"Vẽ" lại dòng sông: Giải pháp hay giấc mơ?

HỒNG VÂN 28/03/2024 04:04 GMT+7

TTCT - Bàn chuyện dẫn nước cứu hạn không phải là cuộc thảo luận mới trên thế giới

Ảnh: Alexander Farnsworth/iStock

Ảnh: Alexander Farnsworth/iStock

Bàn chuyện dẫn nước cứu hạn không phải là cuộc thảo luận mới trên thế giới. Nhưng so với số hội thảo và hội nghị bàn về vấn đề nắn chỉnh dòng sông đã diễn ra, số dự án đến được giai đoạn triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Vẽ" lại dòng sông đòi hỏi nhiều tài nguyên, thời gian, nhân lực, vật lực. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sẽ đến lúc chính con sông cứu nguy cũng cạn dòng vì đã tận lực giải cứu những miền khô hạn.

Những dự án cao vời

Muốn biết một cơn mưa quý giá ra sao ở lưu vực sông Colorado khô hạn, hãy xem cách ví von của giáo sư Rhett Larson, Đại học bang Arizona: "Hạn hán ở đây nghiêm trọng đến nỗi một cơn mưa nhỏ cũng quý và cần thiết như giữa lúc bạn vừa bị mất việc và bị đuổi khỏi nhà trọ thì tìm được một tờ 20 USD". Tình hình cũng tương tự ở những bang bờ tây khác, từ Arizona đến Utah.

Chẳng thế mà hiện có ít nhất nửa tá dự án đặt đường ống dẫn nước lớn, từ đầy tham vọng đến kỳ quặc, đang được xem xét trên khắp miền tây nước Mỹ, theo tạp chí Grist. Chẳng hạn, các nhà lập pháp ở Arizona - bang có tới bốn sa mạc trong địa giới hành chính - cứ bàn tới bàn lui, tìm cách bơm nước từ sông Mississippi thường bị lũ lụt cách đó hơn ngàn dặm (1.600km) về địa phương để "giải hạn" theo nghĩa đen.

Họ tin rằng các đề xuất này được lịch sử ủng hộ. "Một số bang từng thành công khi xin chính phủ liên bang chi trả cho các dự án dẫn nước lớn" - Denise Fort, giáo sư danh dự đã nghỉ hưu của Đại học New Mexico, nói với Grist.

Cụ thể, trong thế kỷ trước, khi dân số các bang miền tây nước Mỹ bắt đầu tăng, chính phủ liên bang Mỹ đã tài trợ một số dự án như Central Arizona Project - đào hơn 500km đường kênh đưa nước từ sông Colorado băng qua sa mạc đến thành phố Phoenix (thủ phủ bang Arizona), và Big Thompson - dẫn nước từ thượng nguồn sông Colorado, băng qua dãy núi Rocky để tới thành phố Denver (thủ phủ bang Colorado), hành trình dài hơn 120km.

Theo giáo sư Fort, những dự án đó thật ra "không bền vững và lãng phí", và trong thời buổi hiện tại, không còn thực tế nữa. 

Thứ nhất, vì nguồn nước sông không còn dồi dào để điều chuyển nên xây đường ống dẫn nước sẽ không đạt hiệu quả về chi phí. Thứ hai, các dự án cơ sở hạ tầng lớn phải đảm bảo các quy định mới, trong đó yêu cầu khắt khe về báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Sông Colorado - nguồn cung cấp nước cho hàng triệu cư dân Arizona - hiện đã bị khai thác tới hạn và xuống mức thấp nhất lịch sử. Chính nó đang cần giải cứu. 

Cứ vào năm hạn hán tàn khốc, cuộc thảo luận về việc điều chuyển nguồn nước, như dự án dẫn nước lũ sông Mississippi bơm về phía tây vào sông Colorado, lại được dịp rôm rả, nhưng vẫn chẳng đi đến đâu.

Một trăm cái khó

Năm 2021, bang Arizona đã cấp khoản tiền nghiên cứu ban đầu hơn 1 tỉ USD trong ba năm đối với dự án xây đường ống dẫn nước, bơm nước lũ từ sông Mississippi sang sông Colorado. 

Các nghiên cứu cho thấy triển khai một dự án điều chuyển nước lớn như vậy là khả thi nhưng sẽ cần hàng thập niên để xây dựng và hàng tỉ đô la ngân sách. Một báo cáo liên bang có từ năm 2012 ước tính kinh phí "lạc quan" để làm đường ống này là 14 tỉ USD trong 30 năm.

Ngày nay, chi phí để xây dựng đường ống này có thể sẽ cao hơn rất nhiều do lạm phát và những trở ngại trong quá trình xây dựng. Ngay cả khi đã tối ưu chi phí, giá cho mỗi khối nước cung cấp sẽ gấp đôi so với các giải pháp khác như tiết kiệm và tái sử dụng nước.

Central Arizona Project - dài 540km, mất 20 năm và 4 tỉ USD để hoàn thành - hiện cấp nước cho hàng triệu người dân Arizona và tạo ra giá trị kinh tế hơn 2 ngàn tỉ USD. Ảnh: USBR

Central Arizona Project - dài 540km, mất 20 năm và 4 tỉ USD để hoàn thành - hiện cấp nước cho hàng triệu người dân Arizona và tạo ra giá trị kinh tế hơn 2 ngàn tỉ USD. Ảnh: USBR

Nếu tiền không phải là vấn đề thì vẫn còn rào cản về thủ tục và cơ sở hạ tầng đồng bộ. Dự án sẽ cần hàng chục giấy phép của tiểu bang và liên bang và phải được đánh giá tác động môi trường toàn diện ở cấp liên bang. Việc chuyển nước đi hàng ngàn km cũng cần nguồn điện công suất phát vài trăm megawatt bổ sung vào điện lưới.

Ngay cả khi có thể giải quyết được những rào cản này, khả năng các bang nơi dòng sông chảy qua ở miền Trung Tây đồng ý cho bơm nước sông Mississippi đi nơi khác là rất thấp. Gần như chắc chắn rằng các bang ven sông sẽ thông qua luật hạn chế dẫn nước hoặc đệ đơn kiện các bang ở bờ Tây nếu dự án này thực sự diễn ra.

Lại cứ giả sử rằng nhờ một phép màu nào đó, vấn đề thủ tục với các bang thông suốt, thì dự án có thể sẽ bị người dân cự tuyệt. Nhiều người dân ở bang Minnesota đã dọa sẽ cho nổ đường ống nếu dự án được tiến hành.

Một lý do nữa khiến các bang có dòng Mississippi chảy qua kiên quyết bảo vệ nguồn nước của họ là biến đổi khí hậu. Không ai biết hạn hán sẽ như thế nào trong tương lai trên khắp vùng Trung Tây. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khi hiện tượng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy hạn hán và mưa dữ dội ở đây.

Trên thực tế đã xảy ra khô hạn lớn ở khu vực này năm 1988 và 2012. Riêng giai đoạn hạn hán năm 2012 đã gây thiệt hại trực tiếp 35 tỉ USD với ít nhất ba lần đóng cửa sông Mississippi.

Nước sông thuộc về ai?

Dự án lớn khó đã đành, dự án nhỏ cũng vấp phải những phản đối bất tận. Khoảng năm 2000, khi đang làm luận văn thạc sĩ, cư dân Colorado Aaron Million tình cờ thấy trên bản đồ hình ảnh dòng sông Green (của bang Utah) đi vào bang Colorado một đoạn ngắn rồi vòng về Utah. 

Million lập luận bang Colorado có quyền khai thác nước từ sông Green và đề xuất kế hoạch xây một đường ống bơm nước sông này qua dãy núi Rocky đến thành phố Fort Collins, nơi ông sinh sống.

Trả lời Grist, Million, hiện là doanh nhân, bảo vệ quan điểm của mình rằng đường ống là biện pháp bổ sung cho các giải pháp tiết kiệm nước đã được thực hiện từ lâu. "Chính quyền nên làm mọi cách để thúc đẩy tiết kiệm (nước) nhưng việc đó không là giải pháp duy nhất giải quyết vấn đề. Cơ sở hạ tầng là một trong số ít cách thức sẽ xoay chuyển tình hình và đảm bảo nguồn cung" - ông nói.

Aaron Million và đề án dẫn nước của ông. Ảnh: HighCountry News

Aaron Million và đề án dẫn nước của ông. Ảnh: HighCountry News

Trong 20 năm kể từ khi ấp ủ ý tưởng này, Million đã không ngừng nỗ lực nhưng vấp phải hàng loạt thất bại về pháp lý từ cấp liên bang đến tiểu bang. Ông là cái gai trong mắt các nhà bảo tồn. Có thời điểm, họ dựng ba bảng quảng cáo lớn cảnh báo về chi phí và hậu quả tiềm ẩn của dự án điều chuyển nước sông Green đối với các loài cá trên sông.

Tuy nhiên, Million chưa bao giờ từ bỏ, ông đang xin giấy phép để tái khởi động dự án lần thứ tư. Trong phiên bản mới nhất này, đường ống có chiều dài khoảng 547km. Nó sẽ dẫn khoảng 61,7 triệu m3 nước mỗi năm, ít hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu nhưng vẫn gấp đôi lượng nước tiêu thụ hằng năm hiện nay của Fort Collins.

Million khẳng định đã được nhiều ngân hàng và công ty xây dựng MasTec đảm bảo một phần kinh phí cho dự án, nhưng chưa biết giá bán đảm bảo thu hồi vốn và có lãi là bao nhiêu. 

Không dễ để dự án triển khai vì bang Utah đã từ chối cấp phép cho dự án vào năm 2020 với lý do nó có thể gây nguy hiểm cho quyền sử dụng nước của chính bang này. 

Million quyết định khiếu nại. Ông tin dự án là khả thi và là giải pháp đảm bảo cho tương lai phát triển của Fort Collins.

"Chúng tôi không nhằm kiếm tiền từ dự án này. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giảm tác động của khô hạn, tối đa hóa lợi ích và dự án này có rất nhiều lợi ích", Million nói. Về tương lai vùng bờ Tây, theo ông, để phát triển đô thị sẽ cần nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn như của ông.

Danh sách các dự án lấy nước từ sông vẫn còn dài. Bang Utah muốn xây một đường dẫn nước từ hồ Powell đến thành phố St. George - đang phát triển nhanh của họ - dù lượng nước của hồ Powell cũng không phải là dồi dào. 

Một doanh nhân khác ở bang New Mexico có kế hoạch bơm nước sông vượt dốc 400km tới thành phố Santa Fe cùng bang. California muốn xây một đường ống dẫn trị giá 16 tỉ USD đưa nước từ đồng bằng sông Sacramento xuống nam Cali. Dự án cũng bị phản đối dữ dội vì cho rằng nó sẽ tước đi nguồn nước của nông dân và phá hủy hệ sinh thái địa phương.

Người ủng hộ của những dự án vẽ lại dòng sông này cho rằng mang nước ở nơi có nhiều đến nơi khô hạn sẽ đảm bảo sự phát triển ổn định các thành phố ở bờ Tây nước Mỹ trong nhiều thập niên tới, đảm bảo quyền tiếp cận tài nguyên nước của người dân.

Những người phản đối - như chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Save the Colorado Gary Wockner - cho rằng đấy chỉ là giải pháp giật gấu vá vai, "cướp của Lan để đưa cho Huệ".

Trong thời buổi mà hạn hán có thể là một tương lai không tránh khỏi do biến đổi khí hậu mang lại, giải pháp bền vững không phải là chuyển hướng dòng nước mà tiết kiệm nước.

Nam Thủy Bắc Điều của Trung Quốc

Trung Quốc đã đề ra một tổ hợp siêu dự án dẫn nước từ miền nam lũ lụt đến miền bắc khô cằn. Theo Tân Hoa xã, một phần của hệ thống dẫn nước vĩ đại này - xuyên qua lòng sông Hoàng Hà - đã được thử nghiệm thành công ngày 25-8-2022.

Để nói về độ phức tạp và tính dài hạn của dự án, hãy nhìn những con số. Trung Quốc mất 50 năm kể từ khi lên ý tưởng đến lúc bắt đầu thực hiện dự án. Dự kiến sẽ hoàn thành năm 2050, Nam Thủy Bắc Điều được kỳ vọng sẽ chuyển khoảng 50 tỉ m3 nước mỗi năm tới các thành phố "khát nước" ở phía bắc đất nước. Tổng chi phí ước tính của toàn hệ thống là khoảng 62 tỉ USD.

Đại công trình sẽ nối bốn con sông chính là Trường Giang (tên khác là Dương Tử), Hoàng Hà, Hải Hà và sông Hoài, với ba tuyến dẫn nước chính từ nam đến bắc. Dưới góc nhìn của người Mỹ, sự khác biệt về mô hình chính quyền đã cho phép Trung Quốc triển khai dự án dù vấp phải nhiều quan ngại về môi trường.

Những giải pháp thực tế hơn

Liệu có thể giải quyết hạn hán bằng cách xây dựng đường ống ngoằn ngoèo khắp nước Mỹ? New York Times đặt câu hỏi trong một bài viết vào tháng 4-2022. Câu trả lời là không và giải pháp khả thi hơn là xây các nhà máy khử muối dọc theo bờ biển ở bờ Tây, bài viết dẫn lời Greg Pierce, giám đốc phòng nghiên cứu về quyền con người với tài nguyên nước thuộc Đại học California, Los Angeles.

Tuy nhiên, Pierce cũng lưu ý rằng trước khi xây các nhà máy khử muối, vốn cần nhiều năng lượng và tốn kém, người dân vùng hạn nên cố gắng tiết kiệm và xử lý nước để tái sử dụng.

Giáo sư Fort cho rằng những bên đang vận động cho các dự án dẫn nước khổng lồ có thể đang bỏ qua những lựa chọn khác thực tế hơn. 

Theo bà, các giải pháp khác như tiết kiệm nước ít được chấp nhận hơn so với các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhưng dễ thành công hơn. Đó là các dự án xử lý nước thải hoặc sửa các đường ống bị rò rỉ để giảm thất thoát nước.

Ngoài ra, có thể tính đến giải pháp kiểm soát nước trong lĩnh vực tiêu thụ nhiều nước là nông nghiệp. Với bang Arizona, nông nghiệp sử dụng đến hơn 80% lượng nước khai thác từ sông Colorado. 

Chỉ cần một bộ phận nông dân trong khu vực chuyển đổi loại cây trồng hoặc bỏ hoang đồng ruộng thì nguồn nước này có thể được cấp cho nhu cầu của các thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận