Viện phí chỗ giảm chỗ tăng, khi nào hết tranh cãi?

DƯƠNG LIỄU - LAN ANH 06/09/2023 05:35 GMT+7

TTCT - Giá khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế theo yêu cầu tại nhiều bệnh viện công buộc phải giảm theo quy định, giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đang cân nhắc tăng. Giá viện phí bao nhiêu là "tính đúng, tính đủ" đối với ngành y tế?

Từ ngày 15-8, cả nước áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công theo thông tư 13 năm 2023 của Bộ Y tế. Một số bệnh viện công bố viện phí giảm so với trước đây.

Niêm yết giá khám chữa bệnh ở khoa khám theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Niêm yết giá khám chữa bệnh ở khoa khám theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: DƯƠNG LIỄU


Viện phí giảm, thật không? 

Từ giữa tháng 8, nhiều bệnh viện công tại Hà Nội đã niêm yết giá dịch vụ y tế theo yêu cầu mới. Bên cạnh một số bệnh viện tăng giá, nhiều bệnh viện ban hành bảng giá khám dịch vụ mới giảm sâu so với giá từ trước đến nay.

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức công bố bảng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu cho 1.478 dịch vụ. Giá khám theo yêu cầu "đồng giá" ở mức kịch trần của thông tư 13 là 500.000 đồng không phân biệt người khám theo yêu cầu là giáo sư, tiến sĩ hay bác sĩ thường. 

Giá này giảm nhiều lần so với trước đây là từ 1-2 triệu đồng/lượt khám (đối với người khám là giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia). Các dịch vụ khác cũng được công bố giá mới giảm từ 10-20% so với giá cũ, có dịch vụ giảm trên dưới 10 triệu đồng/ca mổ.

Nhiều bệnh viện công khác ở Hà Nội cũng điều chỉnh mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp với quy định mới có hiệu lực. Giá sinh mổ lần đầu ở một bệnh viện giảm từ 16 triệu đồng còn 6,7 triệu đồng, giá sinh thường giảm từ 14 triệu đồng còn 4 triệu đồng…

Mức giá dịch vụ y tế theo yêu cầu trước đây đều đã được các bệnh viện triển khai thu gần chục năm qua, với khẳng định rằng giá đó mới "tính đúng, tính đủ" các chi phí phục vụ người bệnh. Chính vì thế, khi bắt tay xây dựng bảng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bộ Y tế đã gặp rất nhiều khó khăn, quá trình xây dựng bảng giá kéo dài nhiều năm mới ban hành chính thức.

Nhiều ý kiến lo ngại các bệnh viện công buộc phải giảm giá dịch vụ y tế theo yêu cầu cho đúng quy định nhưng họ sẽ có những cách khác để thu tiền của bệnh nhân. Mà y tế là lĩnh vực chuyên môn nên người bệnh khó lòng từ chối các chỉ định của bác sĩ. Ngay cả người trong nghề với nhau cũng không dễ cân, đong, đo, đếm để phân định đúng sai, ít nhiều, cần thiết hay không… 

Một lo ngại nữa là các bệnh viện công sẽ tổ chức làm "dịch vụ" nhiều hơn thăm khám thường. Đã từng có bệnh viện dùng 40-60% giường bệnh phục vụ bệnh nhân theo yêu cầu, còn bệnh nhân thường phải nằm 2-3 người một giường.

Viện phí chỗ giảm chỗ tăng, khi nào hết tranh cãi? - Ảnh 2.

Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay Bộ Y tế sẽ giám sát sát sao việc khám chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công. Thông tư quy định các bệnh viện dành không quá 20% giường bệnh để triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu và thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh theo yêu cầu tối đa 30%. 

Những bệnh viện nào vi phạm sẽ có hình thức xử lý. Việc này nhằm tránh lạm dụng việc chuyển bệnh nhân từ khu vực khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sang khu vực theo yêu cầu và đảm bảo nhân lực đội ngũ bác sĩ có chuyên môn khám theo yêu cầu mà bỏ rơi bệnh nhân khác.

Giá viện phí chung sẽ tăng

Dự kiến khoảng tháng 10 tới, giá viện phí chung (bảo hiểm chi trả) cũng sẽ tăng theo việc tăng lương cơ bản. 

Theo ông Lê Văn Phúc - trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến giá mỗi lượt khám sẽ tăng khoảng 3.000 đồng ở tất cả các tuyến y tế. Các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công cũng tăng tỉ lệ tương tự. 

Dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán sử dụng nhiều máy móc có tăng giá nhưng ít hơn. Theo ông Phúc, mức bảo hiểm chi trả cho chi phí tăng lên này khoảng 2.900 tỉ đồng, phần lớn là trả công cho y bác sĩ, nhân lực tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang gửi dự thảo thông tư hướng dẫn điều chỉnh viện phí theo lương đến các cơ quan chức năng, với mức tăng đã được trên 2% (tăng theo chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố). Như vậy, cho đến hết năm 2023, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh ở nhóm dịch vụ theo yêu cầu và dịch vụ chung.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết giá dịch vụ này vẫn chưa "tính đúng, tính đủ" vì chưa có phí quản lý và phí khấu hao tài sản cố định trong cơ cấu viện phí. Hai khoản phí này được ước tính chiếm đến 25% viện phí. 

Trong khi hầu hết bệnh viện đều đã thực hiện tự chủ tài chính, tự chủ chi lương thưởng, phụ cấp, chi phí quản lý bệnh viện… nên dự liệu là cảnh đông đúc, chen lấn, khâu vệ sinh chưa ổn… là điều có thể thấy ở nhiều bệnh viện công. Thậm chí ở nhiều bệnh viện phòng tiêu chuẩn thường cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (5m2/giường, có máy lạnh) còn bị tính giá phòng dịch vụ.

Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng hiện mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế còn thấp, nếu viện phí tăng thì quỹ bảo hiểm khó gánh, người dân không có điều kiện đóng thêm. 

Ông Cơ nêu quan điểm:

"Việc đưa thêm các yếu tố cấu thành viện phí vào phí dịch vụ thì nên có lộ trình, khi mặt bằng thu nhập của người dân cao hơn thì mới tăng mức đóng bảo hiểm y tế để tính đúng tính đủ giá viện phí. 

Trước mắt, ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ bệnh viện công đầu tư cơ sở vật chất vì bệnh viện công còn có vai trò đảm bảo an sinh xã hội, điều trị các bệnh nặng, khám chữa bệnh cho người nghèo…",

Viện phí chỗ giảm chỗ tăng, khi nào hết tranh cãi? - Ảnh 3.


Luật Khám chữa bệnh cho phép đưa tất cả các chi phí vào giá khám chữa bệnh nhưng giao quyền cho bộ trưởng Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh cụ thể. Khi xây dựng luật này, các nhà làm luật đề xuất phải từng bước đưa đầy đủ các chi phí vào giá khám chữa bệnh, trước mắt là phí quản lý bệnh viện.

Ông Lê Văn Phúc cũng đồng tình với việc có lộ trình đưa thêm yếu tố cấu thành vào giá dịch vụ y tế, nhưng phải làm rõ phần nào Nhà nước đã chi cho bệnh viện (như nhà đất, đầu tư cơ sở vật chất…) để tránh trùng lắp, tính chi phí hai lần. Theo ông Phúc, năm 2023 dự kiến chi khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế là 120.000 tỉ đồng, nhưng thu chỉ được 116.000 tỉ.■


TP.HCM: Còn áp dụng bảng giá dịch vụ cũ

Thông tư 13 năm 2023 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 15-8, nhưng nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM chưa điều chỉnh giá khám chữa bệnh. Các bệnh viện cho biết đang xây dựng phương án giá mới.

Bác sĩ CKII Huỳnh Ngọc Hớn - phó giám đốc Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - cho biết đa phần các giá dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện đều thấp hơn quy định chung và vẫn đang dùng bảng giá dịch vụ cũ. "Bệnh viện tôi đang nghiên cứu, rà soát vì quy trình này phức tạp, sau đó thống nhất giá phù hợp và trình Sở Y tế TP.HCM", ông Hớn nói.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) vẫn thu phí khám chữa bệnh theo bảng giá cũ (nằm trong khu giá do thông tư 13 quy định) mặc dù tất cả các chi phí hiện nay đều tăng. Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết bệnh viện đưa công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, quản lý bệnh viện nên giảm được nhiều chi phí để chia sẻ với người bệnh còn khó khăn trong giai đoạn kinh tế sa sút sau dịch Covid – 19.

Bệnh viện này cũng đang rà soát bảng giá để bắt tay xây dựng bảng giá khám chữa bệnh mới phù hợp với khung giá Bộ Y tế mới ban hành. "Khung giá mới sẽ giúp các bệnh viện có thêm nguồn kinh phí nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuyển dụng thêm nhân sự (đặc biệt là điều dưỡng), người bệnh được chăm sóc tốt hơn", bác sĩ Khanh nhận định.

XUÂN MAI




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận