World Press Photo 2011: Công nhận ảnh báo chí "ảo"

AN NHIÊN 21/02/2011 01:02 GMT+7

TTCT - Khi nhà nhiếp ảnh không đóng vai trò nhân chứng, ống kính chỉ chụp lại những hình ảnh tìm kiếm được trên màn hình máy tính, nhưng lại được giải ở World Press Photo 2011 thì một xu thế mới đã được công nhận: ảnh báo chí “ảo”.

Phóng to
Những hình ảnh chụp qua màn hình máy tính trích từ bộ ảnh “Loạt chuyện rủi ro” của Michael Wolf - giải thưởng khích lệ mảng Vấn đề đương đại WPP 2011

Bức ảnh đoạt giải thưởng lớn không phải là điều mới mẻ của giải Ảnh báo chí thế giới World Press Photo (WPP) năm nay. Chính một bộ ảnh được giải thưởng khích lệ của nhà nhiếp ảnh Đức Michael Wolf ở mảng Vấn đề đương đại lại là điều chưa từng có tiền lệ trong truyền thống ảnh báo chí quốc tế mà WPP đã khẳng định qua 54 lần tổ chức.

Với bộ ảnh “Loạt chuyện rủi ro”, Michael Wolf không hề tác nghiệp như một phóng viên ảnh truyền thống mà chụp lại qua màn hình máy tính những hình ảnh được tìm kiếm và chọn lọc theo những chủ đề định trước từ chuỗi video ngẫu nhiên của Google Street View.

Nhiếp ảnh hiện thực ảo

Thực hiện từ tháng 5-2007, Google Street View là một công nghệ nổi bật trong các ứng dụng trực tuyến Google Maps và Google Earth. Công nghệ này cung ứng những hình ảnh toàn cảnh từ nhiều vị trí dọc theo các đường phố lớn trên thế giới, lúc đầu chỉ tập trung ở nhiều thành phố Mỹ và dần mở rộng sang nhiều thành phố và vùng nông thôn toàn cầu.

Trên mỗi chiếc xe chuyên dụng của Google là chín camera định hướng ở tầm cao 2,5m ghi nhận toàn cảnh 360 độ trên đường di chuyển. Tích hợp với các camera là những thiết bị định vị GPS và các máy dò laser để đo lường khoảng cách cùng các ăngten bắt sóng 3G/GSM/Wi-Fi để phát trực tuyến cho người dùng các tiện tích bản đồ qua Internet.

Suốt năm 2010, Michael Wolf đã đeo đuổi một dự án nhiếp ảnh dựa trên hiện thực ảo của máy tính và Internet. Ông nói: “Tới một lúc nào đó, tôi lại thấy thích thú với việc xử lý nhiếp ảnh theo các phương cách hiện thực ảo. Tôi thấy Google Street View là một phương tiện hấp dẫn”. Wolf thực hiện bốn bộ ảnh từ tiện ích trực tuyến này và tham gia dự thi WPP 2011 ở bốn mảng Chân dung, Thiên nhiên, Đời thường và Vấn đề đương đại. Và bộ ảnh “Loạt chuyện rủi ro” ở mảng Vấn đề đương đại đã được ban giám khảo WPP 2011 chọn trao giải thưởng khích lệ - cho chính Michael Wolf chứ không phải cho Google.

Bộ ảnh này chọn và chụp lại những biến cố xảy ra trên đường phố hằng ngày mà những máy camera tự động của Google ngẫu nhiên ghi nhận được: tai nạn giao thông, trẻ con đánh nhau, người lớn ẩu đả, vợ chồng xô xát... và cả một cảnh tiểu tiện vỉa hè. Wolf gắn máy ảnh lên chân máy và chụp ảnh cái hiện thực ảo mà ông nhìn thấy trên màn hình máy tính. Ông nói: “Đó là cuộc sống thực mà tôi nhìn thấy. Tôi không chụp ảnh cái màn hình. Tôi di chuyển máy ảnh tới lui để bố cục được khuôn hình như ý. Đó là hình ảnh của tôi chứ không phải của Google vì chính tôi đang diễn dịch Google. Tôi biến Google thành cái riêng của mình”.

Phóng to

Xu thế mới của ảnh báo chí

Michael Wolf không phải là tên tuổi lạ trong làng ảnh báo chí thế giới. Ông đã hai lần được giải nhất WPP vào năm 2005 và 2010 cũng với những đề tài xã hội đương đại. “Nhưng giải thưởng khích lệ này lại trị giá gấp trăm lần đối với tôi, bởi vì đây là bước nhảy vọt về ý niệm của ban giám khảo WPP khi trao giải cho một người chụp ảnh hiện thực ảo” - ông phát biểu.

Với Wolf, chọn những hình ảnh này dự thi ở một giải ảnh báo chí uy tín nhất đúng là thách thức truyền thống, nếu không nói là khiêu khích. Mặc dù ban giám khảo WPP thay đổi hằng năm, nhưng cách nhìn của họ khá bảo thủ. Những ảnh được giải WPP luôn định hướng cho xu thế hình ảnh của năm kế tiếp. Việc ban giám khảo WPP 2011 trao giải thưởng khích lệ cho Michael Wolf là một quyết định cấp tiến, chứng nhận khai sinh cho một thể loại ảnh báo chí chưa từng có.

Đó là một quyết định chắc chắn gây nhiều tranh cãi trong giới phóng viên ảnh. Nhưng Michael Wolf tin chắc rằng đã đến lúc phải chấp nhận điều này: “Thế giới tràn ngập hình ảnh. Đó là một phần không thể tách rời trong văn hóa thị giác. Chúng ta phải sống với văn hóa ấy và tuyển chọn để kết hợp vào tác phẩm của mình”.

Không khó để tưởng tượng rằng dạng ảnh hiện thực ảo này, sau sự công nhận của WPP 2011, sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông và ở giải WPP lần tới. Xa hơn nữa, một trong những nhánh rẽ của ảnh tư liệu - báo chí trong tương lai sẽ là những dự án nhiếp ảnh khảo cổ học hay xã hội học điện tử hình thành từ những hình ảnh số tuyển chọn trong vô tận những đĩa cứng ám bụi thời gian. Khai thác Google Street View như Michael Wolf chỉ mới là bước chập chững khởi đầu.

Phóng to
Phóng to

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận