TTCT - Là người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt (Lâm Đồng), võ sư Lê Văn Luyện, 75 tuổi, vẫn giữ cương vị chủ tịch Hội Judo Lâm Đồng. Suốt gần 60 năm qua, ông có nhiều đóng góp cho làng võ thuật Việt Nam. Phóng to Võ sư Luyện ôn lại thời hoàng kim của judo - Ảnh: Hữu Phước Trong ngôi nhà gỗ (từ thời Pháp) tại số 2 Nguyễn Văn Cừ, Đà Lạt cũng là CLB Judo Đà Lạt, võ sư đệ lục đẳng judo (đai trắng đỏ) Lê Văn Luyện kể năm 16 tuổi ông bắt đầu học môn võ này tại thao trường Lâm Viên (Đà Lạt) với các thầy Romer, Yver (người Pháp). “Judo có nguồn gốc từ Nhật Bản và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, nên tôi được học judo từ các thầy người Pháp là vậy” - ông giải thích. Từ miền quê lên thành thị dạy võ Judo trước đây gọi là nhu đạo: nhu là mềm dẻo, hiền hòa; đạo là dùng trí, thuật nhiều hơn các môn võ khác. Bởi vậy judo phù hợp với mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Là một trong những học trò xuất sắc, năm 1952 Lê Văn Luyện đã trở thành HLV judo tại thao trường Lâm Viên. Sau đó ông được mời dạy tại nhiều trường như Bồ Đề, Việt Anh, Adran, chủng viện Simon Hòa... Năm 1964, thượng tọa Thích Tâm Giác du học lấy bằng tiến sĩ tại Nhật, đồng thời tốt nghiệp đệ tứ đẳng huyền đai nhu đạo tại võ đường Kodokan. Khi trở về, ông thành lập Viện nhu đạo Quang Trung tại số 104 Phạm Đăng Hưng, Đa Kao (Sài Gòn) và Lê Văn Luyện được mời về giảng dạy. Ông là một trong chín HLV đầu tiên của Viện nhu đạo Quang Trung lúc ấy cùng với Trần Bá Ngôn, Nguyễn Bình, Chiêm Huỳnh Văn, Nguyễn Văn Tòng, Phan Văn Quan, Hoàng Ngọc, Phạm Lợi... Nhắc đến lớp học trò xuất sắc của Viện nhu đạo Quang Trung, võ sư Luyện tự hào với những tên tuổi: Nguyễn Xuân Kháng, Lê Thanh Vĩnh, Võ Khởi Nghiệp, Đỗ Thị Bích Thủy... Ông nhớ lại: “Thời hoàng kim của phong trào judo Việt Nam là từ năm 1964-1969 khi Viện nhu đạo Quang Trung tiếp nhận gần 110.000 võ sinh đến tập luyện thường xuyên, cao điểm năm 1967 có tới 22.000 võ sinh”. Bên cạnh việc huấn luyện tại viện, võ sư Luyện còn đến dạy judo tại các trường Pétrus Ký, Gia Long... “Mười năm dạy võ tại Sài Gòn để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất. Từ đó đến nay vẫn chưa có một trường hay viện võ đạo nào quy mô như Viện nhu đạo Quang Trung” - võ sư Luyện tâm sự. Trước năm 1975, võ sư Luyện là hội trưởng Hội Nhu đạo Đà Lạt. Từ sau ngày đất nước thống nhất ông tiếp tục là hội trưởng, đến nay vẫn giữ cương vị chủ tịch Hội Judo Lâm Đồng. Khi được hỏi tại sao không ở lại Sài Gòn dạy võ, ông nói: “Đà Lạt là nơi chôn nhau cắt rốn, tôi không bỏ được. Mặt khác, tôi muốn giúp thanh niên Đà Lạt cường tráng, mạnh mẽ hơn”. Phóng to Võ sư Luyện cùng các học trò đoạt giải - Ảnh do nhân vật cung cấp Ước vọng judo phổ biến ở học đường Ông Nguyễn Tiến Hải, phó phòng nghiệp vụ thể thao Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Lâm Đồng, nhận xét: “Võ sư Luyện nguyên là ủy viên ban chấp hành Liên đoàn Judo Việt Nam khóa I, là người rất tâm huyết với judo, có nhiều đóng góp cho phong trào judo của Lâm Đồng, đồng thời là người có chuyên môn cao, đạo đức và mẫu mực. Nhờ đó Hội Judo Lâm Đồng duy trì hoạt động một cách hiệu quả”. Cũng theo ông Hải, năm năm gần đây judo Lâm Đồng gặt hái nhiều huy chương tại các giải trẻ, cúp CLB khu vực và toàn quốc. Ngược dòng thời gian, trước năm 1975 ở Đà Lạt ngoài võ sư Luyện còn có các thầy Lê Lộc, Ngô Văn Ân... đóng góp nhiều cho phong trào. Hiện tại Lâm Đồng có bốn CLB judo, riêng Đà Lạt có ba CLB thu hút khoảng 200 võ sinh. Vào mùa hè số võ sinh đăng ký học và tập luyện đông hơn. Võ sư Luyện kể trước đây các trường đều tổ chức các CLB võ thuật, sau giờ học văn hóa học sinh tập luyện võ thuật để nâng cao thể lực. “Bây giờ nhiều người trẻ vẫn mê thích các môn võ nhưng bận học thêm quá nhiều, không sắp xếp được giờ tập luyện” - ông nói. Điều võ sư Luyện cảm thấy vui là lớp học trò của mình như Ngọc Thạch, Ngọc Hùng, Ngọc Lợi, Quang Cường, Phi Đức... vẫn tiếp tục dạy võ tại các CLB. Tại võ đường của mình, ông giao việc điều hành, tổ chức các lớp học cho con trai là võ sư Lê Quốc Việt. Là người có công gầy dựng phong trào judo ở Đà Lạt, võ sư Luyện cho rằng judo rất phù hợp với tính cách người Đà Lạt. Học judo sẽ tập được tính kiên trì, kiên nhẫn, điều này giúp thành công hơn trong công việc. Theo võ sư Luyện, tiềm năng các môn võ thuật ở Lâm Đồng rất lớn, đặc biệt ở các huyện, nhưng chưa được đầu tư. Nếu có sự quan tâm thích đáng của ngành, của tỉnh, chắc chắn các môn võ sẽ phát triển rất mạnh. Chung niềm trăn trở với võ sư Luyện, một lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Lâm Đồng cho rằng những năm 1980 judo và các môn võ khác là thế mạnh của Lâm Đồng, nhưng thế mạnh đó đang mất dần. Võ sư Luyện ước mong phong trào dạy và học võ được các trường quan tâm hơn. Nhưng để làm được điều này cần có sự đốc thúc, tài trợ của ngành thể thao, bởi ngay một tấm thảm tập judo rộng 80-100m2 cũng đã là khó khăn đối với các trường học và CLB.
Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội kéo dài 37 ngày, bổ sung thêm 13 nội dung THÀNH CHUNG 28/04/2025 Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là 37 ngày và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung thêm 13 nội dung.
Mở tiệc buffet chiêu đãi xe ôm, thợ hồ, nhà hàng 5 sao ở Hội An nhận 'cơn mưa lời khen' THÁI BÁ DŨNG 28/04/2025 Câu chuyện nhà hàng Bới Cơm ở Hội An tạm ngưng đón khách, dọn bàn thiết đãi 1.000 suất ăn cho người khó khăn đang nhận được những 'cơn mưa lời khen'.
Bộ Nội vụ nêu lý do bỏ thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh THÀNH CHUNG 28/04/2025 Theo ông Phan Trung Tuấn, Bộ Chính trị 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Nga nói sẵn sàng đàm phán, chờ tín hiệu từ Ukraine TRẦN PHƯƠNG 28/04/2025 Điện Kremlin nói sẵn sàng đàm phán không điều kiện với Ukraine và đang chờ Kiev ra tín hiệu đàm phán trực tiếp.