Vì sao bóng đá vẫn luôn thu hút?

TRƯỜNG MINH 11/03/2013 18:03 GMT+7

TTCT - Bóng đá không thiếu những xìcăngđan về dàn xếp tỉ số, mua cầu thủ và trọng tài..., nhưng rồi nó vẫn không làm giảm số người đến với môn thể thao này. Các nhà nghiên cứu Pháp đã đưa ra những giải thích.

Phóng to
Động tác đẹp trên sân giúp người hâm mộ dễ quên đi mặt tối của bóng đá - Ảnh: Reuters

Vụ triệt phá một mạng lưới ở Singapore bị nghi ngờ đã dàn xếp 380 trận đấu ở nhiều quốc gia, kể cả những trận đấu ở Champions League và vòng loại World Cup, được xem là vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử bóng đá. Theo điều tra của Europol, cơ quan cảnh sát châu Âu, vụ này hẳn đã mang lại 8 triệu euro doanh thu (nhờ vào cá cược thể thao), trong đó 2 triệu dùng để đút lót và liên quan đến 425 cầu thủ, trọng tài và lãnh đạo CLB.

Vậy mà có đến phân nửa dân số hành tinh theo dõi World Cup 2010, và mùa giải Champions League 2011-2012 kéo hơn 7 triệu khán giả vào sân xem các trận đấu.

Bóng đá và gian lận: như trong cuộc sống

Nhà nhân loại học Christian Bromberger, tác giả một quyển sách viết về niềm đam mê bóng đá tại nhiều thành phố lớn ở châu Âu, đưa ra lý giải đơn giản: “Cũng tương tự cuộc đua Tour de France, dù biết là có doping nhưng khán giả vẫn theo dõi đông đảo... Không phải vì các trận đấu có chuyện gian lận mà cầu thủ nào cũng có thể ghi bàn. Người ta vẫn luôn trầm trồ trước động tác đẹp trong thi đấu”.

Tuy nhiên, sự thán phục động tác đẹp trên sân không phải là lý do duy nhất khiến chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước mặt tối của bóng đá. Theo Bromberger, có những nguyên nhân mang tính biểu tượng sâu thẳm hơn gắn chúng ta với quả bóng: “Bóng đá tổng hợp hóa những điều kiện thành công của thế giới hiện đại. Để thành công trong một trận đấu phải có tài nghệ cá nhân, tính đoàn kết, may mắn và một chút gian lận... cũng như trong cuộc sống!”.

Một môn thể thao tái hiện vở diễn cuộc sống ở tầm mức một trận đấu giúp chúng ta quên đi trong chốc lát những gì diễn ra ngoài sân. Hơn nữa, khi giới thiệu Maradona, Zidane và Messi, những cầu thủ từ chẳng có gì nhưng rồi vươn đến đỉnh cao, bóng đá mang đến cái nhìn an tâm về một thế giới mà tài năng thật sự được tưởng thưởng xứng đáng.

Theo nhà tâm lý học Claire Carrier chuyên nghiên cứu về thể thao đỉnh cao, sở dĩ khán giả vẫn tiếp tục tin vào vở diễn bóng đá là vì nó đại diện cho không gian cuối cùng của một xã hội văn minh, trong đó cơ thể con người còn được tự vận động như ý muốn và luật chơi tôn trọng những đặc thù của con người. Nó hoàn toàn trái ngược với tính chất toàn cầu hóa khi cơ thể bị lãng quên. Bà phân tích: “Thế giới (toàn cầu hóa) này đã xóa đi một số biên giới khi người ta có thể là một hoặc rất nhiều cá nhân trong không gian số, thậm chí có thể có con mà chẳng cần dùng đến cái bụng của mình”.

Quả bóng được gắn với nhiều chức năng như vậy nên khi xảy ra những vụ gian lận, người ta dễ tìm lý do biện hộ để giải tỏa nghi vấn. “Trong vụ mua bán độ trận OM - Valenciennes, bằng chứng đã rõ ràng như vậy mà các cổ động viên máu mê nhất vẫn tin rằng không có chuyện đó và kẻ mua bán độ là ai đó khác” - Bromberger dẫn chứng. Khả năng quên mang tính chọn lọc này giải thích vì sao chẳng ai ngạc nhiên, bực bội khi thấy Jean-Pierre Bernès, người bị kết án 2 năm tù treo và ba tuần lễ ngồi khám trong vụ OM - Valenciennes, lại trở thành đại diện của các cầu thủ ngôi sao và HLV Pháp.

Thật ra, cổ động viên dễ quên là vì họ cảm thấy có chút mặc cảm tội lỗi khi đòi hỏi cầu thủ phải nỗ lực đến mức cùng kiệt trên sân, được đánh giá qua số bàn thắng, pha lừa bóng, cú xoạc bóng... “Người ta bỏ qua chuyện gian lận vì ý thức rằng họ đòi hỏi điều không thể” - bà Claire Carrier giải thích.

Làm thế giới dễ chấp nhận hơn

Đó là chức năng tích cực hơn của bóng đá. “Bóng đá làm tăng giá trị vai trò của may mắn và gian lận. Nếu không có yếu tố may mắn, chúng ta sẽ không thể giải thích thất bại của riêng mình... Nhờ đó mà bóng đá thể hiện một thế giới đầy tranh cãi và sống được” - Bromberger nói.

Trong bóng đá, may rủi đóng vai trò quan trọng nên cần thiết phải có cách thức tái cân bằng điều này. Tuy nhiên, chuyện gian lận bên trong trận đấu khác với gian lận từ bên ngoài. Chơi xấu trên sân là một phần của bóng đá, nhưng nếu gian lận xuất phát từ bên ngoài sân thì hình ảnh của bóng đá bị ảnh hưởng. Không ai quên “bàn tay Thượng đế” của Maradona giúp Argentina vào tứ kết World Cup 1986, nhưng việc tổ chức tội phạm tìm cách mua chuộc trọng tài để làm đảo lộn kết quả trận đấu là đã đi quá xa.

Dù sao, bóng đá vẫn thu hút trở lại khi danh hiệu vô địch đến với đội bóng mà người ta hâm mộ, thể hiện qua hình ảnh ăn mừng trên đường phố như một niềm vui trong cuộc sống mà không hẳn ai cũng hài lòng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận