TTCT - Đợt mưa lũ cực đoan gây lũ quét, sạt lở đất khắp các địa phương từ Bắc vào Nam là lời cảnh tỉnh về tình trạng rừng nghèo kiệt, mất khả năng phòng hộ. "Lá chắn" tự nhiên đã bị thủng, và chắc chắn không thể vá lại trong một vài năm. Đất rừng bị lấy trồng cây sầu riêng gây sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ảnh: CHÂU TUẤN Rừng phòng hộ ở huyện Krông Bông (Đắk Lắk) bị phá tan hoang. Ảnh: TRUNG TÂN"Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam (42%) cao hơn khá nhiều so với tỉ lệ che phủ rừng trung bình của thế giới (khoảng 30%). Nhưng đây không phải điều đáng mừng nếu nhìn vào thực trạng gần: có tới 60% là rừng nghèo kiệt, mất khả năng phòng hộ" - TS Phạm Xuân Phương, nguyên phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần:- Muốn phục hồi rừng nghèo kiệt này để có được hệ sinh thái rừng tự nhiên như vốn có, cần khoảng 25-30 năm".Rừng nghèo không cản được nướcSau đợt lũ lụt, sạt lở đất trải dài từ Bắc vào Nam thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng đó là hệ quả của việc chúng ta thiếu một chính sách bảo vệ, phát triển rừng hợp lý, để rừng bị tàn phá đến cạn kiệt. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?Đây là vấn đề lớn. Rừng có tiêu chí phân loại rất rõ ràng, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Rừng phòng hộ không đáp ứng tiêu chí mới chuyển thành rừng sản xuất, địa phương không thể tự ý chuyển đổi được. Muốn chuyển đổi rừng phải phù hợp quy hoạch và được thẩm định kỹ càng. Theo Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ mới có quyền quyết định việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ thành rừng sản xuất. Thực tế có sự chuyển đổi cục bộ do tự phát, cái này do địa phương thiếu quản lý, giám sát.Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam hiện nay khoảng 42%. Nếu chỉ nhìn con số, tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam thuộc nhóm cao so với tỉ lệ bình quân thế giới hiện nay (khoảng 30%). Theo đó, cả nước có hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên và hơn 4 triệu ha rừng trồng.Nhưng về chất lượng, rừng của Việt Nam đa phần là rừng nghèo, đúng hơn là rừng tự nhiên thứ sinh nghèo, chiếm tới 60% tổng diện tích rừng cả nước. Có rừng nhưng thảm thực vật trong rừng rất kém nên không giữ được nước, không cản được lũ, dẫn đến xói mòn, sạt lở đất khi có mưa lớn. Các khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất thường ở những vùng rừng tự nhiên thứ sinh nghèo kiệt.Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, một diện tích lớn đất rừng đã nhường chỗ cho các công trình hạ tầng, nhà máy thủy điện, khu tái định cư, mở rộng đô thị. Mặc dù các công trình đều có phương án trồng rừng thay thế nhưng một diện tích rừng nhất định đã mất đi. Việc đánh đổi rừng để phát triển, dù là vì mục tiêu chung, vẫn gây tác động tiêu cực.Rừng nước ta nghèo kiệt vì đâu?- Trước hết, phải thừa nhận rằng giai đoạn trước đây chúng ta đã khai thác kiệt quệ và tàn phá rừng.Thứ hai là thời gian phục hồi của rừng còn khá ngắn, khả năng phòng hộ của rừng ở nhiều nơi còn kém, chưa đủ để chống chọi với thiên nhiên ngày càng cực đoan, khắc nghiệt. Năm 2015, Việt Nam đóng cửa rừng, không cho khai thác rừng tự nhiên. Thời gian qua, nhiều cánh rừng đã dần phục hồi nhưng 8 năm là khoảng thời gian khá ngắn so với chu kỳ phục hồi rừng. Để cây rừng phát triển đạt trạng thái gần như ban đầu cần từ 25-30 năm.Từ khi đóng cửa rừng đến nay, Nhà nước đã đầu tư tương xứng cho phục hồi hệ sinh thái rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ để hình thành "lá chắn" bảo vệ cuộc sống trước thiên tai?- Tôi đang tham gia xây dựng chính sách đầu tư cho lâm nghiệp, chính sách xây dựng gần hai năm vẫn chưa được thông qua vì mức đầu tư thấp quá, các tỉnh đều đề nghị nâng lên. Chính sách hiện nay cho rừng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ. Đúng ra rừng là tài sản công, Nhà nước phải bỏ ngân sách đầu tư như những tài sản khác, nhưng hiện nay Nhà nước không đủ tiền đầu tư, chỉ có thể chi tiền hỗ trợ người dân phục hồi, bảo vệ rừng.Ví dụ, với việc trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Nhà nước chỉ cấp chi phí cho các tỉnh 30 triệu đồng để trồng 1ha rừng, trong khi chi phí trồng 1ha rừng phòng hộ ven biển hơn 200 triệu đồng, còn khu vực khác cũng cần khoảng 60-70 triệu đồng. Vậy nên hầu hết các địa phương phải bù thêm ngân sách trồng rừng.Tương tự, chi phí bảo vệ rừng chỉ khoảng 300.000 đồng/1ha rừng/năm, trong khi rừng tự nhiên toàn rừng nghèo, nguồn thu trong rừng không có gì nên người dân không gắn bó với công tác bảo vệ rừng.Lấy rừng nuôi rừngVậy theo ông cần giải pháp gì để bảo vệ, khôi phục rừng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp?- Trước mắt cần nâng mức chi cho bảo vệ rừng, còn về lâu dài phải tạo cơ chế lấy rừng nuôi rừng, có cơ chế quản lý phù hợp để người dân sống được nhờ rừng, bám rừng để sống.Cụ thể với rừng phòng hộ, cần tạo hành lang pháp lý cho người dân, doanh nghiệp được khai thác, kinh doanh dưới tán rừng để tăng thu nhập cho người dân. Với rừng đặc dụng đang được bảo vệ nghiêm ngặt cũng cần nghiên cứu cơ chế cho phép người dân được trồng cây dưới tán rừng ở phân khu phục hồi sinh thái, hành chính dịch vụ giúp tăng thu nhập, với phân khu vùng lõi thì tuyệt đối không cho can thiệp.Ngoài sinh kế cho người bảo vệ rừng, Nhà nước cần đầu tư "làm giàu" rừng, cần có nhiều hoạt động tác động về mặt dân sinh để rừng giàu lên, để rừng nuôi dưỡng rừng. Tiếp đến là cho phép phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, phù hợp từng loại rừng để người dân có thu nhập khi tham gia bảo vệ rừng. Ví dụ các mô hình nông lâm kết hợp như cho trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, một số khu vực được phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái quy mô nhỏ để có kinh phí nuôi rừng.Đồng thời, cần cơ chế hỗ trợ cộng đồng dân cư sống trong rừng nhưng lại không có rừng, ví dụ rừng đặc dụng Cúc Phương (Ninh Bình) đang giao cho Nhà nước quản lý mấy ngàn ha và dân sống ở đây không có rừng. Phải đảm bảo mức thu nhập cho người dân thì họ mới chung tay bảo vệ rừng.Qua vụ sạt lở tại Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã phát hiện người dân trồng cây sầu riêng trên đất rừng phòng hộ. Ở các địa phương khác cũng có tình trạng lén phá rừng để sản xuất nông nghiệp. Nó để lại hệ quả gì, thưa ông?- Việc chuyển rừng phòng hộ thành rừng sản xuất hiện nay được quản lý chặt, nếu địa phương quản lý không nghiêm, chuyển đổi đất rừng không đúng quy định để xảy ra sai phạm là cán bộ đi tù.Thực tế có việc trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, không chỉ ở Lâm Đồng mà một số địa phương khác cũng có hiện tượng này. Trồng cây rừng mất rất lâu mới thu hoạch nên nhiều người dân đã chọn trồng cây nông nghiệp để có thể thu hoạch ngay. Việc này giải quyết được thu nhập cho người dân nhưng đang gây xói mòn đất, tạo nguy cơ sạt lở đất khi có mưa lớn.Chính quyền địa phương không thể cấm người dân trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vì ảnh hưởng tới sinh kế. Để khắc phục, như tôi đã nói ở trên, Nhà nước phải có phương án kết hợp giữa trồng cây rừng với trồng cây nông nghiệp để bảo đảm thu nhập, cuộc sống cho người dân, đồng thời dần khôi phục rừng.Vừa qua Lâm Đồng đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 59.000ha đất rừng, các địa phương khác cũng đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch rừng hàng ngàn ha đất. Dư luận cho rằng các địa phương đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án trên đất rừng trước đó, nay xin ra khỏi quy hoạch đất rừng để hợp thức hóa?- Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030. Theo đó, tới năm 2030 Việt Nam sẽ giữ nguyên diện tích khoảng 14 triệu ha rừng. Các địa phương muốn chuyển đổi phải tuân thủ quy hoạch này. Mỗi tỉnh đều có phân bổ diện tích rừng cụ thể đến năm 2030, nếu diện tích rừng hiện tại lớn hơn diện tích quy hoạch thì các địa phương được chuyển đổi phần rừng dôi dư thành đất khác. Nơi nào chuyển đổi sai, đi trước hoặc quá quy hoạch sẽ phải chịu trách nhiệm nếu bị thanh tra, kiểm tra phát hiện. Với những dự án đặc biệt quan trọng có chuyển đổi đất rừng thành đất khác thì sẽ được Thủ tướng phê duyệt. ■ Việt Nam hiện có 14,79 triệu ha rừng (rừng tự nhiên: hơn 10 triệu ha; rừng trồng: hơn 4,6 triệu ha). Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ có diện tích rừng lớn nhất cả nước (hơn 5,6 triệu ha), tỉnh Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất (hơn 1 triệu ha rừng).Theo TS Phạm Xuân Phương, trong 10 triệu ha rừng tự nhiên thì có 60% rừng nghèo, hơn 20% rừng trung bình và chưa tới 20% rừng giàu. Rừng giàu tập trung chủ yếu ở các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tags: Sạt lở đấtRừng tự nhiênĐèo Bảo LộcRừng phòng hộLời cảnh tỉnhRừng bị tàn pháHệ sinh tháiThảm thực vậtPhát triển Kinh tếNhà máy thủy điệnRừng nghèo
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.