Vòng loại World Cup 2022: Nhắm vé... Asian Cup!

HUY ĐĂNG 05/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Sau hơn một năm gián đoạn, vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đã chính thức trở lại. Cánh cửa vào vòng 3 dành cho thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn rất rộng mở.

Sau 5 vòng đấu đầu tiên, Việt Nam là đội duy nhất bất bại ở bảng G (3 thắng, 2 hòa), giữ ngôi đầu với 11 điểm.

Hành trình còn rất dài

Nhắc lại một chút về vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, chính xác thì đợt vòng loại này chỉ mới là giai đoạn thứ 2. Tuyển VN nằm trong bảng đấu gồm có Malaysia (nhì bảng, 9 điểm), Thái Lan (8 điểm), UAE (6 điểm, nhưng mới đá 4 trận) và Indonesia (0 điểm).

Các tuyển thủ Việt Nam tích cực tập luyện trên đất UAE với mục tiêu vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Vé lọt vào giai đoạn vòng loại thứ 3 sẽ dành cho 8 đội đầu bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. 

Đó mới là giai đoạn chính của vòng loại World Cup khu vực châu Á, khi 12 đội mạnh nhất này chia làm 2 bảng để chọn ra 4,5 vé (2 đội đứng đầu mỗi bảng giành vé trực tiếp, ngoài ra còn lại một suất đá play-off với đại diện của châu lục khác).

Nhưng việc lọt vào top 12 này còn kèm theo một món quà ý nghĩa khác - tấm vé tham dự vòng chung kết Asian Cup 2023. Nếu không, tuyển VN sẽ phải đá loại như bao đội khác. 

Trong bối cảnh đại dịch vẫn tràn lan ở các nước châu Á, càng rút ngắn hành trình đến những giải đấu lớn bao nhiêu thì càng tốt. Giai đoạn vòng loại World Cup đầy chật vật trong khâu tổ chức vì dịch bệnh thời gian qua là lời nhắc nhở nhãn tiền.

Với vị trí hiện tại, thầy trò HLV Park Hang Seo có quyền đặt mục tiêu bảo toàn ngôi nhất bảng. Nếu rớt xuống nhì bảng, VN sẽ phải so điểm với 7 đội bóng nhì bảng khác để chọn ra 4 đội có thành tích tốt nhất. 

Những đội ở bảng G nói chung đã gặp bất lợi từ đầu bởi sự đồng đều của bảng đấu. Hầu hết các bảng khác đều có 1-2 đội “lót đường”, như Maldives và Guam ở bảng A, Nepal hay Đài Loan ở bảng B, Hong Kong và Campuchia bảng C..., vốn là túi điểm cho các đội khác.

Ở bảng G, Indonesia hiện đã hết cơ hội, nhưng họ vẫn luôn là một đối thủ khó chịu với các đội bóng Đông Nam Á. Họ cũng đang đặt mục tiêu lấy lại danh dự sau giai đoạn khủng hoảng vì lệnh cấm của FIFA.

Cuối năm 2019 - khi đại dịch còn chưa xuất hiện, VN từng bị đánh giá gặp bất lợi trong giai đoạn lượt về của đợt vòng loại này, bởi chúng ta còn các trận chưa đá với Malaysia và UAE trên sân khách. 

Nhưng Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã quyết định dời các trận đấu còn lại của mỗi bảng về một địa điểm duy nhất, và UAE được chọn làm nơi tổ chức bảng G, điều mang lại lợi thế lớn cho họ.

Lịch thi đấu cũng tương đối bất lợi với VN. Đội bóng của ông HLV Park Hang Seo phải thi đấu liền 3 vòng cuối từ ngày 7 đến 15-6. Ngày 7-6, VN sẽ gặp Indonesia, nghỉ 4 ngày rồi gặp Malaysia - đội có đến 8 ngày nghỉ trước đó. 

Đến ngày 15-6, thầy trò ông Park sẽ chạm trán chủ nhà UAE, và đó có thể là “chung kết” trên hành trình tìm vé vào vòng ba.

Tranh cãi quanh việc tổ chức

Bên cạnh sự chuẩn bị về lực lượng, đợt vòng loại World Cup đến đây còn được quan tâm bởi những vấn đề lớn hơn, như khả năng kiểm soát dịch bệnh của các nước châu Á, mâu thuẫn chính trị, hay sự minh bạch của giới truyền thông...

HLV Park Hang Seo và các học trò đứng trước thử thách lớn. Ảnh: N. Khánh

 

Với 8 bảng đấu, đợt vòng loại khu vực châu Á này có 7 nước chủ nhà: Kuwait, Bahrain, Saudi Arabia, Qatar, Nhật Bản, UAE và Hàn Quốc. Ban đầu Trung Quốc được chọn đăng cai bảng A mà họ góp mặt, nhưng vì những quy định cách ly nên AFC cuối cùng phải chuyển bảng này sang UAE luôn. 

Trong 7 quốc gia đăng cai, chỉ mình Qatar, cũng là nước chủ nhà World Cup 2022, có những số liệu khả quan về tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tuần rồi cho thấy số lượng ca nhiễm COVID-19 của quốc gia nhỏ bé này (2,8 triệu dân) chỉ còn khoảng 2.000, giảm 3/4 so với một tháng trước đó. 

Với nguồn cung vắc xin Pfizer của Mỹ, Qatar cũng đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin cho hơn 50% dân số, theo Our World in Data.

Những trận đấu sắp tới sẽ là cơ hội quan trọng để Qatar chứng minh khả năng tổ chức VCK World Cup mà họ đăng cai năm tới. 

Nhiều tháng qua, làn sóng tẩy chay nước chủ nhà Qatar vì những vấn đề liên quan đến nhân quyền đã lan rộng trong cộng đồng bóng đá châu Âu. Một thời gian dài, họ cũng liên đới trực tiếp đến những bê bối tham nhũng của FIFA. 

Đội tuyển Qatar chỉ tham dự giai đoạn vòng loại với mục tiêu thử sức, nhưng bên ngoài sân cỏ, đất nước này sẽ bắt đầu bước vào một cuộc chiến cam go để gỡ gạc thiện cảm của người hâm mộ bóng đá thế giới.

UAE - nơi đăng cai bảng đấu có tuyển VN - thì từng xem xét việc mở cửa cho khán giả vào sân trở lại (dự tính ở mức 30% sức chứa). 

Sự tự tin này là do UAE thông báo họ đã đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin toàn dân. Truyền thông UAE cho biết khoảng 80% dân số gần 10 triệu người của họ đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin - tỉ lệ vào loại cao nhất thế giới. 

Nhưng số liệu này chưa được Our World in Data ghi nhận, bởi UAE sử dụng vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, vốn còn bị nghi ngờ về hiệu quả. Thêm nữa, số lượng ca nhiễm của UAE vẫn đang cao ngất ngưởng, với hơn 10.000 ca.

Chưa hết, bảng H - do Hàn Quốc làm chủ nhà, là một cơn đau đầu thực sự với cả AFC lẫn FIFA khi Triều Tiên đột ngột tuyên bố rút lui vì lo ngại COVID-19. 

Ban đầu mỗi bảng đều có 5 đội, việc so sánh thành tích các đội nhì bảng rất đơn giản. Nhưng việc bảng H giữa chừng chỉ còn 4 đội khiến tình hình trở nên phức tạp. 

Mới đây, AFC đã quyết định hủy bỏ kết quả các trận đấu của Triều Tiên trong bảng này, tức khi so sánh các đội nhì bảng sẽ không tính kết quả với đội bét bảng.

Nói chung là giống như mọi chuyện khác diễn ra trong mùa đại dịch, tất cả chỉ có bốn chữ: Rối như tơ vò. ■

Rất khó để đánh giá thực lực các đội tuyển sau một năm bóng đá châu Á gần như không thi đấu gì vì đại dịch. 

UAE - đội bóng có lợi thế sân nhà - lại khiến người hâm mộ hoang mang với những động thái khó hiểu quanh chiếc ghế HLV trưởng. 

Cuối năm 2019, UAE sa thải HLV người Hà Lan Bert Van Marwijk vì thành tích bết bát trong một thời gian dài, nhưng rồi... bổ nhiệm lại chiến lược gia này tròn một năm sau đó.

Thái Lan là đội khủng hoảng lực lượng nặng nề nhất trong đợt tập trung này khi vắng một loạt trụ cột như Teerasil Dangda, Teerathon Bunmathan, Philip Roller, Teeraphol Yoryoei vì nhiều lý do khác nhau. 

Trong khi đó, Malaysia là đội khó đoán nhất về thực lực khi vừa mất nhiều trụ cột lại vừa đón thêm nhiều tân binh. Họ không có hậu vệ Shahrul Saad và tiền đạo Shahrel Fikri Fauzi vì chấn thương, nhưng vừa chào đón thêm hai ngoại binh nhập tịch là tiền vệ gốc Kosovo Liridon Krasniqi và chân sút gốc Brazil Guilherme De Paula.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận