Với Singapore, sỏi đá cũng thành vàng

HUY ĐĂNG 02/11/2017 21:11 GMT+7

TTCT- Không Maria Sharapova, không Serena Williams, không cả Anna Ivanovic... WTA Finals 2017 liệu có phải là một giải đấu nhàm chán khi những tay vợt có lượng fan đông nhất đều vắng mặt?

Các tay vợt nữ dự WTA Finals 2016. Singapore rất giỏi trong việc tận dụng các sự kiện thể thao để hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước.-Ảnh: tennismash.com
Các tay vợt nữ dự WTA Finals 2016. Singapore rất giỏi trong việc tận dụng các sự kiện thể thao để hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước.-Ảnh: tennismash.com

 

Thông thường, đó sẽ là một nỗi lo lớn với nhà tổ chức. Nhưng Singapore - quốc gia đăng cai WTA Finals từ 2014 - vẫn có những cách rất riêng để tạo ra thương hiệu giá trị bền vững cho giải đấu.

Đưa lên tầm Grand Slam

Trong hệ thống tính điểm của WTA Tour, WTA Finals - với 1.500 điểm thưởng cho nhà vô địch, có vị thế chỉ kém các giải Grand Slam (2.000 điểm). Giải cũng có truyền thống khi ra đời từ năm 1972, lại diễn ra vào quãng thời gian khá đẹp trong năm: tháng 10 hoặc tháng 11, thời điểm cả 4 giải Grand Slam đều đã kết thúc.

Nhưng việc chỉ có sự tham dự của 8 tay vợt nữ (có phong độ cao nhất trong năm) khiến sân chơi này chưa bao giờ vươn đến tầm cỡ của Grand Slam, thậm chí kém sức hút hơn cả các giải Masters 1.000 (1.000 điểm, như tên gọi).

Mọi chuyện chỉ đổi mới từ khi WTA trao quyền đăng cai sân chơi này cho Singapore từ năm 2014 (đến hết năm 2018). Người Singapore đã đưa ra một loạt cải cách trong việc tổ chức. Đầu tiên, họ bổ sung thêm hai nội dung bên cạnh nội dung đánh đơn và đánh đôi có sẵn, bao gồm WTA Rising Stars (dành cho các tay vợt trẻ) và WTA Legends (các huyền thoại).

Với 8 tay vợt đơn nữ xuất sắc nhất năm, WTA Finals không hề kém chất, tương đương với vòng tứ kết đơn nữ của một giải Grand Slam trở đi. Cái thiếu của sân chơi này là số lượng.

Người hâm mộ dù gì vẫn cảm thấy thiếu hụt khi đến xem một giải đấu chỉ lèo tèo vài trận, diễn ra trong vỏn vẹn 6-7 ngày (như khi Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đăng cai trước đó). Việc Singapore tăng cường thêm các nội dung giúp giải đấu đầy đặn hơn hẳn.

Nhưng điều quan trọng hơn là việc Singapore gầy dựng được WTA trở thành cả một sự kiện giải trí sôi động và hấp dẫn. Ngay từ năm đầu tiên, ban tổ chức của Singapore đã đặt ra khái niệm “10 ngày sôi động” làm thương hiệu cho WTA Finals. Số ngày thi đấu kéo dài gấp đôi, và để tránh nhàm chán, các sự kiện giải trí phủ khắp quãng thời gian diễn ra giải.

Năm nào cũng có các ca sĩ nổi tiếng được mời đến tham dự (như giải năm nay là nhóm nhạc Backstreet Boys), rồi các buổi hòa nhạc, khu vui chơi cho cổ động viên, trình diễn nghệ thuật, hội chợ, giao lưu cùng các huyền thoại quần vợt diễn ra xuyên suốt “10 ngày sôi động” của WTA Finals.

Lượng khán giả kỷ lục

Người Singapore luôn đề cao hiệu quả, và WTA Finals cũng vậy. Sân quần vợt của họ có sức chứa chỉ 10.000 chỗ ngồi, kém các sân ở Los Angeles (17.000), Madrid (10.500), Istanbul (16.400)... Nhưng ngay trong năm đầu tiên tổ chức, Singapore đã thu hút lượng khán giả kỷ lục: 93.000 lượt người đến sân trong suốt cả giải đấu. Nếu tính cả bên ngoài sân (tham gia vào các sự kiện khác), lượng khán giả là 129.000 người.

Giải WTA Finals đông khán giả nhất trong lịch sử trước đó là vào năm 2012 (tại Istanbul), chỉ có hơn 73.000 lượt khán giả, rồi gần 70.000 năm 2013. Trong giai đoạn 2008-2010 do Doha đăng cai, lượng khán giả trung bình mỗi năm chỉ là 35.000 người.

Không chỉ vậy, Singapore còn tận dụng công nghệ để hướng giải đấu ra bên ngoài. So với thời điểm ở Istanbul, WTA Finals giai đoạn 2014-2016 có lượng khán giả theo dõi qua các phương tiện kỹ thuật số tăng đến 247%. Lượng người truy cập vào website chính thức của WTA tăng gấp 3,5 lần, xem trên di động tăng 2,5 lần và số lượng các kênh truyền thông tham gia hoạt động ở giải cũng tăng gấp 3 lần.

“Chúng tôi thực sự bất ngờ về những gì mà Singapore đã làm được. Hãy nhớ rằng trước đây, đảo quốc này chưa bao giờ tổ chức những trận đấu quần vợt đẳng cấp thế giới” - tờ Today của Singapore dẫn lời bà Stacey Allaster, giám đốc điều hành WTA.

Trong khoảng thời gian đầu tổ chức giải, WTA chủ yếu chọn Mỹ, rồi Đức và Tây Ban Nha - những quốc gia đứng đầu về môn quần vợt - như một giải pháp an toàn. Càng về sau, WTA Finals càng mở rộng biên giới ra, với mục đích quan trọng nhằm quảng bá quần vợt, sang Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ rồi Singapore.

Điều đáng nói, Singapore không hề là một quốc gia ưa chuộng quần vợt. Ở nội dung đơn nữ, họ có một mình Stefanie Tan được vào bảng xếp hạng của WTA với thứ hạng 616, còn đơn nam thì chẳng có ai. Thành tích đó kém cả Việt Nam (có 3 tay vợt nam được xếp hạng trong bảng của ATP).

Người Singapore có thể cũng tính tới việc phát triển quần vợt thông qua việc đăng cai những giải đấu như WTA Finals. Nhưng trên hết, một khi đảo quốc sư tử tổ chức một sự kiện, bất cứ sự kiện gì, thì hiệu suất được đặt lên hàng đầu.

Đó phải là một sự kiện thật sôi động và thu hút khách du lịch nước ngoài. Lượng khán giả ở WTA Finals ngày càng tăng cao không phải vì người Singapore mê quần vợt hơn, mà bởi ngày càng có nhiều người hâm mộ nước ngoài chấp nhận bỏ tiền đến nơi đây xem giải đấu. Cụ thể, con số đó tăng dần đều 30% sau từng năm.

WTA Finals ở Singapore tạo nên một hiệu ứng không tưởng ở mảng du lịch. Một ví dụ là lượng khách du lịch đến từ Ấn Độ. Số liệu của Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cho thấy lượng khách du lịch người Ấn Độ đến Singapore năm 2013 là khoảng 700.000. Đến năm 2016, con số này tăng lên hơn 1 triệu người, tức tăng 42%.

Tất nhiên, điều này còn đến từ ngành du lịch chung của Singapore chứ không phải nhờ mỗi WTA Finals, không thể nói Singapore đã đón nhận nhiều hơn 300.000 khách Ấn Độ chỉ nhờ giải đấu này. Nhưng sự thật là rất nhiều người Ấn Độ đã đến Singapore vì muốn xem Sania Mirza, tay vợt người Ấn xinh đẹp đã 2 lần vô địch WTA Finals nội dung đôi nữ các năm 2014 và 2015. Một số liệu khác cho thấy lượng khách du lịch người Ấn Độ đến Singapore trong quãng thời gian tổ chức giải tăng đến 374% so với thường lệ!

Tất nhiên, WTA Finals vẫn khó lòng sánh được hệ thống 4 giải Grand Slam về chất lượng chuyên môn. Nhưng nếu bạn là một CĐV không muốn phải ngồi cả ngày trong sân bóng và muốn đi tìm những thứ giải trí khác bên ngoài sân, WTA Finals ở Singapore là một lựa chọn lý tưởng.■

Vắng Serena, Sharapova: không vấn đề!

Danh sách 8 tay vợt tham dự WTA Finals 2017 (diễn ra từ ngày 20 đến 29-10) tương đối “nhẹ” hơn mọi năm, bởi trong số này chỉ có 3 người từng giành danh hiệu Grand Slam là Venus Williams, Garbine Muguruza và Jelena Ostapenko. Nhưng mặt khác, giải năm nay lại giàu tính cạnh tranh hơn khi tay vợt hạng 7 là Ostapenko chỉ thua kém một chút so với Simona Halep, người đứng đầu. Tức trong 8 tay vợt thì có đến 7 người dự giải trong tâm thế cạnh tranh ngôi số một thế giới. Ngoài ra, 8 tay vợt cũng đến từ 8 quốc gia khác nhau, càng hứa hẹn với chủ nhà Singapore về việc gia tăng lượng khách du lịch. Thống kê từ STB cho thấy cứ mỗi nước có đại diện ở WTA Finals những năm qua đều giúp gia tăng lượng khách du lịch từ quốc gia tương ứng đến Singapore gấp 2-3 lần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận