Âm nhạc Giáng sinh: Những đôi tai khốn khổ, 8 tiếng nghe mãi một bài

TRÚC ANH 21/12/2022 07:53 GMT+7

TTCT - Mariah Carey có ca khúc trứ danh mỗi mùa Noel đến, rằng "Giáng sinh này tất cả những gì em muốn là anh". Còn với người làm việc tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị và nhà hàng, tất cả những gì họ muốn là đừng mở bài đó nữa.

Âm nhạc Giáng sinh: Những đôi tai khốn khổ, 8 tiếng nghe mãi một bài - Ảnh 1.

Ảnh: melmagazine.com

"Nhân viên bán lẻ ở các cửa hàng đang chạy nhào vào kho chứa đồ để lánh xa giai điệu hội hè cứ phát mãi không thôi" - báo Wall Street Journal ngày 12-12 mô tả nỗi thống khổ của người làm ngành dịch vụ khi nhạc Giáng sinh đã vang khắp muôn nơi.

Tất nhiên không chỉ All I Want for Christmas is You mà những bài Noel khác cũng làm người ta ám ảnh, khi cả ca trực hay ngày làm việc dài phải nghe đi nghe lại. Nói đâu xa, ở xứ ta đến giờ cũng thấy mở Last Christmas khắp nơi, và sớm thôi, sẽ là "xuân xuân ơi xuân đã về..." khắp hang cùng ngõ hẻm.

Rằng hay thì thật là hay

Christian Graham, nhân viên 19 tuổi tại một quán ăn ở Chicago, nói cửa tiệm mở nhiều bài nhưng cứ xoay đi xoay lại, và cứ mỗi lần đến bài của Carey là anh lại chạy đến đứng dưới cây quạt to trong góc để tiếng quạt át tiếng ca. 

"Vừa vừa phải phải thôi, cứ nghe mãi All I Want for Christmas is You đến một lúc nào đó tôi sẽ phát điên thật sự" - anh nói. Còn với Kiyah Coleman, làm việc tại một cửa hàng đồ gia dụng ở London, cứ nghe đoạn nhạc dạo là đã thốt lên "Chúa ơi" rồi chạy vào phòng chứa đồ mà nấp.

Năm 2018, một người dùng Reddit đã tạo chủ đề mới kêu gọi "một phút mặc niệm" để chia sẻ với những người làm trong ngành bán lẻ, vốn sẽ phải chịu đựng sự tra tấn tinh thần "nghe mãi một bài" trong hơn 1 tháng, từ Lễ Tạ ơn đến hết năm. 

Trong một bài khác, người dùng Reddit bàn về các phiên bản "đau đớn thực sự" của bài Santa Baby. Một người khác kể lại quá khứ đau thương: "Năm đó cửa hàng tôi làm việc có một playlist với 5 bản khác nhau của bài Jingle Bell. Tới giờ tôi vẫn muốn băm vằm cái tay đã soạn ra danh sách nhạc đó".

Danh sách bài hát bị ghét nói chung còn dài. Lenelle Kutzner, từng làm việc bán thời gian ở cửa hàng tạp hóa qua "hai mùa Noel", kể cô không thể nuốt nổi bài pop kinh điển năm 1984 Last Christmas, thế mà nó cứ được mở suốt và khắp nơi kể cả trong toilet.

Bài gốc, ca sĩ "chính chủ" trình bày còn thành ác mộng, huống chi muôn vàn các bản cover (hát lại). Matt Martinez, nhân viên bán lẻ 20 tuổi ở Dallas, vừa phải chịu đựng ba bản hát lại khác nhau của bài Mele Kalikimaka, một bài hát giáng sinh chủ đề Hawaii, trong suốt ca làm việc 7 tiếng.

Ngày hạnh phúc nhất của chủ nhân những đôi tai khốn khổ này có lẽ là khi hệ thống loa của nơi họ làm việc gặp sự cố, nhưng tiếc là điều đó chẳng bao giờ xảy ra.

Thiên hạ sợ hãi bao nhiêu thì "Nữ hoàng Giáng sinh" (danh hiệu mà cô vừa thua kiện đăng ký độc quyền, xem TTCT số 46-2022) càng nóng lòng nhắc nhở mọi người "tới lúc mở nhạc của chị rồi" bấy nhiêu. Mới chơi Halloween xong là sáng hôm sau (1-11) Marey đã tweet "TỚI LÚC RỒI!!!", kèm tấm ảnh chuyển trạng thái, từ phù thủy bốc lửa trong áo đen sang cô nàng bẽn lẽn trong bộ đồ Noel đỏ - trắng.

Trong một diễn biến khác, có ít nhất ba đơn khiếu nại kiểu "Vì một Noel không All I Want for Christmas is You" đang tập hợp chữ ký trên trang Change.org. Một trong số này kêu gọi Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ cấm phát bài này trên sóng phát thanh và gọi đó là "tai ương của người mua sắm, nhân viên bán lẻ và người đi bộ".

Tội tình nhạc mở ở cửa hàng

Thật ra, khó trách chủ cửa hàng. Họ không thể để chỗ làm ăn buồn tẻ, lặng ngắt như tờ, và khi không khí lễ hội tràn ngập, không thể cứ mở nhạc cổ điển thâm trầm, hay những ngày cận Tết lại mở "mỗi năm đến hè…". Hơn nữa, nhiều nghiên cứu chỉ ra âm nhạc trong không gian mua sắm sẽ có tác động tích cực đến hành vi của khách hàng.

Theo Hãng nghiên cứu MotiveMetrics, nhạc Giáng sinh "nhắc" khách hàng về mùa lễ hội (đã đến lúc phải mua quà), còn khảo sát do Công ty giải pháp âm nhạc Mood Media thực hiện cho thấy 83% người mua sắm Mỹ (91% là người từ 18 - 24 tuổi) thích nhạc phát trong các cửa hàng. Cũng theo dữ liệu của hãng này, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ ở lại cửa hàng lâu hơn nếu có phát nhạc; một nghiên cứu tại Canada do Công ty bản quyền âm nhạc Entandem thực hiện trong năm nay cũng cho phát hiện tương tự: 1/3 người tiêu dùng cho biết sẽ ở lại cửa hàng lâu hơn nếu có mở nhạc.

Không thể phủ nhận âm nhạc có ảnh hưởng đến trải nghiệm khi ở trong cửa hàng, nhưng vấn đề là với nhân viên bán hàng, họ sẽ nghe đi nghe lại một hoặc vài bài đến hết ca làm việc, ngày này qua ngày khác cho đến hết mùa lễ hội. Sự ngán ngẩm, ám ảnh là bề mặt, sâu sa hơn việc này có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc và cả sức khỏe tinh thần của nhân viên, theo nhà tâm lý Linda Blair.

"Bạn đơn giản phải dùng hết năng lượng để tránh không phải nghe thứ mình đang phải nghe" - Blair nói với kênh Sky News năm 2017. Theo Blair, nhạc Giáng sinh phát liên tục sẽ nhắc người nghe những thứ họ phải làm khi ngày lễ đã gần kề, nhưng với người đang phải làm việc, họ sẽ bị ảnh hưởng năng suất "vì không thể tập trung vào thứ gì khác". Tệ hơn, nếu nhạc Noel được mở quá sớm (ví dụ mới tháng 11 đã Giáng sinh về muôn nơi) hoặc quá to sẽ gây cảm giác khó chịu.

Âm nhạc Giáng sinh: Những đôi tai khốn khổ, 8 tiếng nghe mãi một bài - Ảnh 3.

Mariah Carrey và list nhạc Giáng sinh phổ biến.

Chọn nhạc khó lắm

Nhân viên là người trực tiếp "chịu trận" với các bài hát mở suốt ngày, nhưng nếu họ là người được chọn nhạc mình sẽ phải nghe trong ca làm việc thì sao? Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí bán lẻ và tiêu dùng Journal of Retailing and Consumer Services, đây là ý tưởng tồi, thậm chí có thể làm giảm doanh số.

Nghiên cứu thực hiện tại tám cửa hàng bán lẻ thời trang lớn trong 56 tuần, doanh số trong thời gian nhân viên được cho phép tự chọn nhạc sẽ được so sánh với doanh số trong 22 tuần trước đó. Giả định của các nhà nghiên cứu là "đặc quyền" này sẽ giúp nhân viên hứng khởi và từ đó tăng doanh số, nhưng thực tế ngược lại. 

Lý do: khách hàng thường xuyên không hài lòng vì nhân viên bận rộn chọn nhạc, đổi nhạc thay vì tương tác với họ; nhạc do nhân viên chọn thường quá to và "bốc", vì họ tin rằng như thế mới "khí thế" và khách hàng dễ mở ví hơn, trong khi thực tế thì ngược lại.

Kết luận cuối cùng: Nhân viên không có kỹ năng cần thiết để truyền tải thông điệp của nhãn hàng thông qua âm nhạc, và "khi lựa chọn nhạc của họ không phù hợp với hình ảnh của thương hiệu hoặc đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, doanh số sẽ sụt giảm".

Âm nhạc Giáng sinh: Những đôi tai khốn khổ, 8 tiếng nghe mãi một bài - Ảnh 4.

Nhạc cửa hàng, nếu chọn đúng, sẽ kích thích khách hàng mua sắm.

Theo CNN, nhiều thương hiệu lớn giao quyền chọn nhạc cho cửa hàng trưởng, một số có chương trình radio riêng, số khác lại thuê các công ty như Mood Media hay Soundtrack Your Brand làm tư vấn. Mỗi ngày có khoảng 150 triệu khách hàng đi mua sắm, ăn uống và nghe nhạc theo danh sách do Mood Media thiết kế.

Danny Turner, phó chủ tịch phụ trách sáng tạo toàn cầu của hãng, lãnh đạo một nhóm "thiết kế âm thanh" (sound designer) với nhiệm vụ chọn nhạc sao cho khách hàng thích thú còn nhân viên không phát điên. Họ sẽ tìm kiếm những bài hát có nhịp độ trung bình, âm điệu lạc quan, tiếng nhạc cụ sáng và rõ.

"Chúng tôi phải bảo đảm không có bất kỳ nhạc cụ kỳ quái hay cấu trúc lặp đi lặp lại, gây khó chịu nào trong các bài hát được chọn. Chúng tôi không muốn các nhân viên bán hàng la hét giữa các quầy kệ" - Turner nói với CNN.

Tất nhiên chỉ có hãng lớn mới xem trọng và đầu tư nghiêm túc chuyện nhạc trong cửa hàng đến thế. Nhân viên chỉ có thể ước giá như quản lý hay cửa hàng trưởng của họ được như Laura Garrison, chủ quán bar Stoneleigh P ở Dallas, người cấm tiệt không được mở bài All I Want for Christmas is You. Trước ngày 1-12, nếu khách hàng nào chọn bài này trên máy phát nhạc (jukebox) của quán, bartender sẽ dùng remote "bấm next" ngay và luôn. "SAU NGÀY 1-12, BÀI HÁT NÀY CHỈ ĐƯỢC MỞ MỘT LẦN MỖI ĐÊM" - bà chủ viết trong tờ thông báo nội quy mới, toàn bộ in hoa.

"[Mariah Carey] làm trùm Giáng sinh, nhưng tôi mới là người làm chủ cái quán bar này. Bốn bức tường này là của chị, cưng ạ" - Garrison nói với Wall Street Journal, gửi lời nhắn nhủ đến nữ diva.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận