20 ngàn đồng cho một tô tri thức

ĐOÀN BẢO CHÂU 15/04/2014 21:04 GMT+7

TTCT - 19g30, mặc cho không khí oi bức của những ngày đầu mùa khô Sài Gòn, căn phòng nhỏ nằm trên một chung cư ở quận 3 của thư quán Cội Viện vẫn tấp nập người đến dự Lớp học một tô với chủ đề “Cà phê Sài Gòn”.

Người vẫn còn nguyên giày tây, áo sơmi công sở, người còn mặc đồng phục thể dục ở trường...

Lớp học chuyên đề Mộ cổ Sài Gòn - Ảnh: Giang Phạm

Không giáo trình nặng nề, buổi học diễn ra với những câu hỏi mà mọi người vẫn thường bật ra nhưng ít có câu trả lời, ví dụ cà phê xuất hiện từ lúc nào ở Việt Nam...

Với sự dẫn dắt, trò chuyện hấp dẫn của “thầy giáo” Phan Khắc Huy (sinh năm 1987), trên 40 học viên liên tục ồ à thích thú và bàn tán sôi nổi qua những hình ảnh sống động của máy chiếu, từ các quán cà phê danh tiếng trên trục đường Catinat ngày xưa (Đồng Khởi hiện nay) hay cách người Sài Gòn pha cà phê vợt tài tình ở quán Cheo Leo...

Hai tuần một lần, cứ vào tối thứ năm, Lớp học một tô này mang đến những bất ngờ thú vị như thế.

20.000 đồng cho “1 tô tri thức”

“Xưa nay khi nhắc đến lịch sử, người ta chỉ nghĩ đến chiến tranh, các triều đại lật đổ lẫn nhau, ít ai biết đến đời sống hàng ngàn năm qua của những người bình dân họ ăn gì, mặc gì, đi lại ra sao… Vì thế tôi muốn cùng mọi người tìm hiểu thêm về những điều giản dị đó” - Huy cho biết về ý tưởng lớp học.

Nghĩ là làm, dù ban đầu có rất nhiều khó khăn về địa điểm cũng như tổng hợp, thẩm định kiến thức sao cho chính xác và thú vị với người nghe, Huy vẫn quyết định “liều một phen”. Các buổi trao đổi diễn ra trong điều kiện bình dân nhất, chỉ với vài cái bàn con, mấy ly trà đá, mọi người đều ngồi bệt quây quần bên nhau. 

Ngay cả “học phí” cũng rất bình dân: 20.000 đồng/buổi học, số tiền ban đầu được xác định rằng “thay vì mua một tô hủ tiếu bình dân ven đường, khi đến đây bạn sẽ mua được một tô tri thức mang về”.

Áo sơmi đơn giản, nụ cười luôn thường trực và những câu pha trò dí dỏm, Huy luôn làm các buổi học trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, kể cả những đề tài khá nặng như Mộ cổ Sài Gòn, Nam kỳ lục tỉnh... 

Bên cạnh kiến thức sách vở, Huy nghĩ ra các “trải nghiệm thực tế” đầy thú vị, ví dụ khi lớp học về dừa, Huy tự tay nấu dầu dừa và mang lên cho học viên thử tại chỗ; còn học về đường phố Sài Gòn, Huy hướng dẫn cách xem bản đồ Sài Gòn xưa và nay, tập làm quen với những tên đường tưởng lạ mà quen.

Với chuyên đề ẩm thực Nam bộ, Huy mời anh Nguyễn Hoàng Phúc - đầu bếp chuyên nghiệp - đến hướng dẫn cách nấu ăn theo từng chủ đề như ẩm thực mùa nước nổi, các loại bánh Nam bộ..., thậm chí tổ chức cho các bạn đi dã ngoại kết hợp nấu nướng ngoài trời ở Củ Chi, Bình Dương.

Không còn bàn ghế, bút viết, lớp học chộn rộn với những nồi cá kho tộ và những bàn tay nấu nướng. Với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên họ thật sự nấu một món ăn đậm chất Nam bộ đến thế.

Anh Hoàng Phúc giải thích: “Chúng tôi thống nhất để các bạn tự nấu trước, rồi sau đó mới hướng dẫn lại cách nêm nếm với nước mắm, đường sao cho đúng điệu miền Nam nhất. Điều tôi thấy thú vị nhất ở đây là các bạn học văn hóa thông qua ẩm thực. Tôi và Huy đều cố gắng tìm hiểu rồi giải thích rõ hơn cho mọi người về ý nghĩa văn hóa, thậm chí quá trình phát triển của các món ăn theo dòng lịch sử”.

Chị Lâm Hồng Ngọc, nhân viên một công ty tư vấn tài chính, cho biết: “Đi làm về cũng mệt, nhưng tôi rất thích đến lớp của Huy vì cách bạn truyền tải kiến thức rất dễ hiểu và như bạn bè trò chuyện vậy. Tôi cũng trang bị được thêm kiến thức mới về những thứ tưởng là rất quen, ví dụ hôm học về Người Việt Nam nhậu như thế nào, tôi cũng biết thêm được người miền Nam nhậu khác người miền Bắc ra sao, người bình dân nhậu khác gì với giới trí thức...”.

Một điều thú vị nữa của buổi học là tinh thần phản biện, trao đổi rất được chào đón. Sau buổi học, bao giờ Huy cũng tìm cách trò chuyện trực tiếp với từng người: “Ở đây, thống kê sơ sơ cho thấy có đến 60% số người đi làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ngay cả sinh viên cũng rất đa dạng, không chỉ gói gọn trong khối ngành xã hội nhân văn. Họ có nhiều kiến thức chuyên ngành mà mình có thể học được. Chẳng hạn khi làm về đề tài nhà cổ, những góp ý của một anh kiến trúc sư từng thiết kế cả nhà rường là rất quý giá với mình”.

Sau gần một năm hoạt động, chỉ thông qua truyền miệng và Facebook, Lớp học một tô đã dần duy trì được một lượng học viên nhất định 30-40 người/buổi và có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, Huy vẫn xác định “một tô 20.000 đồng” như là học phí vì mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động cộng đồng này là chia sẻ kiến thức.

Sắp tới, Huy xúc tiến việc mời thêm các chuyên gia về văn hóa, lịch sử đến chia sẻ, thậm chí tổ chức những buổi học dài hơi cùng các bạn, ví dụ như học cách ca hát sao cho đúng điệu đờn ca tài tử...

Một số sản phẩm Huy sưu tầm khi đi lang thang ở các tiệm bán đồ cũ tại Sài Gòn

Chỉ muốn làm gạch nối

“Điều khiến tôi bất ngờ và thú vị nhất khi đến lớp là bề dày kiến thức của anh Huy. Bài giảng nào anh ấy cũng chuẩn bị công phu từ thông tin, hình ảnh đến video minh họa, có khi còn thêm cả các sản vật cầm được, ăn được nên về nhà mình nhớ các kiến thức này rất kỹ và rất lâu” - bạn Nguyễn Quốc Chính, sinh viên ngành phòng cháy chữa cháy, người luôn có mặt trong các buổi học, cho biết. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Huy học Đại học Y dược TP.HCM.

Yêu thích văn hóa lịch sử từ bé, Huy dành hầu hết thời gian để tự đọc sách, nghiên cứu, kể cả khi lên Sài Gòn học đại học. Năm 2011, Huy nảy ra ý định thực hiện một tạp chí online về văn hóa lịch sử để chia sẻ các kiến thức tích lũy đến mọi người.

Tự mình lên nội dung, tập hợp các bài viết, thậm chí tự viết rồi chụp ảnh, thiết kế từng trang tạp chí, 14 kỳ tạp chí đã được Huy cho ra đời với đầy đặn kiến thức trong nhiều chủ đề khác nhau, từ “Ngày ấy đâu rồi” về những trò chơi con trẻ của thời xa xưa đến “Sài Gòn ăn rong”, rồi “Mê tết” đậm đà phong vị dân tộc... 

Bí chỗ nào, Huy đánh bạo tìm và xin được phỏng vấn các chuyên gia trong ngành như giáo sư Trần Văn Khê, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu...

“Cứ mỗi lần gặp được một chuyên gia, tôi lại thấy mình được mở mang thêm. Người này giới thiệu người khác, vòng kiến thức cứ vậy càng lan rộng hơn. Điều tiếc nuối là các thông tin này có quá ít cơ hội để đến với công chúng, trong khi các bạn trẻ bây giờ rất muốn được học, được nghe. Vậy nên dù không phải là nhà nghiên cứu, tôi muốn mình trở thành một gạch nối để mang kiến thức đến với cộng đồng theo cách dễ hiểu và gần gũi” - Huy tâm sự.

Bên cạnh việc duy trì và phát triển Lớp học một tô, Huy còn biến căn phòng nhỏ ở chung cư thành một thư viện cộng đồng miễn phí dành cho các bạn trẻ. Hơn 1.000 đầu sách trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có rất nhiều sách cũ có giá trị về văn hóa, lịch sử, cũng như một số kỷ vật Sài Gòn xưa mà Huy đã đi lùng sục khắp phố phường, được tập hợp tại đây. Bất kỳ lúc nào trong ngày, không gian này cũng có năm ba bạn lên “thường trú” để đọc sách, tìm tài liệu làm nghiên cứu...

Phạm Hoàng Giang, nhiếp ảnh gia, cho biết: “Tôi thường lên đây tìm sách đọc hoặc trò chuyện với mọi người, nhờ đó phát hiện thêm nhiều đề tài chụp ảnh hay hơn. Không gian vắt vẻo trên chung cư như thế này cũng rất hay, rất Sài Gòn”.

Tuy nhiên, Huy cũng có trăn trở của mình: “Thật ra nơi đây có thể chào đón nhiều bạn hơn, nhưng vẫn còn trống nhiều chỗ. Mình cũng hơi buồn vì bây giờ các bạn có vẻ ít đọc sách quá. Một buổi học chỉ là lớp kiến thức tráng qua, để hiểu rõ, hiểu sâu thì đọc sách vẫn là nền tảng quan trọng nhất”.

Tham khảo và mượn sách có liên quan đến chủ đề được học cũng là một hoạt động được các bạn trẻ yêu thích khi đến với Lớp học một tô - Ảnh: Giang Phạm

 “Biết đến Lớp học một tô từ năm ngoái, điều tôi thấy thú vị nhất có lẽ ở chữ “một tô”. Nó là một cách định vị hình ảnh rất thông minh và thể hiện được tâm huyết của các bạn. Do nghiên cứu trong ngành đô thị nên cá nhân tôi luôn rất cần tập hợp những thông tin về lịch sử đô thị, không chỉ là hình ảnh kiến trúc mà còn là câu chuyện về những con người đã sống trong không gian đó, là nền văn hóa đã sản sinh ra nó.

Khi lập quy hoạch một khu vực thì việc tìm hiểu lịch sử của nó là cách tốt để bắt đầu, vì nó có thể cho ta những gợi ý để người lập quy hoạch xác định được những yếu tố cần phải phục hồi, gìn giữ và phát huy. Những yếu tố này giúp định vị hình ảnh, bản sắc của khu vực, là yếu tố gắn kết ký ức của cư dân trong đô thị. Đối với tôi, đến với Lớp học một tô không chỉ là sở thích cá nhân mà còn vì mục tiêu công việc”

NGUYỄN THANH VIỆT(ThS. ngành quy hoạch và thiết kế đô thị tại Đại học Sheffield, Anh)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận