Amazon trong bão táp kiện tụng

D.K.THOA 25/12/2022 10:50 GMT+7

TTCT - Nền tảng thương mại điện tử trực tuyến lớn nhất của Mỹ Amazon liên tục bị gọi tên trong nhiều vụ kiện thời gian qua, chủ yếu là các cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh.

Amazon trong bão táp kiện tụng - Ảnh 1.

Ảnh: The New Yorker

Từ đơn kiện của hãng luật đại diện cho quyền lợi của nhóm khách hàng về những hợp đồng bị cho là Amazon "ép giá" các nhà bán hàng bên thứ ba, các cuộc điều tra về chính sách với người lao động bị phàn nàn là quá khắc nghiệt, vô cảm, cho tới những cáo buộc về các vi phạm luật chống độc quyền trong luật pháp Mỹ…, Amazon đang đối mặt cùng lúc rất nhiều vụ kiện.

Thỏa thuận chốt giá

Cuối tháng 5-2021, chính quyền đặc khu Columbia nộp đơn kiện Amazon lên tòa án sở tại, cáo buộc bị đơn hoạt động kinh doanh phản cạnh tranh trong cách hành xử với người bán hàng trên nền tảng của họ. 

Trong đơn kiện, ông Karl Racine, tổng chưởng lý đặc khu Columbia, cáo buộc Amazon làm đội giá hàng hóa, cản trở đổi mới sáng tạo, và thu hẹp các lựa chọn trên thị trường bán lẻ online.

Đơn kiện lập luận Amazon đã dùng các điều khoản hợp đồng và chính sách áp dụng với các đơn vị bán hàng bên thứ ba để chốt một mức giá cố định cho hàng hóa bán trên nền tảng của họ. 

Theo đó, các cửa hàng nếu đã bán trên Amazon.com thì không được phép rao bán cùng sản phẩm đó trên bất cứ nền tảng nào khác, kể cả trang web của họ, với giá rẻ hơn hay có những điều kiện bán hàng ưu đãi hơn so với Amazon. 

Ông Racine gọi đó là "sự kiểm soát giá cả phi pháp trên toàn thị trường bán lẻ online" do Amazon là nhà bán lẻ online lớn nhất thế giới, kiểm soát 50-70% doanh số bán hàng của thị trường online toàn cầu.

Dĩ nhiên Amazon bác bỏ. Họ cho rằng những đòi hỏi trong đơn kiện của ông Racine "sẽ buộc Amazon hiển thị giá cao hơn, đi ngược lại một cách quái đản so với những mục tiêu cốt lõi của luật chống độc quyền", theo thông tin dẫn lại trên tờ The Hindu. 

Hãng công nghệ có trụ sở tại thành phố Seattle cũng nói họ "tự hào vì đã cung cấp hàng hóa có giá rẻ với những lựa chọn phong phú nhất", và "bảo lưu quyền không ưu tiên hiển thị các hàng hóa có giá bán không cạnh tranh".

Tháng 3-2022, thẩm phán Hiram Puig-Lugo của Tòa thượng thẩm Washington, D.C đã bác đơn kiện của ông Racine với lý do các nhà bán hàng được quyền lựa chọn nơi bán, do đó nếu họ không hài lòng với các điều khoản của Amazon, họ chỉ cần từ chối sàn này. Văn phòng của ông Racine nói sẽ kháng cáo.

Không nản lòng, tháng 9 năm nay, Tổng chưởng lý bang California Rob Bonta lại nộp đơn khởi kiện Amazon cũng với nội dung tương tự. 

Trong đơn, ông Bonta cáo buộc Amazon vi phạm luật pháp bang California khi yêu cầu nhà bán hàng ký thỏa thuận không bán sản phẩm của họ ở nơi khác với giá rẻ hơn so với giá trên Amazon.com. 

Ông Bonta cho rằng đó là hành vi phản cạnh tranh. Đơn kiện của ông đề nghị tòa ra lệnh cấm Amazon áp dụng những hợp đồng hạn chế cạnh tranh về giá như vậy, bồi thường cho nhà bán hàng và áp các khoản phạt tài chính khác với ông trùm bán lẻ trực tuyến.

Các nhà bán hàng bên thứ ba - những người bán độc lập - với hàng triệu sản phẩm, là một phần rất lớn trong cấu trúc của Amazon. Trong số hơn 2 triệu người bán hàng trên Amazon, công ty này cho biết hơn một nửa số hàng hóa đăng bán là của các nhà bán hàng bên thứ ba. 

Amazon kiếm được lợi nhuận rất lớn từ thu phí những người này. Ví dụ, trong 3 tháng đầu năm 2021, Amazon thu được 24 tỉ USD từ khoản phí này, tăng 64% so với cùng kỳ của năm 2020.

Amazon trong bão táp kiện tụng - Ảnh 2.

Người lao động Mỹ biểu tình đòi thành lập công đoàn ở Amazon. Ảnh: CNN

Thuật toán "chọn" nhà cung cấp

Không chỉ bị kiện vì cáo buộc "chốt giá" với bên bán, mới nhất, tháng 10 vừa rồi, Amazon lại đối mặt vụ kiện tập thể liên quan đến thuật toán Buy Box trên trang web công ty. Theo trang The Register, vụ kiện do bà Julie Hunter, "chiến binh" chuyên bảo vệ quyền lợi khách hàng, đệ đơn. 

Theo cáo buộc của nguyên đơn, Amazon đã vi phạm luật cạnh tranh khi sử dụng thuật toán để giành ưu thế theo cách không công bằng, ưu tiên những sản phẩm của họ và những nhà bán hàng được họ ưu ái.

Có thể hiểu thuật toán Buy Box như sau: khi người mua tìm kiếm một sản phẩm trên Amazon và bấm chọn xem một danh mục, họ sẽ được đi tới trang gồm thông tin chi tiết về sản phẩm, những bình luận của khách hàng cùng nhiều thông tin khác. 

Trong trường hợp món hàng đó có nhiều nhà cung cấp, Amazon sẽ quyết định chọn nhà cung cấp là bên thực hiện đơn hàng khi người mua bấm vào nút "Buy Now" ở góc bên phải màn hình máy tính. Khu vực này trên trang web được gọi là "Buy Box".

Theo bà Hunter và một số người khác, thuật toán Buy Box đã lựa chọn nhà cung cấp theo cách thiên vị, ưu tiên Amazon và các nhà cung cấp bên thứ ba đã trả khoản phí lớn hơn cho họ. 

Cụ thể, bà Hunter cáo buộc Amazon không chỉ ưu tiên cho sản phẩm của chính họ, mà còn cho cả các nhà bán lẻ đã đăng ký tài khoản Pro Merchant (tài khoản trả hoa hồng và phí chốt đơn hằng tháng lớn hơn), giúp các nhà cung cấp này được chọn là bên thực hiện đơn hàng. 

Thuật toán vì thế ngăn cản người mua không tìm thấy những lựa chọn có thể rẻ hơn và bất công cho các nhà bán hàng khác.

Bà Hunter tin là Amazon phải bồi thường khoản tiền tương đương 1 tỉ USD cho những tổn thất rất lớn với khách hàng riêng tại Anh vì thuật toán này. Hiện vụ kiện đang được Hãng luật Hausfeld & Co đại diện xử lý. 

"Người mua hàng online có quyền được đối xử công bằng và được đưa ra những quyết định sáng suốt", bà Hunter nói. 

Phía Amazon thì nói họ "tự tin là mọi chuyện sẽ sáng tỏ qua quá trình pháp lý", và "đã tập trung hỗ trợ 85.000 doanh nghiệp bán sản phẩm trên nền tảng Amazon tại Anh, với hơn một nửa doanh số bán hàng hóa ở Anh là từ các đối tác bán hàng độc lập của Amazon". ■

Quá hà khắc với người lao động?

Không chỉ dính líu các vụ kiện tụng về cạnh tranh, thời gian qua Amazon cũng đối mặt với cuộc điều tra liên quan chính sách lao động bị cho là quá khắc nghiệt và lạnh lùng.

Amazon bị "soi" kỹ hơn trong vấn đề này khi họ đã trở thành chủ lao động ở khối tư nhân lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Walmart. Công ty này tuyển hơn 1,1 triệu nhân viên làm việc trực tiếp tại Mỹ, không kể các nhân viên hợp đồng thời vụ.

Tháng 4-2022, Ủy ban giám sát và cải cách Hạ viện Mỹ đã gửi thư thông báo cho ông Andy Jassy, giám đốc điều hành của Amazon, cho biết họ sẽ điều tra về cách công ty đối xử với người lao động trong những điều kiện thời tiết nguy hiểm.

Trọng tâm cuộc điều tra liên quan tới vụ việc một trận lốc xoáy xảy ra tại trạm chuyển phát hàng của Amazon ở bang Illinois (Mỹ) làm 6 người chết.

"Chúng tôi lo ngại về các báo cáo gần đây cho rằng Amazon có lẽ đã để cho sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên của họ ở vào tình huống rủi ro, trong đó có cả việc yêu cầu họ làm việc trong những điều kiện nguy hiểm như trong lốc xoáy, bão và thời tiết cực đoan khác", bức thư có chữ ký của chủ tịch ủy ban, bà Carolyn B. Maloney, viết.

Báo chí Mỹ đã phản ánh nhiều về vấn đề lao động tại Amazon. Một ví dụ là chỉ số "Time off Task" mà Amazon dùng để theo dõi, giám sát thời gian làm việc của nhân viên tại các kho hàng. Chỉ số này được tính khi nhân viên rời khỏi vị trí làm việc.

Nhiều người nói với trang Business Insider là Amazon dùng Time off Task để giám sát chặt năng suất làm việc, và sẽ phạt người lao động nào không đáp ứng được định mức yêu cầu. Có những người thậm chí không dám đi vệ sinh vì sợ bị tính cộng dồn khoảng thời gian họ rời khỏi nơi làm việc trong lúc đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận