Vật tay: Thú vui giản dị mà lắm công phu

HUY ĐĂNG - HOÀNG TÙNG 16/06/2023 11:25 GMT+7

TTCT - Thời đi học, ắt cậu con trai nào cũng đôi lần thi thố sức mạnh với chúng bạn bằng trò chơi cơ bản đã có từ thời Ai Cập và Hy Lạp cổ đại: Vật tay.

Trò vật tay ngày nay đã trở thành một môn thể thao thực thụ, bao gồm đầy đủ các yếu tố kỹ thuật, đòi hỏi tập luyện bài bản và có cả những giải đấu tầm thế giới. Món này dễ hiểu là đang thu hút rất nhiều bạn trẻ Việt Nam.

Khâm Huy (trái), một trong những thành viên nòng cốt của CLB vật tay VN. Ảnh: Hoàng Tùng

Khâm Huy (trái), một trong những thành viên nòng cốt của CLB vật tay VN. Ảnh: Hoàng Tùng

Thú chơi cũng lắm công phu

Sáng chủ nhật hằng tuần, một góc bờ sông khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM lại nhộn nhịp đông vui với cả trăm nam thanh niên tụ tập. Đó là CLB Vật tay Việt Nam do một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM và Khánh Hòa gầy dựng. 

Những chiếc bàn chuyên dụng phục vụ môn vật tay được dựng lên, kèm một số dụng cụ như miếng nệm lót cùi chỏ, dây buộc tay, bột… Và từng chàng trai bước lên "ra kèo". Hai bên là 2 trọng tài, cũng là các thanh niên đam mê vật tay, nhưng được cấp chứng chỉ hẳn hoi của Hiệp hội Vật tay quốc tế (IFA).

Huỳnh Khâm Huy, thành viên CLB, cho biết để có được chứng chỉ trọng tài do IFA cấp là cả một công trình tự thân tìm tòi cũng như đầu tư. Nhiều năm trước, CLB được thành lập từ những chàng trai mê vật tay. 

Đa số họ đều trẻ, người là sinh viên, người mới ra trường, người còn là học sinh, một số có tập thể hình, nhưng phần đông chỉ biết "vật tay là vật tay", chứ chưa hề có chuyên môn kỹ thuật gì. Bản thân ở Việt Nam cũng chưa có hiệp hội chính thức nào cho môn thể thao này.

"Sẵn biết tiếng Anh nên tôi tự lên mạng tìm tòi tài liệu. Từ đó mới biết vật tay là một môn thể thao có luật lệ và kỹ thuật thi đấu hẳn hòi. Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi thấy để tổ chức giải đấu chuyên nghiệp nhất định phải có trọng tài, mà là trọng tài có chứng chỉ quốc tế hẳn hoi thì mọi người mới phục. Tôi tự liên hệ với một trọng tài phụ trách cấp chứng chỉ của IFA rồi mời ông ấy sang Việt Nam, tổ chức một lớp học khoảng 20 học viên. Cuối cùng chỉ có 4 người được cấp chứng chỉ thôi", Huy kể.

Đó chỉ là một trong nhiều nỗ lực của hội để xây dựng tính chuyên nghiệp cho môn vật tay ở Việt Nam. Ra đời từ năm 2014, hội đến nay đã tổ chức được giải đấu thường niên với quy mô hơn trăm người tham dự mỗi năm. 

Vì là sân chơi của những người trẻ, giải đấu chưa thu hút được nhiều nhà tài trợ. Dẫu vậy, anh Huỳnh Khâm Huy và các thành viên nòng cốt khác của hội tự bỏ tiền túi để tài trợ cho giải có tiền thưởng ít nhiều.

Anh Phạm Công Lâm, một thành viên khác của hội, cho biết từ ngày gia nhập, mỗi năm anh tốn khi thì vài triệu, có khi cả vài chục triệu cho việc tổ chức giải và duy trì nhiều hoạt động thú vị khác. 

Chẳng ai ngờ niềm đam mê vật tay tưởng chừng nhỏ nhoi lại thu hút khá đông đảo người chơi. Mỗi cuối tuần, nhóm lại sinh hoạt bên bờ kè khu Thanh Đa, cả thanh niên sinh sống ở Sài Gòn lẫn ở các tỉnh thành khác tìm đến tham gia. Người đi xe đò từ Bảo Lộc xuống, người tự lái xe từ Bến Tre lên…

Đừng đùa với vật tay

Chỉ là vật tay thôi, sao phải công phu thế? Nhiều người có lẽ sẽ tự hỏi như vậy, bởi trò chơi này quả thật là cơ bản của khái niệm thể thao. Nhưng đừng đùa với vật tay, bởi nếu chơi không đúng cách, tập không đúng kỹ thuật và cứ tham gia đấu bừa, chấn thương sẽ xảy ra.

"Thỉnh thoảng, chúng tôi mang bàn thi đấu đến nơi công cộng rồi tổ chức thi vật tay. Nhưng đều là người trong hội đấu với người ngoài chứ không để cho 2 người ngoài đấu với nhau được. Vì trong không khí căng thẳng thách đấu, họ sẽ rất dễ chấn thương. Chẳng hạn như khi vật tay, để gắng sức, mọi người sẽ xoay cả người 90 độ, còn tay thì ra sức gồng. Khi đó nếu bị vật xuống, có nguy cơ bị gãy tay. Bí quyết là đầu lúc nào cũng phải nhìn vào tay", Huy nói.

Chấn thương là chuyện khá thường gặp ở môn này, đặc biệt là chấn thương cổ tay. Dương Văn Đức, người từng nhiều lần đoạt chức vô địch các giải vật tay tự tổ chức có quy mô toàn quốc, cho biết anh từng bị chấn thương cổ tay trong một lần đi đấu giải nước ngoài, sau đó phải nghỉ thi đấu đến một năm. Tất nhiên, đây là điều khó tránh ở một môn thể thao chuộng sức mạnh.

"Vật tay nhìn đơn giản nhưng cần nhiều kỹ thuật lắm, như cách phá tiểu xảo, cách vật... Hồi xưa tôi chưa có kinh nghiệm dinh dưỡng nên bị nhiều chấn thương. Còn giờ tôi đã biết cách ăn uống, tập luyện hợp lý để cơ xương khớp chắc chắn nên tránh được rồi", Đức nói. 

Chàng trai sinh năm 1995 này cho biết anh đến với vật tay từ lần chứng kiến một trận giao lưu vật tay ở quê nhà Thái Nguyên 12 năm trước, giữa một người cử tạ mạnh nhất tỉnh với một người thể hình mạnh nhất miền Bắc.

Từ đó, Đức bắt đầu tập vật tay và khám phá ra chân lý sức mạnh không phải là tất cả. Sau nhiều năm tập luyện, thọ giáo qua nhiều cao thủ làng vật tay, Đức vô địch toàn quốc rồi được mọi người trong hội vật tay Việt Nam chọn đi thi giải thế giới ở Indonesia. Gọi là "được chọn" nhưng Đức phải tự túc mọi chi phí.

Tương tự, anh Phạm Chí Dũng (43 tuổi) cũng là VĐV vật tay Việt Nam hiếm hoi từng vô địch giải quốc tế. Tập gym lâu ngày nên khi bắt đầu tập vật tay, anh Dũng dễ dàng thích nghi. Năm 2022, anh bỏ tiền túi đi dự Giải vô địch vật tay châu Á 2022 tại Malaysia, giành huy chương vàng lứa tuổi trên 40.

"Nói chung môn này cũng như tập gym nên vợ ủng hộ mình chơi. Tập thì cũng như mọi người, hằng ngày vào buổi chiều sau giờ tan ca vậy thôi. Chơi vật tay xong tay mình khỏe, làm các việc nặng lại thành nhẹ. Bàn tay mình khỏe thì cơ thể sẽ khỏe. Vật tay quan trọng phải có sức mạnh, tố chất cơ thể trước, kỹ thuật hay tiểu xảo cũng như các môn khác đều phải có nếu muốn đi về chuyên sâu. Kiên trì tập luyện là được. Ví dụ như hơi thở khi vật tay, nếu không để ý hay tập luyện đúng phương pháp để có kỹ thuật sẽ thua liền", anh Dũng kể.

Tưởng chừng là môn chơi đọ sức đơn thuần, vật tay hóa ra hấp dẫn chẳng kém gì các môn đấu võ. Cũng phân chia hạng cân, nhưng đôi khi người chơi vật tay có thể được chứng kiến một chàng trai thư sinh, nặng chừng 60kg đánh bại anh chàng lực sĩ thể hình, cơ bắp cuồn cuộn nặng 100kg. Nếu không tin, cứ thử một lần là rõ!■

Ra Lê Lợi giao lưu với các CLB vật tay

Trong ba ngày từ 16 đến 18-6, trên đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM), báo Tuổi Trẻ tổ chức Ngày hội thanh toán không tiền mặt với hơn 60 gian hàng của các doanh nghiệp, ngân hàng. Riêng tại gian hàng báo Tuổi Trẻ, vào mỗi chiều, từ khoảng 16h30, các thành viên CLB vật tay VN đã nhận lời mời biểu diễn, thách đấu, và hướng dẫn cho môn thể thao tưởng đơn giản nhưng không hề giản đơn này. Thân mời tất cả những ai yêu thể thao, có ý định tìm hiểu môn vật tay đến giao lưu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận