7 bước tới thiên đường 

HÀ QUANG MINH 15/07/2018 17:07 GMT+7

TTCT - ​Ở thời đại mà những con số thống kê được coi như là tiêu chuẩn để đánh giá một cầu thủ như hiện giờ, con số 1.128 bàn thắng sau 1.234 trận của Pele đủ để khiến tất cả choáng ngợp. Nhưng thực ra, những con số ấn tượng đó chỉ là một phần nhỏ để tạo ra một huyền thoại.

Tuyển Pháp đang ở ngưỡng cửa thiên đường. Ảnh: Pinterest
Tuyển Pháp đang ở ngưỡng cửa thiên đường. Ảnh: Pinterest

 

 Thứ tạo ra một Pele được coi là “vua bóng đá” phải là ba chức vô địch World Cup, mà trong đó ấn tượng nhất là năm 1958, chức vô địch đầu tiên của Brazil khi Pele ở tuổi 17.

Thực tế, những thống kê về Pele đều khó kiểm chứng, bao gồm cả những trận không chính thức. Chính thức thì Pele có 77 bàn cho Selecao trong 92 trận chính thức. Con số ấy còn chưa bằng Ferenc Puskas (84 bàn/85 trận cho Hungary), Cristiano Ronaldo (85/154 - Bồ Đào Nha) và người dẫn đầu Ali Daei (109/149 - Iran).

Thời của Pele để bước lên ngôi vô địch thế giới, ông và đồng đội phải đi qua sáu bước, mỗi bước tương ứng một trận cầu. Họ đã giành chiến thắng 16/18 trận ở 3 kỳ giải (hai trận còn lại là những trận hòa ở vòng bảng World Cup 1958 và 1962). Không cần phải nói cũng hiểu những chiến thắng quan trọng nhất sẽ là các vòng loại trực tiếp.

Hôm nay, để đến với cúp vàng, mỗi đội bóng phải tiến thêm một bước nữa: 7 bước để tới thiên đường. 1.128 bàn thắng của Pele sẽ là vô nghĩa nếu ông chưa bao giờ vô địch thế giới. 85 bàn thắng của Ronaldo cho Bồ Đào Nha nếu được đổi lại bằng một chiếc cúp vàng thế giới, anh hẳn sẽ sẵn lòng.

Trong bối cảnh bóng đá hiện đại, khi khoảng cách giữa các nền bóng đá được tham dự World Cup cách nhau không quá xa, quyết tâm và niềm tin trong từng bước của hành trình lại càng quan trọng. Pháp có vẻ đã thể hiện được điều đó tốt nhất ở giải lần này. Nhưng điều gì tạo ra điều đó nơi các cầu thủ của Didier Deschamps? Trước hết, có lẽ phải nói tới kinh nghiệm và sự từng trải ở các giải đấu, các trận cầu lớn.

Những trải nghiệm đó khó có thể có ở đâu khác ngoài những sân chơi World Cup, Euro và có thể là Champions League, những đấu trường khắc nghiệt nhất, đặc biệt là ở những trận knock-out sống còn. Thế mới có chuyện một Kylian Mbappe 19 tuổi có thể đưa Pháp vượt qua Argentina; một Antoine Griezmann, Raphael Varane mới tạo nên chiến thắng trước Uruguay và những Paul Pogba, Blaise Matuidi mới loại được Bỉ ở trận cầu căng thẳng nhất để đặt chân vào chung kết. Mbappe là tân binh của World Cup nhưng đã có hai mùa giải tôi luyện ở “lò lửa” Champions League, trước những đối thủ đáng gờm nhất.

Phần còn lại của tuyển Pháp, Varane, Matuidi, Pogba, Griezmann, Lloris, Giroud... đều từng đi qua Euro 2016, World Cup 2014 và nhiều mùa giải ở Champions League, nếm đủ đắng cay ngọt bùi để hiểu rằng họ cần phải làm tốt hơn nhiều ở chiến dịch lần này.

Nhưng ngoài kinh nghiệm, may mắn là điều ai cũng sẽ muốn nhắc tới, như cú sút vu vơ thành bàn của Griezmann ở trận gặp Uruguay. Song, trong sự căng thẳng tuyệt đối, chờ đợi may mắn không phải là giải pháp. Người ta cần cả sự thăng hoa của người nghệ sĩ. Trận bán kết Pháp - Bỉ nói lên tất cả. Lúc khán đài không thể tưng bừng như những nhà hát ở các trận trước đó vì trình độ hai đội ngang bằng nhau, kẻ dám thể hiện như Mbappe là kẻ chứng tỏ mình có tầm để chiến thắng hơn.

Những cú giật gót, những cú đảo người, những cú phô diễn kỹ thuật cho thấy anh đang là nghệ sĩ đích thực duy nhất ở World Cup đến lúc này. Phải chăng chất nghệ sĩ ngang tàng đó chỉ được thể hiện khi người ta ở tuổi 19?

Cách đây 8 năm, tuyển Pháp tủi hổ với nỗi ô nhục Knysna khi 23 cầu thủ bỏ tập, Nicolas Anelka chửi thẳng mặt HLV Raymond Domenech. Quá khứ ấy thêm thẹn thùng khi Jean-Pierre Bernès, người đại diện của HLV Deschamps, Laurent Blanc và nhiều cầu thủ của World Cup 2010 tại Nam Phi, từng là người đứng ra môi giới dàn xếp tỉ số trận Marseilles-Valenciences thời đầu thập niên 1990, để xuất hiện thuyết âm mưu cho rằng nỗi nhục Knysna là có sự giật dây để đưa Blanc, rồi Deschamps lên ghế HLV trưởng Les Bleus thay Domenech.

Nhưng Deschamps đã vượt qua thuyết âm mưu và tuyển Pháp đã vượt qua quá khứ buồn đó. Tất cả những điều đấy, tài năng, bản lĩnh, lý trí, cảm hứng nghệ sĩ, và kinh nghiệm dạn dày đã dẫn tới thành quả hôm nay. Hai năm trước, Pháp qua được 6 nấc thang để vào chung kết Euro và thất bại ở ngưỡng cửa thiên đường.

Bây giờ, họ qua 6 nấc thang bằng phong thái điềm tĩnh hơn, tôn trọng đối thủ hơn và bằng cả những con người hoàn toàn tươi mới. Thế nên, họ đã vượt qua tuyển Bỉ đầy thách thức một cách khó khăn nhưng không quá vất vả. Và với tôi, lạ thay, vợ tôi là người nhận ra điều đó từ đầu khi cô nói: “Em thấy mặt cầu thủ Pháp tươi sáng hơn Bỉ anh ạ”.

Ồ, có lẽ tươi sáng là một tiêu chuẩn nữa. Tôi chưa thấy sự tươi sáng ấy trong nét mặt Eden Hazard. Nhưng dù yêu Pháp đến tột cùng, tôi vẫn tin Bỉ sẽ có cơ hội lần nữa, hai hoặc bốn năm sau, qua từng nấc thang trong 7 nấc. Bởi họ còn quá trẻ, còn quá tài năng, quá sung sức và còn quá nhiều cơ hội đường đời.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận