TTCT - Hoài niệm hay nhìn về tương lai, những người Nga tôi gặp đều thống nhất: Cách mạng Tháng 10 là một sự kiện lịch sử lớn ở nước Nga. Và nay, sự kiện này đã bước vào kỷ niệm 100 năm. Cách mạng Tháng 10 là một sự kiện mang ý nghĩa “dịch chuyển kiến tạo” với lịch sử thế giới.-Ảnh: rg.ru Tòa nhà Smolnyi ở Saint Petersburg đầu tháng 10-2017, khi Cách mạng Tháng 10 bước vào kỷ niệm 100 năm, vẫn hoạt động như mọi khi. Không ồn ào tấp nập lễ lạt, anh lính gác cho biết Bảo tàng Smolnyi nằm trong tòa nhà, vẫn như trước đây, chỉ mở cửa hạn chế cho khách tham quan: “Chỉ hai ngày trong tuần, nhưng khách muốn tham quan phải yêu cầu trước và được ban quản trị chấp thuận”. Quy định trước giờ là thế, và nay, bất kể thế giới và cả nước Nga nhìn nhận thế nào về Cách mạng Tháng 10, tòa nhà Smolnyi tiếp tục là một di tích kiến trúc và lịch sử Nga; bảo tàng trong tòa nhà từng là tổng hành dinh của chính quyền Bôn-sê-vich năm 1917, vẫn hoạt động và mở cửa đón khách theo quy định. Không ồn ào thương mại hóa, cũng không có nhu cầu tự quảng bá, Bảo tàng Smolnyi vẫn là một điểm đến của du khách tới Saint Petersburg thế kỷ 21. Thời gian đã có câu trả lời của mình về vị trí lịch sử của cuộc cách mạng mà nói theo nhà báo Mỹ John Reed là “10 ngày rung chuyển thế giới”. Hỏi anh lính gác, khách tham quan đa số từ nước nào, anh đáp ngay: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, đương nhiên rồi! Cách mạng Tháng 10 với lãnh tụ Lenin bước vào năm kỷ niệm thứ 100 trong một thế giới đầy biến động.-Ảnh: rg.ru Người khách tên Rosslivyi Không chỉ tòa nhà của chính quyền Bôn-sê-vich năm 1917 được khách Mỹ quan tâm. Lều cỏ Lenin, tên gọi dân dã một tổ hợp bảo tàng kỷ niệm thời kỳ người đứng đầu cuộc Cách mạng Tháng 10 về đây nương náu, cũng được du khách phương Tây tìm đến. Túp lều nhỏ vẫn còn được lưu giữ tại thành phố Sestroretsk - nằm trên tả ngạn sông Sestra dọc vịnh Phần Lan, cách Saint Petersburg hơn 20km về phía tây bắc. Bác Sasha, 63 tuổi, người địa phương và là lao công của bảo tàng, vui vẻ kể: “Khách Mỹ, châu Âu vẫn đến. Mới đây còn có một thanh niên Mexico đến tham quan, giới thiệu cậu tên là Rosslivyi, cái tên có từ gốc “Rossia” do cha mẹ cậu là những người có quan điểm xã hội chủ nghĩa, và đó là lý do cậu tìm đến bảo tàng này”. Marina, hướng dẫn viên bảo tàng, sẵn sàng kể cho bạn nghe câu chuyện về “ngôi làng dã thự” nơi bảo tàng tọa lạc: Sestroretsk được khai phá từ hồi Piyotr I, vào những năm 1710, nhưng khi đó nó có tên là Dalnie Dubki (tạm dịch nghĩa: Vùng sồi xa) do Piyotr muốn xây dinh thự sa hoàng để nghỉ mát, đồng thời lại muốn phục hồi một phần rừng sồi tại đây, vốn đã bị băng giá phá hủy. Hồ Sestroretsk thật ra không phải là hồ thiên nhiên, mà được đào cũng từ thời Piyotr I, khi người ta thông phần giao nhau của hai sông Sestra và Chyornaya và để nước sông chảy vào. Khi Piyotr qua đời, dinh thự được chuyển một phần về Saint Petersburg, phần cơ ngơi còn lại chuyển thành nơi sản xuất vũ khí do vị trí thuận lợi, nằm ngay hồ và sông lớn, dễ vận chuyển giao thương. Sestroretsk thì trở thành “làng dã thự”, bởi khí hậu và địa thế khiến giới quý tộc Saint Petersburg luôn tìm đến mỗi mùa hè. Tranh thủ sự đắc địa này, cư dân địa phương cho thuê những ngôi nhà chính của mình để tìm thêm thu nhập, còn họ lui vào ở trong nhà kho cạnh gian nhà chính. Gia đình người thợ tiện Yemelyanov, từng cho lãnh tụ Cách mạng Tháng 10 nương náu, cũng sống như thế. Bảy người lớn bé trong một túp nhà kho, không ngần ngại nhường cho Lenin và các đồng chí của ông phần gác lửng của nhà kho này, và sau, để tránh tai mắt mật thám, họ dựng cho Lenin một lều cỏ bên kia hồ, mỗi ngày cho cậu con trai Nikolai 12 tuổi của mình bơi thuyền sang tiếp tế. 100 năm sau đó, Sestroretsk được biết đến không chỉ bởi lều cỏ Lenin. “Làng dã thự” vẫn còn những ngôi nhà gỗ Nga tuyệt đẹp này tiếp tục là khu nghỉ ngơi cho những người Saint Petersburg muốn tạm lánh thành phố ồn ào. Sestroretsk vẫn là một điểm tham quan êm đềm cạnh vịnh Phần Lan, với những người địa phương ngồi hàng giờ câu cá mà nếu hỏi thăm, bạn sẽ ngạc nhiên nghe trả lời họ câu cá cho… mèo! Cụm bảo tàng gồm nhà kho có căn gác Lenin từng trú ẩn và lều cỏ bên kia hồ là một phần của điểm tham quan Sestroretsk thơ mộng. Nhưng như Marina kể: “Bất chấp sóng gió thời gian, bảo tàng chưa bao giờ đóng cửa, ngoại trừ trong Thế chiến thứ hai. Kể cả khi đó, chúng tôi vẫn để lại chìa khóa và ghi bảng thông báo để những ai cần vẫn có thể vào bảo tàng”. Marina dẫn chúng tôi đi xem cả những bức tượng Lenin ở đâu đó được đưa về đây. Còn hiện nay, có bao giờ khách thưa vắng khiến bảo tàng phải đóng cửa không? Marina khẳng định: “Hiện nay khách ít hơn xưa rất nhiều, có thể nói ít hơn cả trăm lần, nhưng bảo tàng sẽ không bao giờ đóng cửa. Muốn hay không thì đây vẫn là một phần lịch sử của chúng tôi”. Khách tham quan bên trong Bảo tàng Smolnyi.-Ảnh: rg.ru Xương thiêng Tại nhà sách trên đại lộ trung tâm Nevsky của Saint Petersburg, nằm khuất trên một kệ, tôi gặp một đầu sách có cái tên biểu tượng: 17 về 17 - Tuyển tập truyện ngắn của nhà xuất bản uy tín Eksmo. Lời giới thiệu trên đầu sách ghi: “Tuyển tập 17 truyện ngắn của các nhà văn Nga về năm (19)17 - không phải một ngày bình thường trên tờ lịch, mà là một sự kiện lịch sử vĩ đại mà ý nghĩa của nó vẫn chưa được luận giải tận cùng dẫu đã 100 năm…”. Tuyển tập không chỉ quy tụ những tác giả tên tuổi, mà còn cả những người mới bắt đầu sự nghiệp văn chương, nhưng họ viết về Cách mạng Tháng 10, theo như lời giới thiệu, “rất bất ngờ và không giống những người khác, rực rỡ và hấp dẫn”. Trong số đó, truyện ngắn có cái tên khá lạ Xương thiêng phản cách mạng của Yuri Buida là câu chuyện của một người cháu trai về các ông mình. Ông cố của anh, một thành viên trong chính quyền Bôn-sê-vich, đi tìm hài cốt em trai, một thành viên Bạch vệ bị chính ông ra lệnh xử bắn. 60 năm sau, ông cố của nhân vật trở về làng cũ tìm di thể em trai. Mất một thời gian dài người ta mới tìm ra và đào lên được những nắm xương người, xương chó lẫn lộn. Trong giấc ngủ mệt nhoài sau ba ngày giúp ông cố đào đất, cậu nghe được cuộc tranh cãi của ông cố với bạn mình. Người bạn nói: “Nó là em trai ông, là máu của ông. Lý tưởng không sống lâu, chúng thay đổi và chết, nhưng máu là máu”. Ông cố vẫn kiên quyết cho mình là đúng khi đi “làm cách mạng toàn thế giới”, nhưng khi người bạn hỏi: “Vậy ông tìm xương em trai để làm gì?”, cậu nghe ông cố đáp: “Chẳng lẽ ông muốn xương em tôi nằm lẫn cùng xương chó hay sao?”. Một apphich chào mừng 100 năm Cách mạng Tháng 10 của BERT Animation.-Ảnh: BERT Animation Sự trăn trở đâu chỉ trong những nhà văn. Ở cột mốc lịch sử 100 năm này, những thường dân Nga nghĩ gì về cuộc Cách mạng Tháng 10? Cụ bà Mariana Orlova, một bác sĩ về hưu sống ở thủ đô Matxcơva, có tuổi đời gần bằng con số tháng năm này, 95 tuổi, chiêm nghiệm: “Thật khó để nói về Cách mạng Tháng 10 khi tôi sống lâu thế này, trả lời một chiều càng khó. Cuộc sống ở nước Nga đã thay đổi quá nhiều. Khi tôi còn trẻ, Cách mạng Tháng 10 là một ngày hội. Chúng tôi vui sướng với thành quả của nó, có thể học hành, làm việc, nhưng trên thực tế đã có nội chiến, những giá trị tinh thần, sự trung thực, tình yêu, lòng tốt… bị đảo ngược… ”. Kỹ sư 52 tuổi Nikolai Smirnov thì cho rằng “khó mà đánh giá cuộc Cách mạng Tháng 10 từ góc nhìn hiện đại, dù sao cuộc cách mạng đã tạo một cú hích phát triển nước Nga...”. Cậu học sinh Matxcơva 17 tuổi Iliya Smirnov khẳng định: “Có thể cuộc cách mạng là cần thiết vào thời điểm đó. Có thể đã hình thành những điều kiện lịch sử mà người ta không thể hành động khác? Dù sao 100 năm cách mạng, đó là một sự kiện lớn. Có thể kỷ niệm sự kiện này, cũng như người Pháp qua bao thế kỷ vẫn kỷ niệm cuộc Cách mạng Pháp của mình”. Dẫu sao, những người Nga tôi hỏi thống nhất với nhau rằng “Cách mạng Tháng 10 là một sự kiện, không phải là ngày hội”, như lời của chị Irina Letiagina, cựu biên tập viên Nhà xuất bản Cầu Vồng.■ Sử gia David Schimmelpenninck van der Oye.-Ảnh: brocku.ca “Dịch chuyển kiến tạo” trong mắt các sử gia Từ đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giao cho Hội Sử học Nga tổ chức một ủy ban để chuẩn bị cho cột mốc lịch sử này. Trong thông điệp liên bang hồi cuối năm 2016, ông Putin nhận định năm 2017, khi hai cuộc cách mạng Tháng 2 và Tháng 10 ở Nga bước vào kỷ niệm 100 năm, cần nhìn lại “các nguyên nhân và bản chất”, bởi “không chỉ các nhà sử học hay khoa học, mà cả xã hội Nga cần một phân tích sâu sắc, khách quan và trung thực”. Suốt năm qua, nhiều hoạt động “nhìn lại” đã được tổ chức. Hai ấn bản khoa học lớn được xuất bản, đặc biệt là bộ Bách khoa toàn thư nước Nga 1917. Trong số những sự kiện lớn được Hội Sử học Nga tổ chức, có hội thảo khoa học với sự tham gia của chuyên gia sử học 20 nước, để thẩm định “sự dịch chuyển kiến tạo trong số phận nước Nga và nhiều nước trên thế giới”, như lời của Sergey Naryshkin, chủ tịch Hội Sử học Nga, phát biểu tại hội thảo Moskva (ngày 9 đến 11-10-2017). Không chỉ ở Nga, các nhà sử học và khoa học quốc tế cũng quan tâm đến sự kiện 100 năm này. Tại hội thảo nêu trên, David Schimmelpenninck van der Oye, giáo sư Đại học Brock (Canada), thông báo công trình: “Một cái nhìn vào năm 1917: Dự án quốc tế 'Cuộc chiến tranh vĩ đại và cuộc cách mạng Nga'”. Ba nhiệm vụ chính của dự án được khởi động từ năm 2006 này, theo giới thiệu của giáo sư Schimmelpenninck, là: (1) kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10, (2) liên kết kinh nghiệm của Nga và di sản quốc tế trong hiểu biết về Thế chiến thứ nhất, và (3) xem xét lại việc giải thích giai đoạn lịch sử 1914-1921 mà theo các chuyên gia của dự án, không thể tách rời ba sự kiện Thế chiến thứ nhất, Cách mạng 1917, và Nội chiến Nga 1918-1921. Theo Schimmelpenninck, đây là một dự án đầy tham vọng, với sự tham gia của 250 tác giả để in 25 tập sách với 10 chủ đề, sẽ được công bố dần đến năm 2019. Tags: Liên XôNước NgaCách mạng Tháng 10Cách mạng Tháng Mười Nga
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.