Vũ khí của thầy thuốc không còn bén

MẠCH ĐINH 18/01/2017 17:01 GMT+7

TTCT - Nếu ví kháng sinh là con dao hai lưỡi, người thầy thuốc đang bước sang năm 2017 với một lưỡi dao cùn để chiến đấu giành giật sức khỏe cho bệnh nhân.

Lạm dụng kháng sinh đang gánh những hậu quả nghiêm trọng
Lạm dụng kháng sinh đang gánh những hậu quả nghiêm trọng


Kháng sinh, món vũ khí lợi hại của y học hiện đại, đang dần “bất lực” trước sự trỗi dậy của các chủng siêu khuẩn có khả năng kháng thuốc.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 700.000 ca tử vong liên quan đến nhiễm trùng do kháng kháng sinh. Nếu tình trạng này không được cải thiện, đến năm 2050 con số này được dự báo sẽ tăng lên 10 triệu người.

Một nghiên cứu khác đưa ra con số rúng động: 70% vi khuẩn trên toàn cầu đã phát triển sức đề kháng với các loại thuốc kháng sinh hiện hữu, bao gồm cả kháng sinh colistin - được biết đến như lựa chọn điều trị cuối cùng đối với những vi khuẩn đa kháng.

Thủ phạm từ bàn ăn

Sự phát triển của ngành công nghiệp chăn nuôi được cho là có liên hệ chặt chẽ với sự tiến hóa của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. 2/3 lượng thuốc kháng sinh tiêu thụ tại Liên minh châu Âu (EU) và 70% kháng sinh tiêu thụ tại Mỹ được sử dụng trong ngành chăn nuôi.

Điều đáng nói là số kháng sinh này phần lớn không được dùng vào mục đích chữa bệnh. Thay vào đó, các trang trại sử dụng kháng sinh trên vật nuôi gần như là một biện pháp phòng chống các bệnh lây nhiễm trong điều kiện nuôi nhốt chật chội.

Cách dùng kháng sinh vô tội vạ này có thể tạm thời giết chết vi khuẩn và đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, nhưng về lâu dài lại tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc trở nên khỏe mạnh và phát triển nhanh hơn về số lượng, làm giảm tác dụng của kháng sinh dùng cho người.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh này, chính phủ nhiều nước đã bắt đầu có động thái cứng rắn nhằm chặn đứng sự trỗi dậy của các chủng siêu khuẩn kháng thuốc, cụ thể là những quy định nghiêm ngặt hơn về sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp vừa được Mỹ và EU ban hành gần đây.

Ngành xuất khẩu thịt bò của Mỹ đang mất hàng triệu USD mỗi năm do không thể xuất hàng vào EU, sau khi thị trường này đưa ra lệnh cấm các sản phẩm thịt có sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng.

Trước làn sóng quay lưng của cả chính phủ và người tiêu dùng đối với các sản phẩm thịt có sử dụng kháng sinh, nhiều công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm đã có động thái phản hồi. Năm 2013, lượng thịt gà “nói không với kháng sinh” được bán ra trên toàn nước Mỹ tăng 34% so với năm trước đó.

Năm 2014 con số này lại tăng thêm 25%, chiếm 11% tổng lượng gà tiêu thụ tại quốc gia này. Tại Anh, các sản phẩm hữu cơ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2016 trong bối cảnh người tiêu dùng lùng sục các sản phẩm không chứa dư lượng kháng sinh do những chuỗi cung ứng đáng tin cậy và được kiểm định cung cấp.

Những công ty không chịu thích ứng với sự “tiến hóa” của thị hiếu người tiêu dùng đứng trước nguy cơ tụt hậu so với đối thủ.

Hồi đầu năm nay, Công ty quản lý tài chính Boston Common (Mỹ) đã bắt tay với một liên minh gồm 54 tập đoàn đầu tư có tổng tài sản lên đến 1.000 tỉ USD yêu cầu 10 công ty thực phẩm lớn, trong đó có chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s và pizza Domino’s, chấm dứt việc sử dụng thường xuyên thuốc kháng sinh trong các chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm toàn cầu của mình.

Trước động thái trên, McDonald’s đã cam kết ngừng sử dụng thịt từ gà có sử dụng kháng sinh trong các cửa hàng tại Mỹ của tập đoàn này.

Tuy vậy, những thay đổi như trên vẫn bị xem là quá manh mún, nhỏ lẻ khi mà McDonald’s không chỉ bán gà trên đất Mỹ mà sản phẩm của họ còn bao gồm heo, bò và các sản phẩm từ sữa được tiêu thụ tại hơn 100 quốc gia.

Những hi vọng mới

Trong khi các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh đang sinh sôi với tốc độ chưa từng thấy thì số lượng thuốc kháng sinh được sáng chế mới mỗi năm lại đang trên đà sụt giảm nghiêm trọng trong một thập niên trở lại đây, theo số liệu từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ.

Nguyên nhân chính là lợi nhuận: do kháng sinh thường được kê ngắn hạn, các công ty dược cảm thấy thời gian và vật lực bỏ ra để nghiên cứu phát triển một loại kháng sinh mới không đem lại nhiều lợi nhuận cho họ. Hậu quả nhãn tiền là sự tiến hóa của nhiều chủng siêu khuẩn đa kháng phức tạp mà kháng sinh hiện hữu đã không còn bắt kịp.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 diễn ra ở Thụy Sĩ, gần 100 công ty và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, chẩn đoán và công nghệ sinh học đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học nhằm phát triển dòng kháng sinh mới.

Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Ban Ki Moon - khi đó là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc - đã tuyên bố tình trạng kháng kháng sinh là “hiểm họa căn bản” đe dọa sức khỏe nhân loại, đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp “nhanh chóng và toàn diện” để giải quyết vấn đề này.

Những nỗ lực quốc tế đó bước đầu đã mang lại những tín hiệu khả quan khi trong năm 2016 đã có nhiều đột phá mới trong tìm kiếm hợp chất kháng sinh tự nhiên.

Trong một công bố hồi tháng 9, các nhà khoa học tại ĐH Wisconsin - Madison (Mỹ) cho biết họ phát hiện loài kiến cắt lá (leafcutter ants) sinh sống ở vùng rừng rậm nhiệt đới Amazon biết cách tận dụng vi khuẩn để chống lại nấm và các vi sinh vật tấn công tổ của chúng.

Loài kiến này có tập tính làm “nông nghiệp” bằng cách cắt lá thành từng mẩu nhỏ rồi tha về tổ và nhai thành bã chứ không ăn, sau đó để lẫn thứ bã này với phân và các bào tử nấm cho phân hủy và phát triển thành những sợi nấm mới - đây mới là nguồn thức ăn chính của kiến cắt lá.

Do tiếp xúc nhiều với nấm, loài kiến này đã phát triển những mảng trắng trên cơ thể cấu thành từ vi khuẩn có khả năng bài tiết chất kháng sinh và kháng nấm mạnh.

Những vi khuẩn này có nhiều điểm tương đồng với vi khuẩn hiện dùng trong điều chế thuốc kháng sinh của các công ty dược, và những cuộc thử nghiệm trên động vật sẽ sớm được nhóm nghiên cứu tiến hành để đánh giá tiềm năng phát triển thành kháng sinh cho người.

Không chỉ trong rừng sâu mà ngay cả trong mũi chúng ta cũng tồn tại những vi khuẩn quý giá cho điều chế kháng sinh.

Đó là phát hiện của các nhà khoa học đến từ ĐH Tübingen (Đức) trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature. Sau khi nghiên cứu bệnh phẩm lấy từ mũi của 37 bệnh nhân, họ nhận thấy có đến 30% mẫu bệnh phẩm có chứa chủng siêu khuẩn kháng kháng sinh MRSA, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu ở bệnh nhân.

Tuy vậy, một chủng vi khuẩn khác được tìm thấy song song trong mẫu bệnh phẩm lại có khả năng tiết ra một chất kháng sinh tên lugdunin, có khả năng tiêu diệt MRSA dù bị áp đảo về số lượng gấp 10 lần.

Những thí nghiệm tiến hành sau đó cho thấy lugdunin còn “hạ gục” dễ dàng nhiều chủng vi khuẩn khác, trong đó có Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân gây các bệnh viêm màng não và viêm phế quản, hay Enterococcus là thủ phạm của viêm cơ tim, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng máu.

Sẽ khó để kháng sinh trở về thời hoàng kim của nó cách đây nhiều chục năm, đánh dấu bằng việc chế tạo thành công penicillin - kháng sinh đầu tiên do con người sản xuất, nhưng những thành tựu trong điều chế kháng sinh trong năm qua cho phép hi vọng 2017 sẽ không phải là đoạn kết của món vũ khí y tế lợi hại này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận