Vụ điều tra ông Trump: Pháp luật và chính trị

DANH ĐỨC 03/09/2022 10:00 GMT+7

TTCT - Chưa một tổng thống Mỹ nào lại bị nghi kỵ nhiều như tổng thống thứ 45 Donald Trump, khi ông liên tục ở giữa vòng xoáy nghi ngờ, điều tra, cáo buộc… Nhưng đó cũng là màu sắc của chính trị Mỹ lâu nay, luật pháp và chính trị đan cài đầy những toan tính riêng.

Vụ điều tra ông Trump:  Pháp luật và chính trị - Ảnh 1.

Ảnh: Esquire

Ngày 8-8 vừa qua, FBI đã khám xét chỗ ở của ông ở Mar-a-Lago (bang Florida), thu giữ một số thùng các tông chứa tài liệu mật đặc biệt. Vụ khám xét được Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan chủ quản của FBI, giải thích trong bản khai tuyên thệ của một nhân chứng vốn là đặc vụ FBI "có máu mặt" công bố tuần rồi.

Lời khai của nhân chứng đặc biệt

Bản khai tuyên thệ dài 38 trang của nhân chứng này mở đầu bằng việc tự giới thiệu và trình bày bối cảnh cuộc khám xét. Nhân chứng khai mình là đặc vụ FBI công tác tại cơ sở Washington, được đào tạo tại Học viện FBI Quantico (Virginia) chuyên ngành điều tra phản gián và gián điệp. 

Qua kinh nghiệm hoạt động và đào tạo, nhân chứng tự nhận là rành rẽ các thủ đoạn thu thập, lưu giữ bất hợp pháp cũng như phát tán thông tin nhạy cảm của chính phủ, trong đó có cả các thông tin "mật" quốc phòng.

Nhân chứng này cho biết Chính phủ Mỹ đang tiến hành điều tra hình sự liên quan đến việc loại bỏ và lưu trữ thông tin đã phân loại mật ở những nơi không được phép, cũng như việc che giấu hoặc hủy bỏ bất hợp pháp tài liệu của chính phủ. 

Cuộc điều tra được xúc tiến sau khi Cơ quan Lưu trữ quốc gia (gọi là NARA), trong một văn bản gửi Bộ Tư pháp (DOJ) đề ngày 9-2-2022, nói họ đã nhận được từ văn phòng của cựu tổng thống Trump 15 thùng hồ sơ trước đó được chở tới số nhà 1100 S Ocean Blvd, Palm Beach (FL 33480), chính là địa chỉ biệt phủ và câu lạc bộ của ông Trump - Mar-a-Lago.

NARA cho biết 15 thùng hồ sơ này chứa nhiều thứ, trong đó có những tài liệu tối mật. Từ đánh giá ban đầu của NARA, FBI đương nhiên phải mở điều tra hình sự để xác minh xem: (1) Làm thế nào các tài liệu và hồ sơ phân loại "mật" được đưa ra khỏi Nhà Trắng hoặc các địa điểm lưu trữ theo quy định khác, và được đưa tới đâu? (2) Liệu các tài liệu mật có còn ở những nơi chúng được đưa tới không? Và (3) xác minh xem ai đã hủy hay lưu lại các tài liệu mật đó, và việc đó có phạm pháp không?

Cũng theo đặc vụ FBI nói trên, có thể có lý do để tin rằng còn các tài liệu quốc phòng hoặc ghi chép của tổng thống vẫn nằm ở tư thất ông Trump tại Mar-a-Lago sau khi ông đã mãn nhiệm. Chưa hết, cũng có cơ sở để nghi ngờ ở Mar-a-Lago có chứng cứ của việc bưng bít thông tin cản trở điều tra. Từ đó, FBI được tòa cấp trát lục xét tư thất cựu tổng thống.

Có thể tạm hiểu việc khám xét này như sau: (1) Ai cũng rõ rằng khi rời Nhà Trắng sau khi thất cử, ông Trump đã cho chở một số thùng tài liệu về Mar-a-Lago. (2) Sau đó, văn phòng của ông gửi trả lại NARA. (3) Cơ quan này mở ra và nhận thấy có những bất thường so với quy trình lưu trữ tài liệu mật chuẩn. (4) Cơ quan này nghi là đã có hoạt động phạm pháp liên quan đến tài liệu mật, thậm chí là hành vi hủy bỏ, tẩu tán... nên báo động Bộ Tư pháp, và FBI được giao nhiệm vụ điều tra.

Cho tới nay, FBI đã tìm được những gì, ông Trump có thể đã giấu giếm những tài liệu nào, có phát tán cho ai không vẫn là những câu hỏi chưa thể trả lời dứt khoát, vì như DOJ giải thích, "vụ việc đang trong quá trình điều tra".

Những nghi kỵ khó tránh

Có thể thấy do thông tin chính thức không đầy đủ, ngay cả bản khai tuyên thệ của nhân chứng ở trên cũng bị bôi đen, cắt cúp, "biên tập"... vô số chỗ. Báo chí Mỹ vì vậy đã vào cuộc ngay từ sớm và theo vụ này rất sát sao. Ví dụ như CNN 26-8 tiết lộ thêm một chút thông tin: "Các tài liệu bị thiếu bao gồm một số thư từ trao đổi của ông Trump với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un".

Dò lại thời gian đó thì ông Trump gặp ông Kim lần thứ nhất tại Singapore hôm 12-6-2018 và lần thứ nhì ở Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2-2019. Thư từ trao đổi giữa hai ông, khỏi nói cũng biết, chứa đựng những bí mật mà để được giải mật chính thức phải đợi tối thiểu 25 năm theo luật hồ sơ mật cho những trường hợp thông thường, và 50 năm cho những trường hợp đặc biệt, hoặc tới 75 năm cho những trường hợp hãn hữu.

Cũng CNN ngày 9-9-2020 dẫn lời nhà báo kỳ cựu Bob Woodward (từng "đi vào lịch sử" với vai trò phanh phui vụ Watergate năm 1973) nói ông từng được cho "ngó" một số lá thơ này. Theo đó, ông Woodward khoe là được biết đến 27 bức thư. Tất cả những thư tín này nhất định là bí mật không chỉ về tình hình quan hệ Mỹ - Triều Tiên, mà còn nhiều vấn đề quan trọng khác, đáng được bảo mật ít ra là theo tiêu chuẩn tối thiểu.

Nếu đọc một vài lá thư đã được công bố, có thể thấy ngay cả sau cuộc gặp ở Hà Nội cuối tháng 2-2019, hai ông Trump và Kim vẫn còn trao đổi thư từ thắm thiết, như trong thư đề ngày 10-6-2019: "Giống như khoảng thời gian ngắn ngủi mà chúng ta đã có với nhau một năm trước tại Singapore, mỗi phút chúng ta chia sẻ cách đây 103 ngày ở Hà Nội cũng là một khoảnh khắc vinh quang mà vẫn còn là một kỷ niệm quý giá. Một kỷ niệm quý giá mà tôi có được trong lòng kính trọng vững chắc của tôi dành cho ngài, sẽ tạo động lực để tôi tiếp tục bước đi khi chúng ta bước về phía nhau một lần nữa vào một ngày nào đó trong tương lai".

Cho dù báo chí Mỹ chia phe, hoặc ghét hoặc bênh ông Trump, song những dữ kiện thực tế thì vẫn khó lòng thay đổi. Thực tế đó là ông Trump có những mối quan hệ khá khác người, nhất là ở cương vị tổng thống Mỹ, khiến ông bị điều tra liên tục. Triều Tiên chỉ là một ví dụ. Còn lớn hơn là mối quan hệ của ông Trump với Nga. 

Cần nhắc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov từng bay sang Washington chỉ để gặp riêng tân tổng thống Trump ngay trong phòng Bầu dục không lâu sau khi ông đắc cử. Nội dung cuộc gặp này, nếu có được ghi chép lại và lưu trữ, ắt cũng là loại tuyệt mật.

Tất nhiên, có những ý kiến cho rằng vụ FBI khám xét, điều tra tư thất ông Trump mang màu sắc "phục vụ bầu cử" cho Đảng Dân chủ, khi cuộc bầu bán giữa nhiệm kỳ chỉ còn hơn 2 tháng. Ý kiến đó thể hiện trước hết qua một tin nhắn mới đây của ông Trump trên mạng xã hội của ông: "Giờ thì đã rõ mười mươi, FBI chôn lấp câu chuyện về laptop của Hunter Biden trước cuộc bầu cử... bằng không, Trump đã thắng dễ dàng cuộc bầu cử năm 2020 rồi!".

Ông Trump lôi lại chuyện này hàm ý nếu FBI không "đậy đệm" vụ con trai làm ăn ở nước ngoài cho ông Joe Biden thì ông đã thắng chắc rồi! Còn ông Biden, vốn là chính trị gia mực thước đúng kiểu truyền thống, đã luôn giữ một khoảng cách với mọi chuyện. Mới nhất, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm thứ hai 29-8 nói ông Biden không hề được báo cáo vụ hồ sơ mật ở nhà ông Trump. Y hệt hồi đầu tháng cũng "FBI làm gì, tổng thống không hay biết", nghe cũng na ná câu "không biết, không rõ, chưa nghe báo cáo" ở xứ ta chăng?

Mỗi người một cá tính, một số phận.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận