3 mét vuông và 50% GDP

CẦM VĂN KÌNH 22/10/2011 20:10 GMT+7

TTCT - Công viên công nghệ Krakowski ở thành phố Krakow (Ba Lan) nằm ngay trong khu nhà trung tâm, cạnh những tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Rất nhiều người trẻ đạp xe đến văn phòng của họ ở đây hằng ngày, trong đó nhiều người là những ông chủ doanh nghiệp thật sự.

Phóng to
Anh Pzemyslaw, giám đốc Công ty S.Art, giới thiệu về công ty rộng 5m2 của mình - Ảnh: C.V.K.

Cơ chế mở để phát triển doanh nghiệp

Anh Dariusz Bembenek, cán bộ phòng phát triển thị trường của Công viên công nghệ Krakowski, cho biết tại tòa nhà trung tâm của công viên có riêng một khu vực dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những người có ý tưởng kinh doanh nhưng ít vốn có thể đăng ký, Công viên công nghệ Krakowski sẽ cung cấp cho họ một trụ sở, một số phương tiện cần thiết và một môi trường sôi động giữa các doanh nghiệp lớn khác để phát triển doanh nghiệp nhỏ của họ.

Một trụ sở có thể nhỏ gọn một cách bất ngờ: căn phòng cỡ 30m2 chứa tới vài công ty trong đó, ngăn cách bằng những vách kính để thành từng văn phòng rộng 2-10m2, đủ kê vài bộ bàn làm việc. Theo anh Dariusz Bembenek, các doanh nghiệp nhỏ phần lớn chưa có vốn, và chỉ 2-3 người chung ý tưởng là có thể cùng làm với nhau. Diện tích không cần nhiều, điều họ cần là văn phòng tại công viên công nghệ này - một địa chỉ chính thức có uy tín - để thực hiện các giao dịch kinh doanh.

Chính phủ Ba Lan chỉ đánh 19% thuế thu nhập doanh nghiệp các doanh nghiệp nhỏ này, trong khi các doanh nghiệp khác có thể phải chịu đến 30%. Phí thuê văn phòng ở đây rất rẻ so với thời giá của Ba Lan, chừng 14 euro/m2/tháng. Chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên thiết kế trang web, phát triển các ý tưởng kinh doanh trên mạng giới thiệu cho tôi văn phòng chỉ rộng 5m2 của công ty anh và cho biết mỗi tháng tiền thuê hết 70 euro. Nhiều công ty chỉ thuê 2-3m2 và do vậy số tiền họ phải trả chỉ tương đương ba bữa ăn trưa ở Ba Lan.

Anh Przemyslaw Stanisz, giám đốc Công ty S.Art thuộc diện hỗ trợ của Công viên công nghệ Krakowski, cho biết hầu hết doanh nhân trong khu vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất trẻ, thường là sinh viên muốn có công ty của riêng mình. Nếu tự thuê trụ sở bên ngoài, chi phí thuê nhà và thiết lập hạ tầng như mạng Internet, điện, nước... có thể khiến ý tưởng của họ trở nên bất khả thi. Nhưng được vào khu vực hỗ trợ, chỉ cần một giao dịch thành công cũng có thể nuôi công ty mấy tháng.

Điều đặc biệt nhất, theo anh Przemyslaw Stanisz, công viên công nghệ dành cho các công ty nhỏ một phòng họp, nơi họ có thể tiếp khách, giới thiệu và trao đổi ý tưởng. Chỉ sau một năm, chính anh Stanisz đã kết hợp ý tưởng với một chủ công ty nhỏ khác và cùng nhau thành lập một liên doanh đang hoạt động hiệu quả.

“Do công viên công nghệ tập hợp những công ty uy tín và tin cậy nên những công ty bên ngoài yên tâm hơn khi liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi và đây là điều kiện lý tưởng để phát triển doanh nghiệp” - anh Przemyslaw Stanisz đánh giá tính thiết thực của ý tưởng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính sách hỗ trợ của Công viên công nghệ Krakowski cho các doanh nghiệp nhỏ được ấn định trong ba năm. Sau ba năm, các doanh nghiệp phải chuyển lên khu vực có chi phí thuê thương mại để dành chỗ cho các ý tưởng mới. Việc tập hợp các ý tưởng kinh doanh trẻ tại một khu vực đã mang lại tác dụng to lớn. Nhiều vấn đề, đơn đặt hàng đã được các doanh nghiệp nhỏ này phối hợp thực hiện thành công, do vậy các cơ hội phát triển kinh doanh cũng đến với họ nhiều hơn.

Sau gần ba năm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ hội, với 40 công ty được lựa chọn đợt một, chỉ có một công ty phá sản, 15 công ty (khoảng 40%) đã phát triển thành công ty lớn hơn và số còn lại vẫn đang kinh doanh tốt, nộp thuế tại khu vực ưu đãi. “Đến nay, khu vực này đã đóng góp tới 50% GDP của Ba Lan” - Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ba Lan Rafal Baniak hài lòng nói về chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước mình.

Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ cụ thể

Ba Lan là một trong những nước được đánh giá là chuyển đổi kinh tế thành công sau đổ vỡ của Liên Xô. Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cách hỗ trợ của họ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là “thực chất và đáng tham khảo”. Ở Việt Nam cũng có không ít người trẻ muốn tạo lập doanh nghiệp của riêng mình nhưng rất khó khăn về vốn, hạ tầng công nghệ và do vậy chính sách hỗ trợ cần tập trung vào đấy.

Ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam dù đã được tạo thuận lợi nhưng vẫn gặp không ít thử thách trong giai đoạn đầu với các chi phí kinh doanh và các mối quan hệ để khởi nghiệp.

“Các cơ chế hỗ trợ của chúng ta chủ yếu vẫn theo đường mòn, ít sáng tạo và hiệu quả chưa cao. Nếu được tạo điều kiện trong một môi trường kinh doanh thuận lợi như ở Công viên công nghệ Krakowski, chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặt hái được những thành công không thua kém” - ông Kiêm cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận