TTCT - Những trận không chiến oanh liệt để bảo vệ bình yên bầu trời miền Bắc VN trong kháng chiến chống Mỹ lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ. Nhưng 14 tấm bia mộ liệt sĩ Triều Tiên ở khu đồi rừng Hoàng (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) ngày ngày vẫn nhắc nhớ về những người bạn nước ngoài đã đổ máu cho độc lập của VN. Đây cũng là một nghĩa trang duy nhất ở VN dành cho các liệt sĩ nước ngoài đã hi sinh trên mảnh đất Tổ quốc ta. Sự kiện Mỹ tấn công cảng Hải Phòng ngày 5-8-1964 chính thức đánh dấu cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta lan rộng ra phạm vi cả nước. Những trận chiến trên không oanh liệt nhất của quân dân miền Bắc đã ghi được nhiều chiến công vang dội. Với những chiếc Mig 17, Mig 19 được cải tiến của Liên Xô, các chiến sĩ không quân VN đã hạ gục hàng loạt máy bay chiến đấu hiện đại của không lực Mỹ thời đó như F4, F111... Tiếng vang về chiến công diệt máy bay Mỹ của quân dân miền Bắc đã bay khắp thế giới, trong đó có đất nước CHDCND Triều Tiên ở phía đông mặt trời mọc. Ngưỡng mộ thành tích của VN, ngay trong năm 1965, 12 sĩ quan và hai chiến sĩ không quân Triều Tiên đã được cử sang miền Bắc VN học hỏi kinh nghiệm chiến đấu. Nơi đón tiếp họ là đơn vị không quân thuộc Quân đoàn 2 đóng tại sân bay dã chiến Kép (Hà Bắc cũ). Các chiến sĩ Triều Tiên được những sĩ quan của ta ở sân bay Kép truyền đạt tỉ mỉ kỹ thuật lái máy bay Mig 17, Mig 19, Mig 23 và chiến thuật tiêm kích trên không. Trong đó có một đặc điểm nổi trội của chiến tranh VN mà các chiến sĩ Triều Tiên học hỏi được là nghệ thuật đánh du kích trên không với khả năng lấy yếu thắng mạnh, phản ứng nhanh trong mọi hoàn cảnh thực tế. Ngay trong năm 1965, khi bom đạn của máy bay Mỹ đang bắn phá điên cuồng miền Bắc, các chiến binh không quân Triều Tiên đã xung phong ra trận. Tinh thần Triều Tiên Cuộc chiến đấu của đội chiến binh Triều Tiên chủ yếu diễn ra trên vùng trời các tỉnh ven Hà Nội như Hà Bắc, Vĩnh Phúc và Hải Hưng. Với lòng cảm tử đặc trưng của dân tộc Triều Tiên đã chiến đấu là phải quyết tiêu diệt bằng được đối phương, không bảo vệ được phi cơ thì chiến binh cũng sẽ hi sinh theo nên trong các đợt xuất kích, 14 chiến binh Triều Tiên đều không trang bị dù cũng như các thiết bị thoát hiểm khác. Thậm chí một cựu chiến binh cùng thời với họ cho biết họ còn tự khóa chân mình vào chân ghế máy bay. Ngày 24-9-1965, sau một số trận đánh khá thành công thì một tin buồn ập tới. Đó cũng là khúc mặc niệm bi tráng đầu tiên vang lên trên bầu trời Hà Bắc khi chàng chiến binh trẻ tuổi nhất trong số 14 người Triều Tiên tên Ươn-Hông-Xang (19 tuổi) anh dũng hi sinh. Đó là một trận đánh ngay ở vùng sân bay Kép. Xang hi sinh khi bắt đầu xuất kích. Trong năm 1966, cuộc chiến đấu của đội quân Triều Tiên vẫn diễn ra nhưng không có ai trong số họ hi sinh. Đến năm 1967, họ mất thêm 12 người. Người chiến sĩ Triều Tiên cuối cùng tên Kim-Chi-Hoan nằm xuống dưới bầu trời VN vào ngày 12-2-1968. 11 người đã nằm xuống dưới bầu trời Hà Bắc, hai ở Vĩnh Phúc và một ở Hải Hưng. Như vậy chỉ trong chưa đầy ba năm, tất cả 14 chiến sĩ Triều Tiên được cử sang học hỏi rồi tình nguyện chiến đấu ở VN đều hi sinh. Theo đánh giá của một số cựu chiến binh thuộc Quân đoàn 2, trong thời gian đó những trận đánh của 14 chiến sĩ Triều Tiên góp phần cho thành tích tiêu diệt không lực Mỹ ở miền Bắc. Họ giúp bắn rơi và thiêu hủy hàng chục máy bay Mỹ trong thời gian ba năm. Tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm của họ làm vẻ vang sân bay dã chiến Kép thời đó. Sự hi sinh oanh liệt của họ xứng đáng được tưởng nhớ, biết ơn. Chứng tích thời hậu chiến Để ghi nhớ những người lính không quân Triều Tiên đã chiến đấu và ngã xuống trên đất nước mình, Nhà nước VN công nhận họ là những liệt sĩ ngay trong thời kỳ 1965-1968 và đã trao quyền tìm nơi đặt hài cốt của họ cho Triều Tiên. Theo ông Dương Văn Dậu - một cựu chiến binh hiện đang trông nom khu nghĩa trang liệt sĩ Triều Tiên: “Thời kỳ đó, đích thân một vị tham tán trong Đại sứ quán Triều Tiên đã đi chọn đất để đặt phần mộ của 14 người lính này. Họ đi tìm từ Bắc Ninh, Bắc Giang lên Lạng Sơn và cuối cùng chọn đồi rừng Hoàng để đặt nghĩa trang. Việc vì sao người Triều Tiên chọn nơi này đến giờ không một ai biết. Chỉ biết hiện nay cổng nghĩa trang được quay về hướng đông (có nghĩa về phía đất nước Triều Tiên). Trước đó trong những năm 1965-1968, gia đình ông Dậu và dân làng ở đây đã được người Triều Tiên nhờ mua cá chép và chó đen để an táng theo các người lính vì đó là phong tục truyền thống của dân tộc Triều Tiên. Trong một ngày cuối tháng bảy nắng oi ả, chúng tôi về đồi rừng Hoàng để viếng linh hồn các liệt sĩ Triều Tiên. Vẫn còn đây 14 tấm bia ghi đầy đủ tên, tuổi, ngày, tháng, năm hi sinh của 14 chiến sĩ Triều Tiên bằng hai ngôn ngữ (Việt và Triều Tiên). 14 nấm mộ nằm giữa bạt ngàn màu xanh của vườn cây hoa trái. Trước đây các nấm mộ của 14 liệt sĩ nằm rải rác quanh đỉnh quả đồi. Sau khi phía Triều Tiên quyết định mang hài cốt chiến sĩ của họ về nước (năm 2002), tỉnh Bắc Giang đã đầu tư 100 triệu đồng xây dựng nhà tưởng niệm, trong đó có lư hương và mô hình 14 tấm bia mộ liệt sĩ để ghi nhớ sự đóng góp của các chiến sĩ Triều Tiên cho mảnh đất này. Khu tưởng niệm được xây dựng trong hơn một năm và khánh thành vào giữa năm 2004. Chúng tôi đứng nghiêng mình trước 14 tấm bia mộ trên đỉnh đồi lộng gió. Còn người quản trang già, thương binh hạng 2/4 Dương Văn Dậu cho biết: “Dù không hề hưởng chế độ chính sách gì, nhưng gia đình chúng tôi tình nguyện đảm nhận chăm sóc cẩn thận khu nghĩa trang này và cứ đến ngày lễ, tết, tuần, rằm, mồng một hay các ngày lễ đặc biệt của đất nước Triều Tiên, vợ chồng tôi đều ra đây thắp hương tưởng niệm để linh hồn các anh nếu có phảng phất nơi đây khỏi phải lạnh lẽo...”.
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Công an yêu cầu Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ ra đầu thú, nộp lại tài sản lừa đảo đã chiếm đoạt DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội yêu cầu Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ ra đầu thú, nộp lại tài sản do lừa đảo chiếm đoạt để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam là xây dựng niềm tin KHẮC TÂM 10/12/2024 Theo ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - xây dựng thương hiệu gạo thành công là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Điều gì sưởi ấm trái đất này nhiều nhất? TRƯƠNG BẢO CHÂU 10/12/2024 Dù không phải ở trạng thái sinh học, lòng tốt của con người lạ thay có khả năng sinh sôi, cứ gieo mầm chỗ này lại sinh ra thêm chỗ khác.
Ninh Thuận sắp xếp các sở ngành, cơ quan báo chí ra sao? AN ANH 10/12/2024 Tỉnh Ninh Thuận sẽ sáp nhập báo Ninh Thuận, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh thành Trung tâm truyền thông, giảm 5 sở và 4 cơ quan trực thuộc UBND tỉnh.