TTCT- Lần đầu tiên sau 8 năm, xuất khẩu gạo của VN xuống dưới mức 5 triệu tấn. Tình hình tiêu thụ vẫn tiếp tục khó khăn, cần phải có sự thay đổi sớm nếu không sẽ rơi vào khủng hoảng. Đóng gói gạo có thương hiệu xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ -Chí Quốc Bộ Công thương mới đây đã hủy bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng đang được đề nghị sửa đổi những điều bất cập.Thấp nhất trong 8 nămTheo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của VN trong năm 2016 chỉ đạt 4,88 triệu tấn, với giá trị 2,2 tỉ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Đây là năm có khối lượng xuất khẩu gạo thấp nhất trong vòng 8 năm qua.Từ vị trí là mặt hàng đứng đầu về giá trị xuất khẩu nông sản của VN, gạo lần lượt bị các nhóm hàng khác vượt qua như thủy sản, đồ gỗ, cà phê, hạt điều và mới đây nhất là mặt hàng rau quả.Ông Phạm Hoàng Lâm, tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm (An Giang), cho biết những ngày qua các doanh nghiệp VN chào bán gạo nhiều nhưng người mua không có bao nhiêu. Đầu ra vẫn tiếp tục khó khăn cho gạo VN ngay trong đầu năm mới.“Gạo Việt sẽ còn gặp khó trong tiêu thụ trong thời gian dài sắp tới chứ không phải chỉ trong ngắn hạn. Việc bán gạo chất lượng thấp với giá rẻ đã không còn là lợi thế của VN nữa” - ông Lâm nhận xét.Trong khi đó, theo ông Lâm Định Quốc (Công ty Lương thực Sóc Trăng), xuất khẩu gạo của VN giảm ở hầu hết các thị trường chính như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia, Hong Kong... Chỉ có một vài thị trường ở châu Phi có sự tăng trưởng nhưng lại rủi ro về thanh toán.Hạt gạo VN cũng đối mặt cạnh tranh khốc liệt hơn khi thị trường có thêm nguồn cung từ Campuchia và Myanmar.Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2016 Trung Quốc đã giảm 20,5% lượng gạo mua từ VN, các thị trường khác có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Philippines (65%), Malaysia (48,1%), Hoa Kỳ (32,9%), Singapore (30,7%), Indonesia (21,9%), Bờ Biển Ngà (21,5%) và Hong Kong (19%).Để hạt gạo vươn xaMột trong những nút thắt làm cho xuất khẩu gạo của VN trong các năm qua là nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo và quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo gần đây đã được công bố bãi bỏ và điều chỉnh theo hướng có lợi cho nhà xuất khẩu.Ông Huỳnh Thế Năng, tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho rằng bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo là hành động đúng đắn và kịp thời của Bộ Công thương trong bối cảnh thị trường lúa gạo đã có sự thay đổi quan trọng.Theo ông Năng, các quốc gia nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia... đều đã mở cơ chế và chính sách nhập khẩu gạo cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình nhập khẩu gạo.Do đó, một thị trường có rất nhiều quốc gia xuất khẩu với nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau. Ngoài ra, nhu cầu của người tiêu dùng thế giới ngày càng yêu cầu sản phẩm chất lượng cao hơn, an toàn thực phẩm hơn và có khả năng truy xuất nguồn gốc.Đã đến lúc ngành lúa gạo VN cần phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với thay đổi của thế giới.Theo các chuyên gia, quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo là văn bản cụ thể hóa của nghị định 109 nên chừng nào mà nghị định này vẫn còn hiệu lực thì việc xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn khó khăn.PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng các điều kiện của nghị định 109 thực chất nhằm loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ, tập trung quyền xuất khẩu vào các doanh nghiệp lớn, phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước. Với những ưu đãi về chính sách như vậy, các doanh nghiệp nhà nước không có động lực để thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh đã cũ là bán gạo chất lượng thấp với giá rẻ.“Đó chẳng khác gì hành vi trợ giá lương thực cho nước ngoài. Thật vô lý khi gạo bán cho Philippines chỉ có 8.000 đồng/kg mà người VN phải mua gạo trong nước với giá rẻ nhất cũng 12.000 đồng/kg” - ông Khải nói.Theo TS Vũ Trọng Khải, Chính phủ cần sớm bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh gạo của nghị định 109, trả lại môi trường tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.Cụ thể là bỏ điều kiện nhà xuất khẩu gạo phải có kho bãi tối thiểu 5.000 tấn, quy định có hệ thống xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ vì doanh nghiệp có thuê bên ngoài công đoạn này miễn là đảm bảo chất lượng.Cùng với đó là xem lại chính sách hạn điền vốn đang là rào cản cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lớn. “Cơ chế cấp phép của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cũng cần bỏ vì đó là hành động cản trở tự do thương mại” - TS Khải nói.Giải thích về vấn đề TS Khải đặt ra, chủ tịch của VFA, ông Huỳnh Thế Năng cho rằng cùng với nghị định 109 thì Chính phủ, Bộ Công thương cũng cho VFA một số quyền hạn nhất định như cấp phép đăng ký xuất nhập khẩu gạo, ban hành giá sàn xuất khẩu trong từng thời kỳ nhất định...Đây là các chính sách nhằm bảo vệ và giữ các thị trường xuất khẩu cấp chính phủ, vì trước đây các hợp đồng cấp chính phủ chiếm tỉ trọng rất lớn trong xuất khẩu gạo VN (có năm lên đến 60-70% tổng lượng gạo xuất khẩu).Các quy định trên còn nhằm ngăn chặn hành vi phá giá của một số doanh nghiệp nhỏ xuất khẩu với số lượng ít làm ảnh hưởng đến giá xuất khẩu gạo nói chung của VN.Tuy nhiên, theo ông Năng, những năm trở lại đây hợp đồng chính phủ đã giảm mạnh và xu hướng tự do hóa thương mại gạo giữa các quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, đã đến lúc cần xem lại các quyền hạn của VFA để thích ứng theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường gạo nói chung.Xóa bỏ những rào cản gây cản trở xuất khẩu gạo là đúng, nhưng làm sao để không còn những doanh nghiệp bán phá giá như trước đây thì dường như các nhà điều hành xuất khẩu gạo vẫn loay hoay.■Sớm xây dựng thương hiệu gạoTheo GS Võ Tòng Xuân, ngành lúa gạo VN cần chuyển dịch sang sản xuất các loại gạo chất lượng cao hơn. Quan trọng nhất là VN phải chọn ra những giống lúa chất lượng cao để làm giống chủ lực cho xây dựng thương hiệu chung của gạo VN như Thái Lan đã làm với gạo Khaw Dawk Mali, Hom Mali; Ấn Độ với gạo Basmati hay gần đây là gạo Phka Malis của Campuchia.PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng thương hiệu gạo phải bắt đầu từ thương hiệu doanh nghiệp, còn thương hiệu quốc gia chỉ ở mức chung chung về phẩm cấp, chất lượng và uy tín của cả ngành hoặc cả quốc gia.Đối với các doanh nghiệp VN, nên bắt đầu bằng thị trường nội địa vì phần lớn lúa gạo VN là tiêu thụ ở trong nước. Xây dựng thành công thương hiệu gạo trong nước làm nền tảng vươn ra toàn cầu. Tags: Xuất khẩu gạoGạo xuất khẩuLàm lạiXuất khẩu gạo giảm
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Hot TikToker Thu Nhi đóng cửa thương hiệu thời trang Meo vì 'bán ế quá' NHẬT XUÂN 26/11/2024 Hot TikToker Thu Nhi - Eat Clean Hồng thông báo đóng cửa thương hiệu thời trang Meo, khiến nhiều người hâm mộ tiếc nuối.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine THANH HIỀN 26/11/2024 Ukraine cáo buộc Nga phóng 188 thiết bị bay không người lái (UAV) vào nước này trong đêm, gây ra thiệt hại nặng nề với lưới điện ở thành phố Ternopil.