100 ngày chiến sự Ukraine: Một “chiến thắng” đắt giá?

DANH ĐỨC 14/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Hôm thứ sáu (3-6) tuần rồi, “chiến dịch đặc biệt” mà ông Vladimir Putin giáng lên Ukraine đã kéo dài 100 ngày nhưng tiếng giày trận mừng đại thắng vẫn chưa rồn rập vang lên trên Quảng trường Đỏ, cho dù một chiến thắng quân sự “nào đó” đang trong tầm tay. Thế nhưng, trong một cuộc chiến khác, về kinh tế, có vẻ như ông đang “dẫn bàn” trước đối thủ Joe Biden.

Hôm 3-6 đó, ông Putin lên Rossyia 1 TV trả lời phỏng vấn về nhiều lĩnh vực, bắt đầu bằng câu hỏi về cuộc gặp của ông với Tổng thống Senegal và Chủ tịch Liên hiệp châu Phi Macky Sall - một câu hỏi để cho thấy Chính phủ Nga không bị cô lập như một số người có thể nghĩ. 

Sau đó, Rossyia 1 TV mới nói về tác động của cuộc chiến Ukraine với tình hình thiếu hụt lương thực thế giới và rồi ông Putin bảo đừng trách Nga, cứ như thể chiến sự, theo ông chủ Điện Kremlin, coi như phần nào đã ngã ngũ.

 
 Ảnh: ft.com

Thắng lợi trong (tầm) tay? 

Trong mạch tuyên truyền đó, cũng hôm 3-6, Hãng tin Nước Nga ngày nay (RT) loan tin Matxcơva nay bắt đầu khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội cũng như cải thiện điều kiện sống ở khu vực Kherson, phần lớn diện tích tỉnh Zaporozhye và một phần vùng xung quanh Kharkov (người Ukraine gọi là Kharkiv). 

Trước đó vào hôm 26-5, Hãng tin Sputnik (Nga) loan tin quân đội Cộng hòa Donetsk (DNR) đã tiến vào các tỉnh Kherson, Zaporozhye và Kharkov của Ukraine, và trích lời người đứng đầu DNR Denis Pushilin, theo đó không thể “bảo vệ” Donetsk và Lugansk (LNR) nếu chỉ dừng lại ở biên giới và nếu không thì những cuộc pháo kích, những hành vi “xâm lấn” từ phía Ukraine sẽ còn tiếp tục vô thời hạn (người ly khai gốc Nga thì nói Ukraine xâm lấn, còn người Ukraine nói họ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và giành lại đất đai của mình).

Coi như 100 ngày sau “chiến dịch đặc biệt”, giai đoạn hai của cuộc chiến đã đưa đến một số kết quả cụ thể và khác với giai đoạn một, khi việc Nga xua quân nhằm chiếm thủ đô và thành phố đông dân nhất của Ukraine (Kiev) không thành công. 

Chỉ một tháng sau khi đơn phương khai chiến vào sáng 24-2, hôm 25-3 quân đội Nga buộc phải bắt đầu rút khỏi vùng Kiev do gặp phải sức chống trả mạnh mẽ khác thường của Ukraine, tận dụng lợi thế từ việc phòng thủ trong đô thị để biến hàng loạt phương tiện cơ giới của Nga thành miếng mồi ngon cho vũ khí chống tăng.

Nga rút khỏi Kiev để sau đó tập trung lực lượng củng cố khu vực Donbass ở đông Ukraine, bao gồm DNR và LNR. Địa hình ở Donbas trống trải hơn, giúp quân Nga tận dụng các lợi thế pháo binh và không quân vượt trội để gây hiệu ứng tàn phá. 

Từ 18-4, quân Nga khởi động giai đoạn hai bằng một cuộc tấn công quy mô lớn tại phía đông Ukraine với mục tiêu là kiểm soát cho bằng được trọn vẹn hai tỉnh Luhansk và Donetsk.

Đó là điều đã xảy ra ở Mariupol, Bucha cùng một số thành phố khác. Những thành công trên chiến trường và về mặt lãnh thổ ở Donbass mang lại cho Điện Kremlin và dân Nga cảm giác rằng đã đạt được điều gì đó có thật, dù hôm 4-5 quân đội Ukraine đã phản công ở phía bắc và phía đông Kharkov, đẩy lùi quân Nga ra khỏi thành phố này xa những 40km, coi như chiến thắng đầu tiên sau trận Kiev (theo Al Jazeera).

Xu hướng thể hiện thắng lợi ngày ngày xuất hiện trong các thông báo tình hình chiến sự của Bộ Quốc phòng Nga, với một số điểm nhấn đặc biệt, tỉ như bản tin ngày 1-6: 

“Các tên lửa chính xác cao từ trên không của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã bắn trúng 5 trung tâm kiểm soát, 29 khu vực tập trung nhân lực và thiết bị quân sự của quân đội Ukraine. Phòng không Nga đã bắn rơi 1 máy bay Su-25 của Ukraine gần Sergeevka, ở DNR, và 1 máy bay trực thăng Mi-8 gần Kharkov. 2 tên lửa phóng hàng loạt Smerch của Ukraine đã bị đánh chặn gần Malaya Kamyshevakha và Kamenka ở khu vực Kharkov”.

Thông tin về các tên lửa chính xác hủy diệt và đánh chặn mà TASS đưa ra nhằm làm tăng niềm tin nơi dân Nga rằng họ được bảo vệ cũng như quân Nga chiến thắng nhờ vào tính ưu việt của vũ khí Nga, chấp luôn cả các vũ khí mà Mỹ mới cung cấp cho Ukraine là lựu pháo M777: 

“Các cuộc tấn công đã dẫn đến việc tiêu diệt… 24 đơn vị vũ khí và trang thiết bị quân sự, bao gồm 1 khẩu đội pháo M777 155 ly, giá treo 2S7 Pion 203 ly, bệ phóng nhiều tên lửa BM-21 Grad và 2 kho đạn”.

Rồi 4 ngày sau, vào 5-6, bản tin Bộ Quốc phòng Nga tổng kết: “Tổng cộng 189 máy bay Ukraine và 129 máy bay trực thăng, 1.144 máy bay không người lái, 330 hệ thống tên lửa phòng không, 3.416 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 470 hệ thống tên lửa phóng hàng loạt, 1.778 pháo dã chiến và súng cối cùng 3.419 xe quân sự đặc biệt đã bị phá hủy trong chiến dịch”. 

Nếu so với số 6.500 xe tăng cùng khoảng 7.000 xe bọc thép mà Ukraine sở̉ hữu thì quân Nga đã loại khỏi vòng chiến 32,8%, tức 1/3 lực lượng tăng thiết giáp Ukraine!

Những con số giúp vững tin đang chiến thắng, để tiện gọi các tấn chiếm là “những biến đổi địa chính trị”. 

Mới nhất là việc Kirill Stremousov, phó lãnh đạo cơ quan hành chánh quân sự - dân sự khu vực Kherson, tuần trước tuyên bố với TASS từ thành phố Simferol, thủ phủ của Crimea mà Nga đã chiếm từ 2014, rằng nhà chức trách ở đây có ý định nêu vấn đề gia nhập Liên bang Nga trong tương lai gần để khu vực này trở thành lãnh thổ chính thức của Nga.

Trận chiến thông tin

Tất nhiên, thông tin của Bộ Quốc phòng Nga không nêu tổn thất xe tăng, xe bọc thép của Nga bị trúng tên lửa Javelin của Mỹ hay NLAW của Anh mà tróc nóc, cũng như không nêu tin quân Ukraine hôm 28-6 phản công ở Kherson, đưa quân Nga vào thế phòng thủ bất lợi trước khi bị đẩy lùi qua bờ đông sông Inhulets sau khi đã dùng mìn phá hủy các cây cầu bắc qua sông này, như Al Jazeera cùng các hãng tin khác loan.

Dẫu sao thì những tin như 1/3 lực lượng tăng thiết giáp Ukraine bị hủy diệt sau 100 ngày “chiến dịch đặc biệt” cũng thừa sức làm hài lòng dân Nga hiện đang theo dõi độc nhất báo đài Nga kể từ ngày 4-3. Việc không loan tin đầy đủ và một chiều ở Nga đã được pháp chế hóa chỉ 8 ngày sau khi chiến tranh bùng nổ qua việc tu sửa các điều 31 và 151 Luật tố tụng hình sự Liên bang Nga.

Theo đó, luật nay “áp dụng trách nhiệm hình sự với hành vi phổ biến công khai thông tin cố ý gây hiểu sai về việc sử dụng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, nhằm bảo vệ lợi ích của Liên bang Nga và công dân cũng như duy trì hòa bình và an ninh quốc tế… trong vòng một năm” (bản tin số 67908 của Kremlin.ru ngày 4-3). 

Cụ thể, luật mới ấn định các án tù lên đến 3 năm nếu bịa đặt thông tin “sai sự thật”; 10 năm nếu phổ biến thông tin sai lệch từ nguồn chính thức, Internet, hay phát tán tập thể; và 15 năm nếu phổ biến thông tin “sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội”.

Không biết có phải vì vậy mà theo công bố của Trung tâm Khảo cứu dư luận VCIOM (Nga ) vào hôm 4-5, 61% người được hỏi cho rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine có thể đã thống nhất xã hội Nga”. 

VCIOM cũng cho biết 20% những người được hỏi phản đối nhận định đó, 10% cho rằng không có tác động gì với xã hội, và 9% không có ý kiến. Thực tế đó cho thấy Chính phủ Nga vẫn đang thắng cuộc chiến thông tin ở Nga, và đó là tất cả những gì họ cần.

Người dân Nga sẽ tiếp tục nhiệt liệt đồng ý việc ông Putin, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024, tiếp tục ra ứng cử rồi cầm quyền và ra ứng cử nữa cho tới năm 2036, miễn là ông còn đủ sức khỏe - đến đó ông đã 86 tuổi, căn cứ vào sửa đổi hiến pháp Nga vào tháng 7-2020 cũng như việc các cựu tổng thống Nga (bắt đầu là các ông Putin và Dmitry Medvedev) cùng thân nhân sẽ không bị truy tố hình sự, một đạo luật khác do Duma thông qua tháng 11-2020 và đã được Tổng thống Putin ký phê chuẩn vào hôm 22-12-2020!■

Trong khi dân Nga đã quen với những lệnh cấm vận và một đời sống sẽ ít nhiều không được thoải mái như trước, thì ở Mỹ, chính quyền Biden có vẻ đang “thấm mệt” với những hệ quả trực tiếp và gián tiếp của cuộc chiến Ukraine. 

Nhà Trắng hôm 1-6 đăng một mẩu tweet trên tài khoản The White House @WhiteHouse: “Ưu tiên kinh tế hàng đầu của Tổng thống Biden là giải quyết lạm phát và giảm chi phí cho các gia đình Mỹ. Đây là ba thành phần trong kế hoạch của ông ấy: (1) Dành cho Cục Dự trữ liên bang (FED) tự do đủ trong đường đi nước bước để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát; (2) Giảm chi phí cho các gia đình, bao gồm giá xăng, các hóa đơn dịch vụ thiết yếu, chăm sóc trẻ em, điều trị bệnh lâu dài, chi phí nhà ở; (3) Giảm thâm thủng ngân sách liên bang bằng cách thông qua cải cách thuế nhằm đảm bảo rằng những người Mỹ giàu nhất cùng các tập đoàn đóng góp sòng phẳng”. 

Là tổng thống mất lòng dân nhất kể từ Thế chiến II ở một xứ thượng tôn tự do ngôn luận, bài đăng đó đã gặp phải vô số chỉ trích thoải mái từ dân Mỹ. Để so sánh, tài khoản Twitter “Tổng thống Nga” (President of Russia @KremlinRussia) dừng ở hôm 16-3 với mẩu tweet cuối cùng: “Ai? Làm gì?”, với chỉ vài bình luận lác đác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận