Vòng cung nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ: Cuộc chơi lớn

THANH TUẤN 18/09/2023 06:05 GMT+7

TTCT - Khi chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ cánh xuống Nội Bài lúc 15h40 chiều 10-9, Anna Coren của CNN bình luận: đây là chuyến thăm lịch sử với tầm quan trọng không khác gì khi Bill Clinton tới Hà Nội năm 2000.

Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: AFP

Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: AFP

Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên sau chiến tranh tới Việt Nam, còn Tổng thống Biden lần này cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng cấp quan hệ song phương lên cấp cao nhất: đối tác chiến lược toàn diện. 

Theo Coren, nếu trước kia Việt Nam chỉ được biết là nơi sản xuất áo sơ mi, giày dép, thì giờ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là sản xuất chip, công nghệ mới.

"Việt Nam và Mỹ là các đối tác quan trọng ở thời khắc cực kỳ then chốt (của lịch sử)", Tổng thống Biden nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội đàm chính thức. "Tôi nói vậy không vì lịch sự. Tôi thật sự nghĩ vậy từ sâu thẳm trái tim mình". Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đánh giá "chuyến thăm quan trọng và đầy ý nghĩa".

Mở rộng các trụ cột hợp tác

Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện (khung hợp tác cao nhất lúc này của Việt Nam) diễn ra 28 năm kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao và gần 50 năm sau kết thúc chiến tranh. 

Gần đây, quan hệ hai nước đã bùng nổ với thương mại 5 năm qua tăng hơn gấp đôi, giữa lúc nhiều tập đoàn phương Tây dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. 

Các tập đoàn Mỹ như Apple và Nike chuyển cơ sở sản xuất tới Việt Nam hay Intel cũng tăng cường đầu tư vào cơ sở tại TP.HCM. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 138 tỉ USD, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

"Với Việt Nam, đó là tín hiệu với toàn bộ chính quyền, toàn hệ thống về mức độ của hợp tác và gắn kết với quốc gia khác", Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói với báo chí. 

Việc nâng cấp này thể hiện mối quan hệ ấm dần lên giữa hai nước, theo Erin Murphy, chuyên gia cao cấp tại chương trình châu Á của trung tâm CSIS. Việt Nam là "một trong vài nước ở khu vực cũng có những quan ngại về an ninh... nhưng đồng thời về mặt kinh tế là nơi có thể mở rộng quy mô sản xuất". Bà lấy ví dụ về sự tăng trưởng của Việt Nam gần đây trong sản xuất vắc xin và đồ điện tử.

Có thể thấy trong 10 trụ cột của mối quan hệ nâng cấp thì 9 là tiếp nối, mở rộng từ quan hệ đối tác toàn diện thiết lập năm 2013, nhưng thêm nhiều nội hàm và mở rộng mới như chính trị ngoại giao hay quốc phòng. 

Đặc biệt mở rộng là hợp tác kinh tế - thương mại đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác khoa học mới. Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng vật chất, hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp thông minh. 

Về công nghệ cao, Washington hỗ trợ đào tạo lao động công nghệ cao và giúp Việt Nam "trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn" và có vị trí trong "chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu".

Trụ cột mới nhất của nâng cấp là "Phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế", trong đó có tăng cường hợp tác tại các diễn đàn như Liên Hiệp Quốc, APEC, ASEAN... cũng như các vấn đề ở Biển Đông, lưu vực sông Mekong "nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".

Tham gia các chuỗi cung ứng phức tạp

Trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và là chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, đánh giá việc nâng cấp cho thấy niềm tin tăng tiến rất nhanh giữa hai bên, đặc biệt về một số vấn đề mà trước kia Việt Nam thường ngần ngại. 

Trong khi nâng cấp không mang lại ngay những biến chuyển kiểu giảm thuế, ông cho rằng đây là tín hiệu với giới lãnh đạo doanh nghiệp rằng Việt Nam đủ sức tham gia các chuỗi cung ứng phức tạp và có thể là điểm đến khi các tập đoàn dịch chuyển sản xuất.

"Tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi đáng kể ở Việt Nam trong 30 năm có liên quan với đất nước này", ông Osius, một trong những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên làm việc tại Hà Nội từ những năm 1990, nói. "Nhưng không gì sánh được với thay đổi nhanh chóng và toàn diện trong thập niên vừa rồi".

Trong thập niên qua, Việt Nam đã trở thành điểm nối quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, và các khoản đầu tư được dự báo sẽ tăng tốc. 

Những thương vụ chính được công bố trong chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam bao gồm thỏa thuận 7,5 tỉ USD giữa Boeing với Vietnam Airlines để mua khoảng 50 máy bay, hãng Amkor dự kiến vận hành nhà máy lắp ráp chip 1,6 tỉ USD ở Bắc Ninh. 

Ở Đồng Nai, Onsemi, một công ty Mỹ khác, đang sản xuất chip mà nhiều xe hơi cách đó nửa vòng trái đất sử dụng. Tập đoàn Marvell và Synopsys sẽ đầu tư vào cơ sở thiết kế chip và trung tâm ươm mầm ở TP.HCM, trong khi Intel cũng đang có kế hoạch mở rộng cơ sở lắp ráp chip lớn nhất của mình.

Chuyên gia Gregory Poling của CSIS nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: "Việc nâng cấp lần này quan trọng vì tín hiệu chính trị mà nó truyền tải. Bằng bước đi chưa từng có là nhảy đúp trong nâng cấp, Hà Nội gửi thông điệp là họ thấy quan hệ hợp tác gần gũi hơn với Mỹ là bước tiến cần thiết... Về kinh tế, tôi kỳ vọng việc này sẽ thúc đẩy thêm đầu tư của Mỹ vào sản xuất, khai khác, hạ tầng năng lượng...".

Với GS Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc thì có bốn điểm đáng chú ý: 

(1) Cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định "tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo" là "nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương". Hợp tác trong mảng này sẽ sâu rộng. 

(2) Việc hai bên khẳng định "đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số" sẽ là đột phá mới trong đối tác chiến lược. 

(3) Sẽ có chương trình qua lại rất sâu về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam và Mỹ để đào tạo các chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh vực STEM. 

Và (4) nâng cấp lần này thêm lĩnh vực hợp tác mới về "Phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế" tại các diễn đàn. 

Theo ông Thayer, tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam 5 năm sau khi bình thường hóa quan hệ và phải mất thêm 13 năm để quan hệ hai bên chuyển đổi thành Đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm của Tổng thống Biden dù ngắn nhưng "sẽ tạo những kết quả thực chất có ảnh hưởng lâu dài thật sự".

Bước nhảy dài

Với ông Biden, người từng có nhiều năm làm lãnh đạo Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện, thì việc nâng cấp lần này có nhiều dấu ấn và kỷ niệm cá nhân. 

Tại đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông nhắc lại chuyến thăm của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005 - lần đầu tiên tổng thống Mỹ và một thủ tướng Việt Nam gặp nhau ở Nhà Trắng. Khi đó thủ tướng Việt Nam nói quan hệ Việt - Mỹ đã "bước vào giai đoạn mới".

"Sự thực là sự kiện hôm nay, với tất cả các bạn ở đây - một số doanh nghiệp, hãng công nghệ và những bộ óc hàng đầu thế giới - cho thấy mối quan hệ một lần nữa đang bước vào kỷ nguyên mới và tác động sâu rộng", ông Biden nói với các CEO. 

"Đây là bước nhảy dài so với trước kia - mối quan hệ được đánh dấu bởi sự đầu tư lớn hơn vào mỗi nước... chúng ta củng cố thêm các chuỗi cung ứng thông qua biên bản hợp tác về công nghệ bán dẫn ký hôm nay, thúc đẩy thêm hợp tác về các công nghệ quan trọng như điện toán đám mây, viễn thông và trí tuệ nhân tạo".

"Thông điệp của tôi hôm nay khá đơn giản: hãy tiếp tục đà này. Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều thay đổi công nghệ hơn trong 10 năm tới hơn cả những gì của 50 năm qua", ông nói.

Kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Hà Nội, Tổng thống Biden đã đến thăm phù điêu cố thượng nghị sĩ John McCain, cựu binh chiến tranh và là bạn lưu niên của ông ở thượng viện. Ông đặt vòng hoa và cúi đầu một lúc lâu. 

Đứng sau ông có John F. Kerry, một cựu binh khác trong chiến tranh Việt Nam, người khi là thượng nghị sĩ đã nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy bình thường hóa những năm 1990 cùng ông McCain. Khi là ngoại trưởng, ông Kerry là người góp phần cho việc nâng cấp quan hệ năm 2013 - khi ông Biden còn là phó tổng thống.

Những người như các ông McCain và Kerry, cũng như chính Tổng thống Biden, đã đóng vai trò then chốt trong quá trình hàn gắn, bình thường hóa, và thúc đẩy quan hệ hai nước hậu chiến. Ông Biden nói "nhớ ông McCain" trong các phát biểu tại Việt Nam và nhắc tới vòng cung quan hệ suốt 50 năm qua. ■

"Khi nghĩ về nơi khởi đầu và kết thúc của những vầng sáng đẹp

Tôi nói rằng đó là nơi của những người bạn tôi".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trích lời nhà thơ Ireland William Yeats khi hội đàm với tổng thống Mỹ. Ông Biden đã cười khi nghe những vần thơ này. Bạn bè ông như John Kerry thường chọc vì ông Biden luôn trích thơ của những nhà thơ Ireland khi phát biểu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận