2019 - Đại tiệc của những thành tựu khoa học

TRẦN PHƯƠNG 18/12/2019 09:12 GMT+7

TTCT - Trong 12 tháng qua, giới khoa học đã đạt nhiều thành tựu đáng nể, có những khám phá bất ngờ nhưng phần lớn là thành quả của nhiều năm nghiên cứu chín muồi.

Năm 2019 chứng kiến kết quả của nhiều nghiên cứu lớn nhỏ, thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, từ việc chụp được bức ảnh đầu tiên của lỗ đen vũ trụ, đưa tàu vũ trụ đến hành tinh cách xa Trái đất gần 300 triệu kilômet cho đến điều trị thành công Ebola, tìm thấy gương mặt cổ xưa nhất của loài người, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đánh bại các cao thủ bài poker...

Ngoài ra có thể kể đến việc chỉ sau bảy năm liên tục phát triển, công cụ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 bắt đầu chuyển sang thử nghiệm lâm sàng ở người tại Mỹ để tìm kiếm hướng điều trị ung thư, rối loạn máu.

Google cũng tuyên bố đạt được đột phá về ưu thế lượng tử, tạo ra một máy tính sử dụng bit lượng tử (qubit) có thể xử lý nhanh chóng một vấn đề mà một siêu máy tính thông thường phải mất hàng nghìn năm để giải quyết.

Những thành tựu, dù thuộc nhiều lĩnh vực, đã củng cố hiểu biết của con người về chính mình, về hành tinh và vũ trụ nơi chúng ta đang sống.

Vũ trụ sôi động

2019 là năm mà hơn một thập kỷ nỗ lực của hàng trăm nhà khoa học tạo ra một kính viễn vọng có thể nhìn thấy những gì trước đây không thể nhìn ra được đền đáp. 

Hồi tháng 4-2019, nghiên cứu đăng trên tờ The Astrophysical Journal Letterscông bố bức ảnh chụp quầng sáng tạo thành từ bụi và khí bao quanh siêu hố đen ở trung tâm của thiên hà Messier 87 (M87) cách Trái đất 55 triệu năm ánh sáng.

 

 Bức ảnh lỗ đen nổi tiếng chụp tháng 4-2019. Ảnh: Event Horizon Telescope Collaboration

“Chúng tôi đã thấy những cánh cổng địa ngục tại tận cùng của không gian và thời gian” - nhà vật lý thiên văn Heino Falcke của Đại học Radboud ở Nijmegen (Hà Lan) mô tả về khám phá này. 

Bức ảnh được chụp bởi mạng lưới kính viễn vọng Chân trời sự kiện (EHT) tạo thành từ liên kết nhiều kính viễn vọng trên toàn cầu trở thành câu chuyện nổi bật trong năm 2019. 
Nó cũng xác nhận lý thuyết cơ bản về cách thức hoạt động của vũ trụ và mở ra một kỷ nguyên khám phá mới.

Cũng trong vũ trụ xa xôi, Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản hồi tháng 2 thông báo tàu thăm dò vũ trụ Hayabusa 2 của nước này đã đáp thành công xuống tiểu hành tinh Ryugu cách Trái đất hơn 300 triệu kilômet để tìm kiếm manh mối về nguồn gốc của sự sống.

 Tiểu hành tinh Ryugu có đường kính 900m, quay quanh Mặt trời với chu kỳ 16 tháng, có thể chứa những yếu tố cần thiết cho sự sống.

Theo các nhà khoa học, các tiểu hành tinh như Ryugu đã góp phần tạo nên bình minh của hệ mặt trời và mang trong mình nhiều vật chất cơ bản và nước từ khoảng 4,6 tỉ năm trước đã góp phần tạo nên sự sống trên Trái đất.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng có một năm sôi động khi tàu New Horizons hồi đầu năm tiếp cận một thiên thể cổ xưa ở rìa hệ mặt trời, còn tàu Voyager 2 dự kiến sẽ vượt khỏi hệ mặt trời trong năm nay. 

Hiệp hội Hành tinh (Planetary Society) hồi giữa năm cũng phóng lên tàu vũ trụ Society’s LightSail 2 - con tàu đầu tiên sử dụng ánh sáng Mặt trời làm lực đẩy ngoài không gian, giúp viễn cảnh tàu vũ trụ có thể bay mãi không hết nhiên liệu trở nên gần hơn.

Khoa học vì con người

Trở lại Trái đất, các nhà khoa học cũng tạo ra những đột phá nổi bật như phát triển thuốc điều trị Ebola. 

Chỉ 5 năm sau khi dịch Ebola Tây Phi bùng phát năm 2014, hai loại thuốc REGN-EB3 và mAb-114, gồm hỗn hợp nhiều loại kháng sinh, đã được thử nghiệm thành công trong tháng 7, giữa đợt bùng phát dịch bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo khi giúp nâng cao tỉ lệ sống sót lên đến 90% ở những người mới nhiễm bệnh.

Đây là thành tựu đáng kể bởi thông thường, việc phát triển một loại vaccine phải mất 10-20 năm.

Một trong những tin vui khác là các nhà khoa học đã chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân thứ hai nhiễm HIV bằng phương pháp ghép tủy xương, 12 năm sau ca đầu tiên được chữa khỏi. 

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature vào tháng 3-2019, mô tả việc bệnh nhân được chữa khỏi HIV là một bất ngờ bởi việc ghép tủy ban đầu nhằm điều trị ung thư. Dù hi hữu và còn nhiều rủi ro khi cân nhắc ghép tủy như một cách chữa HIV, trường hợp này mở ra những tiềm năng trong việc xóa sổ căn bệnh thế kỷ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm. 

“Trường hợp này sẽ truyền cảm hứng cho mọi người rằng phương pháp chữa (HIV) không phải là một giấc mơ mà nó có thể chạm tới được” - Annemarie Wensing, nhà virus học tại Trung tâm Y tế ĐH Utrecht (Hà Lan), nói.

Trong lĩnh vực khác, các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra hộp sọ cổ đại hé lộ gương mặt của tổ tiên cổ đại nhất của loài người. 

Hộp sọ của loài Australopithecus anamensis tìm thấy ở Ethiopia, hiện được đặt tên là MRD, có niên đại đến 3,8 triệu năm và đại diện cho anamensis, tổ tiên lâu đời nhất của loài người sống cách đây 3,9 - 4,2 triệu năm. 

 

 Ảnh: Science News

Nó thậm chí còn lâu đời hơn bộ xương Lucy nổi tiếng của loài Australopithecus afarensis cũng được phát hiện cách nơi tìm thấy MRD khoảng 50km. Khám phá cũng đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa hai loài anamensisafarensis.

Sâu hơn dưới 1.500km bề mặt Trái đất, một nghiên cứu trên tạp chí Gondwana Research hồi tháng 9 tiết lộ sự tồn tại của một lục địa bí ẩn bên dưới châu Âu. 

Lục địa có tên Greater Adria có diện tích bằng Greenland đã tồn tại hàng trăm triệu năm trước sau khi tách khỏi siêu lục địa Gondwana và chìm xuống biển vào 100 - 120 triệu năm trước.

Trong lĩnh vực công nghệ, nhóm nghiên cứu từ ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) từng gây xôn xao khi tuyên bố chương trình AI tên Pluribus do họ phát triển cùng Facebook AI, đơn vị phát triển AI của Facebook, có khả năng đánh bại các cao thủ bài poker hàng đầu thế giới. 

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, với khả năng học cách chơi bài thông qua các thuật toán, Pluribus dễ dàng đánh bại các cao thủ trong hàng ngàn ván đấu. 

Giáo sư khoa học máy tính Tuomas Sandholm Đại học Carnegie Mellon, người đứng đầu nghiên cứu, cho rằng việc Pluribus có thể đánh bại các tay chơi trong một cuộc đấu nhiều bên mở ra những hi vọng mới trong việc sử dụng AI để giải quyết hàng loạt các vấn đề thực tiễn.

 

 

Trong khi đó, gã khổng lồ Google hồi tháng 10 khẳng định bộ xử lý lượng tử Sycamore 54 qubit của họ chỉ mất 200 giây để thực hiện xong phép tính mà siêu máy tính mạnh mẽ nhất trên thế giới hiện nay phải mất đến 10.000 năm để hoàn thành. 
Dù bị đối thủ IBM tố “chém gió”, nghiên cứu của Google đã đưa công nghệ máy tính lượng tử tiến gần hơn với đời sống con người.■

Những câu chuyện buồn

Tuy nhiên, cùng với những bước tiến, nhiều thông tin khoa học cũng gióng lên những hồi chuông báo động. Năm 2019, một số quốc gia đã mất các thành tựu y tế khó mà đạt được như loại trừ bệnh sởi, với Mỹ chứng kiến nhiều ca mắc bệnh sởi nhất kể từ năm 2000.

Có những kỷ lục mà chúng ta không bao giờ muốn xảy ra như nhiệt độ tăng cao nhất mọi thời đại tại hàng trăm nơi ở bắc bán cầu kéo theo hàng loạt thảm họa. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 9 dự báo nước biển sẽ dâng hơn 1m vào cuối thế kỷ này, đe dọa hàng triệu người sống tại các vùng duyên hải, đảo nhỏ trên thế giới.

Một báo cáo trước đó của Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo 1 triệu loài sinh vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới, được coi như một bằng chứng cho việc Trái đất đang đứng trước nguy cơ đại tuyệt chủng lần thứ sáu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận