4 ngày nhiều hơn 5 ngày?

LÊ QUANG 18/03/2023 06:24 GMT+7

TTCT - Công ty Daub CNC Technik ở Sauerland hiện làm việc 9 giờ/ngày, 4 ngày một tuần. Họ thấy rất nhiều lợi thế: công ty tiết kiệm năng lượng và thu hút được nhân lực giỏi.

COVID-19 vừa có vẻ mất đi vẻ đe dọa, nền kinh tế vội vã tái khởi động để bù lại những tổn thất thê thảm trong ba năm qua, lập tức một câu hỏi cũ rích sống dậy: Con người làm việc để sống hay sống chỉ để làm việc? 

Đó không phải là một câu hỏi triết học trừu tượng, mà liên quan trực tiếp đến miếng ăn mỗi ngày theo nghĩa đen.

4 ngày nhiều hơn 5 ngày? - Ảnh 1.

Có lẽ nên ngó lại thuở hồng hoang của chủ nghĩa tư bản, khi một Henry Ford (1863 - 1947) phát minh ra dây chuyền sản xuất để tăng năng suất lao động. Vô số công nhân bí mật phá hoại máy móc trong nhà máy ô tô Ford Motor Company của ông vì sợ năng suất cao sẽ khiến họ bị bóc lột tàn tệ hơn, thậm chí còn mất chỗ làm. 

Nhưng Ford theo đuổi một mục tiêu dài hơi hơn: hồi thập niên 1920, ông là nhà tư bản công nghiệp đầu tiên đưa vào tuần lao động 5 ngày rất thành công, thay vì 6 ngày trước đó. Hôm nay ai cũng thấy tuần làm việc 6 ngày, thậm chí 5 ngày, là bình thường.

Đã đến lúc nghĩ tiếp cho Henry Ford?

Theo các cuộc khảo sát, 2/3 người dân New Zealand muốn thời gian làm việc linh hoạt hơn, lý tưởng là 4 ngày/tuần. 

Con số này dường như cũng được chào đón ở các châu lục khác. Năm 2018, doanh nhân Andrew Barnes đã biến ý tưởng này thành một phong trào toàn cầu và hiện đang thúc đẩy các dự án thí điểm tuần làm việc 4 ngày ở một số doanh nghiệp chọn lọc. 

Ông thắc mắc tại sao trong thời đại thông tin thế kỷ 21 mà mọi người vẫn làm việc theo mô hình của thế kỷ 20 - hồi mà nhiều người dính chặt vào nơi làm việc từ sáng đến tối.

Khi nghe Barnes trình bày, những người lạc quan nhất cũng khẽ lắc đầu: không phải nghề nào cũng thay đổi được một sớm một chiều. Y tá, cảnh sát giao thông, công nhân - kỹ sư nhà máy điện... sao có thể khóa cửa cơ quan đi chơi vài hôm được? Lại có không ít người làm hùng hục cả ngày chẳng đủ ăn nữa? 

Nhưng Barnes muốn chứng minh rằng hầu như không có lĩnh vực nào không phù hợp với giờ làm việc mới - bất kể đó là công việc được trả lương cao hay thấp. Ta chỉ cần một chút trí tưởng tượng và máu liều có cơ sở thì mô hình này cũng sẽ thành công trong các bệnh viện hoặc chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh.

Barnes lập luận: "Chính ở các cơ sở này, người ta phải dành nhiều thời gian và công sức để đào tạo lại nhân viên ở đó, bởi vì có tới 80% nghỉ việc trong năm đầu tiên! Vậy thì, nếu nhân viên được cung cấp một mô hình thời gian làm việc cho phép cân bằng giữa công việc và cuộc sống viên mãn, họ sẽ muốn giữ công việc của mình hơn".

Đã từ nửa năm nay, công ty tư vấn kỹ thuật BVT ở Auckland tham gia một thử nghiệm nhằm đạt được 100% hiệu suất trong 80% số giờ làm việc. Quan trọng là mọi thứ phải được tổ chức chặt chẽ. Kỹ sư Suryyaraj Slunke nhấn mạnh: "Để tăng năng suất, chúng tôi dành ít thời gian hơn cho họp hành. Tôi làm một chương trình rõ ràng để không nói mấy chuyện vô bổ".

Tuần 4 ngày có thể đến trong tương lai. Giám đốc BVT Ceinwen McNeill rất tin tưởng khi tham gia thử nghiệm mô hình mới. Ông có nhiều chuyên gia giỏi, tất cả đều muốn làm việc linh hoạt hơn thay vì tăng lương. Kết quả ban đầu chứng minh McNeill đúng. Bà say sưa: "Năng suất và lợi nhuận của chúng tôi cao hơn. Số ngày nghỉ ốm ít đi và không khí trong nhóm tốt hơn".

Trong một cuộc khảo sát các công ty đã đăng ký thí điểm, 88% số người được hỏi cho biết tuần làm việc 4 ngày rất phù hợp với công việc kinh doanh của họ. 86% nghĩ rằng họ "rất có thể" hoặc "có thể" bảo lưu mô hình này sau giai đoạn thử nghiệm.

Người Anh bớt run rẩy sau Brexit

"Trước khi dự án bắt đầu, nhiều người nghi ngờ liệu sự gia tăng năng suất có thể bù đắp cho việc giảm số giờ làm việc - nhưng đó chính xác là những gì chúng tôi nhận thấy", Brendan Burchell từ nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge nhớ lại. Ông đang nghiên cứu hay thử nghiệm gì vậy?

Ở Anh, nhiều công ty đã thử làm việc 4 ngày trong tuần. 61 công ty với khoảng 2.900 nhân viên tham gia cuộc thử nghiệm lớn nhất trên toàn thế giới này. 

Khi tổng kết, Brendan Burchell cho biết hầu hết những người tham gia nghiên cứu sử dụng ngày nghỉ bổ sung chủ yếu để hoàn thành các công việc hằng ngày như mua sắm hoặc làm việc nhà. Đổi lại, điều này cho phép nhiều người sử dụng ngày cuối tuần thực tế nhiều hơn để thư giãn, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình hoặc bạn bè.

Người sáng lập công ty Anna Wenlock đã mang ý tưởng về tuần 4 ngày cho công ty mình và hài lòng: "Năng suất đã tăng lên. Chúng tôi làm được nhiều việc hơn trước. Có hai lý do chính: Chúng tôi được nghỉ ngơi nhiều hơn và có nhiều động lực hơn". Đây cũng là những kinh nghiệm mà nhiều công ty ở Anh đã có. 

Kết quả nhìn chung là khả quan. 56 công ty đã thông báo rằng họ sẽ duy trì tuần làm việc 4 ngày.

Thống kê của nhóm nghiên cứu Burchell cho thấy: số ngày nghỉ ốm ít hơn 65%, doanh số tăng 1,4%, bớt 57% số người nhảy việc và 40% cảm thấy bớt stress hơn so với trước dự án. Nhiều nhân viên hoan nghênh một thực tế là họ có thể chăm sóc con cái nhiều hơn và điều này cũng có nghĩa là giảm chi phí gửi trẻ, vốn là khoản tiền khá cao ở Anh.

Will Stronge, giám đốc của tổ chức tư vấn Autonomy, đã tham gia thí nghiệm cùng các nhà khoa học từ Đại học Cambridge và Boston College. Ông đi đến kết luận rằng hầu hết các công ty đều có thể tăng năng suất hoặc ít nhất là duy trì nó, dù bớt một ngày làm việc.

Nghi ngại

Còn nhớ phong trào đòi phát lương cơ bản cho toàn dân mà không phải đi làm cách đây chưa xa. Hai quốc gia phong lưu là Đức và Thuỵ Sĩ lại là nơi kém mặn mà nhất - họ không tin là cuộc sống sẽ bớt hạnh phúc khi con người bớt lao động. Bây giờ họ cũng không phấn khởi với mô hình 4 ngày làm việc và lĩnh lương như cũ.

Nhiều nhân viên bày tỏ lo lắng rằng khối lượng công việc của họ có thể tăng lên quá nhiều trong ngày làm việc. Nhà kinh tế học người Anh Andrew Lee, giảng viên đại học ở bang Baden-Württemberg, đặt ra câu hỏi có lý rằng tuần 4 ngày sẽ tiến hành như thế nào trong các lĩnh vực mang tính hệ thống - chẳng hạn điều dưỡng hoặc y tế, nơi đơn giản là không thể tăng năng suất. 

Giáo sư Lee lo sức hấp dẫn của những nghề này sẽ giảm, nếu mô hình thất bại: "Vì đây là lĩnh vực khủng hoảng nhân lực từ lâu rồi".

Giám đốc Cục Lao động liên bang và cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức, Andrea Nahles, nói với báo Augsburger Allgemeine: "Vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống cần phải được đàm phán lại, giống như thế hệ của tôi đã đàm phán lại việc phân chia công việc giữa phụ nữ và đàn ông trong gia đình".

Một số công ty ở Đức đã thử mô hình mới, ví dụ Công ty Daub CNC Technik ở Sauerland. Các nhân viên ở đó hiện làm việc 9 giờ/ngày, 4 ngày một tuần. Giám đốc điều hành Volker Kaluza nhận thấy nhiều lợi thế: công ty tiết kiệm năng lượng và thu hút được nhân lực giỏi.

Henry Ford là người đầu tiên sử dụng băng chuyền năm 1813. Năm 1914 Ford kiếm được 30 triệu USD lợi nhuận, năm 1916 đã là 60 triệu. Từ 12-1-1914, công nhân được tăng lương theo giờ lên gấp đôi và một ngày chỉ làm việc 8 tiếng

Henry Ford là người đầu tiên sử dụng băng chuyền năm 1813. Năm 1914 Ford kiếm được 30 triệu USD lợi nhuận, năm 1916 đã là 60 triệu. Từ 12-1-1914, công nhân được tăng lương theo giờ lên gấp đôi và một ngày chỉ làm việc 8 tiếng

Một dự án kiểu mẫu sẽ sớm bắt đầu ở Tây Ban Nha trong mùa thu tới, mặc dù với mục tiêu khác, với Inigo Errejon là bộ não đạo diễn. Ông là chủ tịch một đảng cánh tả nhỏ Más País. "Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có ngày làm việc dài nhất ở châu Âu, đã thế lại có năng suất rất trung bình. Tại sao chúng ta không thử dành ít thời gian hơn ở bàn giấy và dành nhiều thời gian hơn cho những thứ đẹp đẽ trong cuộc đời?"

Errejon đã đệ đơn lên Chính phủ Tây Ban Nha và được chấp thuận tiến hành một dự án kiểu mẫu. Khoảng 6.000 nhân viên từ 200 công ty vừa và nhỏ sẽ bớt 1 ngày làm việc mỗi tuần với lương không đổi, kéo dài ít nhất một năm. 

Mục đích ở đây là tạo ra việc làm mới: Nếu 5 nhân viên mỗi người nghỉ một ngày trong tuần, công ty có thể thuê thêm một nhân viên toàn thời gian để đảm đương khối lượng công việc. Nhà nước suy tính tài trợ cho việc này với khoảng 50 triệu euro.

Nhà kinh tế học Errejon tin chắc chắn rằng dự án thực sự có thể tạo ra việc làm mới. Tây Ban Nha đang có số người thất nghiệp vượt mốc 4 triệu, lần đầu tiên sau gần 5 năm. Ngày ấy, đất nước vật lộn với hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bây giờ là hậu quả của COVID-19. 

Một hiệp hội các doanh nhân từ Aragón rú lên: "Các người điên à? Để thoát khỏi khủng hoảng thì phải làm việc nhiều hơn chứ không phải ít hơn!". Nhưng Errejon bảo vệ sáng kiến của mình: "Thí nghiệm của chúng tôi sẽ mang lại kết quả, sau đó chúng ta có thể tranh luận lại về điều kiện làm việc ở Tây Ban Nha. Tôi chắc chắn rằng điều đó mang lại kết quả gì đó cho tất cả mọi người".

Những người thụ hưởng sẽ là giới trẻ. Họ thường bị dụ dỗ với những hợp đồng lao động bấp bênh và phải làm việc từ 10 - 11 giờ/ngày. Nếu một ngày làm việc mỗi tuần bị mất, điều đó sẽ tương ứng với mức tăng lương 20%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi không còn trợ cấp của nhà nước nữa...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận