Xin cô cho... rap

ĐAN THANH 28/11/2010 15:11 GMT+7

TTCT - “Trời! Mẹ cũng nghe nhạc rap nữa hả mẹ” - con trai tôi ngạc nhiên hỏi. Rồi đến cả lớp ngạc nhiên. Và chính tôi cũng ngạc nhiên, không tin là vì sao mình nghe được nhạc rap.


Ảnh: wallpapers-diq.com

Tôi - cũng như nhiều người dạy văn khác - vẫn tri âm với dòng nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến: ”Các em muốn viết văn hay phải nghe nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến... Đó là những loại nhạc mang lại “đẳng cấp” cho mình. Cô không thể chịu nổi thứ nhạc gào lên, thét lên trên sân khấu...”. 

Mặc tôi “rao giảng”, mỗi lần có dịp hát tặng cô, tặng lớp là các em lại xin “rap”. Thậm chí những tác phẩm “kinh điển” như Bài ca ngất ngưởng, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc... (văn học trung đại), rồi đến Chí Phèo (văn học hiện đại), các em cũng xin cô cho “rap”. 

Lúc đầu nghe các em đọc chữ nhập chữ, câu nối câu, quả thật tôi không hiểu được gì. Nhưng dần dần tôi bị các em... thuyết phục bằng cách “diễn” thoải mái, tự nhiên. Các em như “lột xác”, sinh động, thông minh, sáng tạo... đến không ngờ, khác hẳn những gì tôi nhận định về các em khi tôi giảng bài hay qua trang văn các em viết. 

Nhưng đáng nói là cả lớp như được các em hoạt náo, sôi nổi, phấn khích hẳn lên. Rồi một ngày, suy nghĩ cho cách vào bài thu hút các em, tôi quyết định chọn “rap”.

Điều tôi hết sức bất ngờ là trang web nhạc rap của tuổi teen lại đầy những clip mang chủ đề tôi đang cần: tình người, bản sắc Việt Nam, nghìn năm Thăng Long, tự hào Việt Nam, đất nước... Hầu như clip nào cũng đầy hình ảnh, tư liệu có chất lượng cao, hiệu ứng phong phú, nội dung và cấu trúc clip sâu sắc, hài hòa... Tuổi trẻ thật tuyệt vời! 

Tôi bị cuốn vào những bài rap của teen lúc nào không rõ. Những tinh tế và sáng tạo của các em làm tôi “xấu hổ” với những suy nghĩ độc đoán, áp đặt một chiều của mình. Tôi bắt đầu “thinh thích” những trang phục đầy sắc màu hay “bụi bặm” của ca sĩ rap. “Cái chính là các em đã làm được những điều tôi chưa làm được...” - tôi nghĩ thế.

Lại nhớ hôm ấy, tôi hồi hộp vào lớp. Tôi quyết tạo cho các em sự bất ngờ. Với đề bài văn “Sự đồng cảm và chia sẻ trong xã hội ta hiện nay”, tôi đã sử dụng tiếng nhạc dập dồn, sinh động, hình ảnh chàng trai trẻ xuất hiện trên màn hình: “Cùng nắm tay nhau đi bạn ơi... mình cùng lắng nghe nhịp đời đang trôi chảy... Cuộc sống quanh ta còn nhiều xót xa gọi ta hãy yêu thương nhau, hãy đi trọn kiếp người”... Cả lớp tôi lặng đi rồi cuốn theo bước chân chàng ca sĩ; anh ta xuất hiện ở viện dưỡng lão, trại mồ côi, những nơi có người nghèo khó, tật nguyền...

Chàng ca sĩ lắc lư đau khổ theo lời bài hát, ánh mắt khắc khoải đầy nỗi niềm. Chàng ca sĩ tuổi teen ấy đã thật sự chinh phục đám học trò của tôi. Nhạc hết, clip khép lại một lúc, cả lớp mới ồ lên: ”Cô cũng nghe nhạc rap hả cô”, “Hay quá cô ơi!”... Dĩ nhiên sau đó là những clip về lũ lụt ở miền Trung, bão Chanchu, clip sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, những đoàn công tác từ thiện... 

Từ đó, chúng tôi - thầy và trò - dễ dàng hơn trong thảo luận để xây dựng dàn bài. Như được châm ngòi từ bản nhạc rap đầy tình người, được cô đồng cảm với niềm yêu thích của tuổi trẻ, học trò của tôi hào hứng hơn trong những tiết văn tưởng như rất khô khan.

Vì yêu thương, tôi lặn lội đi tìm... câu “rap” và tạm quên đi chút “cõi lặng” lòng mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận