặt bằng để có được không gian như hiện nay.

Không gian của chị được chia thành nhiều khu khác nhau: nơi rộng nhất dạy vẽ cho các cháu nhỏ, phòng bên cạnh là không gian nghệ thuật dành cho người lớn khám phá, khu trưng bày những đồ thủ công bằng đủ chất liệu, khu múa hát dành cho thiếu nhi...

Dù nhà xưởng mặt bằng đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng họa sĩ Phương cho rằng có được một môi trường nghệ thuật mà các nghệ sĩ sống gần nhau như thế này là điều không dễ. Các nghệ sĩ thường có những sáng tạo bất ngờ và tính tương trợ rất cao nên họ có hẳn một diễn đàn để chia sẻ thông tin. Vì cùng mới đến, số người tiếp tục đến lại đang tăng lên, các cư dân tính chuyện bầu “trưởng xóm”.

“Đương nhiên phải là người đại diện được cho cư dân làm những việc đối ngoại với khu phố và tổ chức hội họp mỗi tuần một lần” - chủ quán cà phê Hiker nói rõ tiêu chuẩn bầu chọn.

Nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng thực hiện bộ ảnh cho triển lãm cá nhân “Là bạn” - Ảnh: Việt Dũng

“Quảng trường thời đại đồng nát”

Đây là tên gọi vui của những cư dân trong “hợp tác xã sáng tạo” bởi theo lời họ kể, cư dân đầu tiên ở đây là một người buôn đồng nát. “Lúc đầu chị ấy chiếm mấy gian ở ngoài để chất đồ đồng nát, nhưng khi các cư dân khác dồn dập về đây thì chị ấy dọn đống đồ của mình vào sâu phía trong. Những “vật phẩm” chị thu gom được lại là nguồn cảm hứng cho cư dân ở đây” - họa sĩ Phương kể.

Sở dĩ có chuyện đó bởi những gì người mua đồng nát mang về thể nào cũng có vài người đến xem. Anh Xuân Đông kể: “Hôm đầu tiên gặp, chị ấy khoe một tập giấy khen từ những năm 1960, 1970, một cây bút kim tinh còn tốt cùng rất nhiều tem thư và bảo tôi thích gì thì cứ lấy”. Mở hộc tủ, anh lôi ra mớ giấy khen về biểu diễn văn nghệ và nghệ thuật quần chúng, có cả giấy khen về phong trào đọc sách của thành phố.

Người đồng nát gom được rất nhiều thứ “bỏ đi” và được những cư dân ở đây biến thành vật phẩm có giá trị sau khi được sắp đặt đúng chỗ. “Thỉnh thoảng có người tìm chị đồng nát và bới đống đồ của chị để tìm những thứ mình thích. Vậy nên mọi người gọi vui đây là quảng trường thời đại đồng nát” - họa sĩ Phương giải thích.

 
Họa sĩ Lê Thiết Cương trong không gian Barbetta - Ảnh: Việt Dũng

Nội dung “Một không gian đủ rộng để có thể “bày trò”, sắp đặt nọ kia. Một không gian đủ rộng để có thể tụ họp, nhóm họp. Gì thì gì, buôn bán hay nghệ thuật thì có bạn có phường vẫn hơn.

Ưu điểm của “hợp tác xã sáng tạo” này là diện tích rộng, gần trung tâm (cách Bờ Hồ chỉ 1km), giá thuê thấp, nhưng nhược điểm là thời hạn thuê ngắn. Nhược điểm này đối với những người làm nghệ thuật thì họ đâu có “chấp”, ba năm là đủ cho một lần chơi rồi. Có khi cái sự bấp bênh, bất trắc ấy lại tạo hưng phấn cho họ nhiều hơn là chắc chắn, an toàn, dài lâu.

Làm sao bỏ ra ít tiền mà vẫn có thể trang trí, ánh sáng, bàn ghế... để đẹp được. Chỉ có cách duy nhất là đưa quan niệm trang trí đương đại vào thôi. Trên cái cốt là một xác nhà máy cũ, nhếch nhác, sứt sẹo ấy, những nghệ sĩ đến thuê đã thổi hồn đương đại vào dù là gian hàng body art hay quán bar, gian hàng nhà sàn, gian hàng đi ôtô...

Mỗi người mỗi vẻ, tất cả đều chung một điểm là nương vào những gì có sẵn để chấm phá thêm, thêm ít đến mức gần như không thêm gì, mà ngay cả có thêm thì cũng vẫn phải thêm kiểu sứt sẹo, chắp vá, dở dang, cũ kỹ...”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận