Xu hướng làm việc hậu đại dịch: Gig worker

VŨ THỦY 08/01/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Gig worker - dịch chuyển từ làm việc toàn thời gian sang làm việc tự do - đang diễn ra mạnh mẽ trong lực lượng lao động tại Việt Nam và đòi hỏi các công ty, doanh nghiệp phải thích ứng.

Các gig worker sẽ có cơ hội làm nhiều dự án đa dạng, linh động về thời gian đồng thời cũng là môi trường nhiều thử thách với họ. Ảnh: NGÂN HÀ

 

Sự nổi lên của Gig worker

Gig worker chỉ người làm công việc độc lập như freelance, cộng tác viên ngắn hạn, bán thời gian. Họ không ký hợp đồng cố định với công ty như nhân viên truyền thống mà làm việc tự do tại nhà hoặc từ bất kỳ nơi đâu và được trả phí khi hoàn thành công việc được khách hàng yêu cầu.

Anphabe  - đơn vị tư vấn tuyển dụng tại VN - vừa đưa ra thống kê về gig worker: hiện có tới 53% nguồn nhân lực tri thức đã tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (gig economy - nền kinh tế có sự tham gia đông đảo của lực lượng lao động tự do, làm nhiều việc linh hoạt và được chia sẻ trả phí bởi nhiều khách hàng). 

Trong đó, 14% là lao động tự do toàn thời gian (fully gig worker), 26% lao động tự do bán thời gian (partly gig worker), 13% vẫn làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài như dạy tiếng Anh sau giờ làm, bán hàng online, bán bảo hiểm… 

Dự báo thời gian tới, do ảnh hưởng từ COVID-19, số lượng người làm việc tự do toàn thời gian sẽ giảm nhẹ khoảng 1%, còn 13% do một số người muốn kiếm việc ổn định hơn. Nhưng số làm việc tự do bán thời gian sẽ tăng từ 39% lên 44%, nâng tổng số nguồn nhân lực tri thức tại VN có tham gia vào nền kinh tế chia sẻ lên 57%. 

Đồng thời, nhu cầu sử dụng lao động tự do tại các doanh nghiệp VN khá lớn khi 55% người đi làm chia sẻ rằng công ty họ đã hoặc đang hợp tác với nguồn lực mới này theo nhiều hình thức.

“Không phải ai trong nhóm lao động tự do toàn thời gian cũng bắt đầu với hình thức làm việc tự do. Theo khảo sát, 70% từng có công việc cố định sau đó chuyển đổi sang hình thức hiện tại. Ví dụ nhóm nhân viên làm việc toàn thời gian tại văn phòng trong lúc giãn cách đã quyết định chuyển sang làm tự do hoàn toàn sau dịch.

 Ngược lại, trong nhóm làm việc toàn thời gian cố định cũng có 50% từng làm freelance nhưng thời gian này chưa phù hợp để họ tham gia lại” - bà Thanh Nguyễn, giám đốc điều hành của Anphabe, chia sẻ. 

Theo bà, nếu phân tích thêm nhóm làm việc tự do bán thời gian, vừa có công việc cố định nhưng vẫn làm thêm freelance, thì nhóm này thường có kinh nghiệm, vị trí khá ổn định trong tổ chức và có năng lực, kinh nghiệm, điều kiện kiếm thêm thu nhập. Do đó nhóm này tập hợp nhiều nhân sự là quản lý cấp trung. 

Tỉ lệ nhân sự cấp trung trong nhóm làm việc tự do bán thời gian cao gấp rưỡi so với nhóm nhân viên thông thường và quản lý cấp cao.

Lý giải về sự nổi lên của gig worker, các chuyên gia nhân sự nhận định: đại dịch đã kéo theo sự thay đổi về định nghĩa sự thành công trong sự nghiệp của người đi làm. Đó không còn là lương cao, công ty danh tiếng, làm sếp công ty lớn.

 Nhu cầu của nhiều người đi làm ngày càng đa dạng hơn mà môi trường làm việc truyền thống, cách làm việc truyền thống khó đáp ứng. Theo khảo sát nhóm làm việc tự do toàn thời gian của Anphabe, đúng như tên gọi, tự do chính là điều mà họ muốn hướng tới. 

Cụ thể, tự do được định nghĩa là sự linh hoạt, không bó buộc thời gian, địa điểm và loại công việc, làm việc với nhiều khách hàng, kỳ vọng có nhiều thu nhập, tích lũy nhiều kiến thức, trải nghiệm, mở rộng mối quan hệ… Với nhóm quản lý cấp trung tham gia làm việc tự do thì mục tiêu mở rộng mối quan hệ với họ là quan trọng nhất.

Đào tạo nghề trong giai đoạn “bình thường mới” tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM. Ảnh: TRỌNG NHÂN

 

Thích ứng với dịch chuyển

“Khi là freelancer, cái được đầu tiên là thoải mái về thời gian, có thể làm tại nhà, làm tại quán cà phê, không thích viết thì tạm nghỉ chơi game thư giãn rồi quay lại làm cũng được. 

Trước đây mỗi ngày 9 giờ sáng vào công ty, 6 giờ chiều về, dù hôm ít việc bạn vẫn ngồi đồng ở đó và cảm thấy bản thân đang làm việc vô ích thì nay vấn đề này được giải quyết. Bạn sẽ lên công ty, gặp khách hàng khi có lịch họp, lên phòng dựng cắt file, sửa kịch bản với khách hàng, đi quay... 

Nói chung, dù thoải mái thời gian nhưng một khi nhận công việc thì phải đảm bảo hạn địnhvà quỹ thời gian dành cho các bên và tự lên thời gian biểu cho riêng mình” - đó là chia sẻ của Nhi Ngọc (28 tuổi) - người có 3 năm làm việc tự do trong lĩnh vực viết content (nội dung). Trước kia, Ngọc cũng đã có 5 năm làm việc tại một công ty cố định.

Ngọc cho biết 3 năm làm việc tự do, Ngọc có thu nhập cao hơn làm việc cố định, quen biết thêm nhiều đồng nghiệp trong lĩnh vực, mở mang mối quan hệ.

 “Khi ra làm freelancer, bạn sẽ đặt mình vào những trường hợp thử thách bản thân nhiều hơn. Hồi làm công ty thì có sếp, có anh chị đồng nghiệp đỡ cho, nhưng khi ra freelance rồi thì một thân một mình bước ra thế giới. Mỗi lần có dự án, tôi phải hình dung sẽ làm nó thế nào, có làm được không, êkip đó ra sao... 

Chưa kể mình sẽ tự lên nội dung và bảo vệ “đứa con” tinh thần của mình trong các cuộc họp, nhận toàn bộ trách nhiệm cho công việc mà mình nhận. Ngoài giờ làm biên tập các chương trình, tôi làm thêm thư ký trường quay, copywriter, trợ lý đạo diễn... Tóm lại, những công việc liên quan đến content tôi đều thử”, Ngọc chia sẻ.

Sau đại dịch, những gig worker như Ngọc ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược để thích ứng. 

Tại sự kiện Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do Anphabe tổ chức vào cuối tháng 12-2021, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ cái nhìn cũng như cách thích ứng với gig worker. Họ xem đây là nhu cầu có thật của người đi làm, là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp buộc phải thích nghi.

Theo đó, các công ty đều nhìn nhận “không thể cấm người đi làm làm thêm bên ngoài được”. Nhiều công ty cũng khá cởi mở trong việc để nhân viên làm tự do, đồng thời cũng sử dụng gig worker cho nhiều công việc trong công ty.

Theo phỏng vấn của McKinsey với 800 CEO các tập đoàn lớn thuộc nhiều ngành tại 8 quốc gia cũng hé lộ rằng đối với các vị trí cần on-site (có mặt nơi làm việc), 70% lãnh đạo sẽ tích cực thay thế một phần nhân viên toàn thời gian bằng nhân viên thời vụ, ngắn hạn để ứng phó tốt hơn với những biến động khó lường của COVID-19. 

Vậy nhu cầu gig worker tăng lên nhưng các doanh nghiệp cần làm gì để trở thành nơi lý tưởng cho gig worker, để tìm được người giỏi, phù hợp và “khi cần là có”. 

“5 tiêu chí ưu tiên khi lựa chọn dự án của các gig worker mà các doanh nghiệp có thể tham khảo: mức phí cao, cơ hội học hỏi và trải nghiệm, công việc đúng sở thích, cơ hội hợp tác lâu dài và có thêm phúc lợi. 

Để các gig worker giỏi hợp tác lâu dài, chọn dự án của công ty thay vì các dự án trả phí cao hơn thì doanh nghiệp cần phải hiểu khó khăn của các gig worker: thiếu phúc lợi; thu nhập không ổn định, lúc dồn việc, lúc không có việc; thiếu gắn bó, đào tạo bài bản. 

Do đó doanh nghiệp cần trả phí công bằng kèm theo các điều kiện hỗ trợ máy móc thiết bị, hỗ trợ đi lại, điện thoại. Xem xét phí duy trì khoản phí cam kết sử dụng dịch vụ, nghĩa là khi không sử dụng nhưng vẫn trả mức phí này… 

Để nuôi dưỡng quan hệ lâu dài thì nên cho họ làm công việc thú vị, phù hợp khả năng và mong muốn chứ không phải việc gì chán, khó không ai chịu làm mới giao cho gig worker”, bà Lưu Bảo Vân - giám đốc nghiên cứu Công ty nghiên cứu thị trường Instage VN - nhận định. 

Để người đi làm “làm thêm” ngay trong công ty

Đó là chiến lược nhiều công ty đang áp dụng để hạn chế tình trạng nhân viên đi làm thêm, cộng tác bên ngoài. Bà Trần Thị Thu Thắm, giám đốc nhân sự Bosch VN, cho biết công ty tạo ra mạng lưới nội bộ để nhân viên đăng tải hồ sơ để tìm kiếm dự án ngay trong nội bộ Bosch. 

“Họ trình bày các năng lực mà họ có, dự án mà họ có thể tham gia trên đó để nếu có dự án, công việc thích hợp thì họ có thể tham gia. Chẳng hạn một nhân viên đang làm ở VN, nhưng nếu Bosch ở Malaysia đang cần người cho dự án mới trong ngắn hạn thì họ vẫn có thể tham gia nếu đảm bảo công việc của mình. 

Thay vì để họ làm việc bên ngoài thì có thể tận dụng để họ làm việc khác ngay trong công ty. Đây cũng là cách để nhân viên được khai mở tiềm năng chuyên môn đồng thời mở rộng thêm khả năng làm việc”, bà Thắm nói.

Câu chuyện của NashTech, công ty công nghệ với 1.800 nhân viên là lập trình trình viên, kỹ thuật viên là điển hình.

 “Đây là công ty cũng rất cởi mở với freelance và có cách thông minh để tận dụng họ. Công ty chọn ra những lập trình viên, kỹ thuật viên giỏi, có đam mê chia sẻ để đào tạo họ thành giảng viên nội bộ, huấn luyện kỹ năng chuyên môn mềm, bố trí thêm công việc đào tạo người mới, huấn luyện các thế hệ developer - kỹ sư phần mềm trẻ và các tân sinh viên. 

Với các giảng viên làm vị trí chuyên môn cao, công ty tạo diều kiện để trở thành diễn giả chia sẻ kiến thức cho cộng đồng lập trình viên bên ngoài, góp phần xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho NashTech” - bà Thanh Nguyễn, CEO của Anphabe, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận