Việt Nam: Năng lượng đứng đầu phát thải khí nhà kính

XUÂN LONG 20/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính mới nhất ở VN cho thấy mức phát thải nhỏ hơn trung bình của thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên giảm nhiệt điện than để giảm ô nhiễm, giảm phát thải, đồng thời tăng trồng rừng để hấp thụ CO2 bền vững.

 

Ông Tăng Thế Cường, cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), cho biết lần kiểm kê quốc gia về khí nhà kính mới nhất được thực hiện vào năm 2014. Trong số các lĩnh vực đóng góp phát thải khí nhà kính, kết quả kiểm kê quốc gia cho thấy năng lượng là lĩnh vực phát thải lớn nhất. 

Lĩnh vực nông nghiệp xếp thứ hai, tiếp đến là công nghiệp, chất thải… Riêng lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp không phát thải và đã hấp thụ 37,54 triệu tấn CO2.

40/70 dự án tìm được đối tác bán tín chỉ cacbon

Ông Cường cho biết theo thống kê từ các báo cáo phát thải khí nhà kính của các quốc gia cho ban thư ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Viện Tài nguyên thế giới (WRI) của Hoa Kỳ, tổng lượng phát thải khí nhà kính của VN chiếm khoảng 0,5% tổng lượng phát thải toàn cầu, đứng thứ 33. Tuy nhiên, tính theo lượng phát thải bình quân đầu người, VN đứng thứ 125 trên thế giới, với mức 3,1 tấn CO2 tương đương/người.

Hiện nay VN đã tham gia thị trường chính thống bán tín chỉ cacbon. Ông Cường cho biết theo nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, tín chỉ cacbon thu được từ các dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) tại các quốc gia đang phát triển được phép trao đổi, mua bán trên thị trường cacbon toàn cầu.

VN hiện có 255 dự án theo cơ chế phát triển sạch và 12 chương trình hoạt động (bao gồm nhiều hoạt động có cùng loại hình, quy mô hoạt động) được Ban chấp hành quốc tế về phát triển sạch công nhận. Những dự án, chương trình được ban này công nhận, theo ông Cường, hoàn toàn được phép trao đổi, mua bán trên thị trường cacbon toàn cầu.

Theo ông Cường, hiện đã có trên 70 dự án/chương trình được cấp với tổng lượng khoảng 22 triệu tín chỉ cacbon, với lượng giảm phát thải khí nhà kính là 22 triệu tấn CO2 tương đương. Tuy nhiên, khoảng 40 dự án tìm được đối tác để bán tín chỉ cacbon, số còn lại được cấp tín chỉ cacbon nhưng chưa tìm được đối tác để bán.

Cần giảm nhiệt điện than

Với lĩnh vực năng lượng, theo tìm hiểu, giai đoạn 2013-2015, nhiều chuyên gia tại Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đã tiến hành hàng loạt hoạt động nghiên cứu về những bất cập của quy hoạch điện VII, những tác động tiêu cực của điện than đối với môi trường, an ninh năng lượng quốc gia…Đến tháng 3-2016, Chính phủ ban hành quy hoạch điện VII điều chỉnh, cắt khoảng 20.000 MW nhiệt điện than ra khỏi quy hoạch điện quốc gia.

“Con số 115 triệu tấn khí thải CO2 giảm mỗi năm là ước tính lượng phát thải tránh được khi Chính phủ cắt bỏ 20.000 MW nhiệt điện ra khỏi quy hoạch điện VII” - bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc GreenID, cho biết.

Đề cập giải pháp giảm phát thải ở lĩnh vực năng lượng - lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn nhất ở VN, ông Trần Đình Sính - phó giám đốc GreenID - cho rằng cần phải phân biệt hai loại phát thải: phát thải khí nhà kính mà trong ngành năng lượng chủ yếu là CO2 và phát thải các chất ô nhiễm dạng khí (SO2, NOx và các chất khác) và dạng bụi (PM2.5, PM10 và bụi tổng TSP).

“Khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu và mưa axit. Phát thải khí nhà kính của VN nhỏ hơn trung bình thế giới và VN không phải cắt giảm khí nhà kính. Tuy nhiên, Chính phủ VN đã cam kết giảm 8% bằng nguồn lực trong nước và 25% nếu có hỗ trợ quốc tế trong đóng góp do quốc gia tự xác định” - ông Sính cho biết.

Với các chất ô nhiễm (SO2, NOx, bụi), ông Sính cho biết sẽ tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của người dân, gây ra các bệnh ung thư, tim mạch, đột quỵ, hô hấp…

“Trong than có nhiều chất độc hại không thể lọc sạch trước khi đốt như thủy ngân, các chất hữu cơ như furan, dioxin, kim loại nặng, thậm chí có cả chất phóng xạ mà hầu hết không xử lý được. Ước tính nếu xây dựng các nhà máy nhiệt điện than theo đúng quy hoạch điện VII điều chỉnh, phát thải bụi năm 2030 tăng 9 lần, phát thải SO2 tăng 5,7 lần, NOx tăng 6 lần và CO2 tăng 4 lần so với năm 2015” - ông Sính cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, phát thải cả CO2 lẫn các chất ô nhiễm chủ yếu do nhiệt điện đốt than. Ước tính phát thải do nhiệt điện than chiếm 80% so với tổng phát thải trong lĩnh vực năng lượng của cả nước.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là gần đây một số địa phương như Long An đã thể hiện quan điểm từ chối nhiệt điện than. Theo ông Sính, trước đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị không xây nhiệt điện Cái Cùng và đã được Thủ tướng đồng ý.

“Phát thải của nhiệt điện khí nhỏ hơn rất nhiều so với nhiệt điện đốt than. Để sản xuất ra 1kWh điện, nhiệt điện than sinh ra khoảng 1kg CO2, trong khi nhiệt điện khí chỉ sinh ra khoảng 0,6kg CO2. Phát thải bụi của nhiệt điện khí chỉ bằng 1/30 so với nhiệt điện đốt than với cùng công suất. Khí trước khi đốt đã được lọc sạch tất cả chất độc hại như lưu huỳnh, các chất hữu cơ nên phát thải độc hại của điện khí chỉ còn là bụi mịn” - ông Sính nhận định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, giải pháp vừa đảm bảo giảm phát thải vừa đảm bảo an ninh năng lượng là phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và gió. Điện gió cũng có tiềm năng khá lớn, đặc biệt là gió ngoài khơi. Điện mặt trời và gió là của VN nên không phải nhập khẩu, không ảnh hưởng xấu đến an ninh năng lượng.

“Cần từ bỏ kế hoạch xây các nhà máy điện than mới ngay bây giờ, ngay cả những nhà máy đã khởi công nhưng chưa thu xếp được vốn. Với các nhà máy điện than hết khấu hao thì đóng cửa, không được cho phép kéo dài.

Còn các nhà máy điện than đang hoạt động phải tuân thủ chặt chẽ việc lắp đặt và vận hành các thiết bị xử lý khí thải, đồng thời hạ giới hạn phát thải theo tiêu chuẩn tiệm cận với các nước xuất khẩu công nghệ điện than sang VN như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc” - ông Sính khuyến nghị.

Tăng diện tích rừng

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, riêng lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp không phát thải mà còn hấp thụ được 37,54 triệu tấn CO2. Như vậy để thấy được việc trồng rừng có lợi rất lớn cho hấp thụ CO2.

“Lâu nay chúng ta mới chỉ biết đến vai trò của rừng trong giữ nước, chống lũ, bảo vệ thảm thực vật, nhưng trong biến đổi khí hậu thì rừng đang đóng vai trò hấp thụ khí cacbon để lớn, giảm phát thải khí nhà kính” - ông Lung cho biết.

Tuy nhiên, để hấp thụ cacbon, giảm phát thải khí nhà kính bền vững, đó phải là rừng lâu năm, rừng trồng cây gỗ lớn, còn với những rừng trồng lấy gỗ nhỏ, vài năm đã chặt lấy gỗ thì mức độ hấp thụ cacbon sẽ ít, không bền vững. Vì vậy, ngoài việc tăng diện tích rừng trồng, ngay diện tích rừng trồng cũng nên hướng đến các loại cây trồng 20-30 năm, vì những loại cây gỗ lớn thì mức độ hấp thụ sẽ lớn, có yếu tố bền vững.

Theo GS Lung, hiện nay VN có trên 4 triệu ha rừng trồng, nếu chỉ trồng những cây ngắn hạn, thời gian thu hoạch cũng không lâu, tức là trồng cây chu kỳ ngắn, gỗ không to, có khi gỗ bằng cổ chân đã lấy để băm ra làm giấy, đó cũng là một dạng rừng trồng. Tuy nhiên, với các cơ quan lâm nghiệp như lâm trường, hợp tác xã, cần trồng cây gỗ lớn, vừa để chế tạo bàn ghế, gỗ lớn xẻ thành tấm, vừa cho những lợi ích kinh tế lớn về hấp thụ khí gây phát thải nhà kính, cũng sinh lợi về kinh tế.

Ông Tăng Thế Cường cho biết với mục tiêu cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, VN đã đề ra nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu này. Trong đó sẽ có các chính sách khuyến khích, ưu đãi để huy động doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án giảm nhẹ khí nhà kính.

Đặc biệt, tập trung phát triển các phương pháp tiếp cận phi thị trường nhằm phối hợp hiệu quả các hoạt động giảm nhẹ, thích ứng, chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính và tăng cường năng lực. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận