​Xót cho đảo ngọc...

HỌA SỸ TRẦN THÙY LINH 17/04/2015 21:04 GMT+7

Đã nhiều lần ra Phú Quốc, nhưng lần trở lại đảo mới đây gợi nên thật nhiều suy nghĩ.

Cây nhường chỗ cho... ximăng - Ảnh: T.T.L

1. Chưa tới hai năm mà đảo nhỏ đã biến đổi kinh hoàng. Có một Mũi Né, một Đà Nẵng như đang tràn về nơi đây. Không hẳn là thất vọng nhưng cảm xúc bị “tụt” khá đáng kể. Không còn gì của thời đảo nhỏ như một viên ngọc thô xanh mướt rừng cây, trắng lóa bờ cát hoang vu giữa xanh biếc đại dương, lặng lẽ nhưng mặn mòi hút hồn người phương xa.

Thời đó, có một đối tác người Thụy Sĩ mê mẩn đảo, năm nào cũng “nằm lì” mấy tuần tại đây, sẵn sàng chui rúc tàu chợ dơ dáy, bừa bộn với những thùng nước mắm và những cần xé cá tôm, như một chiếc sà lan cà rịch cà tang hơn nửa ngày mới ra được đảo hay về đất liền. Anh ra sức quảng bá và hãng của anh là một trong số ít hãng thường xuyên chào tour đảo xa, dù khi đó hạ tầng du lịch hầu như chưa có gì.

Cứ thế đảo ngọc dần thành tên với những du khách của một đất nước không biển nơi châu Âu xa xôi. Thời đó, có nhiều khách Âu nói với tôi về đảo sau một chuyến đi đầy vất vả, khó khăn rằng họ luôn mơ ước có được một ngôi nhà lá gần biển, sáng chiều thư thái dưới bóng dương, bóng dừa trong một cuộc sống đơn sơ như những người dân đảo. Ở hòn đảo nhỏ tại Việt Nam, họ đã được sống trong thiên đường ấy.

2. Đảo giờ không còn xa xôi, đảo giờ gần lắm với sân bay mới khang trang và cách phố chưa tới một giờ bay. Nhưng đảo giờ đã đổi mình, thay áo và làm rơi mất hồn trong những resort, hotel, trên những bờ không cây, cát không trắng.

Phát triển du lịch còn là những gì khác nữa ngoài việc xây khách sạn sang và resort cao cấp? 
 

Đảo đã lớn, đã phát triển thành phố xá và sắp thành đặc khu. Mọi lý do của đổi thay là do phát triển, nói vậy liệu có công bằng không? Ba mươi kilômet xuyên rừng nguyên sinh phía bắc đảo gợi nhớ về đảo xưa duyên dáng, gợi lại ngay ký ức còn tươi rói những gốc cổ thụ bật máu phố Hà Nội, gợi một Sài Gòn trung tâm trơ khấc màu ximăng.

Đã mừng thầm người ta có tầm nhìn nơi đảo xa, người ta đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm nơi khác, khi nhìn thấy một màu xanh mướt mải trên con đường đất đỏ. Nhưng không, ra khỏi rừng và chạy dọc bờ biển dài mới thật sự xót xa.

Những gốc tràm cổ thụ phơi mình nằm lặng dưới nắng chiều. Những vồng lá non cố gắng vươn lên từ những gốc cây đang chết dần. Suốt mấy chục cây số dọc biển là một màu trắng của cát. Những dòng suối đã trở nên tù đọng hoặc đang dần biến mất. Thấp thoáng đôi chỗ vẫn còn sót lại những cảnh rừng và suối hoang sơ, mang vẻ đẹp ngày xưa của đảo, đẹp đến nao lòng. Nơi đây đã và sẽ mọc lên những nguy nga tráng lệ: khách sạn 5 sao, sân golf, công viên giải trí, khu vui chơi... thay thế những thứ thuộc về tự nhiên.

Hành trình về phía nam đảo dài 12km giờ đây phải vòng một đoạn dài tránh những resort ven biển đang trong quá trình san lấp nền. Những rừng dương ven biển xưa đã biến mất, chỉ còn lại những gốc dương buồn bã đứng phơi những chiếc lá hình kim trong màu nắng đỏ. Phía bên trái đường vẫn bạt ngàn màu xanh, nhưng theo lời dân địa phương thì đất đã được quy hoạch hết, từ biển tới tỉnh lộ 46 nằm gần chân núi khoảng 300-400m và kéo dài suốt dọc bờ biển.

Liệu rằng những sai lầm của Mũi Né có bị lặp lại không khi các khách sạn, resort đều lao ra biển? Mỗi resort là một cứ địa riêng và bãi biển biến thành của riêng?

Bài học của một Bali hay Thái Lan không giúp ích gì cho đảo nhỏ hay sao? Nhớ tới những hòn đảo đầy màu sắc nằm trên bờ Đại Tây Dương xứ Ý như Burano, Cinque Terre bỗng thấy băn khoăn quá. Ở những đảo ấy, du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về chỉ vì những bức tường nhà sơn màu rực rỡ, khiến đảo nổi bật trên nền biển xanh. Phát triển du lịch còn là những gì khác nữa ngoài việc xây khách sạn sang và resort cao cấp?

Đảo nhỏ đang chuyển mình. Đảo vẫn đang phát triển từng ngày với con đường mới nối nam và bắc đảo. Nắng vẫn rực rỡ và biển vẫn xanh một màu xanh không nơi nào có được. Vậy sao vẫn thấy mơ hồ một cảm giác bất an cho đảo ngày nay?

Phát triển có cần phải hi sinh nhiều đến thế? Cơ sở hạ tầng phải có, đương nhiên rồi, nhưng phát triển thế nào để có được sự hài hòa với môi trường, với thiên nhiên, giữ được bản sắc và để bền vững, e rằng vẫn đang là điều nan giải ở đảo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận