TTCT - Báo chí có lần đưa tin chuyện những người dân ven sông Hồng, sông Cửu Long bắt được ba ba nặng hơn 20kg như chuyện lạ. Nhưng với người dân Sông Mã (Sơn La), ba ba cỡ đó chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”.


Anh Đỗ Đại Thắng và con ba ba gai 20kg trong ao nhà - Ảnh: Viễn Sự


Ba ba gai trên sông Mã gần như không còn tìm thấy trong tự nhiên. Nhờ được người dân thuần dưỡng từ hơn 20 năm nay mà loài rùa mai mềm quý hiếm này đang sinh sôi trong những ao nuôi.

Hồi sinh ba ba gai sông Mã

Đầu tháng 3-2012, chúng tôi tìm đến trại nuôi ba ba gai của ông Đặng Hữu Duyên, chủ tịch Hội Nuôi ba ba gai Sông Mã và đang sở hữu con ba ba gai nặng hơn 45kg được xem là con ba ba to nhất Việt Nam. Bên mỗi chiếc ao phủ đầy bèo Nhật Bản là những lán, trại, cầu, hố cát để ba ba lên dạo chơi và đẻ trứng vào mùa sinh sản.

“Lúc mới nuôi, tôi cũng chưa rõ hết đặc tính của ba ba mà chỉ học theo cách sinh trưởng của chúng” - ông Duyên nói và cho biết thêm - Ba ba gai dễ nuôi hơn ba ba trơn, thức ăn cũng tạp hơn và đặc biệt ít kén môi trường”. 

Hơn 20 năm trước, khi những con ba ba gai bé xíu vừa mới bò lên khỏi bờ cát của những triền sông Mã đã bị người dân ở đây “tóm” về bán. Đến mùa ba ba nở, số người đi săn đông lên. “Cứ như thế này có lẽ không còn con ba ba nào để bắt nữa” - ông Duyên nghĩ vậy và bắt đầu chở cát ngoài bờ sông Mã về đổ ở góc vườn, làm ổ ấp nhân tạo cho những ổ trứng ba ba mà ông tìm thấy trên những đụn cát vàng.

“Không thành công ngay đâu bởi nhiệt độ, điều kiện tự nhiên trong vườn cũng khác nhiều” - ông giải thích. Sau lần đầu tiên trứng ba ba nở với tỉ lệ 60%, ông Duyên tính đến việc xây bể và nuôi ba ba gai. Lại cất công ra sông Mã chở cát về đổ chừng 40cm dưới đáy, xây bờ bao tạo môi trường thân quen cho những chú ba ba gai bé xíu.

Tính đến nay, ông Duyên đã có hàng ngàn con ba ba lớn nhỏ trên cơ ngơi gần 2.000m2 ao nuôi, đồng thời đúc kết được nhiều kinh nghiệm mà “giờ nhắm mắt tôi cũng có thể nói được về đặc điểm sinh trưởng, phát triển của ba ba gai”.

Cùng người con trai Đặng Thanh Hải xắn quần lội xuống ao thả ba ba, vạch đám bèo Nhật Bản, hai cha con ông Duyên tìm kiếm con ba ba nặng 45kg nhưng quá vất vả để có thể mang nó lên bờ được. Mai của nó dài 85cm, ngang hơn 50cm, chân và đầu lộ rõ những gờ sần sùi vì dấu vết của thời gian, phía trước mai là một hàng gai nhô lên - đặc trưng của ba ba gai sông Mã.

Chủ cũ của con ba ba khổng lồ này là ông Trần Văn Bảo, một người nuôi ba ba lâu năm trong thị trấn. Do nó quá “quậy” trong ao nuôi của mình nên ông Bảo đã bán lại cho ông Duyên, với “kỷ niệm buồn” là bị nó “đớp” mất ngón tay cái khi bắt ra khỏi ao. Ông Bảo đã nuôi con ba ba “khủng” này được gần 20 năm từ khi bắt nó khỏi sông Mã chỉ chừng 7-8kg.

Theo ước tính của ông Duyên, cả sông Mã còn nhiều ba ba thì quá lắm cũng chỉ bắt được con cỡ hơn 10kg. Nhưng giờ khắp vùng ven sông Mã đã có tới hàng chục con ba ba gai từ 20kg trở lên.

Điều thú vị là ba ba gai càng to, càng lớn tuổi thì càng đẻ sung. Ông Duyên ước tính những con ba ba gai trên 20kg mà ông và bạn bè đang nuôi có tuổi đời đã gần 30 năm vẫn rất khỏe mạnh, trở thành con “đầu đàn” trong việc mang lại lợi nhuận. Mỗi năm, một con ba ba gai “khủng” này có thể mang lại gần 80 triệu đồng tiền bán trứng và ba ba con.


Những ba ba gai con này hiện có giá 800.000đ/con - Ảnh: Viễn Sự


Giàu lên nhờ nuôi con giống

Thị trấn huyện Sông Mã hay nhiều xã thuộc huyện Sông Mã (Sơn La) chính là vùng kinh tế mới của người dân Hưng Yên những năm 1960. Họ đã mang lên vùng núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt này cả cây nhãn đặc sản của quê hương mình. Nhưng đường sá khó khăn nên dù trái nhãn có ngon đến đâu vẫn không đưa người dân Sông Mã thoát nghèo. Chỉ đến khi họ sống cùng con ba ba gai.

Chỉ vào ao gạch hơn 200m2 phía trước cửa nhà, ông Duyên nói nếu tính trên diện tích sản xuất thì tỉ lệ lợi nhuận nuôi ba ba gai là vô địch. Với ao nhỏ 200m2 ấy, đã nhiều năm gia đình ông Duyên thu về không dưới nửa tỉ đồng. Từ ao nhỏ ấy, ông Duyên đã đầu tư gần 2 tỉ đồng xây một ao nuôi rộng 1.500m2 cho anh Hải nuôi hàng ngàn con ba ba sinh sản.

Anh Đỗ Đại Thắng, chi hội trưởng nông dân tổ 5, thị trấn Sông Mã, cũng là một gương mặt nuôi ba ba gai. Anh cho biết mỗi ký ba ba gai giống bắt ngay tại ao hiện có giá khoảng 2 triệu đồng. Những năm trước đây, ba ba con mới nở có giá khoảng 300.000đ/con, nhưng năm ngoái thương lái từ miền xuôi, Trung Quốc sang tận nơi mua với giá 800.000đ/con.

Theo anh Thắng, do điều kiện khí hậu ở Sông Mã thuận lợi và nguồn gen ba ba gai Sông Mã được ưa chuộng nên nhiều người nuôi ba ba từ khắp nơi đã tìm về thị trấn sơn cước này mua giống, nhờ đó mà tỉ lệ lợi nhuận tăng lên nhiều so với những người nuôi ba ba gai lấy thịt ở nơi khác. Anh Thắng được xem là một trong những người nuôi ba ba gai hiệu quả nhất ở Sông Mã: căn nhà khang trang cùng những vật dụng tiện nghi đều từ chiếc ao rộng khoảng 150m2 mà ra.

Hầu hết chủ nuôi ba ba gai ở thị trấn Sông Mã đều rất khiêm tốn khi nói về thu nhập. Dù rất vui vẻ dẫn khách ra sau nhà chụp ảnh, cho xem hang nhân tạo để ba ba sưởi nắng và sinh sản, nhưng anh Thắng chỉ cười khi được hỏi về thu nhập từ ba ba gai. Tỉ tê mãi anh mới cho biết: năm ngoái bán được 1.000 trứng với giá 480.000đ/quả; còn 200 trứng ấp nở được 200 con bán với giá 800.000đ/con, chưa kể vài trăm ba ba gai đang nuôi có giá 2 triệu đồng/kg.

Sau nụ cười đôn hậu và động tác vò mớ tóc rối quen thuộc, anh Thắng nói: “Chả ai nói thật tổng thu nhập được bao nhiêu đâu, nhưng những người thu nhiều tiền nhất từ ba ba gai phải kể đến ông Duyên, ông Bảo”. Và quả nhiên, chúng tôi nhớ lại lời ông Duyên nói mà như đùa: “Vào mùa ba ba con nở, thương lái Trung Quốc đến mua tấp nập, khi họ trả những mớ tiền mặt, tôi nhìn cứ ngỡ đó là tiền giả! Nhiều đến không tưởng tượng được!”.

Bà Nguyễn Thị Hoa, phó trưởng Phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết cả huyện có gần 300 hộ nuôi ba ba gai, trong đó hơn 10 hộ nuôi quy mô lớn với mức lợi nhuận mỗi năm 2-5 tỉ đồng. Người có diện tích ao nuôi ba ba gai lớn nhất hiện nay của huyện Sông Mã là ông Bùi Minh Châu với gần 8.000m2 ao nuôi.

Bây giờ dọc bờ sông Mã hiền hòa là hàng trăm trang trại nuôi ba ba gai với diện tích vài ngàn mét vuông đang mọc lên. Buổi chiều, khi vầng mặt trời đỏ rực treo trên ngọn bụi tre sông Mã, những người già trong hội nuôi ba ba gai lại cùng nhau đi bộ qua cầu Sông Mã vừa để thăm ao nuôi vừa tập thể dục.


“Trước đây ba ba gai được phân bổ rộng rãi ở thượng nguồn các dòng sông và khu vực rừng Tây Bắc và Trường Sơn, nhưng do đánh bắt quá mức nên dẫn đến cạn kiệt. Việc các hộ dân ở thị trấn Sông Mã và một số vùng khác ở Tây Bắc nhân giống và nuôi ba ba gai để bán con giống là việc rất đáng khuyến khích. Dưới góc độ một nhà nghiên cứu sinh học, tôi cho rằng việc bảo tồn loài ba ba này là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, tôi được biết những người nuôi ba ba gai ở Sông Mã đến nay chủ yếu nhân giống để bán con, còn nuôi ba ba thương phẩm cũng chưa nhiều và không hiệu quả bằng và đa số bán cho thương lái Trung Quốc. Nếu chúng ta nuôi thương phẩm thành công với số lượng lớn thì lúc đó lợi nhuận sẽ còn tăng nhiều”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận