Vì sao phải thu tiền đậu xe nhiều hơn?

HẢI MINH 07/02/2018 01:02 GMT+7

TTCT - Ở Ireland, người ta cầu nguyện với Thánh Anthony để giúp họ tìm chỗ đậu xe. Ở Chicago, nếu bạn xúc tuyết ra khỏi một chỗ đậu xe thì chỗ đó là của bạn.

Một bãi đậu xe hiện đại của Mexico City. Ảnh: fsmedia.imgix.net
Một bãi đậu xe hiện đại của Mexico City. Ảnh: fsmedia.imgix.net

 

Ở Thượng Hải, những người trẻ năn nỉ bố mẹ để lại của thừa kế cho họ là chỗ đậu xe. Và khắp các đô thị trên thế giới, đậu xe là vấn nạn phổ biến nhất gây ra cãi cọ giữa chính quyền - người dân và giữa người dân với nhau.

Chỗ đậu xe có vẻ là một thứ vô hại, chỉ vài vạch kẻ sơn nhưng nếu bị quản lý sai, chúng sẽ tạo ra nạn kẹt xe, ô nhiễm không khí và thậm chí biến các thành phố thành địa ngục. Chi phí và sự sẵn có của chỗ đậu xe ảnh hưởng tới thói quen đi lại của người dân còn hơn là các tuyến xe buýt nhanh và đường sắt nội ô mà mọi chính quyền đô thị đều quyết tâm xây cất.

Giống như các chính sách thu phí để hạn chế kẹt xe, thói quen đậu xe cũng cần thay đổi và các siêu đô thị đang tăng trưởng cực nhanh tại châu Á đặc biệt cần làm đúng chuyện này trước khi họ lặp lại, hoặc là còn làm tệ hơn những sai lầm cũ của phương Tây.

Hiện ở nhiều nước châu Á, dân tình có thể đậu xe trên đường mà không tốn kém gì cả, hay chỉ là một khoản vặt vãnh. Và không chỉ có châu Á. Ở Boston, hầu hết chỗ đậu xe thu phí 1,25 USD/giờ. Tại Chennai (Ấn Độ), một ngày đậu xe chỉ có 20 rupee (30 xu tiền Mỹ).

Để so sánh, ở TP.HCM hiện giờ là 10.000-30.000 đồng/lượt. Bởi số người quá lớn lợi dụng mức giá rẻ này, cầu đã vượt cung và kẹt xe trở thành điều khó tránh khỏi. Các nghiên cứu đều cho thấy khi các thành phố lớn lên, dân tình bắt đầu phải dành càng nhiều thời gian hơn tìm chỗ đậu xe và tới lượt nó, điều này càng gây ách tắc.

Lấy ví dụ, ở Kuala Lumpur, một tài xế trung bình mất 152 giờ mỗi năm tìm chỗ đậu xe. Trong một kỷ lục giật mình nữa, tại Freiburg, Đức, 74% những chiếc xe hơi ở ngoài đường vào một thời điểm bất kỳ chỉ là đang... tìm chỗ đậu!

Kết luận rằng những hỗn loạn trên đường xuất phát từ việc thiếu chỗ đậu xe, nhiều thành phố đã nỗ lực tạo thêm chỗ đậu. Các nước như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines đều yêu cầu chủ đầu tư bất động sản đảm bảo số chỗ đậu xe đi kèm với một tòa nhà mới.

Tại Mỹ, yêu cầu này đã trở nên khắt khe một cách lố bịch. St. Paul, thành phố hơn 300.000 dân ở bang Minnesota, yêu cầu chính xác 4 chỗ đậu xe cho mỗi lỗ của một sân golf. Rốt cuộc ở Mỹ, rất nhiều văn phòng, khu mua sắm, vui chơi giải trí... không gian cho xe thậm chí nhiều hơn cho người!

Châu Âu có cách tiếp cận khác: chỗ đậu xe được dành cho dân “sở tại”, tức chỗ đậu xe gắn liền với nhà ở, một cách để khuyến khích người dân đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện công cộng (tất nhiên, trong bối cảnh phương tiện công cộng ở châu Âu phát triển hơn hẳn ở Mỹ và nhiều nơi khác).

Tuy nhiên, việc người ta đã quen với những cách làm cũ, dù là ở đâu, không có nghĩa là cách đó hợp lý. Xây thật nhiều bãi xe mới là cách làm dễ thấy, nhưng chi phí cực lớn. Chi phí ở đây không chỉ là đất đai và đầu tư vào bãi xe.

Thiếu chỗ đậu xe là một vấn nạn với hầu như mọi thành phố lớn. Trong ảnh là Hong Kong, nơi một chỗ đậu xe cố định có thể có giá tới 700.000 USD. Ảnh: scmp.com
Thiếu chỗ đậu xe là một vấn nạn với hầu như mọi thành phố lớn. Trong ảnh là Hong Kong, nơi một chỗ đậu xe cố định có thể có giá tới 700.000 USD. Ảnh: scmp.com

 

Một nghiên cứu ở Washington, D.C, Mỹ thấy rằng việc có hay không có chỗ đậu xe là yếu tố quyết định tới 97% khả năng một người có lái xe đi làm hay không (thay vì sử dụng phương tiện công cộng). Đó là chưa nói tới vấn đề mỹ quan, khi các bãi xe cao tầng bêtông trơ trọi thường cũng là những kiến trúc xấu xí nhất trong thành phố.

Tiền bạc và đất đai lãng phí vào các bãi xe cũng khiến chi phí cuộc sống đắt đỏ hơn với tất cả mọi người không có xe hơi. Ở Los Angeles chẳng hạn, chi phí cho bãi xe làm tăng chi phí xây dựng một trung tâm mua sắm lên trung bình 67% - tất cả chi phí này sau đó sẽ được chủ đầu tư và các hãng bán lẻ tìm cách đổ vào người tiêu dùng, dù họ có xe hơi hay không.

Kết luận ở đây là gì? Các thành phố nên cân nhắc kỹ trước khi tăng thêm nguồn cung và tiếp tục để thị trường chỗ đậu xe méo mó. Thay vì thế, họ cần tăng cường các hệ thống giao thông công cộng, tăng chi phí sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là xe hơi, tới khi các bãi và chỗ đậu xe được tận dụng ở mức tối ưu - có phí, chấm dứt tình trạng đậu xe “chùa” và tất nhiên phải chi tiêu khôn ngoan số tiền thu được từ thu phí giữ xe.

Một lý do khác để quyết liệt về phí đậu xe là nó có thể thúc đẩy các giải pháp công nghệ mới cho giao thông đô thị: chia sẻ phương tiện, các ứng dụng tìm chỗ đậu xe thông minh (như ở Bangkok, Thái Lan từ cuối năm 2017) và thậm chí là xe tự lái. Nhiều đô thị phương Tây đã khổ sở trong quá trình phát triển vì chỗ đậu xe và những nhà điều hành ở châu Á sẽ phải rất thông minh, nếu không muốn lại đi vào vết xe đổ đấy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận