Zahar Prilepin, "nhà văn năm 2011" của Nga

TTCT - Từ một chú bé vùng sâu trở thành sĩ quan đặc nhiệm rồi nhà văn, Zahar Prilepin (sinh ngày 7-7-1975) có tác phẩm “đỉnh của văn chương Nga thập niên đầu thế kỷ 21” và vừa được phong danh hiệu “Nhà văn của năm”…

Phóng to
Bìa “cuốn sách Nga của thập niên” - Ảnh: pravkniga.ru

Học trong một lớp chỉ có bốn học sinh ở làng vùng sâu Iliska vùng Riazan với vẻn vẹn 300 cư dân, 10 tuổi mới biết thành phố, 17 tuổi Z. Prilepin đã mồ côi bố.

Đó là người bố có cách sống hằng ngày trở thành ví dụ lý tưởng cho con: ông viết chính luận, làm thơ, vẽ tranh, nặn tượng, chạm khắc những hình rất đẹp trên gỗ, chơi nhiều thứ đàn bayan, arcordeon, guitar, balalaika, biết tất cả tài nghệ của con người thế kỷ 19 quen sống tự túc tự cấp giữa thiên nhiên: làm nhà, huấn luyện ngựa, cày ruộng, sửa chữa máy kéo… Còn bà mẹ thì quen với những niềm hứng thú tự cổ xưa: chăn một bầy gà vịt ngỗng, ra bến sông giặt giũ...

Thuộc lớp “nhà văn trung úy”

Sau sáu năm làm việc trong lực lượng đặc nhiệm, từng hai lần dẫn quân đến Chechnya, Z. Prilepin mê nghề quân nhân chuyên nghiệp nên khi phải xuất ngũ, ông nhận đại một công việc chợt đến: làm báo. Làm báo được một năm, thấy buồn tẻ, ông quyết định viết một cái gì đó dày dặn, thế là năm 2005 tiểu thuyết Lệch chuẩn ra đời. Cuốn sách cho thấy cuộc chiến ở bắc Kavkaz qua nhìn nhận của người lính Nga thật kinh khủng, nhưng tính chân thực của tác phẩm là không tranh cãi, các nhân vật đều có xương có thịt hẳn hoi.

Lệch chuẩn bác bỏ mặc cảm “độc giả thờ ơ với sách viết về chiến tranh”, giúp tác giả nhận giải “Phát hiện” 2005 của Tiểu thuyết báo, nổi bật giữa các cây bút đồng lứa và được xếp vào hàng ngũ những “nhà văn trung úy” tiền bối như Yuri Bondarev, Vasyl Bykov, Viktor Astafiev… Bản phát hành ở Pháp được nước này trao giải thưởng dịch thuật.

Cuốn sách đầu tay mang lại khoản nhuận bút kha khá khiến Z. Prilepin say sưa viết luôn cuốn nữa - Sankia, kể về một thanh niên của Đảng Bolshevich dân tộc, hăng say lý tưởng nhưng khá cực đoan, bất khuất nhưng dịu dàng, bạo liệt nhưng biết quan tâm đến người khác.

Tác giả đi vào một đề tài hiểm hóc: hoạt động của những tổ chức thanh niên bị chính quyền cấm đoán ở Nga. Tác phẩm này được coi là hiện tượng văn học 2006, báo hiệu sự trở lại của dòng tiểu thuyết tâm lý mang nội dung xã hội từng là chủ đạo trong văn chương Nga hai thế kỷ 19-20. Sankia được tái bản ba năm liền, giành giải Lev Tolstoy 2007 và ở Trung Quốc là giải tiểu thuyết nước ngoài hay nhất 2006.

Tác phẩm vào trường đại học

Tội lỗi ra mắt năm 2007, đây là tiểu thuyết trong những thiên truyện ngắn. Tính chân thành, cởi mở và tinh tế của tác giả khiến bạn đọc có ngay lòng tin để đi vào những câu chuyện gần gũi như tình yêu, lòng tốt, sự công bằng, tình bạn, gia đình, con cái hoặc sâu xa hơn: sự sống - cái chết, ánh sáng - bóng tối và ở trọng tâm là số phận, lẽ sống của con người.

Nhân vật chính Zahar từng giải cứu người lính, bảo vệ phái yếu, thẳng tay đáp trả cái ác, đồng thời lại rất giàu nội tâm: “…Bất kỳ tội lỗi nào của tôi cũng đều giày vò tôi mãi… Còn những điều tốt tôi đã làm thì nhẹ tựa lông hồng, chỉ một hẩy gió là bay biến”.

Tội lỗi có ngôn ngữ văn chương kế tục xứng đáng truyền thống của những bậc thầy văn xuôi Nga như Ivan Bunin, Yuri Kazakov, mang về cho Z. Prilepin giải thưởng “Sách bán chạy toàn quốc 2008” và mới đây là “Cuốn sách của thập niên, siêu bán chạy”.

Tác phẩm của Z. Prilepin được đón nhận rộng rãi, dịch sang nhiều ngôn ngữ, đưa vào năm trường đại học ở Nga, đạo diễn Kirill Serebrenykov đưa lên sân khấu và bây giờ tuy tập truyện vừa Tám anh em chưa chính thức xuất bản, đạo diễn nổi tiếng Alexei Utytel đã bắt tay đưa lên màn ảnh.

Với Z. Prilepin, năm 2011 chưa kết thúc nhưng đã có thể đánh giá là bội thu: cùng với giải “siêu” kèm theo 100.000 USD, cuốn tiểu thuyết mới Con khỉ đen ra đời và danh hiệu “Nhà văn của năm” do tạp chí GQ trao tối 21-9... Hiện là nhà văn đình đám ở Nga nhưng ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng mà chọn một cuộc sống bình lặng với vợ và bốn con trong ngôi nhà ven khu rừng cấm bên sông ở một tỉnh rất xa thủ đô. Tuy vậy, ông thuộc thành phần những nhà văn hay được tổng thống và thủ tướng tham khảo ý kiến…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận