Xuống đường thời TikTok và YouTube

TƯỜNG ANH 28/01/2021 05:01 GMT+7

TTCT - Cuối cùng, trong cuộc trò chuyện trực tuyến với sinh viên Nga nhân ngày sinh viên 25-1-2021, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã lên tiếng về cáo buộc trong phim “cung điện của Putin ở Gelendzhik” mà nhà đối lập Alexei Navalny tung lên YouTube, đoạn video chỉ trong 6 ngày đã có 87 triệu lượt xem.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên Nga về thực hư “cung điện của Putin”, ông Putin khẳng định cả ông lẫn họ hàng hoàn toàn không sở hữu tài sản được gán cho ông, và rằng những đồn đại về việc này đã diễn ra ít nhất 10 năm qua, lẽ ra những kẻ điều tra phải tìm ra các giấy tờ phù hợp, đường đi của dòng tiền đầu tư vào đó, thay vì lắp ghép và sao chép.

Nhiều thanh thiếu niên Nga, bao gồm cả trẻ vị thành niên, đã tham gia cuộc biểu tình. Ảnh: TASS

“Chán quá, các cô” - ông Putin mai mỉa bằng câu thoại của một nhân vật trong bộ phim nổi tiếng Nga “12 chiếc ghế”, nhắc những người “đánh” mình nên tìm ra cách nào đó mới hơn, hay hơn.

Trước đó, thư ký báo chí của ông, Dmitry Peskov, cũng phủ nhận các cáo buộc về “cung điện của Putin”, khẳng định bộ phim là một cuộc tấn công được chuẩn bị từ lâu nhắm vào tổng thống Nga, và kêu gọi người xem nhớ “bật công tắc đầu lên”.

Bộ phim dài 2 tiếng được “Quỹ đấu tranh chống tham nhũng” (bị Matxcơva liệt vào tổ chức tình báo nước ngoài) của nhà đối lập thân phương Tây Navalny đưa lên mạng hôm 19-1, như kết quả cuộc điều tra của riêng họ. 

Phim kể về một tòa dinh thự bên bờ biển Đen gần Gelendzhik, trên đó xây hẳn một “cung điện của Putin” với nhà hát hai tầng, sân khúc côn cầu trên băng, vườn nho, các phòng ở xa xỉ cho khách, nơi của nhân viên…

Tuy nhiên, một số ấn bản mạng đã chỉ ra chi tiết thú vị về một nơi mà trong phim gọi là “phòng cho bụi bẩn riêng biệt 18m2”. Họ cho rằng bộ phim hẳn phải được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nga (!) - với từ “mudroom”, trong tiếng Anh vốn nghĩa là phòng ngoài (tiền phòng), nhưng nghĩa đen lại là “phòng bùn đất” - qua đó chỉ ra “văn bản gốc” của bộ phim là do phương Tây chuẩn bị.

Từ một phía khác, nhiều người Nga cũng sốt ruột: Nếu không phải cung điện của ông Putin thì của ai? Alexander Korobko, đồng tác giả với Chris Hutchins về cuốn sách tiểu sử tổng thống Nga năm 2015 “Putin”, cũng đồng tình: “Chỉ nói đơn giản đây không phải “cung điện Putin” là không đủ”. Đến ngày 26-1, ông Peskov đã giải tỏa thắc mắc này: chủ nhân “cung điện” là các doanh nhân mà trên nguyên tắc, công bố tên tuổi họ là không được phép.

Trước đó, Tòa án thành phố Khimki đã ra phán quyết bắt giữ Navalny 30 ngày vì vi phạm quy tắc quản chế: từ tháng 1 đến tháng 8-2020, Navalny đã 7 lần không trình diện để đăng ký bắt buộc với các cơ quan quản lý, và sau sự cố trên chuyến bay Tomsk - Matxcơva, Navalny vẫn tiếp tục không ra trình diện.

“Cung điện Putin” không phải là đề tài nóng duy nhất trong dòng thời sự Nga tuần qua. Được quan tâm nhiều hơn là cuộc biểu tình ngày 23-1 kêu gọi trả tự do cho Navalny, trong đó thanh thiếu niên lại là các đối tượng được kêu gọi xuống đường. Trước khi biểu tình diễn ra, truyền thông đã cảnh báo các bậc cha mẹ Nga về việc thanh thiếu niên là đích nhắm lần này.

Nhà báo Nga và Ukraine Platon Besedin viết trên trang Politnavogator ngày 22-1 cho biết một thiếu niên 12 tuổi đã tiếp cận và hỏi ông ủng hộ ai? Putin hay Navalny? Khi tác giả hỏi cậu bé vì sao lại hỏi vậy, cậu nói: “Vì chuyện đó được nói khắp nơi. Chúng tôi xem trên TikTok từ những video được đề xuất”.

Besedin viết: “Đó là cái đầu tiên cần lưu ý: các video được đề xuất… Mạng xã hội chỉ đạo và thao túng người dùng, nhồi vào đầu họ những gì cần thiết. Một kiểu chủ nghĩa phát xít kỹ thuật số ở dạng thuần túy nhất. Thử tưởng tượng những đứa trẻ 12 tuổi nghiên cứu về cuộc tranh giành quyền lực qua những đoạn phim ngắn. Đấy thấy không, Navalny từ đâu đó bay về và bị bắt bỏ tù, còn Putin có cả cung điện… Tất cả đều được sắp đặt”.

Những cuộc biểu tình không được cấp phép hôm 23-1 đã kết thúc với khoảng 4.000 người tham gia, theo truyền thông Nga (theo các hãng tin phương Tây là tới 40.000 người). Một số trẻ vị thành niên tham gia đã bị bắt và được thả ngay trưa hôm sau, khoảng 300 em. 

Nhưng dư vị của cuộc biểu tình vẫn khá đắng với nhiều người Nga. Bởi nếu việc tham gia của các mạng xã hội phương Tây vào chính trị Nga từ lâu không còn là bí mật (Bộ Ngoại giao Nga hôm 24-1 cáo buộc Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Matxcơva vi phạm các nguyên tắc ngoại giao khi bày tỏ sự ủng hộ người biểu tình trên các mạng xã hội), thì việc sử dụng TikTok của Trung Quốc vào mục đích này là một bất ngờ khó chịu. ■

Từ tháng 10, khi những sự kiện ở Belarus vẫn còn nóng, trên tờ Báo Chí Tự Do (Nga) đã có bài “Bánh gừng cho Nekhta”. 

Nekhta là tên một kênh telegram trở nên nổi tiếng mùa hè 2020, được 2 triệu người ủng hộ, khi ở Minsk nổ ra cuộc chiến của phe đối lập phản đối kết quả bầu cử mà Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bị cáo buộc đã gian lận để chiến thắng. 

Khi những lời kêu gọi xuống đường phản đối việc bắt giữ ông Navalny lan đi, truyền thông Nga đã cảnh báo về vai trò của TikTok tương tự Nekhta ở Belarus. Sự Thật Komsomol ngày 22-1, một ngày trước biểu tình, đăng bài “TikTok của Trung Quốc làm “cách mạng trẻ em” ở Nga”. 

Nhà báo nổi tiếng Aleksandr Kots chỉ ra một thống kê cá nhân: “Trên tài khoản TikTok của tôi, một người cha 42 tuổi đã có hai con, tin nhắn về Navalny chiếm nhiều nhất 10% nguồn cấp dữ liệu. Còn của đứa con gái 19 tuổi của tôi, hoàn toàn phi chính trị, thì tới 90%. Hãy nói với tôi rằng đây không phải là công nghệ lôi kéo trẻ em vào cuộc phản đối đi!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận