35 năm, 4 lần chào đón "em bé tỉ dân"

TRÚC ANH 22/11/2022 07:46 GMT+7

TTCT - Chỉ trong vòng 35 năm, thế giới đã 4 lần đánh dấu những cột mốc mới của mức tăng dân số, với sự chào đời của các em bé thứ 5, 6, 7 và 8 tỉ. Và tất cả những người này, cũng như nhiều trong số chúng ta, sẽ còn sống để chứng kiến thêm 1-2 sự kiện tương tự như thế.

35 năm, 4 lần chào đón em bé tỉ dân - Ảnh 1.

"Em bé thứ 7 tỉ" Sadia Sultana Oishee và "em bé thứ 6 tỉ" Adnan Mevic, với ảnh chụp của họ khi mới ra đời. Ảnh: BBC

Chỉ vài phút sau khi chào đời vào ngày 11-7-1987 ở Zagreb (Croatia), bé trai Matej Gaspar đã bị bao vây bởi ánh đèn flash máy ảnh, còn người mẹ kiệt sức của cậu được một nhóm các chính trị gia mặc vest bao quanh. 

Em bé đặc biệt này được chọn là cư dân thứ 5 tỉ của Trái đất. 35 năm sau, Gaspar không muốn nhớ nhiều về giây phút chào đời long trọng của mình. Tài khoản Facebook cá nhân cho thấy anh vẫn sống ở Zagreb, đã kết hôn và đang là kỹ sư hóa học. Nhưng anh tránh các cuộc phỏng vấn, và từ chối trả lời BBC.

Matej Gaspar là người "mở hàng" cho truyền thống chọn lấy các em bé sơ sinh mang tính biểu tượng mỗi khi dân số thế giới tăng thêm 1 tỉ người của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Khi Gaspar bước sang tuổi dậy thì, hành tinh này đã đón đứa trẻ thứ 6 tỉ (1999), rồi 7 tỉ (2011) và 8 tỉ hồi đầu tuần này - bé gái Venice Mabansag, chào đời ở Manila (Philippines) sáng sớm 15-11. Những cột mốc này được tính toán và dự đoán thế nào, các em bé được chọn đó đã được chọn ra sao, và việc này có nhằm mang lại thông điệp gì không?

35 năm, 4 lần chào đón em bé tỉ dân - Ảnh 2.

Em bé thứ 8 tỉ của thế giới và mẹ. Ảnh: Facebook Ủy ban dân số và phát triển Philippines

Theo Đài DW (Đức), vào năm 1987, các chuyên gia thống kê của LHQ đã tính toán rằng dân số thế giới sẽ vượt mốc 5 tỉ người đâu đó vào tháng 7. Cả Gaspar và ngày 11-7 (sau này gọi là Ngày của 5 tỉ) được chọn làm biểu tượng cho sự kiện này chẳng qua là vì tổng thư ký LHQ lúc đó là Javier Perez de Cuellar tình cờ có mặt ở Zagreb. 

Chuyên viên LHQ Alex Marshall tiết lộ với BBC lúc đó ở LHQ cũng có ý kiến phản đối, vì không nên chọn một cá nhân trong số rất nhiều người sinh ra vào thời điểm ấy. Nhưng sau cùng thì mọi thứ vẫn diễn ra như kế hoạch ("Chúng ta phải cho các con số một gương mặt"), và ngày 11-7 từ đó cũng được LHQ chọn làm Ngày dân số thế giới.

"Ngày của 8 tỉ" vừa qua cũng được chọn dựa trên tính toán thống kê của LHQ, nhưng không cần trùng với chuyến công cán của một quan chức nào nữa. Dân số thế giới đạt mốc mới, trong bối cảnh con người ở khắp mọi nơi đang sống lâu hơn, nhờ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nguồn nước sạch hơn và vệ sinh môi trường cải thiện. Ở nhiều quốc gia, số trẻ em được sinh ra nhiều hơn và số trẻ em tử vong ngày càng ít đi.

Theo National Geographic, dân số Trái đất chạm mốc 1 tỉ người vào năm 1804, khoảng 300.000 năm kể từ khi loài người tinh khôn xuất hiện. Mất 120 năm để tăng thêm 1 tỉ nữa, nhưng khoảng cách giữa mốc 6 tỉ và 7 tỉ chỉ còn 1/10 con số đó. 

35 năm, 4 lần chào đón em bé tỉ dân - Ảnh 3.

Ảnh: Pixabay

Việc cán mốc 8 tỉ quá nhanh tất nhiên gây nhiều lo lắng. Những người bi quan về dân số từ lâu đã dự đoán về nạn đói hàng loạt, giờ thì họ lại tiên tri về thảm họa môi trường do dân số quá đông gây ra. Số khác lại lo điều ngược lại: dân số đang giảm vì tỉ lệ sinh thấp. "Nhìn vào sự thay đổi dân số trong thập niên qua cho thấy cả hai dự đoán về sự diệt vong trái ngược nhau này sẽ không thành sự thật" - The Economist nhận xét.

Đầu tiên, về các thảm họa có thể làm dân số suy giảm, The Economist cho rằng đại dịch vừa qua, vốn khiến 16-28 triệu người thiệt mạng, cũng không gây suy suyển cho dân số thế giới và trong tương lai gần, cũng không có bằng chứng gì cho thấy sẽ có một sự sụt giảm dân số toàn cầu. 

Theo tính toán, cô bé thứ 8 tỉ Mabansag có thể sẽ cùng thế giới chào đón người thứ 9 tỉ được sinh ra ở tuổi chớm trăng tròn (năm 2037), thậm chí cả cột mốc kế tiếp - 10 tỉ người cùng sinh sống trên địa cầu vào năm 2080.

Tương tự, cũng không có mối đe dọa nào về chuyện dân số quá đông. Con số tuyệt đối tăng thêm 1 tỉ người diễn ra có vẻ đều đặn (1999-2011-2022), song tỉ lệ tăng dân số toàn cầu đã chậm lại rất nhiều. 

Năm 1963, tỉ lệ này là 2,3%, sang 2022 chỉ còn 0,8%, chậm nhất kể từ thập niên 1950. Năm 1987, có 2,2 tỉ người trong độ tuổi 18-49, con số hiện nay là 3,6 tỉ người nhưng rất nhiều người có thể làm cha mẹ lại lười sinh con - tổng tỉ suất sinh (số con một phụ nữ có thể có) rớt từ 3,3 năm 1990 xuống 2,3. 

Ngoài ra, con số trung bình toàn cầu thường che khuất sự khác biệt lớn giữa các khu vực. Khoảng một nửa mức tăng dân số dự kiến của thế giới từ năm 2022 đến năm 2050 sẽ chỉ xảy ra ở tám quốc gia (5 châu Phi: Congo, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria và Tanzania; và 3 châu Á: Ấn Độ, Pakistan và Philippines). 

Còn với các quốc gia giàu có như Đức, dân số 2100 có thể xấp xỉ bằng năm 1950, nếu giả định rằng mức sinh rất thấp của nước này (1,53) không thay đổi. Người bi quan sẽ e ngại, còn người lạc quan cho rằng có hề gì, trong 8 thập niên tiếp theo, năng suất lao động sẽ còn tăng cao, nghĩa là cần ít công nhân hơn, ngay cả khi một lượng lớn lao động đã nghỉ hưu.

Theo The Economist, mặc dù cả 2 phe bi quan lẫn lạc quan đều không phủ nhận rằng thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề lớn về suy thoái môi trường và biến động chính trị, cột mốc 8 tỉ không biểu thị một thảm họa nhân khẩu học. 

Thay vào đó, "sự gia tăng dân số của Trái đất dường như đang mang dấu ấn của thời điểm Goldilocks - không quá nóng cũng không quá lạnh", nghĩa là vừa phải, không đáng lo nhưng cũng không đáng vui. Nói chung là "đừng nên hoảng loạn".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận