Ai biết thương yêu, người ấy hạnh phúc

HERMANN HESSE (1918) 18/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - “Chỉ có sự yêu thương mới khiến cuộc đời có ý nghĩa. Tức là khi chúng ta biết thương yêu và hiến dâng mình càng nhiều thì cuộc đời của chúng ta sẽ càng có ý nghĩa” - Hermann Hesse.

Chân dung Herman Hesse (tranh của  tranh của Richard Ziegler)

Khi càng già đi, tôi càng cảm thấy những điều thú vị nhỏ nhặt tôi có được trong cuộc đời tôi thật nhạt nhẽo, tôi dần hiểu rõ mình nên đi tìm nguồn gốc của những niềm vui và đời sống ở một nơi nào đó.

Tôi nhận thấy rằng việc được yêu thương thì không là gì cả, ngược lại việc yêu thương một ai đó lại là tất cả, rồi dần dần tôi cảm thấy rằng điều làm cho sự tồn tại của con người trở nên đáng trân trọng và đầy sự ao ước không gì khác chính là cảm xúc và sự rung động.

Ở bất cứ nơi nào trên Trái đất mà tôi thấy người ta gọi một điều gì đó là “hạnh phúc”, ở đó có sự rung động. Tiền bạc, quyền lực không là gì cả. Ta có thể thấy nhiều người có cả hai nhưng họ lại khổ tâm. Sắc đẹp không là gì, ta có thể thấy dù nhiều người đàn ông hoặc phụ nữ xinh đẹp, đằng sau nhan sắc lại là sự khổ sở.

Sức khỏe cũng không là thứ quý nhất; một người sẽ cảm thấy khỏe mạnh khi anh ta nghĩ là mình khỏe mạnh, có người bệnh nặng nhưng niềm tin vào sự sống của họ lại mãnh liệt đến tận cùng cuộc đời, lại có người mạnh khỏe nhưng ngày ngày sống trong nỗi sợ phải chịu đau đớn.

Hạnh phúc sẽ tồn tại khi một người có được sự rung động mạnh mẽ và nó không xua đuổi hay đi ngược lại cảm xúc của ta, mà sẽ giúp ta chăm sóc, nâng niu và tận hưởng. Không phải ai sở hữu sắc đẹp mới hạnh phúc, mà hạnh phúc sẽ đến với người biết yêu thương và thờ phụng cái đẹp.

Có lẽ có nhiều loại cảm xúc, nhưng về cốt lõi chúng chỉ là một. Ta có thể gọi tất cả cảm xúc là ý chí, hoặc gọi là gì cũng được. Tôi gọi nó là sự yêu thương. Hạnh phúc không gì khác chính là sự yêu thương. Ai biết thương yêu, người đó sẽ hạnh phúc.

Trong mỗi vận động tâm hồn, nơi mà chính tâm hồn ta có thể tự cảm nhận được hạnh phúc và sức sống của hạnh phúc chính là sự yêu thương. Những ai biết thương yêu mới hạnh phúc.

Thế nhưng sự yêu thương và lòng ham muốn không giống nhau. Sự yêu thương chính là khi lòng ham muốn đã trở nên sáng suốt; thương yêu thì sẽ không muốn sở hữu, đơn giản chỉ là thương yêu. Cho nên một triết gia cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi ông ta đưa cả thế giới vào trong hệ thống tư tưởng, và hết lần này đến lần khác gói gọn cả thế giới trong chiếc lưới tình yêu thương của mình.

Nhưng tôi không phải là nhà triết học.

Trên con đường đạo đức và đức hạnh tôi cũng không tìm được hạnh phúc. Vì tôi biết chỉ có đức hạnh mà tôi cảm nhận được trong chính mình, tôi tự tạo ra và chăm sóc mới đem được hạnh phúc - sao tôi có thể học một đức hạnh nào khác!

Nhưng tôi thấy rằng những lời giáo huấn về sự yêu thương dù là do Jesus hay Goethe dạy bảo đều bị cả thế giới hiểu nhầm! Nó không phải là lời giáo huấn, mà chính là những sự thật mà người đã thấu hiểu truyền lại cho người chưa thấu hiểu, để người chưa thấu hiểu cảm nhận và thấu hiểu được nó. Những lời giáo huấn chính là những sự thật bị hiểu nhầm.

Ngọn nguồn của tất cả sự thông thái là thế này: Hạnh phúc chỉ có từ sự yêu thương mà ra. Nếu như tôi nói: “Hãy thương yêu những người láng giềng” thì đó là một lời giáo huấn sai. Đúng ra ta nên nói: “Hãy thương yêu chính mình như thương yêu người láng giềng!”. Có lẽ căn nguyên của sai lầm này chính là việc người ta luôn cho rằng tình yêu thương của chúng ta phải khởi nguồn ở một người khác…

Dầu sao đi nữa, tận đáy lòng chúng ta luôn muốn được hạnh phúc, mong muốn một sự hòa hợp thỏa mãn với những cái bên ngoài. Sự hòa hợp này bị rối loạn khi mối quan hệ của ta với một ngoại vật là một thứ gì khác lòng yêu thương. Nó không còn trách nhiệm thương yêu, chỉ còn đòi hỏi được hạnh phúc. Vì lý do này mà chúng ta cô độc trên đời.

Bằng tất cả nghĩa vụ, đức hạnh và lời giáo huấn, ta ít khi làm cho nhau hạnh phúc vì chúng không làm chính mình hạnh phúc. Con người ta chỉ có thể “thiện lương” khi anh ta hạnh phúc và có được sự hòa hợp trong nội tâm. Tức là khi anh ta đang yêu thương.

Bức tranh Tình yêu của Smita Urunkar (sơn dầu).

Và sự bất hạnh trong thế giới và sự bất hạnh ở bản thân tôi là do việc thương yêu bị rối loạn. Từ đây, các dòng trong Tân ước của thánh kinh bỗng trở nên đúng đắn đối với tôi. “Nếu anh em không trở lại mà nên như con trẻ…”, hay “thiên quốc ở trong chính các người”.

Đây là giáo lý chính, giáo lý duy nhất trên thế giới. Như Jesus đã nói, Phật đã nói, Hegel đã nói, mỗi người theo thuyết thần học của mình. Đối với mỗi người, điều quan trọng duy nhất trên thế giới là cái nội tâm riêng của mình - tâm hồn của mình - khả năng thương yêu của mình. Nếu nó ổn thì dù con người ta có ăn hạt kê hay bánh ngọt, mặc quần áo rách hay đeo trang sức quý, thế giới đã hòa hợp với tâm hồn và hoàn toàn yên bình.

…Con người không thương yêu điều gì bằng chính bản thân mình và cũng không sợ hãi điều gì bằng chính bản thân mình. Đồng thời với các hệ thần thoại, sự giáo huấn và tôn giáo của con người nguyên thủy hình thành một loại hệ thống truyền tải và phản ánh kỳ lạ, hệ thống mà theo đó tình thương yêu của một người với bản thân anh ta, cái hệ thống được xem là nền tảng của cuộc sống đó, buộc phải bị cấm, giữ kín, che đậy trước mỗi con người.

Thương yêu một người khác được cho là tốt hơn, hợp đạo đức hơn và đáng kính phục hơn thương yêu bản thân mình. Và vì sự yêu thương đối với bản thân là bản tính gốc và lòng nhân ái không bao giờ phát triển được một cách chính đáng, người ta đã phát minh ra một lòng tự ái kín đáo và nâng cao, điệu hóa theo hình thức của lòng nhân ái đối với nhau…

Như vậy gia đình, bộ lạc, làng xã, cộng đồng tôn giáo, nhân dân, quốc gia đã trở thành những thần tượng của xã hội. Loại người này không chịu xâm phạm đến bất cứ luật đạo đức nào nhân danh xã hội, nhân dân và tổ quốc - mà thật ra chính là vì bản thân, họ có thể làm bất cứ điều gì, ngay cả những điều tàn ác nhất, và những bản tính đáng lẽ phải bị coi khinh ở đây lại trở thành nghĩa vụ và phẩm chất anh hùng. Nhân loại đã đi xa được đến giai đoạn này.

Có thể một ngày nào đó theo dòng thời gian, sự thần tượng quốc gia cũng sẽ suy sụp và những giáo lý cổ có thể xuất hiện trở lại trong bối cảnh tình yêu thương mới dành cho nhân loại lại được phát hiện.

Những hiểu biết sâu sắc này đến một cách chậm rãi, con người ta bị cuốn vào chúng như vào đường xoắn ốc. Và khi chúng đã ở đó, tưởng chừng con người ta có thể đạt được liền ngay tức khắc. Thế nhưng những hiểu biết này chưa phải là cuộc đời. Chúng chỉ là con đường dẫn đến cuộc đời, và có những người mãi mãi ở lại trên con đường đấy.■

JULIAN HUESMANN (dịch từ bản gốc tiếng Đức)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận