TTCT - Hạ tuần tháng 9 vừa qua, một số trang mạng đồng loạt đưa tin về một khẳng định mới của TS Đỗ Văn Khang, cho rằng bài Bình Ngô đại cáo nổi tiếng xưa nay không phải của Nguyễn Trãi mà của Bình Định Vương Lê Lợi. Nhiều người quan tâm và am hiểu vấn đề đã chỉ trích ông Đỗ Văn Khang vì những luận cứ thiếu thuyết phục. Đúng hay sai trong câu chuyện này chưa bàn tới, nhưng nội chuyện thảo luận ra sao cho thẳng thắn, tiếp thu ra sao cho đúng mực chưa được đặt lên hàng đầu, vì việc đính chính/minh định một số khúc mắc trong lịch sử rất cần đến thái độ khách quan khoa học. Nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, trong gần một thế kỷ nay đã có vài cuộc tranh luận lớn, chẳng hạn hàng loạt vấn đề liên quan Truyện Kiều, hay ai là tác giả của bản dịch Chinh phụ ngâm hay nhất đang được lưu hành rộng rãi nhất (Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích?). Cuộc tranh luận sau (về Chinh phụ ngâm) khởi đầu từ năm 1926 trên báo Nam Phong đã được nhiều văn nhân - học giả có uy tín tham gia, trong đó có Nguyễn Hữu Tiến, Hoàng Thúc Trâm, Hoàng Xuân Hãn... Thậm chí sau đó có người còn viết nguyên cả quyển sách dày cộp để tổng hợp vấn đề, như Nguyễn Văn Dương trong công trình Thử giải quyết vấn đề diễn giả Chinh phụ ngâm do NXB Đại Học Huế in năm 1964 (được tái bản có bổ sung năm 2008 do NXB Văn Hóa Thông Tin in), Lại Ngọc Cang trong Chinh phụ ngâm (NXB Văn Học, Hà Nội, 1964), Nguyễn Văn Xuân trong Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (NXB Lá Bối, 1971)... Chúng ta chú ý nhắc việc này vì nó có liên quan vấn đề khảo cứu xác định văn bản, mà trong trường hợp Việt Nam, nếu cách chừng một, hai thế kỷ trở lên thì vô cùng khó khăn vì hầu hết đều “tam sao thất bổn” không còn tìm thấy văn bản gốc, tương tự tình hình Bình Ngô đại cáo hay Truyện Kiều vậy, trong khi các tác giả đều đã mịt mờ thiên cổ. Riêng cuộc tranh luận vấn đề diễn giả Chinh phụ ngâm nói trên diễn ra rất ôn hòa, có lẽ một phần do những người tham gia đều là tiền bối lớp trước, có phong thái học giả, với thái độ vừa khiêm cung nhã nhặn, vừa dè dặt thận trọng, nên nói chung cũng không thấy ai sát phạt ai bằng những lời lẽ nặng nề như ta có thể thỉnh thoảng nghe thấy trong những cuộc tranh luận văn học gần đây qua một số sách báo, và nhất là qua không ít bài viết đăng trên mạng Internet. Trường hợp Lại Ngọc Cang trong vấn đề diễn giả Chinh phụ ngâm có thể coi là một gương tốt về đức thận trọng và khiêm nhường trong nghiên cứu, tranh luận: mặc dù đã cố chứng minh mọi cách Phan Huy Ích là dịch giả đích thực (của bản Chinh phụ ngâm đang lưu hành), ông Cang chỉ muốn coi sự khẳng định của mình như một giả thuyết và do đó trong khi chờ đợi các công trình nghiên cứu đáng tin hơn, ông sẽ coi bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành như là một dịch phẩm khuyết danh chưa dứt khoát nên ghi rõ Phan Huy Ích hay Đoàn Thị Điểm. Cũng với tinh thần dè dặt thận trọng, khi đề cập đến dịch giả Chinh phụ ngâm, quyển Từ điển văn học (bộ mới, 2004), mục từ do Nguyễn Lộc viết, mấy chục năm sau vẫn còn chừa một khoảng lấp lửng: “Riêng bản dịch thành công nhất và được phổ biến rộng rãi xưa nay..., có người cho là của Đoàn Thị Điểm, có người cho là của Phan Huy Ích. Những tài liệu mới phát hiện gần đây có xu hướng nghiêng về Phan Huy Ích” (tr. 260). Đem chuyện Chinh phụ ngâm ra để soi sáng thêm cho vấn đề quyết định tác giả Bình Ngô đại cáo là vì vấn đề văn hóa tranh luận trong lĩnh vực nghiên cứu văn học rất quan trọng. Trong đó, thái độ khiêm cung hòa nhã, sự làm việc cẩn trọng, cách dẫn chứng - trình bày minh bạch, kết luận dè dặt... là những tính cách tốt đẹp cần thiết của tất cả những người tham gia tranh luận vì thiện chí học thuật chứ không bởi bất kỳ động cơ cá nhân ích kỷ, nhỏ mọn nào khác. Ngược lại với tính cách nghiêm túc trên đây là thái độ phủ nhận, bài bác theo kiểu bươi móc, chửi bới, thậm chí còn dùng cả ưu thế của mình để vùi dập không cho người khác được phát biểu những ý kiến đối lập. Sự thật thì còn không ít vấn đề trong văn học sử rất khó xác định đúng sai một cách dứt khoát, nên mọi sự dè dặt đều không bị coi là dư thừa. Chẳng nói đâu xa, ngay như việc xác định chuyện kể bác Ba Phi, hay thơ Bút Tre hiện đại cũng thế, người ta vẫn còn tranh luận nhau, không phân biệt được đâu là thật giả... Nói chung hơn, ở đời mọi việc đúng sai đôi khi cũng chỉ tương đối. Nhiều việc lúc trẻ cho là đúng, về già nghĩ lại thấy sai. Khi còn mông muội lặn hụp trong chủ nghĩa giáo điều một cách không tự giác, hễ thấy ai nói trái với những nguyên tắc của mình thì ra sức vùi dập, đến sau, khi xã hội cùng nhận thức lại vấn đề sáng suốt hơn thì lại thấy trước kia mình có lúc cũng đi quá đà, dù đôi khi không ác ý. Việc nghiên cứu - tranh luận văn học tựu trung cũng tương tự vậy thôi, càng đi sâu càng phát hiện thêm nhiều điều khác lạ, khi chưa đủ căn cứ chắc chắn thì chớ nên kết luận vội vàng. Cho nên câu nói của Khổng Tử: Đa văn khuyết nghi, thận ngôn kỳ dư, tắc quả vưu (Nghe nhiều, điều gì còn chưa đủ thì nghi ngờ để đó, những phần còn lại đáng tin hơn thì khi nói ra cũng phải thận trọng, như vậy sẽ ít nhầm lẫn) (Luận ngữ, “Vi chính”) có thể đáng coi là một trong những phương châm căn bản hầu giúp tránh trước được mọi sự nhầm lẫn, thái quá, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu - tranh luận văn học. Tags: Phiếm đàm
10.500 drone vẽ hành trình phát triển thành phố trên bầu trời sông Sài Gòn THANH HIỆP 28/04/2025 Đông đảo người dân TP.HCM đổ về khu vực trung tâm để theo dõi màn tổng duyệt đầu tiên của màn trình diễn 10.500 drone chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công an: Dự kiến bố trí mỗi xã 30 - 60 cán bộ công an xã sau sáp nhập THÀNH CHUNG 28/04/2025 Theo Trung tướng Nguyễn Văn Long, đơn vị công an cấp xã sẽ giảm 60 - 70% so với hiện nay. Tùy theo quy mô, dự kiến bố trí mỗi xã 30 - 60 cán bộ công an xã.
Mất điện làm tê liệt Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhiều người kẹt trong thang máy THANH BÌNH 28/04/2025 Sự cố mất điện trên diện rộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm gián đoạn hoạt động hàng không, ảnh hưởng đến một số chuyến bay.
Phóng viên chiến trường: Chúng tôi có tình cảm rất đặc biệt với đất nước này BÌNH MINH 28/04/2025 Chiều 28-4, đoàn phóng viên tham gia Tuần lễ báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã có buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố.