TTCT - Năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dẫn đầu liên quân các nước phương Tây can thiệp quân sự vào Libya mà không xin ý kiến quốc hội. Phóng toNhà báo kỳ cựu Seymour Hersh - Ảnh: huffingtonpost.comTháng 8-2013, sau các vụ tấn công bằng khí sarin ở Ghouta, ngoại ô Damascus (Syria), ông Obama đã sẵn sàng ra lệnh không kích để trừng phạt việc chính quyền Syria vượt qua “lằn ranh đỏ” mà ông đe nẹt vào năm 2012 về việc sử dụng vũ khí hóa học.Nhưng chỉ hai ngày trước khi lệnh không kích được ban bố, ông Obama lại nói ông muốn được sự đồng ý từ quốc hội. Vụ tấn công bị hoãn lại, rồi bị hủy bỏ.Tại sao tổng thống Mỹ lại thay đổi thái độ đột ngột như thế với Syria, trong khi đã cương quyết đến vội vàng trong trường hợp Libya? Và thật ra có những cơ sở nào để nói vũ khí hóa học ở Syria là do chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad sử dụng?Việc ông Obama đổi ý bắt nguồn từ Porton Down - một phòng thí nghiệm quân sự ở Wiltshire (Anh), theo tiết lộ vào đầu tháng 4 của nhà báo Seymour Hersh - phóng viên kỳ cựu nổi tiếng của tạp chí The New Yorker từng được giải Pulitzer năm 1970 vì lột trần những chi tiết kinh hoàng của vụ thảm sát Mỹ Lai trong chiến tranh Việt Nam.Trong bài viết đăng trên tạp chí The London Review of Books ngày 3-4, Hersh đã tiết lộ nhiều chi tiết đáng kinh ngạc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và âm mưu sâu kín của các bên tham gia.Tình báo Anh đã lấy được mẫu của chất sarin sử dụng trong vụ tấn công ngày 21-8-2013 và các phân tích cho thấy loại khí độc đó không có thành phần tương ứng với các vũ khí hóa học được biết đến đang tồn tại trong kho vũ khí của chính quyền Syria. Thông tin đó nhanh chóng tới Lầu Năm Góc và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.Trước đó, giới lãnh đạo quân đội Mỹ đã không mặn mà với việc tấn công Syria, họ cảnh báo ông Obama cuộc chiến có thể sẽ khiến Mỹ sa lầy. Với những thông tin mới về chất sarin, giờ đây ngay cả lý do để can thiệp cũng không còn đứng vững. Tổng thống Mỹ đã nhận được thông báo và ông hủy bỏ các cuộc không kích vào phút chót.Câu hỏi đặt ra là nếu chất sarin không phải từ kho vũ khí của chính quyền Syria thì từ đâu?Phóng toCác nạn nhân của vụ tấn công ngày 21-8-2013 (ảnh chụp ngày 22-8) - Ảnh: voanews.comVai trò của Thổ Nhĩ KỳLực lượng nổi dậy ở Syria ngay từ đầu đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và gần như công khai từ chính quyền nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan còn ủng hộ Mặt trận al-Nusra Front - một nhóm Hồi giáo cực đoan trong phe nổi dậy, được coi là một phân nhánh của Al Qaeda.“Chúng tôi biết có một số nhân vật trong Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng có thể chơi khăm ông Assad bằng cách tổ chức một cuộc tấn công bằng sarin ở Syria, buộc ông Obama phải thực hiện cam kết của ông về “lằn ranh đỏ” do chính ông nêu ra” - nguồn tin của Hersh trong ngành tình báo Mỹ nói.Các thông tin tình báo từ Anh và Mỹ, theo Hersh, cũng khẳng định không chỉ chính quyền Syria sở hữu vũ khí hóa học và từ mùa xuân năm 2013, một số đơn vị quân nổi dậy ở Syria đã bắt đầu nghiên cứu phát triển loại vũ khí này.Theo một báo cáo năm trang xếp loại mật ngày 20-6-2013 được trình cho phó giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) David Shedd, al-Nusra Front đã duy trì việc sản xuất sarin được một thời gian và “là chương trình sarin tiên tiến nhất kể từ các âm mưu của Al Qaeda trước vụ 11-9”.Tháng 5-2013, mười thành viên của Mặt trận al-Nusra Front bị bắt giữ ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát địa phương nói với báo chí họ sở hữu 2kg sarin. Trong bản cáo trạng 130 trang của tòa án Thổ Nhĩ Kỳ với nhóm này, họ bị cáo buộc tìm cách mua các ngòi nổ và ống nước dùng để chế bom sarin tự tạo.Năm trong số những người bị bắt được thả ra sau khi bị giam một thời gian ngắn. Những người khác, bao gồm kẻ đứng đầu là Haytham Qassab mà các công tố viên đề nghị mức án 25 năm tù giam, hiện đang được tại ngoại hầu tra. Trong khi đó, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ dấy lên những đồn thổi về mức độ can dự của chính quyền Erdogan trong việc che chở cho quân nổi dậy.Trong một cuộc họp báo hè năm ngoái, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Sezgin bác bỏ vụ bắt giữ Qassab là có liên quan tới sarin và nói những gì nhóm người này mang theo chỉ là “chất chống đông”.Không chỉ có các báo cáo tình báo ở Mỹ, hàng loạt vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào các tháng 3 và 4-2013 đã dẫn tới việc một phái bộ của Liên Hiệp Quốc có mặt tại Syria để điều tra. Hersh dẫn một nguồn tin giấu tên có hiểu biết về cuộc điều tra này nói các bằng chứng thật ra kết nối vụ tấn công với lực lượng nổi dậy Syria, bao gồm vụ thứ nhất ngày 19-3 ở Khan Al-Assal - một ngôi làng gần Aleppo.Trong báo cáo cuối cùng của phái bộ Liên Hiệp Quốc vào tháng 12-2013, các điều tra viên nói ít nhất 19 thường dân và một binh sĩ chính quyền Syria đã thiệt mạng cùng nhiều người khác bị thương vì vũ khí hóa học.Nhóm điều tra này không được giao tìm hiểu xem phe phái nào phải chịu trách nhiệm, nhưng nguồn tin của Hersh nói: “Các điều tra viên đã phỏng vấn những người dân sở tại, bao gồm các bác sĩ điều trị cho các nạn nhân. Rõ ràng là quân nổi dậy đã sử dụng khí độc. Dư luận không biết điều đó là vì không ai muốn biết”.Phóng toCác điều tra viên của Liên Hiệp Quốc lấy mẫu xét nghiệm vũ khí hóa học tại hiện trường - Ảnh: theatlantic.comLằn ranh đỏSau vụ tấn công ngày 21-8-2013, Tổng thống Obama đã lệnh cho Lầu Năm Góc lên danh sách các mục tiêu có thể đánh bom ở Syria. Nguồn tin của Hersh trong ngành tình báo Mỹ nói: “Nhà Trắng bác bỏ 35 mục tiêu do Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cung cấp do cho rằng chúng không đủ gây tổn hại cho chính quyền Assad”.Các mục tiêu ban đầu chỉ toàn quân sự và không có mục tiêu dân sự nào. Dưới áp lực của Nhà Trắng, kế hoạch mới quy mô hơn nhiều: hai máy bay ném bom B-52 được chuyển tới các căn cứ không quân gần Syria, các tàu ngầm và tàu chiến trang bị tên lửa Tomahawk được triển khai.“Mỗi ngày danh sách lại dài hơn - nguồn tin của Hersh nói - ... Danh sách mới nhắm vào việc “loại trừ hoàn toàn mọi năng lực quân sự của Assad”, với các mục tiêu bao gồm cả hệ thống điện, các kho xăng dầu, các kho hậu cần và vũ khí quân đội, tất cả các tòa nhà quân đội và tình báo mà phía Mỹ biết được”.Anh và Pháp cũng tham dự. Ngày 29-8, Thủ tướng Anh David Cameron ra lệnh cho sáu máy bay phản lực chiến đấu RAF Typhoon sẵn sàng ở đảo Cyprus và triển khai một tàu ngầm có khả năng mang tên lửa Tomahawk, theo báo Anh The Guardian.Không quân Pháp, từng có vai trò quan trọng trong cuộc không kích Libya, cũng sẵn sàng với vài máy bay ném bom Rafale được triển khai theo lệnh Tổng thống François Hollande, theo báo Pháp Le Nouvel Observateur.Cho tới ngày 31-8, ông Obama vẫn tin rằng chỉ Chính phủ Syria sở hữu vũ khí hóa học, và chiến dịch không kích dự kiến bắt đầu vào ngày 2-9, theo nguồn tin của Hersh. Nhưng mẫu xét nghiệm ở Porton Down đã làm thay đổi tình hình. “Chúng ta đã bị chơi khăm” - nguồn tin của Hersh nói.Khi đó đạn đã lên nòng, các máy bay và tàu chiến của Mỹ, Anh và Pháp đều đã sẵn sàng. Người chịu trách nhiệm thực thi việc hiệp đồng tác chiến sẽ là tướng Mỹ Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Nhưng ngay từ đầu, giới quân sự Mỹ đã nghi ngờ những lập luận của bên chính quyền về tội ác liên quan tới vũ khí hóa học của chế độ Assad. Họ đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng hơn từ DIA.“Không lẽ nào (chính phủ) Syria lại sử dụng khí độc ở giai đoạn này, vì ông Assad đang chiến thắng trong cuộc chiến” - nguồn tin của Hersh bình luận. Ông Dempsey đã làm nhiều chính khách diều hâu trong chính quyền bực tức khi liên tục cảnh báo với quốc hội về những hậu quả khôn lường của việc can thiệp quân sự vào Syria.“Có rủi ro rằng cuộc xung đột đã lâm vào bế tắc” - ông Dempsey nói trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ.Nguồn tin của Hersh bình luận việc ông Obama đang quyết tâm không kích Syria bỗng chuyển sang xin ý kiến Quốc hội Mỹ, vốn rất chia rẽ suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của ông, chỉ là một cách gỡ gạc thể diện. Đề xuất không kích Syria của ông ở quốc hội nhanh chóng đi vào ngõ cụt, một phần cũng bởi những gì đã xảy ra trong cuộc chiến Iraq trước đó.Năm 2002, Quốc hội Mỹ phê chuẩn cho cựu tổng thống George W. Bush toàn quyền dùng vũ lực, để rồi sau đó muối mặt khi biết Iraq chẳng hề sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt như cáo buộc từ phía chính quyền Mỹ.“Vậy là họ chuyển sang kế hoạch B. Hủy bỏ không kích và ông Assad đồng ý đơn phương ký vào hiệp ước không phổ biến vũ khí hóa học và giao nộp tất cả vũ khí hóa học dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc”. Ngày 9-9-2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công bố thỏa thuận đó. “Họ đơn giản là không chấp nhận nói: Chúng tôi đã sai” - nguồn tin của Hersh kết luận.Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phản bác ông Seymour HershChính phủ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã bác bỏ những cáo buộc mà Seymour Hersh đưa ra trong bài báo của ông trên tờ The London Review of Books.“Chế độ Assad, và chỉ có chế độ Assad, mới là kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học diễn ra ngày 21-8 - Shawn Turner và Catilyn Hayden, những người phát ngôn của Văn phòng tình báo quốc gia và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nói - Cho rằng đó là một nỗ lực để bóp méo thông tin tình báo đơn giản là sai lầm”.Jen Psaki, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng nói trong một họp báo rằng phía duy nhất sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là chính quyền ông Assad: “Dựa vào các báo cáo và thông tin tình báo đã nhận được, chúng tôi tin chắc rằng cuộc tấn công ngày 21-8 do chế độ Syria tiến hành và chúng tôi vẫn ủng hộ quan điểm đó, vốn được cộng đồng quốc tế chia sẻ” - bà Psaki nói.Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc cũng lên tiếng về bài báo của Hersh: “Những cáo buộc dựa trên các nguồn nặc danh đã bị các quan chức Nhà Trắng bác bỏ và họ đã xác nhận lại rằng chế độ Assad là kẻ chịu trách nhiệm duy nhất cho các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học”. Tags: MỹSyriaVũ khí hóa họcNội chiến SyriaCách mạng màu
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ông Trump hai lần được Time bình chọn là 'Nhân vật của năm' NGHI VŨ 12/12/2024 Trong vòng chưa đến 10 năm, ông Trump hai lần được bình chọn là "Nhân vật của năm" đầy danh giá của Tạp chí Time.
Bộ trưởng Phan Văn Giang: Bảo đảm an toàn tuyệt đối lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội NAM TRẦN 12/12/2024 Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu phải làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối.
Bộ Nội vụ bác thông tin lan truyền về chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Nội vụ khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng liên quan nội dung đề xuất chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy là không chính xác.
UBND TP.HCM chốt cho học sinh nghỉ Tết thêm 2 ngày HOÀNG HƯƠNG 12/12/2024 UBND TP.HCM vừa có văn bản tăng ngày nghỉ Tết Ất Tỵ cho học sinh các cấp thêm 2 ngày thành 11 ngày.