Vua Lear, quỷ Satan và nghệ thuật chủ trì hội họp

TRÚC ANH 20/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Các tác phẩm văn chương từ cổ xưa nhất như trường ca Iliad đến kịch Shakespeare hóa ra lại là “tài liệu tham khảo” về khả năng điều hành các cuộc họp cho các nhà lãnh đạo thời hiện đại - những người luôn khiến cấp dưới kêu trời và vật vã trong những buổi họp diễn ra thường xuyên, luôn kéo dài mà chẳng bao giờ hiệu quả.

 
 Vua Lear nổi giận tuyên bố từ chối con gái út Cordelia. -Minh họa của John Boydell (1803)

Phát hiện độc đáo này do James Surowiecki, tác giả quyển Trí tuệ đám đông (đã xuất bản ở VN), đưa ra trong một bài viết cho tạp chí 1843 với tiêu đề gây sốc “Vì sao quỷ Satan nên chủ trì cuộc họp của quý vị”.

Theo Surowiecki, ít người trong chúng ta có thể nói lời tốt đẹp về các cuộc họp. Đa phần chúng không hiệu quả; người có điều hữu ích để nói thì không nói, và không quyết được chuyện gì quan trọng. Trong nhiều nền văn hóa công sở, từ “họp” hàm nghĩa một chuyện tẻ nhạt, lãng phí thời gian. Mặc dù có hẳn một dòng sách về kỹ năng quản lý họp, song theo Surowiecki, tài liệu đáng tham khảo nhất lại là các nhân vật văn học tự cổ chí kim.

Chẳng hạn, trong trường ca Iliad (khoảng thế kỷ 8 TCN, Homer), không lâu sau phần mở đầu là cảnh những người Hy Lạp tập hợp lại để thảo luận giải pháp cho sự bế tắc của họ: bị trừng phạt bằng dịch bệnh khi vừa bước sang năm thứ 10 của cuộc chiến thành Troy.

Một thường dân tên Thersites lên tiếng rằng tàu của họ đang mục nát trong khi đã thu nhiều chiến lợi phẩm, vậy chẳng phải đây là lúc về nhà sao? Odysseus, một chỉ huy cấp cao, lập tức đánh Thersites vì tội ngu ngốc và dám tranh luận với các bậc quyền quý. Một lập luận hợp lý lại bị bác bỏ bằng bạo lực. Cuộc họp quần tụ nhiều thành phần, nhưng những thường dân có mặt chỉ để hợp thức hóa các quyết định đã được bề trên đưa ra. Chuyện này rõ là không chỉ có ở thời Homer.

Bài học rút ra từ Iliad, theo Surowiecki, là các nhà quản lý hãy lắng nghe ý kiến từ cấp thấp nhất; điều này không chỉ tốt cho tinh thần của nhân viên mà còn là cách để tránh bỏ qua thông tin hữu ích và có giá trị (vì bỏ qua nhận định chính xác của Thersites về tình trạng các con tàu, Odysseus đã bị đắm tàu trên đường về nhà).

Vở kịch Vua Lear (thế kỷ 17, Shakespeare) cũng mở đầu bằng cuộc họp: nhà vua muốn chia vương quốc cho 3 con gái, cô nào yêu ông nhất thì được phần to nhất. Hai cô con đầu thay nhau tâng bốc cha, chỉ riêng cô út Cordelia, người thực sự yêu vua cha, không nói lời phỉnh nịnh. Kết quả là nhà vua nổi giận và từ luôn Cordelia. Kent, cận thần trung thành nhất của vua, đứng ra can giáng; vua bảo im nhưng Kent vẫn nói thẳng và xin vua nghĩ lại. Kết quả là bị cho đi đày.

Nhiều nhà quản lý ngày nay vẫn hành xử như vua Lear: tự tin vào đánh giá của mình và không thích khi người khác nói trái ý; họ khiến nhân viên sợ hãi không dám nói khác đi. Và những người lãnh đạo như thế thường đưa ra các quyết định tệ hại. Theo Surowiecki, các nhà quản lý ngày nay giỏi giả vờ lắng nghe cấp dưới hơn vua Lear, nhưng nỗi sợ làm phật ý sếp đã khiến đa số các cuộc họp diễn ra một chiều.

Cuối cùng, trong phần đầu của thiên sử thi về lịch sử loài người Thiên đường đã mất (1667, John Milton), “hội đồng ma quỷ” gồm Satan và những thiên thần sa ngã của hắn nhóm họp ở Địa ngục để bàn cách chống lại Chúa trời. Bốn ý kiến khác nhau được đưa ra: gây chiến; không làm gì và mong Chúa trời tha thứ; từ bỏ ý tưởng trở lại thiên đàng, thay vào đó là gầy dựng đế chế ở địa ngục; và gửi ác quỷ đến Trái đất tiêu diệt con người. Satan tổ chức biểu quyết để chọn lấy quyết định tập thể, chứ không phải cá nhân người đứng đầu. Đây là khác biệt giữa Satan và Agamemnon trong Iliad, cũng là khác nhau giữa 2 phong cách chủ trì hội họp.

Cuối cùng, “hội đồng ma quỷ” chọn phương án gây ra sự sụp đổ của con người, hóa ra lại là lựa chọn đúng ý Satan nhất. Nhiều học giả cho rằng Satan đã thao túng việc biểu quyết, song theo ý Surowiecki, có lẽ họ không muốn thừa nhận rằng “bằng cách để mọi người biểu quyết chọn kết quả đúng ý mình, Satan đơn giản là rất giỏi chuyện họp hành”.

Lời khuyên cho các nhà quản lý thời hiện đại: có thể để những người tham gia cùng đưa ra ý kiến vào cuối phiên họp. Việc này giúp mọi người thấy tiếng nói của họ có ý nghĩa quan trọng, đồng thời “việc tham khảo ý kiến của một nhóm rộng hơn giúp các nhà lãnh đạo tiếp cận với một đánh giá mang tính tập thể và, như nhiều tài liệu về trí tuệ của đám đông cho thấy, đó có thể là một đánh giá tốt” - Surowiecki kết luận.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận