TTCT - Vừa qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm 15.000 tỉ đồng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) gây khá nhiều chú ý trong công luận. Nợ câu giải thích Thật ra 15.000 tỉ đồng bơm cho các NHTM chỉ là hoạt động nghiệp vụ bình thường (bơm tiền ra và hút tiền vào) để cải thiện thanh khoản của các NHTM. Tuy nhiên phải thừa nhận đã bơm tiền ra lưu thông, dù ít dù nhiều, cũng tác động đến lạm phát, nhất là tạo ra tâm lý “tát nước theo mưa” đẩy giá tiêu dùng tăng lên như hiệu ứng tăng lương mà chúng ta từng chứng kiến. Vì vậy, những vấn đề nhạy cảm của chính sách tiền tệ, nếu cảm thấy sẽ có tác động đến tâm lý người dân Chính phủ nên có giải thích rõ ràng trước công luận. Cẩn thận kẻo bốc thuốc không đúng bệnh Nhưng vì sao NHNN bơm tiền cho các NHTM? Phải chăng chỉ các NHTM mới cần cải thiện thanh khoản? Có phải thanh khoản của cả nền kinh tế có vấn đề? Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng với tỉ giá và cán cân thanh toán quốc tế, quản lý tốt thị trường ngoại hối và nợ quốc gia; bảo đảm vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế đúng liều lượng. Ông nói: “Quan trọng là liều lượng phải phù hợp với từng lúc để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa duy trì đà tăng trưởng hợp lý”. Lãi suất huy động của các NHTM hiện luôn ở mức tiệm cận con số 10,5%, mức tối đa mà NHNN khống chế. Cộng với lợi ích phụ thêm từ nhiều chiêu khuyến mãi, lãi suất thật sự mà khách hàng nhận được luôn cao hơn 10,5%. Các thủ thuật này cho thấy các NHTM đang tìm mọi cách huy động vốn để cải thiện thanh khoản. Lãi suất huy động cao, nên lãi suất cho vay cũng phải cao lên tương ứng. Thế là đủ loại phụ phí như tư vấn vay vốn, hồ sơ, thẩm định khoản 4%... được các NHTM tính hết cho khách hàng. Tất cả làm cho lãi suất mà các doanh nghiệp đi vay đã bị đẩy lên đến khoảng 15-16%, tức cao hơn hẳn mức trần bị khống chế là 12%. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, thật khó có doanh nghiệp nào làm ăn có mức sinh lợi hơn 15%. Mà nếu có thì cũng đâu dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng. Chỉ còn cách ra tín dụng chợ đen. Nhưng ngay cả kênh này cũng không dễ. Chỉ nhìn vào kết quả Nhà nước vay nợ trong dân chúng thông qua các phiên bán trái phiếu chính phủ liên tục thất bại trong năm 2009 cũng đủ thấy tiền trong dân chúng không lớn như nhiều người nghĩ. Trong quan hệ vay mượn giữa các NHTM với nhau tình hình cũng căng thẳng không kém. Một số ngân hàng nhỏ đã phải vay các ngân hàng lớn với lãi suất liên ngân hàng lên đến 30% để tồn tại. Như vậy không chỉ ngân hàng, nhìn bề ngoài cả nền kinh tế đã có dấu hiệu thiếu vốn. Đó có thể là do NHNN thắt chặt cung tiền, cũng có thể do cơ chế hành chính của cơ chế trần lãi suất khiến các NHTM khó huy động được vốn. Nhưng nguyên nhân bao trùm có lẽ nằm ở chỗ hiệu quả sử dụng đồng vốn quá thấp, nên tiền bơm ra bao nhiêu cũng phần lớn nằm chết cứng ở các công trình dở dang, bất động sản, chứng khoán và hàng tồn kho (?). Nếu vậy, việc bơm tiền ra nền kinh tế sẽ không giải quyết được triệt để tính thanh khoản của nền kinh tế. Như vậy, thoạt nhìn việc thắt chặt cung tiền hay cơ chế trần lãi suất mới chỉ là triệu chứng của căn bệnh nền kinh tế thiếu thanh khoản. Nhưng gốc rễ làm cho nền kinh tế luôn khát vốn và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao chính là do hiệu quả sử dụng vốn quá thấp. Dự trữ ngoại hối sụt giảm và tính thanh khoản Thoạt nhìn, dự trữ ngoại hối dường như vô can trong việc khan hiếm tính thanh khoản của nền kinh tế. Nhưng nếu phân tích kỹ, có thể hé lộ phần nào hai vấn đề: Thứ nhất, theo ước tính, dự trữ ngoại hối hiện chỉ còn khoảng 16 tỉ đôla, giảm gần 5 tỉ đôla so với mức gần 21 tỉ đôla vào tháng 6-2008 (số sụt giảm này chỉ mới tính đến tháng 10-2009 dựa trên thông báo của Chính phủ trước Quốc hội). Dự trữ ngoại hối sụt giảm nghĩa là NHNN đã bán ra 5 tỉ đôla và thu về gần 100.000 tỉ đồng. Vấn đề là sau đó NHNN đã bơm ra bao nhiêu trong số 100.000 tỉ đồng này cho kích cầu, cho hệ thống NHTM và cho các khu vực khác của nền kinh tế? Phần lớn trong số đó có thể đã không quay vòng trở lại NHNN. Nếu vậy cái giá phải trả của việc sụt giảm dự trữ - một tấm đệm an toàn cho nền kinh tế - đã không được bù đắp thỏa đáng bằng việc cải thiện tính thanh khoản của nền kinh tế. Thứ hai, dự trữ ngoại hối cho đến giờ có còn ở mức an toàn? Đến tháng 10-2009 còn 16 tỉ đôla. Và đến giờ? Phải thật thận trọng với những nơi than “thiếu vốn” Cũng phải thận trọng với quan điểm cho rằng tình hình đã quá nghiêm trọng. Quan điểm này cho rằng đã đến lúc cần phải nới lỏng tiền tệ và bơm mạnh thanh khoản hơn nữa cho hệ thống NHTM. Cho đến giờ điều mà rất nhiều chuyên gia và thậm chí cả nhiều đại biểu Quốc hội luôn thắc mắc nhưng vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục: tiền mỗi khi bơm ra (như gói kích cầu vừa qua) liệu có chạy đến nơi thật sự cần chúng hay không? Đó mới chính là nỗi lo thật sự của lạm phát quay trở lại.
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Tin tức sáng 4-4: Novaland có thể lỗ 688 tỉ đồng năm nay; Cổ phiếu nào tăng giá hàng trăm phần trăm? BÌNH KHÁNH 04/04/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Công bố logo kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; TP.HCM thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân; Xử phạt FLC vì 'ém' nhiều báo cáo quan trọng...
Việt Nam để quốc tang nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone trong 2 ngày THANH HIỀN 03/04/2025 Ngày 3-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone.
Giá vàng lao dốc, giá USD ngân hàng lần đầu chạm mốc 26.000 đồng ÁNH HỒNG 03/04/2025 Sau khi tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại, giá vàng quay đầu giảm mạnh, trong khi đó giá USD ngân hàng vọt lên 26.000 đồng/USD.
Vì sao tiền rác mỗi nơi mỗi giá, cách đóng tiền cũng khác nhau? NGỌC KHẢI 04/04/2025 Nhiều bạn đọc phản ánh đến Tuổi Trẻ hiện nay tiền rác mỗi địa phương thu mức giá khác nhau, cách thu tiền cũng khác nhau. Vì sao có sự khác biệt này?