Alibaba và cánh cửa kho báu từ thể thao

CHIÊU VĂN 03/03/2017 02:03 GMT+7

TTCT - Jack Ma và Alibaba đã tạo dựng những mối quan hệ toàn cầu trong thể thao để xây dựng một đế chế tầm cỡ thế giới.

Jack Ma (trái) và cái bắt tay chiến lược với chủ tịch IOC Thomas Bach ở Davos -cntvna.com
Jack Ma (trái) và cái bắt tay chiến lược với chủ tịch IOC Thomas Bach ở Davos -cntvna.com

Trong một thỏa thuận được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Alibaba đã được xác nhận là nhà tài trợ mới cho 6 kỳ Olympic tiếp theo, thuộc chương trình Đối tác Olympic (TOP) của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

Là một phần của thỏa thuận, Alibaba sẽ cung cấp cho IOC dịch vụ điện toán đám mây chính thức, là đối tác thương mại điện tử chính thức và đóng góp vào lĩnh vực truyền hình kỹ thuật số của IOC nhắm tới những người hâm mộ thể thao trẻ.

Jack Ma hẳn cũng đã lẩm nhẩm câu thần chú “Vừng ơi mở ra” trước cuộc gặp với chủ tịch IOC Thomas Bach để chốt lại các thỏa thuận!

Những chữ ký này đánh dấu cột mốc lớn nữa trong sự vươn lên chóng mặt của công ty mới thành lập năm 1999 này, bởi trước đó họ đã ký một thỏa thuận với LĐBĐ thế giới (FIFA) tài trợ cho World Cup thông qua thương hiệu Ali E-Auto.

Alibaba thành lập bộ phận thể thao của họ năm 2015 và cũng đáng nhắc rằng họ vẫn là cổ đông lớn của CLB Guangzhou Evergrande, một đối tác của Real Madrid và Bayern Munich.

Trở lại với thỏa thuận cùng IOC, Alibaba đã trở thành nhà tài trợ mới đầu tiên cho TOP kể từ Bridgestone vào năm 2014 và là công ty Trung Quốc đầu tiên là đối tác cao cấp của IOC. Theo Bloomberg, Jack Ma và công ty của ông đã bỏ ra tới 800 triệu USD cho hợp đồng 12 năm nói trên.

Dễ hiểu là giới kinh doanh ngay lập tức giải thích rằng thỏa thuận phản ánh tham vọng mở rộng ra toàn cầu của Alibaba. Hiện đã là nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc và có ảnh hưởng lớn ở châu Á, nhưng Alibaba vẫn còn khá xa lạ với phương Tây (dù đã là hãng bán lẻ lớn nhất thế giới tính theo doanh số vào năm 2016).

Jack Ma đã đặt mục tiêu 50% doanh số của Alibaba là ở bên ngoài Trung Quốc, so với 1/4 như hiện giờ và việc tài trợ cho IOC đóng vai trò rất lớn trong kế hoạch đó.

Chính Jack Ma vẫn tự hào nhắc đi nhắc lại cái tên mà ông đã chọn cho công ty bởi tính toàn cầu của nó. “Những ai ở Ấn Độ hay Đức, Tokyo và Trung Quốc” đều biết về Alibaba và 40 tên cướp, ông từng nói, và việc xuất hiện bên cạnh IOC càng khiến câu chuyện của Jack Ma có cơ hội vượt ra khỏi những trang sách Nghìn lẻ một đêm.

Nhưng đó mới chỉ là một nửa của vấn đề. Nếu Jack Ma đơn giản muốn Alibaba được chú ý hơn ở phương Tây, chắc chắn còn những cách dễ dàng và ít đắt đỏ hơn. Vấn đề là họ còn phải duy trì hình ảnh tay chơi lớn nhất trong nước, với bối cảnh là các đại gia Trung Quốc đang ném tiền như điên vào thị trường thể thao thế giới.

Kình địch cùng ngành của Alibaba ở trong nước, Tập đoàn thương mại Suning, đã bỏ ra 300 triệu USD vào năm 2016 mua lại CLB hàng đầu Ý Inter Milan. Trong khi đó Jiangsu Suning, đội bóng của Tập đoàn Suning và là đối thủ của Guangzhou Evergrande, đã chi tiêu rất mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng vừa rồi, mua về các ngôi sao Brazil như Ramires và Alex Teixeira.

Wanda - công ty của tỉ phú Vương Kiện Lâm, người duy nhất ở Trung Quốc giàu hơn Ma - năm ngoái đã ký thỏa thuận với FIFA để trở thành đối tác cấp cao của tổ chức này tới tận năm 2030.

Thỏa thuận này sẽ giúp Wanda xuất hiện quanh năm cùng với cơ quan quản lý môn thể thao đang là số 1 hành tinh. Alibaba, vì thế, đành hài lòng với IOC, tổ chức thể thao có thể sang cả và rộng hơn, nhưng độ phủ thấp hơn bóng đá.

Dẫu vậy, viễn kiến của thỏa thuận này vẫn là đáng phục. Trong 6 năm và 3 kỳ Olympic tới, mùa đông ở Pyeongchang 2018, mùa hè ở Tokyo 2020 và lại là mùa đông Bắc Kinh 2022, thì các thành phố đăng cai đều ở trong phạm vi khu vực Đông Á, bàn đạp mang tính quyết định để Alibaba mở rộng ra toàn cầu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận